Phương pháp giáo dục pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 34 - 35)

Theo Từ điển Tiếng Việt, phương pháp là "cách thức nhận thức, nghiên cứu hiện tượng của tự nhiên và đời sống xã hội", là "hệ thống các cách sử dụng để tiến hành một hoạt động nào đó" [51, tr. 93]. Vậy phương pháp của Giáo dục pháp luật là tổng thể cách thức, biện pháp mà chủ thể giáo dục sử dụng để tác động lên đối tượng nhằm cung cấp tri thức pháp luật, tình cảm pháp luật và thói quen, hành vi chấp hành pháp luật về quốc phòng. Phương pháp giáo dục là một thành tố quan trọng của quá trình giáo dục, vì đây là

cách thức mà chủ thể giáo dục sử dụng để tác động lên đối tượng giáo dục. Nếu cách thức mà chủ thể sử dụng phù hợp với đối tượng thì sẽ đạt được mục đích, nâng cao được hiệu quả giáo dục và ngược lại.

Phương pháp giáo dục hiện nay rất đa dạng như phương pháp giáo dục thuyết phục, phương pháp tranh luận, phương pháp nêu gương, phương pháp rèn luyện, phương pháp xử lý tình huống, phương pháp thi đua, phương pháp bắt buộc xử phạt… Mỗi một phương pháp đều có vị trí, vai trò nhất định, có ưu điểm và nhược điểm và có mối quan hệ tác động qua lại bổ sung lẫn nhau như Makarenko đã khẳng định: "bất cứ một phương pháp nào cũng không được coi là tốt, là xấu nếu nó tách rời các phương pháp khác, tách rời toàn bộ những ảnh hưởng phức tạp" [34, tr. 12]. Chính vì thế, khi sử dụng các phương pháp phải căn cứ vào đối tượng, nội dung chương trình giáo dục, mục đích giáo dục để lựa chọn sử dụng các phương pháp cho phù hợp; nếu tuyệt đối hóa hoặc hạ thấp một phương pháp nào đều ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 34 - 35)