Tiêu chí để nhận diện ý thức pháp luật tiêu cực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức pháp luật tiêu cực ở việt nam từ truyền thống đến hiện đại (Trang 37 - 43)

- Ý thức pháp luật tiêu cực đi ngược lại xu thế tiến bộ về yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền

Quản trị xã hội theo mô hình nhà nước pháp quyền chỉ có thể đạt hiệu quả khi có nền tảng là ý thức pháp luật và môi trường văn hóa pháp lý rất cao. Ý thức pháp luật là tiền đề thiết yếu để xây dựng và hoàn thiện

hệ thống pháp luật, là cơ sở để nhà nước thực thi các hoạt động quản lý xã hội theo yêu cầu của pháp trị và là nền tảng để nhận thức, tôn trọng tính tối cao của Hiến pháp, tính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả của pháp luật [14, tr.235].

Yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền bao gồm các yêu cầu về đảm bảo tính dân chủ, đảm bảo tính thượng tôn của Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng và bảo vệ quyền công dân và quyền con người. Ý thức pháp luật tiêu cực có những biểu hiện đi ngược lại những yêu cầu để xây dựng một nhà nước pháp quyền. Tính tối thượng, vị trị vai trò của pháp luật bị xem nhẹ, coi thường, thái độ bất tuân thậm chí thể hiện ra sản phẩm là những hành vi trái pháp luật. Ngược lại,về phía Nhà nước, việc không cẩn trọng khi đưa ra bất kỳ một điều luật nào nếu nó giới hạn quyền của con người sẽ dẫn tới việc mất đi tính chất của pháp luật trong yêu cầu của nhà nước pháp quyền. “Chỉ được đặt ra một giới hạn quyền nếu điều đó là cần thiết trong một xã hội dân chủ và nhằm mục đích thúc đẩy phúc lợi chung của cộng đồng hoặc để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn của cộng đồng, trật tự công cộng, sức khỏe cộng đồng, đạo đức xã hội; hay để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” [33, tr.7].

- Ý thức pháp luật tiêu cực đi ngược lại với xu thế tiến bộ về bảo vệ quyền con người.

Ý thức pháp luật là tiền đề cho việc ghi nhận, thực hiện nguyên tắc dân chủ và hiện thực hóa nội dung quyền con người trên thực tế. Với ý nghĩa đó, các giá trị của dân chủ, quyền con người được hiện thực hóa phụ thuộc rất lớn vào nền tảng, điều kiện ý thức pháp luật của người dân.

Xu thế tiến bộ về bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý sẽ không thể thực thi và mang lại hiệu quả trên thực tế nếu như ý thức pháp luật tiêu cực vẫn còn tồn tại một cách phổ biến. Pháp luật chính là công cụ để bảo đảm tính hiện thực của quyền con người, quyền công dân, bảo đảm sự cân bằng, minh bạch và lành mạnh giữa các lợi ích trong mối quan hệ giữa Nhà nước với con người, công dân, cá nhân đồng thời hạn chế tối đa bất cứ sự lạm dụng hay tùy tiện nào tước đi hay hạn chế các quyền và tự do vốn có của mọi người bởi các cơ quan nhà nước. Pháp luật là cơ sở, là

căn cứ để công dân đánh giá, kiểm tra, đối chiếu các hành vi từ phía Nhà nước và các thành viên trong xã hội, đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình

Tuy nhiên, hạn chế về nhận thức là khó khăn lớn nhất trong thực hiện quyền con người ở bất kỳ quốc gia nào. Ý thức pháp luật của người dân hạn chế mà cụ thể là ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức tìm hiểu về pháp luật, sử dụng luật sư hoặc tư vấn pháp luật trong hoạt động hàng ngày còn chưa được quan tâm dễ dẫn đến tình trạng người dân không tự ý thức được quyền và lợi ích hợp pháp của mình có bị xâm phạm hay không. Ý thức pháp luật tiêu cực ở đây biểu hiện ở việc thiếu công khai minh bạch trong hoạt động xây dựng pháp luật, hoạt động nhà nước, xây dựng chính phủ liêm chính, trách nhiệm giải trình, sự tham gia của người dân…

- Ý thức pháp luật tiêu cực đi ngược lại với xu thế tiến bộ về bảo vệ công lý, công bằng.

Con người sẽ không có niềm tin và pháp luật nếu pháp luật không là hiện thân của công lý, công bằng. Công lý tựu chung lại có thể hiểu là một giá trị xã hội với nội dung là sự công bằng và lẽ phải, phù hợp với lợi ích chung, với đạo lý, được xã hội và pháp luật thừa nhận. Công lý có thể hiểu theo nghĩa chủ quan (mỗi người có thể có những cảm nhận, đánh giá riêng về công lý) hoặc theo nghĩa khách quan (công lý có thể là những quyền con người được ghi nhận trong các công ước quốc tế, công lý có thể là pháp luật thực định dạng có hiệu lực hoặc là bản án được Tòa án tuyên có hiệu lực pháp luật…) [31, tr.48].

