1.2. Khái niệm, ý nghĩa và các nguyên tắc phản biện xã hội của Mặt trận
1.2.1. Khái niệm phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Về mặt cấu từ “phản biện”, chữ “phản” trong Từ điển tiếng Việt phổ thông có nghĩa là “ngược lại”. Theo Từ điển Nguyễn Quốc Hùng chữ “phản” có nghĩa là “lật lại” “trở về” “quay về”, “tự xét mình”. Ví dụ, các từ gép với “phản” như: phản diện – mặt đối lập; phản đối – ý kiến chống lại; phản công – tấn công trở lại; phản chủ - làm ngược lại với người chủ của mình...
Trong khi đó từ “biện” theo Từ điển tiếng Việt phổ thông có nghĩa là “phân biệt”, “xem xét”, là dùng các thông tin, hiểu biết của mình để đưa ra đánh giá. Theo Từ điển của Thiều Chửu có nghĩa “phân tích, biện xét”. Còn theo Từ điển của Nguyễn Quốc Hùng có nghĩa là “tranh luận”, “cãi cọ”. Ví dụ các từ gép từ biện như: luật sư biện hộ - người bào chữa cho thân chủ của mình tại Toà án; duy vật biện chứng – xem xét sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ tác động qua lại với nhau; biện giải, biện minh – đưa ra các lý lẽ, giải thích cho một vấn đề nào đó...
Đem gép hai ý từ đó lại với nhau thì phản biện có nghĩa tựu chung là:
Dùng một sự phân biệt, phân tích, tranh luận, cãi cọ để chống lại, xem xét lại một vấn đề nào đó.
Trong ngôn ngữ Việt Nam còn có nhiều cụm từ có cấp độ nghĩa gần giống với phản biện như: phản đối, phản ánh, tranh luận, đưa ra ý kiến...Về mặt ý nghĩa thì các cụm từ này đều hướng đến mô tả các khía cạnh của hoạt động giao tiếp, tương tác của con người với thế giới xung quanh được biểu hiện thông qua thái độ, tình cảm, lý trí, phương pháp, công cụ, mục đích...cho việc nhận thức một vấn đề cụ thể nào đó trong tự nhiên và xã hội. Cũng chính sự khác nhau về các khía cạnh đó mà tạo ra các ý nghĩa tính chất xã hội khác nhau khi đưa vào sử dụng ở văn nói cũng như văn viết.
Ở những thập niên 90 của thế kỉ trước, cụm từ phản biện và phản biện xã hội ít được sử dụng trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước, ngay cả trong các diễn văn chính trị, các bài phát biểu của những người lãnh đạo nhà nước Việt Nam, thậm chí cụm từ này cũng ít được sử dụng trong văn hoá giao tiếp thông thường. Mặc dầu cụm từ phản biện xã hội đã không còn xa lạ gì đối với những người hoạt động khoa học.
Theo học giả Đinh Gia Hưng (2012)cho rằng:
Cụm từ phản biện xuất phát trong lãnh vực khoa học, từ những sự hoạt động mang tính hàn lâm, mang tính nghiên cứu, mang tính là có một thể chế,
đánh giá một công trình khoa học hay một đề án nghiên cứu. Ví dụ: Hội đồng phản biện khoa học, người phản biện khoa học [3]
Thuật ngữ phản biện đã tồn tại lâu dài và quen thuộc trong môi trường học thuật, đặc biệt là trong hoạt động đánh giá, nghiệm thu các đề tài khoa học; trong việc bảo vệ các luận án, luận văn khoa học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo... .Ở đó có sự hiện diện của hội đồng phản biện hoặc người phản biện khoa học để đặt ra các câu hỏi tương tác, đưa ra các phân tích, lý thuyết ủng hộ hoặc bác bỏ hoặc nêu ra các giả thuyết và tranh luận ngược trở lại với những ý kiến, quan điểm khoa học của cá nhân, chủ thể là tác giả của công trình khoa học đó.
Theo thời gian, sự ảnh hưởng của văn hoá phản biện khoa học được lan toả sang các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực ban hành chính sách công. Quá trình ảnh hưởng đó là hết sức tất yếu và cần thiết.
