Nhận thức của một số cán bộ, kể cả cán bộ chỉ huy vẫn chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tế, còn nặng về hình thức, báo cáo, giao nhiệm vụ cho cấp dưới thực hiện, chưa thấy hết được vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hơn nữa, chủ yếu những thành viên trong Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật cũng là kiêm nhiệm nên trách nhiệm, nhiệt tình, thời gian tâm huyết cho công tác này chưa cao.
Chưa có một cơ chế lãnh đạo, chỉ huy thống nhất và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Vậy nên, công tác này còn mang tính tự phát, thiếu kế hoạch, không được sơ, tổng kết một cách thỏa đáng để tìm ra những nguyên nhân, bài học cần thiết cho hoạt động tiếp theo.
Các nhà trường quân đội thiếu một chương trình chuẩn về giảng dạy pháp luật cũng như giáo trình chuẩn thống nhất về môn học đó. Trong chương trình hiện nay nội dung một số bài còn trùng lặp với nội dung của một số môn học khác, trong khi nội dung thiết thực về pháp luật về quốc phòng, đặc điểm của các ngành luật trong quân đội thì lại ít hoặc chưa được giảng dạy.
Thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy, giáo dục pháp luật vừa có kiến thức về pháp luật vừa có khả năng sư phạm cần thiết; chưa có biện pháp thích hợp để đào tạo đội ngũ giáo viên pháp luật cho các học viện, nhà trường; chưa tổ chức các lớp tập huấn báo cáo viên pháp luật cho các đơn vị. Do thiếu chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật nên nhiều đơn vị chỉ tổ chức đọc chương trình giáo dục pháp luật từ trên xuống mà chưa tổ chức báo cáo, lên lớp, thảo luận theo như hướng dẫn.
Công tác giáo dục nâng cao ý thức pháp luật ở các đơn vị chưa được cấp ủy, chỉ huy quan tâm thường xuyên. Quỹ thời gian dành cho giáo dục pháp luật hàng năm còn ít, một số đơn vị chưa thường xuyên quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng, các mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ, thực hiện không nghiêm các qui chế, quy định trong tuyển chọn người vào các cơ quan trọng yếu dẫn đến không kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các vụ việc phạm tội nghiêm trọng, có nơi khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo chỉ huy xử lý thiếu kiên quyết, nghiêm minh, thậm chí giấu giếm sợ ảnh hưởng đến thành tích nên cũng không đạt được mục đích giáo dục pháp luật.
Công tác bảo đảm còn nhiều hạn chế. Chưa có nguồn kinh phí cần thiết cho công tác giáo dục pháp luật. Thiếu các phương tiện, công cụ truyền tải, thiếu các tài liệu cần thiết, trong khi các phương tiện thông tin đại chúng của quân đội lại chưa dành cho công tác này một vị trí thích đáng.
Phải nói rằng, những năm qua công tác giáo dục pháp luật trong quân đội đã được thực hiện thường xuyên, kết quả đạt được rất khả quan. Tuy nhiên, công tác này mới chỉ đi vào chiều rộng mà chưa có chiều sâu, mới chỉ bắt buộc một chiều mà chưa phát huy được tính tích cực, tự giác của quân
nhân. Hình thức nặng về phổ biến hơn là giáo dục pháp luật, chưa động viên được lực lượng tổng hợp trong quân đội để thực hiện công tác này.
Thực trạng tình hình hiểu biết pháp luật trong quân đội cho thấy nhận thức pháp luật của nhiều quân nhân còn hạn chế. Ngay cả trong hàng ngũ cán bộ, chỉ huy các đơn vị tình trạng này cũng rất đáng lo ngại cho việc quản lý đơn vị bằng pháp luật của nhà nước và điều lệnh quân đội. Nhận thức pháp luật có nhưng lại chưa chuyển biến thành tình cảm, lòng tin và thói quen tuân thủ pháp luật. Thực trạng ý thức pháp luật thấp trong cán bộ, chiến sĩ là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng vi phạm pháp luật, phạm tội ở các đơn vị đang xảy ra phức tạp và chưa có chiều giảm hiện nay.
Nhận ra được những ưu, nhược điểm, nguyên nhân của những ưu nhược điểm của công tác này để từ đó có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, kịp thời sửa đổi những điểm yếu, tiếp tục phát huy những điểm mạnh. Kịp thời đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chương 3