Nội dung giảng dạy pháp luật trong các nhà trường quân độ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 102 - 104)

Hiện nay, ngoài các trường chuyên luật (các khóa đào tạo cử nhân luật) và bán chuyên luật (Đại học biên phòng), các trường quân đội chủ yếu đào tạo kiến thức cơ bản về Nhà nước và pháp luật với số lượng thời gian không nhiều từ 45 đến 60 tiết.

Chương trình giảng dạy pháp luật gồm những nội dung cơ bản sau: Một số vấn đề cơ bản về nhà nước và pháp luật nói chung và nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa nói riêng như: Sự ra đời và bản chất của nhà nước và pháp luật; tổ chức bộ máy nhà nước, khái niệm chung về pháp luật xã hội chủ nghĩa, pháp luật và pháp chế; Một số ngành luật cụ thể như: luật Hiến pháp, luật hình sự và tố tụng hình sự, pháp luật hành chính quân sự, vấn đề tôn trọng và bảo vệ các quyền và tự do dân chủ của công dân, Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Luật Dân sự, Luật hành chính, Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật sĩ quan…

Trên cơ sở nội dung chương trình đã được Tổng cục Chính trị quy định, từng thời kỳ, căn cứ vào mục tiêu và nhiệm vụ đào tạo cụ thể, các nhà trường quân đội cụ thể hóa chương trình đó cho phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, chủ yếu là bổ sung thêm hoặc cấu tạo lại thời gian cho môn học một cách hợp lý.

Nghiên cứu chương trình giảng dạy trên thực tế, có thể thấy một số ưu điểm và hạn chế sau:

Ưu điểm:

Chương trình đảm bảo trang bị cho người học những kiến thức cơ bản, hệ thống và thiết thực về nhà nước và pháp luật; tạo cơ sở cho người học hiểu được vai trò của nhà nước và pháp luật trong xã hội, hệ thống pháp luật của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên cơ sở những kiến thức này, người học nâng cao ý thức pháp luật, tự giác rèn luyện, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, pháp luật của nhà nước.

Chương trình hiện nay cơ bản phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà nước. Nội dung chương trình đã có sự phân biệt cho các đối tượng học: Đối với hệ cao đẳng, tập trung hơn vào phần lý luận chung về nhà nước và pháp luật; đối với hệ đại học là chương trình nhà nước và pháp luật đại cương; đối với chương trình đào tạo nâng cao thì chương trình có sự chọn lọc hơn;chương trình đào tạo của Học viện hậu cần ngoài các nội dung chung có bổ sung một số môn học về luật kinh tế, lao động cho sát với lĩnh vực đào tạo…

Hạn chế:

Chưa có chương trình giáo dục pháp luật cho đối tượng đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật bậc trung học chuyên nghiệp.

Chương trình giảng dạy pháp luật còn có một số nội dung trùng với các môn học khác như nguồn gốc, bản chất, chức năng nhà nước, các hình thức nhà nước cơ bản đã được giảng dạy ở môn chủ nghĩa duy vật lịch sử hoặc chủ nghĩa xã hội khoa học. Trong khi lại thiếu hoặc không đủ lượng kiến thức pháp luật khác, nhất là pháp luật liên quan đến việc bảo vệ quyền tự do dân chủ của công dân hoặc liên quan đến quản lý nhà nước về quốc phòng.

Chương trình nhà nước và pháp luật chưa được xây dựng thành một hệ thống từ thấp đến cao, có sự phân cấp chương trình giữa các cấp học và sự

liên thông giữa các loại chương trình. Do vậy, nếu một người theo học ở các cấp học khác nhau thì việc học tập môn học pháp luật sẽ có những nội dung trùng lặp nhau.

Để thực hiện chương trình giảng dạy đề ra, trong hệ thống các nhà trường nói chung chưa có tài liệu giảng dạy hoặc giáo trình thống nhất, phù hợp với nội dung bài học. Đội ngũ giáo viên còn trẻ, mới được đào tạo về luật còn thiếu kinh nghiệm biên soạn tài liệu giảng dạy hoặc giáo trình nên chủ yếu sử dụng các giáo trình của các trường chuyên luật thuộc hệ thống đào tạo của nhà nước, không sát với thực tiễn quân đội nên học viên có nhiều nội dung rất khó tham khảo, tiếp thu.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 102 - 104)