1.2. Khái niệm, ý nghĩa và các nguyên tắc phản biện xã hội của Mặt trận
1.2.2. nghĩa phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc các tổ chức thành viên trước hết là nhằm đưa ra các dự báo, cảnh báo, kiến nghị giải pháp về tính hợp pháp, hợp lý trong các dự thảo văn bản, chính sách của cơ quan nhà nước; hạn chế các rủi ro cho chủ trương, chính sách công trước khi đưa ra thực hiện trong xã hội; thông qua hoạt động này còn góp phần đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích cho của các tổ chức, cá nhân là thành viên, hội viên của tổ chức mình; đóng góp tích cực vào quá trình giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như thúc đẩy sự bình đẳng, tiến bộ trong xã hội.
Phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam mặc dù không có giá trị pháp lý bắt buộc như các quyết định tư pháp hoặc các quyết định hành chính của các cơ quan quyền lực nhà nước nhưng nó có giá trị ràng buộc chính trị - xã hội rất cao. Nó là hình thức thể hiện mức độ hài lòng của Nhân dân với chính sách công và đồng thời cũng là sự thể hiện mức độ đồng thuận trong xã hội, góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hoá và bảo vệ, tôn vinh các giá trị quyền con người.
Phản biện xã hội không có mục tích tìm kiếm sự chống đối chính sách mà suy cho đến tận cùng là giúp cho chính sách của Đảng và Nhà nước đi đúng với quy luật của khách quan của xã hội, thoả mãn đúng đắn, chính đáng nhu cầu của các các tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Phản biện xã hội nếu được thực thi đầy đủ và đúng đắn là sự thể hiện quyết tâm bảo vệ các giá trị nhân quyền và là một biểu hiện của một xã hội cởi mở, năng động và văn minh góp phần chống lại các khuynh hướng quan liêu, bao cấp, xa rời thực tiễn, lạm dụng quyền lực, suy thoái trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức. Cụ thể hơn nữa ta thấy ý nghĩa của phản biện xã hội thể hiện ở các phương diện sau đây:
Một là: Phản biện xã hội chính là cách thức để đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Một chế độ nhà nước do nhân dân làm chủ được thể hiện thông qua các quyền tự do bầu cử, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt. Cũng như vậy, công dân có quyền thể hiện các thái độ ủng hộ tích cực, phản biện xã hội kịp thời đối với bất cứ một chính sách nào từ Nhà nước đang và sẽ tác động đến quyền và nghĩa vụ của mình cũng như quyền và lợi ích chung của toàn xã hội.
Hiện nay, các hình thức thực hành dân chủ trực tiếp ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế và vẫn chưa có điều kiện đảm bảo rõ nét cho việc thực thi các quyền đó. Do vậy việc chế định hoá phản biện xã hội trong pháp luật đã phần nào thoả mãn được nhu cầu, nguyện vọng trong nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc thực hiện các quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt của mình trong xã hội. Thông qua phản biện xã hội sẽ giúp đẩy mạnh khả năng tương tác giữa công dân và chính quyền một cách năng động và hữu hiệu hơn.
Hai là: Phản biện xã hội có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Các thiết chế quyền lực công ở nước ta bao gồm Đảng cầm quyền, Nhà nước và hệ thống chính trị nói chung vốn là các thiết chế được uỷ nhiệm lại từ nhân dân, thay mặt cho nhân dân để quản lý,duy trì trật tự xã hội; làm ổn định, phát triển các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên trong quá trình vận hành quyền lực đó đã xuất hiện không ít các hệ quả tiêu cực từ việc: lạm dụng quyền lực, thái độ quan liêu, bao cấp, vi phạm
pháp luật, sử dụng quyền lực công để tư lợi; tham nhũng, gây lãng phí, thất thoát các nguồn lực của nhà nước và nhân dân. Các diễn biến xấu về tha hoá quyền lực trong bộ máy nhà nước ngày càng trầm trọng hơn, đặc biệt là tác động của quá trình hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường. Quá trình phân cấp, phân quyền cho địa phương bên cạnh những mặt tích cực còn dẫn đến những mặt trái tiêu cực như tình trạng cục bộ chính sách, tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền trong bộ máy công quyền; suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức... trong bộ máy của Đảng và Nhà nước ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Trong khi ấy các thiết chế giám sát ngay trong các cơ quan Đảng, Nhà nước vẫn chưa làm tốt việc phát hiện, đấu tranh với những tiêu cực một cách kịp thời và khách quan; thậm chí không ít nơi còn có biểu hiện bao che cho những yếu kém, sai phạm tiêu cực gây nên những bức xúc, lo lắng cho dư luận nhân dân.
Trong bối cảnh như vậy thì sự tác động của cơ chế phản biện xã hội có ý nghĩa tích cực trong việc giám sát các hoạt động từ tổ chức Đảng và chính quyền nhân dân, đặc biệt là quá trình xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật; góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước, đặc biệt là giám sát nâng cao thái độ và chất lượng công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Ba là: Phản biện xã hội có ý nghĩa tạo sự đồng thuận trong xã hội. Ở bất cứ một thể chế hay một quốc gia nào cũng đều tồn tại trong nó các giai cấp, tầng lớp xã hội với các ý thức hệ, quan điểm, nhu cầu lợi ích khác nhau, thậm chí là đối lập với nhau. Tuy nhiên mỗi thiết chế quyền lực công ấy, các nhà nước đều mong muốn tạo ra cho xã hội các động lực tăng trưởng, sáng tạo đi liền với quá trình bảo đảm sự ổn định và thịnh vượng, đặc biệt là yếu tố đoàn kết dân tộc. Để đạt được sự ổn định cho chính trị - xã hội thì rất cần có được sự đồng thuận xã hội. Muốn có được sự đồng thuận xã hội thì phải có được cơ chế đối thoại dân chủ, giám sát công khai và bảo đảm tốt các quyền
tự do ngôn luận và biểu đạt của công dân. Do đó quy định về phản biện xã hội được xem như có tính chất mở đường cho một khả năng tích cực trong việc tạo ra sự đồng thuận trong xã hội ở nước ta. Đó sẽ là một không gian để trao đổi, dung hoà, tập hợp các quan điểm, chính kiến tích cực trong việc xây dựng và ban hành các chính sách của Đảng và Nhà nước và đồng thời cũng là công cụ để đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
Ở một khía cạnh đặc biệt khác phản biện xã hội cũng có thể sẽ góp phần làm giảm bớt các “căng thẳng, mâu thuẫn” giữa các nhóm lợi ích đối lập trong xã hội vào những thời điểm thích hợp và cần thiết thông qua các đại diện phản biện xã hội của mình. Đặc biệt là trong hoạt động hiệp thương chính trị của Đảng cầm quyền cũng như trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những chính sách pháp luật có tính đổi mới, sáng tạo.