Hoạt động giáo dục pháp luật có quan hệ chặt chẽ với hệ thống pháp luật hiện hành vì hệ thống pháp luật là cơ sở cho việc hình thành, đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật, công tác giáo dục pháp luật là cầu nối, là phương tiện quan trọng đưa pháp luật vào đời sống xã hội. Một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh sẽ tạo thuận lợi cho công tác giáo dục pháp luật vì giáo dục pháp luật phải dựa trên các văn bản pháp luật có liên quan. Thông qua hoạt động giáo dục pháp luật các cơ quan xây dựng pháp luật nắm bắt được yêu cầu, nguyện vọng của công dân, tổ chức xã hội để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, qua đó đánh giá tính khả thi, hiệu quả của văn bản pháp luật. Mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật là yếu tố ảnh hưởng đến công tác giáo dục pháp luật. Mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật được đánh giá
qua các tiêu chí: tính hệ thống, tính đồng bộ, tính phù hợp và trình độ kỹ thuật pháp lý cao.
Tính hệ thống của hệ thống pháp luật đòi hỏi hệ thống pháp luật phải có đủ các ngành luật theo cơ cấu nội dung logic và thể hiện thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương ứng, phải có đủ các chế định pháp luật và các quy phạm pháp luật. Tính hệ thống của pháp luật là cơ sở cung cấp lượng tri thức pháp luật đầy đủ cho nội dung giáo dục pháp luật.
Tính đồng bộ thể hiện ở sự phát triển tương đối đồng đều các ngành luật, các lĩnh vực pháp luật, các chế định pháp luật trong hệ thống pháp luật. Trong điều kiện hiện nay đòi hỏi nhà nước ta cần quan tâm xây dựng và phát triển cả lĩnh vực luật công và luật tư, cả luật nội dung và luật hình thức. Tính phù hợp của hệ thống pháp luật thể hiện sự tương quan giữa trình độ phát triển của hệ thống pháp luật với trình độ phát triển của kinh tế - xã hội. Một hệ thống pháp luật được đánh giá là có tính phù hợp có nghĩa là nó đã phản ánh đúng trình độ phát triển của xã hội về kinh tế, về văn hóa và xã hội [31, tr. 458-459].
Mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật còn được đánh giá ở trình độ pháp lý cao thể hiện ở những nguyên tắc tối ưu được vạch ra để áp dụng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật; việc xác định chính xác cơ cấu pháp luật; ngôn ngữ pháp lý biểu đạt phải cô đọng, chính xác, một nghĩa, trong sáng. Trình độ pháp lý cao làm cho người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận với pháp luật do đó công tác giáo dục pháp luật sẽ thu được kết quả cao.
Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường với những quan hệ đa dạng, phức tạp thì vai trò điều chỉnh của pháp luật càng trở nên quan trọng. Pháp luật sẽ tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động. Cũng chính thông qua hoạt động giáo dục pháp luật sẽ làm cho pháp luật ngày càng đi sâu vào trong nhận thức của nhân dân.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật nước ta vẫn còn thiếu đồng bộ, thiếu chế tài điều chỉnh, các văn bản pháp luật lại sửa đổi thường xuyên nên cũng gây nhiều khó khăn cho công tác giáo dục pháp luật.