Giáo dục pháp luật nhằm trang bị cho mỗi người một trình độ kiến thức pháp lý nhất định, để từ đó có ý thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật. Trước hết do giáo dục pháp luật được tiến hành trên cơ sở của pháp luật; pháp luật là tiền đề để tiến hành giáo dục pháp luật mà pháp luật luôn phản ánh trình độ phát triển kinh tế xã hội. Pháp luật là yếu tố của kiến trúc thượng tầng xã hội do đó pháp luật được sinh ra trên cơ sở hạ tầng và được quy định bởi cơ sở hạ tầng; trong mối quan hệ giữa pháp luật và kinh tế thì kinh tế giữ vai trò quyết định đối với pháp luật, mọi sự thay đổi của kinh tế sẽ dẫn đến những thay đổi tương ứng của pháp luật. Khi hệ thống pháp luật giải quyết tốt mối quan hệ giữa pháp luật với kinh tế, chính trị, đạo đức, tập quán truyền thống và các quy phạm xã hội khác sẽ có ảnh hưởng tốt đến giáo dục pháp luật. Nếu hệ thống pháp luật không phản ánh đúng trình độ phát triển kinh tế-xã hội, tức là trình độ pháp luật thấp hơn hoặc cao hơn trình độ kinh tế- xã hội sẽ làm mất đi vai trò của pháp luật, nội dung tri thức pháp luật được truyền đạt đến người dân sẽ không có ý nghĩa do đó mục đích của giáo dục pháp luật sẽ không đạt được.
Trước đây, do cơ chế hành chính quan liêu bao cấp nền kinh tế nước ta kém phát triển nhu cầu điều chỉnh bằng pháp luật không được coi trọng, công tác giáo dục pháp luật không được chú ý. Hiện nay, trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các quan hệ kinh tế đa dạng, phức tạp nên vai trò điều chỉnh của pháp luật càng quan trọng nhất là trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, do đó, công tác giáo dục pháp luật càng được đề cao.
Trình độ phát triển kinh tế tác động to lớn đến giáo dục pháp luật. Nếu nền kinh tế phát triển thì hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo
dục pháp luật sẽ cao và đầy đủ. Nếu nền kinh tế kém phát triển thì những cơ sở vật chất phục vụ việc giáo dục pháp luật sẽ thiếu do đó công tác giáo dục pháp luật sẽ không thu được kết quả cao. Ở nước ta, do xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu lại chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, vì vậy, mà cơ sở vật chất nói chung cũng như cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giáo dục pháp luật còn thiếu và gặp nhiều khó khăn, nguồn kinh phí phục vụ cho công tác này còn hạn chế chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước, ngoài ra còn huy động từ các tổ chức, cá nhân, trong và ngoài nước nhưng không nhiều.