1.2. Khái niệm, ý nghĩa và các nguyên tắc phản biện xã hội của Mặt trận
1.2.3. Các nguyên tắc phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nam
“Hoạt động phản biện xã hội được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của thành viên, hội viên, đoàn viên và Nhân dân; tôn trọng các ý kiến khác nhau nhưng không trái với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc”. [8, Khoản 3, Điều 32]
Bất cứ một thiết chế nào trong xã hội cũng đều tự nó đặt ra các tôn chỉ, mục đích và nguyên tắc hoạt động. Điều này vừa đảm bảo tính định hướng, có mục tiêu, mục đích, quy tụ các nguồn lực trong xã hội, mặt khác tránh được thái độ vô chính phủ, vô tổ chức, tự phát, nhỏ lẻ, phân tán nguồn lực trong xã hội.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một đoàn thể chính trị - xã hội vừa có yếu tố giai cấp lại vừa có tính xã hội rộng rãi. Các nguyên tắc phản biện xã
hội được xây dựng dựa trên các đặc điểm chính trị - xã hội của MTTQ cũng như nhằm khai thác hiệu quả các khía cạnh về chức năng, mục đích của phản biện xã hội:
- Dân chủ, công khai trong phản biện xã hội
Đây là một nguyên tắc lớn trong tổ chức quyền lực nhà nước và sinh hoạt chính trị ở nước ta. Dân chủ trong phản biện xã hội đòi hỏi quá trình tổ chức phải thu thập cho được rộng lớn các ý kiến từ nhân dân, lấy lợi ích của đại cục làm cơ sở và đích đến cho hoạt động phản biện xã hội. Quyền con người, quyền công dân là mục tiêu và động lực của phản biện xã hội và góp phần làm cho đời sống của nhân dân mình trở nên tốt đẹp hơn, bền vững hơn. Nguyên tắc này còn đề cao thái độ tôn trọng và bình đẳng giữa các bên tham gia vào hoạt động phản biện xã hội. Khi thực hiện phản biện xã hội phải xây dựng một thái độ hợp tác, lắng nghe, tiếp thu với tinh thần tự giác, cầu thị các ý kiến, quan điểm đúng đắn của các bên. Cơ quan nhà nước có dự thảo, chính sách được phản biện không được sử dụng các ảnh hưởng chính trị của mình để tạo áp lực hoặc làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan của MTTQ và các thành viên khác được đề nghị phản biện xã hội.
Trong khi ấy, nguyên tắc công khai lại đòi hỏi hướng đến sự kịp thời, minh bạch trong toàn bộ quy trình thực hiện phản biện xã hội. Nó đề cao quyền được tiếp cận thông tin và kết quả của phản biện xã hội của cử tri và nhân dân, ngoại trừ các nội dung có liên quan đến bí mật quốc gia, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... của đất nước hoặc vì yếu tố thuần phong mỹ tục của dân tộc và phải được quy định rõ trong pháp luật. Công khai còn phải hướng đến trách nhiệm giải trình trước nhân dân ở bất cứ thời điểm nào và bất cứ ở đâu đối với trách nhiệm và hiệu quả của hoạt động phản biện xã hội. Công khai cũng còn hướng đến khả năng tiếp cận dễ dàng các tài liệu, số liệu, báo cáo, tổng kết thực tiễn về PBXH cho lực lượng các nhà nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực có liên quan đến phản biện xã hội.
- Đảm bảo sự tham gia rộng rãi của quần chúng, nhân dân
Nguyên tắc này xuất phát từ đặc trưng của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội vốn là một liên minh chính trị - xã hội tự nguyện của nhiều giai cấp, tầng lớp, tổ chức, cá nhân... trong xã hội có những lợi ích không giống nhau, đôi khi còn có sự đối lập với nhau. Do vậy việc đảm bảo sự tham gia rộng rãi của quần chúng và nhân dân hoặc đại diện rộng rãi của nhân dân là nhằm phát huy và tiếp thu rộng rãi các sáng kiến, tâm huyết và trí tuệ trong nhân dân, đồng thời để các sinh hoạt chính trị giữa chính quyền với người dân trở thành một nề nếp và là một công việc có tính chất thường xuyên.
Nguyên tắc này đòi hỏi sự vận dụng của nhiều hình thức, cách làm để nhằm huy động được tối đa các tương tác, phản hồi dư luận của quần chúng nhân dân. Chú trọng đến đời sống hiện thực của người dân, khai thác hiệu quả các công cụ truyền thông, xã hội mà người dân thích nghi nhanh, có khả năng lan toả rộng để phục vụ thu thập thông tin cho hoạt động phản biện xã hội.
