Đảm bảo cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chức năng phản biện xã hội của mặt trận tổ quốc việt nam hiện nay (Trang 102 - 109)

3.2. Giải pháp hoàn thiện chức năng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ

3.2.6. Đảm bảo cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện xã hội

Trước hết, bàn về vấn đề cơ chế đề nghị và cơ chế phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác khi thực hiện phản biện xã hội. Cơ chế MTTQ đề nghị với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện phản biện xã hội là một quy định có thể ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo của các đoàn thể chính trị - xã hội hơn nữa lại mâu thuẫn với nguyên tắc bảo vệ lợi ích của các thành viên của tổ chức mình. Về mặt lý luận, việc tổ chức thấy rằng quyền và lợi ích của hội viên, thành viên của tổ chức mình bị ảnh hưởng trực tiếp thì phải “chủ động” đứng ra bảo vệ, chứ không hẳn là sự “đề nghị” bị động từ phía MTTQ thì mới tiến hành phản biện xã hội.

Do đó theo quan điểm của tác giả nếu sửa đổi quy định tại Khoản 3, Điều 33 của Luật MTTQ thì nên sửa theo hướng bổ sung thêm quyền chủ động, đề xuất của các tổ chức chính trị - xã hội bên cạnh cơ chế “đề nghị” theo hướng:

Theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc chủ động đề xuất hoặc theo quy định của pháp luật, các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì phản biện xã hội đối với đối tượng, nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình.

Cần phải làm rõ hơn nữa nguyên tắc cũng như cơ chế tiếp thu, giải trình các ý kiến phản biện xã hội từ cơ quan soạn thảo, cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách công. Nhiều học giả trong nước đã chỉ ra những bất cập trong thực tiễn tiếp thu ý kiến phản biện xã hội của chủ thể phản biện. Luật cần phải

đưa ra những quy định cụ thể để ràng buộc trách nhiệm tiếp thu thiện chí đối với các văn bản, ý kiến phản biện đúng đắn, phù hợp với đường lối chính sách. Bên cạnh đó cũng phải có thêm quy định về cơ chế giải trình, kết quả tiếp thu các văn bản, ý kiến phản biện đó như thế nào như: hoãn chưa trình dự án, loại bỏ quy định ra khỏi dự thảo, sửa đổi, bổ sung dự thảo quy định theo hướng tiếp thu...và thông tin lại cho MTTQ để làm cơ sở giám sát, báo cáo công tác với cử tri và nhân dân.

Cần xem xét, sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng quy định: Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một quy trình bắt buộc trong toàn bộ quy trình xây dựng và thông qua văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời nếu tiến hành sửa đổi nội dung này sẽ phải cụ thể hoá về thời gian thực hiện, quy trình thủ tục gửi, nhận quy trình phản biện xã hội. Xác định trách nhiệm pháp lý cho các bên trong việc phản biện xã hội đối với quy trình xây dựng dự thảo QPPL.

Mặt khác cũng phải quy định thời gian cụ thể để cơ quan chủ trì soạn thảo hoặc cơ quan có thẩm quyền gửi văn bản tiếp thu, giải trình đối với văn bản phản biện xã hội. Trong trường hợp các ý kiến phản biện không được tiếp thu tích cực, có căn cứ cho rằng việc thông qua hoặc thực hiện sẽ gây thiệt hại với các quan hệ xã hội thì MTTQ cùng cấp có quyền kiến nghị với MTTQ cấp trên trực tiếp để gửi kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn trong việc thẩm định, giám sát việc ban hành chính sách ở cấp dưới.

Về giác độ thực tiễn công tác, UBTWMTTQ Việt Nam cần bổ sung thêm mục: Kết quả tiếp thu, giải trình các ý kiến phản biện xã hội trong Mẫu “Báo cáo công tác hàng năm” của MTTQ các cấp gửi về UBTWMTTQ Việt Nam nhằm tạo ra tính đồng bộ và tăng cường sự phối hợp giữa các bên trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời cũng cần có hướng dẫn cụ thể về việc công bố các thông tin về kết quả tiếp thu, giải trình các ý kiến phản biện trên cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước hoặc MTTQ các cấp để làm cơ sở cho

việc cử tri, nhân dân giám sát hoặc phục vụ cho hoạt động thu thập dữ liệu nghiên cứu khoa học Mặt trận.