Cũng cần phải nói thêm rằng, các học giả ở Việt Nam là những người đã có vai trò rất quan trọng trong việc nỗ lực thúc đẩy, dẫn dắt tinh thần của phản biện khoa học, phản biện xã hội chuyển hoá vào lĩnh vực ban hành chính sách công thông qua rất nhiều các công trình nghiên cứu khoa học về chính trị - pháp lý và từ các tham luận cá nhân, các hội thảo, hội nghị, diễn đàn chính sách... Sự nỗ lực đó cuối cùng cũng đạt được thành tựu khi mà lần đầu tiên, thuật ngữ “phản biện xã hội” đã được ghi nhận chính thức trong Hiến pháp 2013.
Xét từ góc độ thực tiễn, hội nhập kinh tế quốc tế đã làm thay đổi tư duy về các khía cạnh của thể chế, đặc biệt là sự đảm bảo dân chủ để phù hợp với các quy luật của nền kinh tế biến hoá và năng động. Về xã hội, các nhu cầu về tự do ngôn luận của người dân ngày càng tăng lên, đặc biệt với sự bùng nổ của truyền thông và không gian mạng xã hội đã giúp cho việc trao đổi, tương tác, giám sát... thông tin giữa người dân với người dân và giữa người dân với nhà nước ngày càng tốt hơn. Các nhóm quyền về tự do báo chí, tự do biểu đạt
ngày càng được phát huy theo xu hướng dân chủ cởi mở và tôn trọng sự khác biệt. Các hoạt động của những nhóm, hội đại diện cho cộng đồng người yếu thế cũng ngày càng được xã hội quan tâm thích đáng từ giác độ nhân quyền. Trình độ dân trí ngày càng được cải thiện rõ rệt nên nhu cầu có được sự phản biện xã hội, được đóng góp tiếng nói, quan điểm của mình cho Đảng và Nhà nước là một nhu cầu tất yếu và khách quan.
Phản biện xã hội rõ ràng là một nhu cầu có tính kế thừa, một đòi hỏi khách quan phù hợp với tiến trình cải cách chính trị ở Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là: quyền năng này giao cho ai, giao cho Đảng hay cho tổ chức chính trị - xã hội hay Nhà nước hay là các nhóm xã hội dân sự thì lại phải có sự cân nhắc xem xét các ưu điểm, nhược điểm của từng thể chế cũng như các yếu tố đặc thù chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Từ giác độ độ lý luận và học thuật đã có nhiều quan điểm đưa ra định nghĩa về phản biện xã hội, sau đây tác giả xin được trích dẫn và phân tích một số quan niệm tiêu biểu:
Theo PGS.TS. Bùi Xuân Đức (2010) thì phản biện xã hội được hiểu là:
“Sự nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, khẳng định những nội dung đúng đắn của dự thảo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án, đề án đồng thời phát hiện những điểm chưa chính xác, chưa phù hợp với đời sống xã hội và lợi ích chính đáng của Nhân dân để kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp”.[1]
Theo quan điểm trên của tác giả thì phản biện xã hội không đơn thuần chỉ là sự phê phán, phát hiện những điểm chưa đúng đắn chính xác trong đường lối chính sách mà còn bao hàm cả nội dung đánh giá, nêu chính kiến và ủng hộ những nội dung đúng đắn của dự thảo chủ trương, đường lối.
Theo nghĩa rộng thì PBXH là sự phản biện nói chung, có quy mô và lực lượng rộng rãi từ xã hội, của Nhân dân, và các nhà khoa học về nội dung,
phương hướng, chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, trật tự an ninh chung toàn xã hội của Đảng, Nhà nước và các tổ chức liên quan. Những chính sách chịu sự phản biện bao gồm là những dự thảo, chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước sẽ được thực hiện trong tương lai gần hoặc tương lai xa; nó tác động đến xã hội rộng lớn nên lực lượng phản biện lại nó chỉ có thể là xã hội hoặc đại diện cho xã hội.
