1.4. Các yếu tố tác động đến ý thức pháp luật tiêu cực
1.4.1. Các yếu tố vật chất – kinh tế
Ý thức pháp luật phát triển trên cơ sở của điều kiện kinh tế - xã hội. Nó chính là sự phản ánh những nhu cầu nội tại của sự phát triển kinh tế nói chung, đồng thời lại là hình thức bảo vệ sự phát triển nền kinh tế đó.
C.Mác viết: "Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực trên đó dựng nên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị và những hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó" [1, tr.154]. Cơ sở kinh tế nào quyết định thượng tầng kiến trúc ấy, nên nó cũng quyết định hình thái ý thức pháp luật. Trong xã hội có giai cấp đối kháng, mâu thuẫn giữa giai cấp chiếm hữu tư liệu sản xuất với người lao động dẫn đến cuộc đấu tranh giai cấp. Đấu tranh giai cấp biểu hiện ra thành đấu tranh chính trị. Như vậy, khi một giai cấp trở thành giai cấp thống trị, thì đường lối chính trị của giai cấp ấy thông qua bộ máy nhà nước và hệ chuẩn pháp luật mà chi phối tất cả hình thái ý thức trong thượng tầng kiến trúc; trong đó, pháp luật thể hiện đường lối chính trị một cách cụ thể nhất, trực tiếp nhất.
Luật pháp còn là sự phản ánh các quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, là biểu hiện các quan hệ lợi ích của các nhóm xã hội, các cộng đồng người trong những điều kiện lịch sử, cụ thể nhất định. Xã hội nào thì pháp luật ấy. Quá trình phát triển của xã hội và quá trình phát triển của pháp luật bao giờ cũng gắn liền với nhau, pháp luật không có lịch sử riêng của mình. Điều đó có nghĩa là: người ta không thể tìm bản chất của pháp luật, những nguyên nhân phát sinh và phát triển của nó ở chính bản thân pháp luật, tách rời khỏi đời sống kinh tế và chính trị của xã hội mà trong đó pháp luật tồn tại và tác động.
Mác đã đưa ra nguyên lý hết sức cơ bản trong tác phẩm "Phê phán kinh tế chính trị học" là: pháp luật không bao giờ có thể cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa của xã hội do chế độ kinh tế đó tạo ra. Như vậy, pháp luật, suy cho cùng, là sự biểu hiện về mặt hình thức pháp lý những nội dung kinh tế mà thôi. Pháp luật luôn tồn tại trong khuôn khổ của cơ chế kinh tế và có nhiệm vụ điều chỉnh các quan hệ kinh tế, phát sinh từ cơ chế kinh tế; đồng thời, đảm bảo sự phát triển bền vững của cơ chế kinh tế. Do đó, chỉ những luật pháp (những đạo luật) nào phù hợp với những điều kiện kinh tế của xã hội, với những khả năng thực tế của sự phát triển xã hội mới thực hiện được vai trò của mình, phát huy được tác dụng, tức là mới có hiệu quả. Ngược lại, những luật pháp nào do nhà nước ban hành mà không phù hợp với những yêu cầu của những quy luật kinh tế đang tồn tại (hoặc mâu thuẫn với chúng) sẽ không thể tồn tại trong đời sống xã hội.
Pháp luật lại có con đường phát triển riêng, có tính độc lập tương đối của mình, nó không hoàn toàn trùng với sự phát triển của kinh tế. Vì thế, việc phản ánh yêu cầu của những quy luật xã hội khách quan trong pháp luật cũng rất phức tạp, đa dạng. Nó liên quan đến rất nhiều yếu tố mà trực tiếp nhất là khả năng nhận thức và vận dụng các quy luật khách quan của giai cấp thống trị, kẻ nắm nhà nước trong tay và là người xây dựng ra pháp luật.
Nói cách khác, ý thức pháp luật và pháp luật chỉ thể hiện những yêu cầu của các quy luật khách quan, những đòi hỏi của sự phát triển kinh tế, khi giai cấp thống trị trong xã hội đã nhận thức ra những yêu cầu của các quy luật đó. Khi giai
cấp thống trị không thấy, không nhận thức được bản chất của những yêu cầu thực tế, những quy luật tồn tại một cách khách quan trong đời sống xã hội, thì những luật pháp, những quy định pháp lý mà họ ban hành đương nhiên là duy ý chí, đi ngược lại với quyền và lợi ích của người dân, xa rời thực tế. Khi pháp luật không gắn liền với thực tại cuộc sống, không gắn bó thiết thực thậm chí đi ngược lại với quyền và lợi ích của người dân thì họ sẽ không thừa nhận giá trị của pháp luật, không tuân thủ pháp luật.