tranh chấp quyền sử dụng đất
Hòa giải tranh chấp QSDĐ là một phương pháp mềm dẻo và linh hoạt, hiệu quả nhằm giúp các bên tranh chấp tìm ra được giải pháp thống nhất, thuận tiện nhất để gỡ bỏ được những mâu thuẫn, bất đồng trong quan hệ pháp luật đất đai trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận. Trong hoạt động tranh chấp QSDĐ thì hòa giải đóng một vị trí vô cùng quan trọng. Nếu hòa giải thành có nghĩa là tranh chấp đã chấm dứt; hạn chế được sự tốn kém cho các đương sự, mà còn giảm bớt được công việc đối với các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải quyết tranh chấp; phù hợp với truyền thống đạo lý, tương thân, tương ái của dân tộc, giữ được tình làng nghĩa xóm, bảo đảm được đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Hồ Chí Minh đã từng dạy: "Xét xử đúng là tốt, nhưng không phải xét xử thì càng tốt" [36, tr. 462].
Kết quả nghiên cứu lý luận cho thấy, tranh chấp QSDĐ là một hiện tượng xã hội xảy ra trong bất kỳ hình thái kinh tế - xã hội nào. Theo nghĩa rộng thì tranh chấp QSDĐ là biểu hiện sự mâu thuẫn, bất đồng trong việc xác định quyền quyền sử dụng đối với đất đai, phát sinh trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc sử dụng đất đai. Theo nghĩa hẹp thì tranh chấp QSDĐ là tranh chấp về lợi ích của chủ sở hữu đối với quyền năng khai thác từ đất đai của mình. Theo giáo trình Luật đất đai của trường Đại học Luật Hà Nội thì: "Tranh chấp đất đai là sự bất đồng, mâu thuẫn hay xung đột về lợi ích, về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai" [36, tr. 455]
Theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định tranh chấp đất đai là: "Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai" [26, Điều 3] Theo quy định của tố tụng dân sự thì tranh chấp đất đai được hiểu là các tranh chấp liên quan
đến quyền và nghĩa vụ bao gồm: Tranh chấp về việc ai là người có QSDĐ, tranh chấp hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại QSDĐ, thừa kế, thế chấp, góp vốn,… Trong phạm vi của luận văn này, hòa giải tranh chấp về QSDĐ được hiểu theo nghĩa là hòa giải tất cả các tranh chấp liên quan đến QSDĐ.
Có nhiều quan điểm khác nhau về hòa giải. Có quan điểm cho rằng: "Hòa giải là sự can thiệp, sự làm trung gian hòa giải; hành vi của người thứ ba làm trung gian giữa hai bên tranh chấp nhằm thuyết phục họ dàn xếp hoặc giải quyết tranh chấp giữa họ. Việc giải quyết tranh chấp thông qua người trung gian hòa giải (bên trung lập)" [43, tr. 307]. Bên cạnh đó, về bản chất của hòa giải, theo Từ điển tiếng Việt thì: "hòa giải là thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa" [41, tr. 430]. Nội dung của khái niệm này là đề cập đến hành động và mục đích hòa giải nhưng chưa nêu được các yếu tố như bản chất, nội dung và chủ thể của hòa giải
Theo Từ điển Pháp lý của Rothenberg: "Hòa giải là hành vi thỏa hiệp giữa các bên sau khi có tranh chấp, mỗi bên nhượng bộ một ít" [44, tr. 410]. Còn Từ điển Luật học của Black cho rằng: "hòa giải là sự can thiệp, sự làm trung gian hòa giải; hành vi của người thứ ba làm trung gian giữa hai bên tranh chấp nhằm thuyết phục dàn xếp hoặc tranh chấp giữa họ" [42 tr. 152]. Định nghĩa của Rothenberg đã nêu được bản chất của hòa giải nhưng chưa nêu được hành vi, vai trò trung gian của bên thứ ba trong hòa giải. Điều này đã khắc phục được trong Từ điển Luật học của Black.
Có một số cách hiểu: "hòa giải là hành vi thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột, xích mích một cách ổn thỏa"; hoặc "Hòa giải cũng là giải quyết các tranh chấp, bất đồng giữa hai hay nhiều bên tranh chấp bằng việc các bên dàn xếp, thương lượng với nhau có sự tham gia của bên thứ ba (không phải bên tranh chấp)". Ngoài ra, cũng có một số cách lý giải về hòa giải như:
"hòa giải là sự thuyết phục các bên tranh chấp tự giải quyết tranh chấp của mình một cách ổn thỏa".
Từ các khái niệm nêu trên cho thấy hòa giải gồm có các yếu tố cốt lõi sau đây: thứ nhất, có hòa giải khi phải có tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra giữa các chủ thể với nhau; thứ hai, là việc một bên thứ ba ngay tình tiến hành tập hợp tất cả các hành vi, yếu tố gây xa sự xung đột, mâu thuẫn của các bên đối phương lại rồi từ đó thu hẹp lại vấn đến và tìm ra cách thuyết phục các bên nhìn nhận lại toàn bộ vấn đề đang mâu thuẫn; thứ ba, cách giải quyết dựa trên căn cứ pháp luật là một phần, nhưng chủ yếu đó chính là tập hợp ý chí tự nguyện thỏa thuận giữa các bên với nhau, giảm xung đột và mâu thuẫn dừng lại. Nhìn chung, hòa giải là một hành vi mang tính chất tự nguyện, dùng ý chí của một người ngay tình thứ ba tác động, hỗ trợ cho các chủ thể đang có mâu thuẫn với nhau có thể thương lượng, thỏa thuận, để giải quyết tranh chấp của mình một cách mềm dẻo nhất. Mục đích chính của hòa giải là nhằm làm cho hai bên có thể tự nguyện thỏa thuận với nhau để đi tới chấm dứt được mâu thuẫn và xung đột.
Từ các quan niệm, cách giải thích ở trên cho thấy, mặc dù có sự khác nhau về cách sử dụng từ ngữ nhưng suy cho cùng có thể hiểu: Hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp với sự giúp đỡ của một bên thứ ba trung gian, các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận giải quyết các tranh chấp phù hợp với các quy định của pháp luật, truyền thống, đạo đức xã hội.
Như vậy, hòa giải tranh chấp quyền sử dụng đất là một kỹ năng, phương pháp giải quyết các tranh chấp liên quan quan đến người bên thứ ba độc lập, làm trung gian trong việc giúp các bên có tranh chấp tìm kiếm được những giải pháp thích hợp nhất để giải quyết các tranh chấp về quyền và lợi ích liên quan đến QSĐĐ và thỏa thuận với nhau về việc giải quyết quyền và lợi ích của mình. Hòa giải tranh chấp QSDĐ là một phương thức tranh chấp được ghi nhận trong hệ thống pháp luật về hòa giải và pháp luật về đất đai.