Trong tác phẩm Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội X của Đảng (2006) thì: PBXH là phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân, ý thức trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước. Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. PBXH là nhu cầu cần thiết và đòi hỏi bắt buộc của quá trình lãnh đạo và điều hành đất nước, khắc phục tệ quan liêu. Thực hiện phản biện xã hội cũng chính là con đường đưa nhân dân đến thực hiện quyền dân chủ trực tiếp. [14, tr.182- 183]
GS.TS. Nguyễn Đăng Dung có đưa ra nhận định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như sau:
“...Pháp luật như là hình thức chứa đựng các nội dung chính sách. Muốn có pháp luật đúng thì trước tiên phải có chính sách đúng. Chính sách quyết định việc phân bổ thu và chi ngân sách. Muốn cho chính sách không áp đặt, không phiến diện, thể hiện đúng quy luật khách quan, thì phải có ý kiến của nhiều tổ chức, nhiều chủ thể khác nhau. Thậm chí muốn có một dự thảo chính sách đúng cần phải có người phản biện có trách nhiệm. Phản biện có trách nhiệm ở đây có nghĩa tìm ra sự đúng đắn, mà không phải là phủ nhận vấn đề...” [2]
GS. Nguyễn Đăng Dung dường như tiếp cận nội hàm phản biện xã hội từ giác độ là một chuyên gia nghiên cứu về pháp luật công. Pháp luật với tư cách
là hình thức chứa đựng của chính sách và phản biện xã hội đi theo hướng là truy tìm đúng quy luật khách quan và phải được thực hiện thông qua những người có “trách nhiệm”. Thuật ngữ “người phản biện có trách nhiệm” đã gợi mở ra hướng xây dựng nguyên tắc trách nhiệm trong phản biện xã hội. Đó là sự tận tâm, thiện chí, trung thực, hợp tác tích cực trong PBXH. Nếu sự phản biện chỉ dừng lại ở tính nghi thức thì sự phản biện đó sẽ không tránh khỏi hoặc là “phiến diện” hoặc là “tung hô” “áp đặt” chính sách. Phản biện có trách nhiệm sẽ giúp cho người ta tìm ra được sự đúng đắn với một thái độ hợp tác, tích cực mà không phải là một thái độ bôi nhọ, chống đối, phủ nhận vấn đề.
Trong bài luận này của mình, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung cũng đưa ra phân tích về lợi thế của tổ chức Mặt trận tổ quốc:
“.... Khác với đảng cầm quyền và chính phủ của đảng cầm quyền, Mặt trận có các tổ chức thành viên, có một tổ chức các hiệp hội khoa học kỹ thuật, tập hợp đông đảo các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, có rất nhiều người có trình độ tri thức, chuyên môn tương ứng với từng ngành nghề, từng lĩnh vực, trong nước và ngoài nước. Cho nên có thể nói rằng, mọi chính sách của Đảng và Nhà nước, tổ chức Mặt trận đều có khả năng đóng góp một cách thiết thực. Sự ghi nhận như vậy cả về mặt con người lẫn cả về mặt chính sách càng có thể khẳng định, Mặt trận Tổ quốc chính là sự bù đắp cho những thiếu hụt của chế độ chính trị một đảng. Ngay cả những người chống đối chế độ chính trị của chúng ta một cách quyết liệt trước đây cũng phải thừa nhận...”
