Phong tục tập quán, truyền thống dân tộc

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 39 - 41)

Nước ta có một truyền thống văn hóa lâu đời, đó là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng, truyền thống "lá lành đùm lá rách", tinh thần tương thân tương ái, ý chí đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường… với những truyền thống tốt đẹp đó người dân Việt Nam luôn tin tưởng vào đường lối của Đảng và nhà nước điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giáo dục pháp luật.

Nhưng bên cạnh đó, nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu, chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa nên người dân thường có tâm lý tùy tiện, ý thức và lối sống theo pháp luật chưa cao, ý thức dân chủ chưa phát triển. Thêm vào đó, nước ta phải trải qua một nghìn năm bắc thuộc phong kiến, các cuộc chiến tranh liên miên, nên đã hình thành trong nhân dân ý thức chống đối pháp luật để giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, tư tưởng "phép vua thua lệ làng". Xã hội làng xã Việt Nam trước đây chủ yếu được quản lý bằng hương ước đã dẫn đến hệ quả người Việt từ bao đời nay quen sống với luật tục mà không quen sống theo pháp luật. Người Việt chịu ảnh hưởng của Nho giáo- một học thuyết với "nguyên bản" nặng tính giáo dục đạo đức, không đề cao pháp luật mà chỉ khuyên người ta xử sự theo đúng vị thế của mình, theo đạo "quân - phu - phụ" và "tam cương, ngũ

thường"… bằng "nhân - nghĩa - lễ - trí - tín". Trong điều kiện luật tục, luật lệ có ảnh hưởng lớn đến đời sống và rất được coi trọng thì Nho giáo càng củng cố thêm nhận thức, những quan niệm về sự không cần thiết phải áp dụng pháp luật trong đời sống làng, xã. Nền sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp, tự túc làm cho người dân không có mối quan hệ trên một diện rộng và phức tạp. Trong giao tiếp, cư xử hàng ngày người dân chỉ dùng lòng tin với nhau là chính. Phần lớn các tranh chấp giữa người làng với nhau được giải quyết bằng hòa giải theo phương chậm "nhường nhịn", "chín bỏ làm mười", lấy cái tình mà xử với nhau, chứ không phải bằng lý, bằng luật. Mặt khác hệ thống pháp luật nước ta lại ra đời muộn, Nhà nước Phong kiến thường chấp nhận và khuyến khích việc xử lý theo luật tục, lệ tục "lệ làng hóa phép nước". Phần đông dân cư lại không được tiếp xúc với các văn bản pháp luật để nghiên cứu, tìm hiểu do việc tổ chức tuyên tuyền, phổ biến pháp luật chưa được chú trọng, phương tiện truyền tải thông tin khá thô sơ, các văn bản pháp luật được in ra ít. Tóm lại, điều kiện sống đã làm cho người dân Việt có tâm lý trọng "tình", trọng "tục", phần đông người dân quen sống theo luật tục, lề thói, ít quen sống với pháp luật, ít tin tưởng vào pháp luật, trong khi đó một bộ phận quan lại, viên chức các cấp tha hóa, biến chất, "nhờn luật", "liều luật", điều này là một cản trở rất lớn đối với công tác giáo dục pháp luật.

Thêm vào đó, trình độ văn hóa người dân nước ta còn thấp nhiều phong tục tập quán lạc hậu đã ăn sâu vào trong tiềm thức người dân khó thay đổi như: nạn tảo hôn, tình trạng mê tín dị đoan… Do đó, công tác giáo dục pháp luật phải tác động một cách thường xuyên, lâu dài thì mới thay đổi được nếp sống đó.

Vấn đề đặt ra là cần phải kết hợp một cách hài hòa giữa truyền thống dân tộc, phong tục tập quán, đạo đức với giáo dục pháp luật cho phù hợp với sự phát triển của xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế - quốc tế là điều mà chúng ta đang và sẽ phải làm cho tốt. Như vậy, mới phát huy được hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trên thực tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 39 - 41)