1.4. Các yếu tố tác động đến ý thức pháp luật tiêu cực
1.4.5. Thông tin pháp luật
Trong khoa học pháp lý, người ta định nghĩa về khái niệm "thông tin pháp luật" như sau:
Thông tin pháp luật theo nghĩa hẹp được hiểu là các tài liệu, văn bản mang tính quy phạm, từ các đạo luật cho đến quyết định cá nhân; tài liệu, văn bản đó được gọi một cách chính xác là quỹ thông tin. Ở nghĩa rộng, khái niệm thông tin pháp luật được hiểu là toàn bộ thông tin quy phạm hoặc hoạt động pháp lý đang vận hành một cách hiện thực, tác động đến việc điều chỉnh hành vi của con người, tức là tổng thể tin tức về các quy phạm pháp luật, các nguyên tắc pháp luật, về việc áp dụng pháp luật, về lý luận pháp luật quy định hành vi trong pháp luật [38, tr.164].
Như vậy, thông tin pháp luật là thông tin phức tạp, đa dạng với nhiều mức độ và nhiều nhân tố khác nhau. Ở mỗi con người, nhóm xã hội, tầng lớp dân cư khác nhau, có những nhu cầu và lợi ích khác nhau, nếu thông tin pháp luật đúng đắn, đầy đủ và kịp thời sẽ là những yếu tố quan trọng chi phối quá trình hình thành và phát triển ý thức pháp luật của họ. Ngược lại, nếu thông tin pháp luật sai lệch, thiếu sót và chậm trễ sẽ tạo nên ảnh hưởng tiêu cực đối với ý thức pháp luật của người dân.
Thông tin pháp luật thiếu sót là thông tin không có sự bao quát, không hàm chứa đầy đủ các tin tức đa dạng về pháp luật. Thông tin pháp luật sai lệch là thông tin không phản ánh khách quan, đúng đắn các quá trình, sự kiện xảy ra trong đời sống pháp lý của xã hội. Thông tin pháp luật chậm trễ là sự phổ biến không kịp thời các thông báo trong lĩnh vực pháp luật. Nếu thông tin pháp luật thiếu sót, sai lệch hay chậm trễ thì công dân, những người có chức vụ, quyền hạn sẽ không có được tin tức khách quan về các sự kiện quan trọng trong đời sống pháp lý, không có được câu trả lời một cách kịp thời cho vấn đề mới nảy sinh.
Việc thiếu thông tin pháp luật cần thiết dẫn đến tình trạng nhiều người đứng trước tình huống, sự kiện nhất định không biết giải quyết như thế nào về mặt pháp luật. Điều đó trong nhiều trường hợp là nguyên nhân của việc gây nên ý thức pháp luật tiêu cực như hành vi vi phạm pháp luật; của tình trạng, thái độ thờ ơ đối với các sự kiện pháp lý. Những công dân không được thông tin về pháp luật, không có hiểu biết về pháp luật sẽ không có khả năng ứng xử và giải quyết đúng các vấn đề theo pháp luật.
Nếu coi sự hiểu biết về pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng của ý thức pháp luật, thì có thể thấy, thông tin pháp luật chính là mức độ thứ nhất của sự hiểu biết về pháp luật. Thực tế phát triển trong xã hội cho thấy việc không hiểu biết về pháp luật sẽ dẫn tới việc không thể trật tự hóa hoạt động có ý thức của cá nhân trong lĩnh vực pháp luật. Hoạt động có ý thức của con người liên quan đến lĩnh vực pháp luật cần phải có sự hiểu biết và nhận thức được cái đòi hỏi mà nhà nước đưa ra đối với họ với tư cách là thành viên của xã hội. Do đó, các quy tắc hành vi được quyết định trong các quy phạm pháp luật cần được các cá nhân hiểu biết và ý thức
được về chúng. Đó là một trong những điều kiện của sự hình thành tính tích cực về mặt pháp lý của con người.
Như vậy, có thể coi thông tin pháp luật, một mặt, như là tiền đề của việc có được hiểu biết pháp luật và, mặt khác, như là kết quả của việc có được hiểu biết pháp luật. Thông tin pháp luật thiếu sót, sai lệch hay không đầy đủ sẽ dẫn đến tình trạng ý thức pháp luật tiêu cực của người dân. Ngược lại, thông tin pháp luật đầy đủ, kịp thời, đúng đắn sẽ hạn chế được tính chất tiêu cực trong ý thức pháp luật của người dân.