Mặt khác của nguyên tắc này cũng yêu cầu chủ thể thực hiện PBXH cần tránh các nguy cơ đi theo tâm lý đám đông, chạy theo phong trào, thiếu tính khái quát, không có tính trọng tâm, trọng điểm trong PBXH hoặc là khuynh hướng rơi vào tình trạng bảo thủ, chủ quan, duy ý chí, coi thường các luồng dư luận, ý kiến từ nhân dân và xã hội.
- Tôn trọng các ý kiến khác nhau trong phản biện xã hội
Trong hoạt động phản biện xã hội để tìm ra được giải pháp tối ưu cho một dự thảo chính sách, pháp luật thì sẽ phải trải qua các quy trình tranh đấu, thảo luận, tranh luận, bảo vệ quan điểm của mình... Các hoạt động này thúc đẩy sự tìm kiếm các quan điểm, ý kiến, phản hồi khác nhau, thậm chí là dẫn đến các mâu thuẫn kéo dài. Các bên gồm cả bên phản biện xã hội, bên được phản biện xã hội khi sử dụng, tiếp thu các ý kiến phản biện phải đảm bảo sự tôn trọng, lắng nghe. Việc thấu hiểu nguyên tắc này sẽ giúp khắc phục các bệnh quan liêu, cửa quyền, thậm chí là khuynh hướng bảo thủ trong phản biện
xã hội, khắc phục các biểu hiện như tư thù, bôi nhọ cá nhân, tổ chức thậm chí có khuynh hướng quy kết lợi dụng hoạt động PBXH để thực hiện các hành vi bôi nhọ, nói xấu cơ quan Đảng, Nhà nước.
- Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phản biện xã hội
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, thực tiễn cũng cho thấy ở cấp nào, địa phương nào, cán bộ, công chức ý thức được trách nhiệm phụng sự nhân dân thì ở đó chính quyền vững mạnh, kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Trách nhiệm không chỉ là một tiêu chí của đạo đức công vụ mà còn là cách thức để đạt đến sự hài lòng của mỗi chủ thể quản lý trong xã hội. Nêu gương về tinh thần trách nhiệm trong phản biện xã hội là đề cao: tính tận tuỵ, tận tâm, nhiệt tình, thiện chí; ý thức sâu sắc về sứ mệnh của hoạt động PBXH.
Nhà nước có chính sách từng bước để đảm bảo các điều kiện vật chất, cơ chế chính sách để tăng tính trách nhiệm, tuy nhiên những hạn chế về chế độ thù lao, bồi dưỡng không nên trở thành yếu tố cơ bản hạn chế tinh thần trách nhiệm của người làm PBXH. Mặt khác, nêu cao tinh thần trách nhiệm còn là thái độ, nhận thức về tính độc lập, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ của mình.
- Phản biện xã hội không trái với lợi ích của nhân dân và quốc gia
Phản biện xã hội cần phải được đảm bảo tôn trọng và không trái với lợi
ích của Nhân dân, lợi ích của dân tộc, quốc gia. Hoạt động phản biện xã hội phải hướng đến việc phụng sự Nhân dân, phụng sự Tổ quốc và không được lợi dụng hoạt động phản biện xã hội để gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, kích động thái độ tiêu cực trong dư luận nhân dân để chống lại các quan điểm, chính sách đúng đắn của Đảng cầm quyền và Nhà nước.
Mặt khác của nguyên tắc này cũng yêu cầu hoạt động phản biện xã hội không được nhân danh các lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia để từ chối các phản biện xã hội đúng đắn và phù hợp với quy luật khách quan của xã hội,
hạn chế các ý kiến tâm huyết của tầng lớp trí thức, các nhà khoa học uy tín và có trách nhiệm tích cực với cộng đồng, quốc gia và dân tộc.
- Tiếp thu và giải trình kết quả phản biện xã hội
Đây là một nguyên tắc quan trọng không chỉ áp dụng cho hoạt động phản biện xã hội mà còn áp dụng cho hoạt động của bộ máy nhà nước. Một mặt nguyên tắc này xác định trách nhiệm tiếp thu và giải trình những ý kiến phản biện đúng đắn từ MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của cơ quan soạn ra dự thảo chích sách, văn bản đến mức độ nào, với những hình thức và kết quả như thế nào. Mặt khác nó cũng đề cao trách nhiệm tiếp thu và giải trình về kết quả phản biện xã hội trước Nhân dân và cử tri của chủ thể tham gia vào phản biện xã hội. Ở một khía cạnh khác, nguyên tắc này cũng đề cao ý thức đòi hỏi hiểu biết của cử tri và nhân dân trong hoạt động giám sát nhà nước và phản biện xã hội theo đúng với tinh thần xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân: dân biết, dân làm, dân bàn bạc, dân kiểm tra.