Tiểu kết chương 3

Trên cơ sở chỉ ra các bất cập, hạn chế trong các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phản biện xã hội cũng như việc tổ chức thực hiện, ở chương này tác giả đưa ra các kiến nghị đề xuất cho phù hợp và tương thích với các nội dung đã trình bày ở Chương 1 và Chương 2. Trong đó tác giả đã đề cập hai nhóm giải pháp, một là về sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định của Đảng và Nhà nước, hai là nhóm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động phản biện xã hội, trong đó tác giả đã đề cập đến các yêu cầu, xu hướng phát triển cho hoạt động phản biện xã hội dựa trên các yêu cầu từ sự cẩn trọng trong việc ban hành các chính sách công, sự nhận thức vai trò tham gia của Nhân dân; những yêu cầu khác của hội nhập quốc tế, xây dựng nhà nước pháp quyền cũng như yêu cầu về cải cách tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong các nhóm giải pháp về sửa đổi, bổ sung làm mới chính sách, tác giả ủng hộ mạnh mẽ cho việc quy định rõ nét hơn nữa và mở rộng cơ chế để các tổ chức xã hội, các nhóm xã hội dân sự hợp pháp tham gia vào quy trình phản biện xã hội hiệu quả. Tác giả tâm huyết với việc đề xuất mô hình thành lập Viện nghiên cứu dư luận xã hội và mô hình các Trung tâm thông tin dư luận xã hội ở các cấp Mặt trận. Về giải pháp trong tổ chức thực hiện tác giả có đề cập các nhóm cụ thể và đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp nghiên cứu bổ sung ngành đào tạo về “Khoa học phản biện” trong danh mục các ngành nghề giáo dục và đào tạo ở Việt Nam.

KẾT LUẬN

Cải cách thể chế chế chính trị hiện nay ở nước ta là một yêu cầu cấp bách, quyết định đến sự phát triển thịnh vượng của quốc gia, dân tộc, trong đó có nhiệm vụ về cải cách tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị để tổ chức này làm tốt hơn vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là nơi khởi nguồn các chính sách công quốc gia.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các tư duy về lý luận, học thuật, chính trị - pháp lý ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là quan điểm đổi mới và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Trong một tương quan làm sao vừa đảm bảo được sự thượng tôn pháp luật, phát huy giá trị dân chủ của chế độ Nhân dân, lại vừa đảm bảo kế thừa các giá trị cách mạng của Đảng và tính giai cấp trong hệ thống chính trị. Như vậy cho đến hiện tại, chỉ có thể là một lực lượng trung gian là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với những quyền năng mới sẽ góp phần bù đắp những thiếu sót trong hệ thống chính trị nhất nguyên.

Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được xem là một chính sách đúng đắn và phù hợp với yêu cầu đổi mới đất nước và đổi mới hệ thống chính trị. Với tính chất là lực lượng lãnh đạo, dẫn dẵn các ý kiến, quan điểm phản biện đối với các dự thảo chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã tạo ra được cơ chế để người dân có thể trực tiếp phản biện chính sách; thu hẹp các khoảng cách giữa chính quyền và nhân dân; đồng thời tạo ra các cơ chế liên thông, phụ thuộc và ràng buộc đa chiều trong việc giám sát các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Chế định về phản biện xã hội đã được hiến định trong Hiến pháp 2013 và cụ thể hoá trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015, bước đầu đã tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc để các cấp mặt trận trong toàn hệ thống chính trị thực hiện. Tuy nhiên, sau quá trình tổ chức thực hiện thì bộc lộ nhiều

hạn chế cả ở phương diện lý luận và thực tiễn, đặc biệt là khuynh hướng luật hiện hành vẫn chưa đáp ứng được với các yêu cầu của thực tiễn cuộc sống đặt ra, các khả năng dự liệu cũng như kĩ thuật lập pháp vẫn còn tạo ra những rào cản trong việc giải thích, áp dụng pháp luật.

Trong quá trình thực hiện luận văn, tác giả nhận thấy đã đạt được một số kết quả như sau:

Thứ nhất: Tác giả làm sâu sắc hơn các vấn đề lý luận về phản biện xã hội, đặc biệt là đưa ra được một định nghĩa về phản biện xã hội và chỉ ra được các đặc điểm trong mỗi giai đoạn thực hiện phản biện xã hội, bổ sung thêm một số nguyên tắc dựa trên kết quả nghiên cứu các quan điểm của các học giả đi trước, ví dụ nguyên tắc tăng cường trách nhiệm trong phản biện xã hội và nguyên tắc tiếp thu giải trình trong phản biện xã hội. Đồng thời tác giả cũng đã bước đầu có sự phân biệt giữa phản biện xã hội với các hình thức sinh hoạt chính trị xã hội khác như giám sát xã hội, dư luận xã hội...