Công lý liên hệ với ý thức pháp luật qua các phán xét về tính đúng sai, đánh giá tính hợp pháp và không hợp pháp. Công lý có mối liên hệ đặc biệt đối với ý thức pháp luật. Trong xã hội có giai cấp, mỗi giai cấp lại có một ý thức pháp luật khác nhau. Để các giai cấp khác có thể chấp nhận, phục tùng theo ý chí của mình, giai cấp thống trị phải viện dẫn những lý lẽ chung làm bệ đỡ cho các quan điểm, tư tưởng của mình. “Công lý ở đây không phải là ý chí, lý lẽ của số đông, mà là ý chí, lý lẽ chung, ở đó phải có sự “gặp gỡ” của các ý chí, ý kiến khác nhau, phải trở thành những ý chí, lý lẽ chung đúng đắn mà mọi người đều thừa nhận, đó mới là công lý” [5, tr.13]. Nói một cách khác, công lý chính là sự giao thoa của các ý thức pháp luật của các giai

tầng trong xã hội có giai cấp, là “cái chung đúng đắn” trong ý thức pháp luật. Ý thức pháp luật của các giai tầng trong xã hội nếu mang tính tiêu cực thì sẽ không thể tìm được ra “cái chung đúng đắn” đó, nghĩa là không thể có được công lý.

Còn về phía công bằng, Con người tin vào tính công bằng của những đòi hỏi của quy phạm pháp luật thì không cần một sự tác động bổ sung nào của nhà nước để thực hiện những đòi hỏi ấy. Có được lòng tin vào tính công bằng của pháp luật, con người sẽ có hành vi hợp pháp phù hợp với các đòi hỏi của quy phạm pháp luật một cách độc lập, tự nguyện. Lòng tin vào tính công bằng của pháp luật sẽ hướng dẫn hành vi hợp pháp cho con người [29, tr.57].

- Ý thức pháp luật tiêu cực là đi ngược lại với xu thế và yêu cầu của việc bảo vệ nhân phẩm của con người. Hiện nay, vấn đề nhân phẩm đang dần được nhiều quốc gia quan tâm đến. Theo nhà tư tưởng người Đức Immanuel Kant (1724-1804) cho rằng con người là những thực thể có lý trí, có phẩm giá và xứng đáng được tôn trọng. Ông còn nhận định rằng: “Hiến pháp công bằng có mục tiêu làm hài hòa hóa tự do của mỗi cá nhân với tự do của tất cả những người khác và quan trọng nhất là bảo vệ phẩm giá con người. Mỗi cá nhân có phẩm hạnh toàn diện, có giá trị tuyệt đối” [29, tr.57]. Bảo vệ nhân phẩm là việc cốt yếu vì chính nhân phẩm hình thành nên quyền con người. Con người không chỉ có những nhu cầu căn bản mà còn có nhu cầu được xem trọng và bảo vệ nhân phẩm của bản thân.

Khoản 1 Điều 1 Luật cơ bản của Đức có quy định:

Nhân phẩm con người là bất khả xâm phạm. Đây không phải là một quyền cơ bản đơn thuần, mà là giá trị khách quan, cao nhất của Hiến pháp, là quy tắc ràng buộc toàn bộ mục đích, nhiệm vụ và hành vi của công quyền. Nhân phẩm bị xâm phạm khi cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền hành xử với con người như một vật thể đơn thuần. Những hành vi của công quyền như bắt người làm nô lệ, tra tấn, phân biệt đối xử, làm nhục, từ chối cung cấp những điều kiện sống tối thiểu của một con người là hành vi xâm phạm nhân phẩm và vi hiến [29, tr.59].

Không thể nói đến việc bảo vệ các quyền khác của người dân (như quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do, bình đẳng..) nếu ngay cả nhân phẩm của họ cũng bị xâm hại. Bởi chính phẩm giá con người là cội nguồn của quyền con người, là giá trị vĩnh hằng.

Ý thức pháp luật tiêu cực là khi các cá nhân và toàn xã hội không nhận thức được pháp luật như là một công cụ để bảo vệ phẩm giá của con người. Người dân sẽ không thể có niềm tin vào công lý, vào pháp luật khi nhân phẩm – thứ cao quý nhất của một con người lại bị chà đạp, coi thường. Nhà nước vì không có được sự nhìn nhận con người là giá trị cần phải bảo vệ nên không “ban hành những quy định để ngăn chặn, can thiệp vào những hành vi quá khích như tự tử, nghiện hút ma túy say rượu, holigan, sự tha hóa về đạo đức nhằm bảo vệ nhân phẩm con người” [31, tr.52]. Ngay cả khi bị tạm giam, con người cũng có quyền được pháp luật bảo vệ nhân phẩm của mình không bị nhục mạ, tra tấn… Còn về phía cá nhân người dân, chính là thái độ thờ ơ, coi thường, bất tuân các quy định pháp luật hiện hành có quy định đến vấn đề bảo vệ nhân phẩm của người khác cũng như của chính mình.

