Đổi mới việc lập kế hoạch và tổ chức các cuộc phản biện xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chức năng phản biện xã hội của mặt trận tổ quốc việt nam hiện nay (Trang 100 - 102)

3.2. Giải pháp hoàn thiện chức năng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ

3.2.5. Đổi mới việc lập kế hoạch và tổ chức các cuộc phản biện xã hội

Có một mối quan hệ biện chứng hai chiều giữa việc xây dựng kế hoạch phản biện xã hội với tổ chức thực hiện phản biện xã hội. Việc chuẩn bị tốt các kế hoạch, chương trình, nguồn lực, dự kiến thời gian, địa điểm, hình thức, thành phần tham gia phản biện xã hội sẽ giúp tránh các nguy cơ bị động, tập trung được sự theo dõi, quan tâm từ cộng đồng xã hội đối với hoạt động phản biện, có thời gian để tiếp nhận thông tin, thăm dò dư luận xã hội trước khi phản biện; đồng thời có cơ sở để điều chỉnh, thay đổi các nội dung phản biện cho phù hợp với thực tế.

Mặc dù Nghị Quyết 403/2017/NQLT đã có quy định cụ thể về xác định căn cứ để xây dựng kế hoạch phản biện, tuy nhiên để tạo sự thống nhất về thời điểm lập kế hoạch cũng như tăng cường sự chủ động trong báo cáo thì UBTWMTTQ Việt Nam cần tăng cường các hoạt động lãnh đạo, hướng dẫn, đôn đốc MTTQ cơ sở về việc yêu cầu các MTTQ cấp tỉnh cần xây dựng kế hoạch phản biện xã hội cho một năm và gửi báo cáo về UBTWMTTQ Việt Nam trước thời điểm nào trong năm, cụ thể có thể là phương án: chậm nhất phải trước tháng đầu tiền của Quý II và đối với các MTTQ các cấp còn lại sẽ gửi kế hoạch về MTTQ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chậm nhất là trước tháng cuối cùng của Quý I. Đồng thời quy định cụ thể về hình thức gửi bằng thư điện tử để tiết kiệm các chi phí và thời gian giao dịch.

Xây dựng kế hoạch phản biện xã hội có liên quan mật thiết với với hoạt động nghiên cứu xã hội học chính sách, hoạt động thăm dò dư luận, thu thập thông tin từ các nguồn chính thống và không chính thống... để phục vụ cho việc lập kế hoạch phản biện bám sát với yêu cầu của thực tiễn ở mỗi địa phương.

Về đổi mới tổ chức các cuộc phản biện xã hội tác giả cho rằng Nhà nước ta cần nghiên cứu mô hình “diễn đàn xã hội” được tổ chức trước khi thực hiện các cuộc phản biện xã hội. Việc tổ chức trước các diễn đàn xã hội là để các cơ quan Mặt trận thăm dò trước thái độ của dư luận, tổng hợp nhiều hơn các luồng ý kiến, quan điểm từ nhân dân, đặc biệt là tạo cơ hội cho người trẻ, tầng lớp trí thức và các nhóm xã hội dân sự tham gia vào công việc hoạch định chính sách. Hơn nữa với mô hình diễn đàn xã hội sẽ tận dụng được các lợi thế của truyền thông và mạng xã hội giảm bớt các gánh nặng về chi phí khảo sát, điều tra xã hội học và tạo ra được khả năng tương tác cao. Tuy nhiên đi kèm với hình thức này thì Mặt trận Tổ quốc cần có không gian mạng xã hội độc lập của riêng mình để có thể quản trị hiệu quả các ý kiến và bình luận trên không gian mạng.

Về tổng hợp các ý kiến phản biện xã hội, tác giả cho rằng cần phải có Thông tri hướng dẫn cụ thể từ MTTQ Trung ương về công tác tổng hợp, lưu trữ, thông tin về kết quả các cuộc phản biện xã hội. Theo đó cần thành lập Cơ sở dữ liệu về hoạt động phản biện xã hội do UBTWMTTQ Việt Nam quản lý để làm nguồn tra cứu thông tin, giám sát, kiểm tra. Đặc biệt là phục vụ cho việc sao chụp các tài liệu phục vụ cho nghiên cứu khoa học Mặt trận.

Phản biện xã hội là hướng đi có tầm nhìn lâu dài, do đó công tác quy hoạch nhân sự, đặc biệt là bổ sung các tiêu chí, phẩm chất của cán bộ công tác Mặt trận phải được đặt lên hàng đầu. Công tác bồi dưỡng thường xuyên cũng theo đó phải có sự đổi hướng để xây dựng các tiêu chí mới cho một phản biện viên. Công tác giáo trình, sách khoa học, tài liệu bồi dưỡng về phản biện xã hội cần được chú trọng quy hoạch trong các cơ sở đào tạo của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội về công tác dân vận và công tác Mặt trận nói chung. Tác giả cũng xin mạnh dạn đề xuất nghiên cứu và bổ sung trong danh mục các ngành nghề đào tạo của Bộ giáo dục và Đào tạo ngành: Khoa học phản biện. Thực trạng cho thấy nền giáo dục nước nhà đang nặng về đào tạo kiến thức và chưa

coi trọng thực chất đến đào tạo kĩ năng. Nếu ngành khoa học phản biện được đưa vào trương trình đào tạo không những làm nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác Mặt trận mà còn giúp ích cho nhiều lĩnh vực công tác khác rất cần có được kĩ năng về khoa học phản biện như: truyền thông, giáo dục, luật sư, thẩm phán viên, kiểm sát viên, quan chức hành chính....

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chức năng phản biện xã hội của mặt trận tổ quốc việt nam hiện nay (Trang 100 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)