1.4.6. Giáo dục và tuyên truyền phápluật
Ý thức pháp luật nói chung và ý thức pháp luật tiêu cực nói riêng còn là kết quả của nhân tố chủ quan, đó là quá trình giáo dục và tuyên truyền pháp luật. Sự hình thành và phát triển ý thức pháp luật là quá trình thực hiện sự kết hợp điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Nếu sự kết hợp đó không có được sự thống nhất và hài hòa với nhau thì có thể sẽ dẫn tới hệ quả tiêu cực trong ý thức pháp luật.
Nhận thức rằng, đối với quá trình hình thành ý thức pháp luật tiêu cực, chúng ta không được tách rời các điều kiện khách quan như là cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội của bản thân hệ thống pháp luật hiện hành (đó là toàn bộ đời sống pháp luật thực tiễn pháp luật phong phú, đa dạng cũng như không kém phần phức tạp. Nó quy định mục tiêu, phương hướng, phương thức để có thể tiến hành giáo dục pháp luật, nhằm hạn chế và đi đến xóa bỏ ý thức pháp luật tiêu cực, nâng cao ý thức pháp luật trong một giai đoạn lịch sử nhất định; quy định điều kiện vật chất cho chủ thể, khả năng chính cho chủ thể. Đến lượt mình, nhân tố chủ quan - mà sự tác động giáo dục định hướng có tổ chức, có chủ định của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội là yếu tố trọng tâm đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình biến đổi những điều kiện khách quan, trong quá trình chủ quan hóa hiện thực.
Có thể thấy rằng, không có những điều kiện khách quan cần thiết thì không có bất kỳ một cố gắng chủ quan nào đạt được kết quả. Nhưng khi đã có điều kiện khách quan chín muồi, hay ít ra cũng đang hình thành, thì vai trò của nhân tố chủ quan trở thành yếu tố có tính chất quyết định trong việc biến những khả năng đang
có trở thành hiện thực. C. Mác đã khẳng định: “Con người vốn là sản phẩm của hoàn cảnh và giáo dục. Và do đó con người biến đổi là sản phẩm của những hoàn cảnh khác và của một nền giáo dục đã thay đổi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: hiền, dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên.
Từ sự phân tích nói trên cho thấy vai trò của nhân tố chủ quan (mà chủ yếu là hoạt động giáo dục pháp luật) hết sức quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của ý thức pháp luật cũng như cải tạo ý thức pháp luật tiêu cực. Vai trò đó thể hiện ở sự tác động định hướng của tổ chức Đảng, Nhà nước và các tổ chức kinh tế - xã hội lên người được giáo dục. Nếu định hướng đó thiếu sự đúng đắn, khoa học và không phù hợp với điều kiện khách quan thì sẽ dễ dẫn tới việc hình thành tri thức pháp luật, tình cảm pháp luật theo xu hướng tiêu cực và người dân không có hành vi phù hợp với pháp luật hiện hành.
Nếu tổ chức Đảng, Nhà nước và các tổ chức kinh tế - xã hội chờ đợi, ỷ lại vào các điều kiện khách quan mà không có sự nỗ lực chủ quan tiến hành hoạt động có tổ chức, có định hướng, có ý thức tự giác cao của chủ thể giáo dục thì sẽ rất khó để hình thành tri thức, tình cảm và thói quen tuân thủ pháp luật ở đối tượng giáo dục. Chúng ta không thể ỷ lại việc người dân có thể tự tìm hiểu pháp luật, tự tuân theo pháp luật mà xem nhẹ hoạt động giáo dục, tuyên truyền pháp luật. Đây là cách thức tác động trực tiếp, nhanh nhất và hiệu quả nhất nhằm cải tạo ý thức pháp luật tiêu cực, hướng mọi người đến lối sống tuân theo pháp luật
Bên cạnh đó, nếu nội dung và cách thức giáo dục và tuyên truyền pháp luật chưa đúng đắn, phản khoa học sẽ dẫn đến tình trạng phản tác dụng. Ý thức pháp luật tiêu cực của người dân không được cải thiện, thậm chí còn nặng nề và phức tạp hơn.