Đánh giá của Giáo sư Nguyễn Đăng Dung là có cơ sở khi ông đưa ra nhận định: “MTTQ chính là sự bù đắp cho những thiếu hụt của chế độ chính trị một đảng”. Phản biện xã hội nếu được thực hiện một cách có hiệu quả không những tăng cường thái độ dân chủ và khích lệ sự tham gia ý kiến của Nhân dân đối với chính sách của Nhà nước mà nó còn góp phần “bù đắp”
những “thiếu hụt” của chế độ chính trị nhất nguyên, một thể chế có truyền thống suy tôn vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Tác giả Phạm Quang Tú (2012)cho rằng:
“Phản biện xã hội là sự phản ánh tư tưởng của các lực lượng xã hội đối với những kiến tạo chính sách, thể chế... trực tiếp liên quan đến quyền lợi của các thành viên trong cộng đồng, từ đó giúp các cơ quan hữu quan điều chỉnh chủ trương, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn”. Cũng trong bài viết này ông cho rằng: “....về bản chất, phản biện xã hội là sự tương tác, giao thoa về quan điểm, tư tưởng giữa các lực lượng (chính trị, kinh tế, xã hội) trong một cộng đồng. Do đó, thực tiễn và chất lượng của hoạt động phản biện nói lên tính chất tiến bộ, trình độ dân chủ, văn minh của cộng đồng ấy...” [7]
Trong xã hội có Nhà nước và giai cấp thì sự ổn định luôn ở trạng thái tạm thời hoặc bị kiềm chế, các giai cấp, các lực lượng xã hội luôn mâu thuẫn và đấu tranh lợi ích với nhau biểu hiện thông qua rất nhiều các hình thức như:
bầu cử, giám sát, thanh tra, kiểm tra, phản biện xã hội, thậm chí là lật đổ, chống đối xã hội, bất tuân dân sự... Như vậy phản biện xã hội cũng là một phương cách để hoà giải các lợi ích trong xã hội, giúp cho Đảng và Nhà nước có được sự đồng thuận cao nhất từ các lực lượng, giai cấp trong xã hội.
Trong tất cả các lĩnh vực, con người cần có được tự do ngôn luận, quyền được thể hiện các tư tưởng, tình cảm của mình và cả đối với thiết chế đang ràng buộc mình đó là chính sách và pháp luật. Tự do sáng tạo, tự do phản biện là cơ sở cho sự thịnh vượng và ổn định trong xã hội. Sự ổn định trong chính sách vốn dĩ không phải là “im lặng” và không nói gì cả, không làm gì cả. Sự ổn định phải luôn nằm trong quá trình vận động, đấu tranh và phản biện với những cái lạc hậu, cái bất hợp lý để tìm ra cái tốt đẹp và phù hợp với quy luật khách quan của cuộc sống.
PGS.TS. Trần Hậu (2014) trong một bài viết khác có đưa ra thêm định nghĩa về phản biện xã hội như sau:
“...Phản biện xã hội là sự phản biện nói chung, nhưng có quy mô và lực lượng rộng rãi hơn của xã hội, của nhân dân, và các nhà khoa học về nội dung, phương hướng, chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, trật tự an ninh chung toàn xã hội của Đảng, Nhà nước và các tổ chức liên quan..”. [4]
PGS.TS. Trần Hậu cũng chỉ ra được các đặc trưng cơ bản của phản biện xã hội như: Hoạt động phản biện xã hội mang tính độc lập; hoạt động này có tính xem xét, phân tích, lập luận; được xem xét bởi các lực lượng xã hội và có tính xây dựng đối với hệ thống quản trị quốc gia.
Ông cũng dẫn chứng về các đặc điểm của phản biện xã hội, trong đó đề cao tính độc lập và tính xây dựng trong phản biện xã hội. Tính độc lập nhằm đảm bảo tính khách quan trong phản biện và nếu đặc tính này mất đi thì giá trị phản biện xã hội bị suy giảm hoặc bị tước đoạt hoàn toàn. Tính tích cực, thái độ xây dựng thì điều chỉnh động cơ, mục đích của phản biện xã hội. Tính xây dựng trong phản biện góp phần làm cho chính sách tốt lên, nó khác với khuynh hướng phản bác và chống đối dễ dẫn đến thái độ chỉ trích, phê phán hoặc lợi dụng hoạt động phản biện để chống lại các chủ trương, chính sách tích cực từ Nhà nước và người lãnh đạo chính quyền.
Mặt khác phản biện xã hội nhất thiết phải do các lực lượng “xã hội” tiến hành, tức là một hoạt động có tổ chức, có tính xã hội cao, có được sự uỷ quyền tín nhiệm từ xã hội chứ không phải là chủ thể Đảng, Nhà nước, vốn dĩ là người ban hành chính sách rồi lại tự mình phản biện chính sách của chính mình.
Như vậy, thông qua một số dẫn chứng nêu trên của các học giả, nhà nghiên cứu thì chúng ta thấy rằng tuy có những cách tiếp cận khác nhau nhưng đã bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong việc nêu ra các phương diện về: chủ