3.2. Giải pháp hoàn thiện chức năng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ
3.2.1. Nhận thức đúng đắn về chức năng phản biện xã hội
Triết học Mác – Lê nin đã chỉ ra mối quan hệ hữu cơ giữa sự nhận thức đúng đắn với việc hành động đúng đắn. Các động cơ, mục đích, hậu quả... của các hành vi ban hành chính sách quản lý nếu không có sự nhận thức đồng bộ, thống nhất và hiểu được cội rễ bản chất thì sẽ dẫn đến các sai lầm trong đánh giá các nhiệm vụ quản lý, tạo ra những sự phân biệt đối xử, xem trọng hoặc coi nhẹ, thực chất hoặc hình thức, trách nhiệm hoặc thiếu trách nhiệm...trong hoạt động phản biện xã hội. Để xã hội và toàn hệ thống chính trị hiểu đúng đắn về giá trị của phản biện xã hội từ Mặt trận Tổ quốc thì cần có những biện pháp tác động vừa mang tính chính trị, vừa mang tính xã hội. Thực hiện công tác tuyên truyền liên tục, bài bản và sử dụng các công cụ truyền thông hiệu quả. Cụ thể:
Đối với các tác động mang tính chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ chính trị, Ban bí thư Trung ương Đảng cần ban hành các văn bản để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác phản biện xã hội đi kèm với những định hướng nhiệm vụ và phải xác định hiệu lực, hiệu quả của hoạt động phản biện xã hội phải trở thành một tiêu chí để đánh giá công tác lãnh đạo của cấp Uỷ địa phương. Đồng thời có các quy định nhằm hạn chế các hành vi can thiệp hoặc làm suy giảm vai trò, uy tín của Mặt trận Tổ quốc trong phản biện xã hội.
Đối với các tác động mang tính xã hội, Đảng và Nhà nước cần phải thúc đẩy sự tiếp cận nhanh và hiệu quả hơn nữa với các thông tin về phản biện
xã hội. Đặc biệt là các thông tin về chương trình, nội dung, chủ đề, kết quả, việc tiếp thu giải trình... các nội dung phản biện xã hội trên các trang thông tin điện tử chính thức, các công cụ truyền thông khác như mạng xã hội để nhân dân hiểu được về hoạt động phản biện xã hội là như thế nào, quy trình ra sao và hệ quả pháp lý như thế nào. Đồng thời việc công khai kịp thời còn góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu, thu thập số liệu xã hội học về khoa học Mặt trận.
Thực hiện công tác truyền thông liên tục là giải pháp có tính truyền thống nhưng lại hiệu quả. Ở nước ta hay xảy ra tình trạng “kế hoạch thì rầm rộ nhưng thực hiện thì ảm đảm” tức là không duy trì được tính liên tục, sự hứng khởi trong công tác truyền thông. Phản biện xã hội cũng vậy, các hoạt động liên quan đến vinh danh vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong PBXH phải được đưa tin đều đặn, thường xuyên liên tục... để tạo ra các thói quen cập nhật đều đặn thông tin của Nhân dân.
Theo tác giả trước hết phải hoàn thiện tất cả các trang thông tin điện tử của MTTQ từ cấp huyện trở lên mà ở đó phải có thiết kế nội dung về “Hoạt động phản biện xã hội”. Bên cạnh đó tác giải đề xuất nghiên cứu thí điểm mô hình trang báo hoặc tạp chí chuyên về phản biện xã hội trực thuộc Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thiết chế này chuyên môn về tổng hợp, cập nhật...các hoạt động phản biện xã hội từ các địa phương và của Trung ương để làm nguồn phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học Mặt trận cũng như giám sát của Nhân dân.
Đảng và Nhà nước cần có cơ chế để thúc đẩy nghiên cứu khoa học về phản biện xã hội. Nghiên cứu là sự nhận thức bền vững nhất của hoạt động truyền thông, chỉ có nghiên cứu mới thúc đẩy các tranh luận khoa học, phát huy các sáng tạo, đổi mới cũng như thu hút sự quan tâm của dư luận nhân dân vào các hoạt động cần định hướng. Tác giả xin mạnh dạn đề xuất xây dựng mô hình “Viện Nghiên cứu dư luận xã hội” trực thuộc Uỷ ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và mô hình các “Trung tâm thông tin và dư luận xã hội” ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp huyện. Viện và các Trung tâm này vừa làm chức năng nghiên cứu khoa học Mặt trận, vừa là công cụ thăm dò dư luận xã hội và thúc đẩy truyền thông cho hoạt động phản biện xã hội tiếp cận đúng đắn về phương pháp, nội dung, hình thức.