Thứ hai: Tác giả đã chỉ ra được những hạn chế, bất cập trong các văn bản của Đảng và Nhà nước về phản biện xã hội, đặc biệt là chỉ ra sự chưa tương thích, chưa có những cơ chế rõ ràng, mạch lạc trong việc phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, các nhóm xã hội dân sự hợp pháp cho hoạt động phản biện xã hội. Tác giả tiếp tục nêu ra và bảo vệ cho luận điểm khoa học của mình là tiếp tục mở rộng có điều kiện về đối tượng của phản biện xã hội áp dụng cho cả các quy định, chính sách đang có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó luận văn cũng chỉ ra được những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện phản biện xã hội dựa trên các số liệu, báo cáo tin cậy từ cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tiếp theo đó, tác giả đưa ra các nguyên nhân chủ quan, khách quan tác động đến hiệu quả của phản biện xã hội để có cơ sở tìm ra giải pháp khắc phục.

Thứ ba: Trong nội dung đề xuất các giải pháp tác giả không đưa ra các nhận định, giải pháp mang tính chung chung mà tập trung vào các biện pháp

sửa đổi cụ thể về quy định, chính sách hiện hành theo cách tiếp cận cụ thể. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung để tạo ra sự tương thích, có khả năng nới lỏng, mềm dẻo và linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện nhất là giải pháp về sửa đổi trong nội hàm, định nghĩa về phản biện xã hội. Tác giả kiến nghị cần thiết phải ban hành luật phản biện xã hội hoặc dành hẳn một Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành về hoạt động phản biện xã hội. Về góc độ tổ chức thực hiện tác giả chú trọng đến việc xây dựng mô hình Viện nghiên cứu dư luận xã hội trực thuộc Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dưới tuyến tỉnh thì thành lập mô hình Trung tâm thông tin dư luận xã hội, còn tuyến xã tạm thời chưa tổ chức mô hình này. Trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, tác giả kiến nghị về việc bổ sung ngành nghề đào tạo có tên là ngành “Khoa học phản biện” trong danh mục các ngành nghề đào tạo của Việt Nam.

Quá trình thực hiện luận tác giả luôn xác định mục tiêu là tự trang bị cho mình các kiến thức về khoa học phản biện xã hội và có thể đóng góp một phần tiếng nói của mình vào kết quả nghiên cứu khoa học chung của Khoa Luật. Khi lựa chọn đề tài này, tác giả không đặt ra tham vọng sẽ giải quyết được tất cả và triệt để các vấn đề lý luận và thực tiễn trong phạm vi, tính chất của một luận văn thạc sỹ nên rất mong nhận được sự chia sẻ, cảm thông từ giáo viên hướng dẫn, hội đồng phản biện, các nhà khoa học, các học giả, các nhà hoạt động thực tiễn về công tác Mặt trận. Người viết mong muốn sẽ tiếp tục các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu hơn về phản biện xã hội trong một tương lai không xa.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Xuân Đức (2010), “PBXH: Ý nghĩa, cơ chế và điều kiện thực thi”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 3/2010.

2. Nguyễn Đăng Dung (2010), “Cơ sở pháp lý nào cho sự hoàn thiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, Tạp chí

Mặt trận, số 81/2010.

3. Đinh Gia Hưng (2012), “Hiểu phản biện theo đúng nghĩa”, RFA.

4. Trần Hậu (2014), “Phản biện xã hội”, Tạp chí Lý luận chính trị, 12/02/2014.

5. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2015), Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá VIII. (Thông qua từ ngày 24 đến 27 tháng 9 năm 2014).

6. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2018), Báo cáo số 651/BC-MTTW-BTT ngày 03/12/2018, Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (Khóa XI).

7. Phạm Quang Tú (2012), “Phản biện xã hội: Khái niệm, chức năng và điều kiện hình thành”, Tạp chí văn hoá Nghệ An, số 216/2012.

8. Quốc hội (2015), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015. 9. Quốc hội (2015), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015.

10. Quốc hội (2015), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015.

11. Từ điển Bách khoa toàn thư mở (2019), “Lịch sử hình thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

12. Từ điển tiếng Việt phổ thông (2019), “ Định nghĩanhân dân”.

13. Từ điển Bách khoa toàn thư mở (2019), “Cá nhân và công dân”.

14. Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội X của Đảng (2006),

Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.182-183.

15. Từ điển Bách khoa toàn thư mở (2019), “Lịch sử hình thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

16. Ngô Sách Thực (2018), “Nâng cáo chất lượng phản biện xã hội của Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam”(Đề tài khoa học cấp Bộ).

17. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (2017), Nghị quyết số 403/2017/NQLT- UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVNN ngày 15/6/2017 Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chức năng phản biện xã hội của mặt trận tổ quốc việt nam hiện nay (Trang 102 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)