Ngày nay, vấn đề giới hạn quyền đang là một vấn đề phức tạp, gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, chúng ta phải thống nhất rằng, dù trong bất cứ tình huống nào, giới hạn quyền cũng không được xâm phạm đến phẩm giá của con người.

Trên thực tế, một tác giả đã nhận định rằng:

Ở Việt Nam, vấn đề chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị được Hiến pháp, Bộ luật hình sự và nhiều văn bản khác thể hiện vai trò quan trọng hơn việc bảo vệ quyền con người hay phẩm giá con người. Ở châu Âu, ví dụ Đức, nhân phẩm là một trong những giá trị quan trọng nhất của Hiến pháp [31, tr.49]

Cho thấy, chúng ta cần nhìn nhận lại một cách cấp thiết hơn vấn đề bảo vệ nhân phẩm con người.

- Ý thức pháp luật tiêu cực đi ngược lại với văn hóa pháp lý tiến bộ của nhân loại.

nhân loại, cùng chung mục tiêu hướng đến mục tiêu cao cả nhất là bảo vệ quyền và phẩm giá của con người, cũng như bắt kịp và phù hợp với những biến đổi của thời đại. Ý thức pháp luật tiêu cực thể hiện tính chất đi ngược lại với xu thế văn hóa pháp lý tiến bộ của nhân loại, thể hiện ở một số mặt như sự lạc hậu, thiếu tính thực tiễn, đi ngược các tư tưởng tiến bộ của nhân loại như bảo vệ phẩm giá con người, thói quen sử dụng pháp luật như là một công cụ bảo vệ quyền lợi của cá nhân trong đời sống…

Việc tôn trọng, bảo vệ các quyền con người hiện đã trở thành thước đo căn bản về trình độ văn minh của các nước và các dân tộc trên thế giới. Thúc đẩy, bảo vệ quyền con người, cả trong pháp luật và thực tiễn, là nghĩa vụ và cần sự đóng góp của tất cả các tầng lớp xã hội, các dân tộc, trên toàn thế giới. Ở Việt Nam hiện nay, văn hóa nhân quyền còn là một khái niệm mới, đang từng bước được nhận thức và áp dụng. Do đó việc nghiên cứu về văn hóa nhân quyền cũng như việc áp dụng vào thực tiễn pháp luật và đời sống còn khá là mới mẻ, chưa có một cách nhìn nhận có hệ thống, toàn diện và sâu sắc về vấn đề này. Bên cạnh đó, Việt Nam lại là quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên nét đẹp truyền thống trong sự đa dạng phong phú của nền văn hóa Việt Nam. Chính sự khác biệt về văn hóa, sự khác biệt về truyền thống, phong tục, tập quán và lối sống...dẫn tới những khó khăn trong việc dung hòa nhận thức và áp dụng khác nhau về các quyền con người, cũng như bắt kịp những giá trị văn minh, tiên tiến của nhân loại về quyền con người.

Ở nước ta, cho đến ngày nay vẫn chưa có thói quen tìm đến pháp luật khi xảy ra các tranh chấp dân sự như một hành vi ứng xử tất yếu và phổ biến như ở các quốc gia phát triển. Nói cách khác, trong tâm thức người dân hiện nay, pháp luật vẫn không phải là cách giải quyết được ưu tiên. Lối ứng xử ấy đối lập hoàn toàn với tinh thần "thượng tôn pháp luật", một đòi hỏi tất yếu của xã hội hiện đại, của nhà nước pháp quyền. Đây thực sự đang là một thách đố gay gắt khi nước ta đang bước vào tiến trình hội nhập quốc tế với các quan hệ giao lưu được mở rộng, trong đó tinh thần "thượng tôn pháp luật" là điểm tựa của việc thực hiện những cam kết quốc tế.

- Ý thức pháp luật tiêu cực đi ngược lại với xu thế hòa bình và phát triển bền vững Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho công bằng và phát triển bền vững; thúc đẩy bình đẳng, hỗ trợ các nhóm yếu thế; bảo vệ tốt môi trường; bảo đảm quyền cho mọi người dân, đồng thời đề cao tinh thần đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người. Việt Nam cũng đã nỗ lực bảo vệ tốt các di sản văn hóa và thiên nhiên, gìn giữ bản sắc dân tộc. Nước ta luôn nhất quán trong việc đề cao Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình và bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không.

Nếu như ý thức pháp luật tiêu cực của người dân không được cải thiện và xóa bỏ thì đất nước ta sẽ rất khó khăn trong quá trình hòa nhập với xu thế hòa bình và phát triển bền vững của nhân loại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức pháp luật tiêu cực ở việt nam từ truyền thống đến hiện đại (Trang 37 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)