1.4. Các yếu tố tác động đến ý thức pháp luật tiêu cực
1.4.2. Yếu tố tư tưởng
Hệ tư tưởng, theo quan điểm triết học, "là nhận thức lý luận về tồn tại xã hội, là hệ thống những quan điểm, tư tưởng, chính trị, triết học, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo...", là "kết quả của sự khái quát hóa những kinh nghiệm xã hội" [18, tr.540]. Như vậy, hệ tư tưởng cũng là một bộ phận của ý thức xã hội, nhưng ở "trình độ cao của ý thức xã hội". Nó được hình thành một cách tự giác, nghĩa là được tạo ra bởi các nhà tư tưởng của những giai cấp nhất định và được truyền bá trong xã hội. Là một bộ phận của ý thức xã hội, hệ tư tưởng cũng là sự phản ánh tồn tại xã hội - cái mà pháp luật cũng phản ánh theo phương thức của mình. Như thế, do có chung một khách thể phản ánh, lại cùng là các bộ phận trong ý thức xã hội, nên ý thức pháp luật nói chung và ý thức pháp luật nói riêng không thể không có mối quan hệ, không thể không bị ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng trong xã hội, đặc biệt là hệ tư tưởng chính thống - hệ tư tưởng của giai cấp thống trị. Hệ tư tưởng của giai cấp thống trị có xu hướng chuyển hóa thành ý thức của toàn xã hội. Trong khi đó, ý thức của toàn xã hội thì lại có ảnh hưởng quyết định đến ý thức của từng cá nhân trong xã hội.
Trong lịch sử, các học thuyết, các trường phái thuộc lĩnh vực hệ tư tưởng đều mang tính giai cấp rõ rệt. Mỗi học thuyết, trường phái đó đều là sự phản ánh trong nó quyền lợi kinh tế, chính trị - xã hội và ý chí của một giai cấp. Chúng nảy sinh, tồn tại và được phát triển (hoặc bị thủ tiêu) theo những hoàn cảnh lịch sử nhất định. Vì thế, ở mỗi một giai đoạn, mỗi thời đại, bất kỳ hệ tư tưởng chính thống nào cũng là một trong những nhân tố có tác động quyết định sự hình thành và phát triển của các tư tưởng cá nhân tồn tại trong xã hội đó, trong đó có ý thức pháp luật tiêu cực.
Chẳng hạn, hệ tư tưởng tư sản có ảnh hưởng quyết định đến ý thức pháp luật trong xã hội tư bản. Trong thời kỳ chuyển biến từ xã hội phong kiến sang xã hội tư bản, do có sự thay đổi về hệ tư tưởng nên tính chất và nội dung của ý thức pháp luật và pháp luật cũng bị thay đổi theo. Vào buổi bình minh của chủ nghĩa tư bản, ý thức pháp luật và pháp luật tư sản được hình thành trên cơ sở những tư tưởng nhân văn và tiến bộ thuộc nhiều trường phái tư tưởng của những thế kỷ Trung đại, Ánh sáng...; điển hình trong giai đoạn này là tư tưởng về thuyết tam quyền phân lập, mà người đại diện cho nó là nhà xã hội học người Pháp - Montesquieu.
Nhưng khi chủ nghĩa tư bản bước vào thời kỳ đế quốc chủ nghĩa, hệ tư tưởng đế quốc, phát xít, quân phiệt hình thành, thì pháp luật và ý thức pháp luật của thời kỳ đó theo xu hướng phản động, phản dân chủ và chống lại loài người. Người dân có thái độ chống đối lại với thứ pháp luật này, có sự ác cảm đối với pháp luật, lâu dần ý thức pháp luật theo đó cũng trở nên tiêu cực hơn.
Ở Á Đông, ý thức pháp luật và pháp luật của Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo. Có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều quy định trong hệ thống pháp luật phong kiến Việt Nam thể hiện những tư tưởng của Đạo Nho. Ví dụ như quy định về mười tội ác (thập ác) trong Quốc triều hình luật nhà Lê. Đó đều là những tội ác mà việc vi phạm nó cũng chính là vi phạm vào đạo, vào lễ giáo phong kiến của nhà Nho, bảo vệ quyền uy tối thượng của vua, bảo đảm sự bền vững của ngôi vua.
Bên cạnh đó, luật pháp trong thời kỳ phong kiến mà hệ tư tưởng là Nho giáo ở nước ta còn tồn tại nhiều điều không hợp lý dẫn đến ý thức pháp luật tiêu cực. Có thể kể đến là tính chất liên lụy, một người gây án cả họ phải chịu tội lây, khiến cho bao người bị oan uổng, đẩy họ vào chỗ chết hoặc buộc họ phải chống lại. Đó còn là sự bưng bít, không phổ biến các điều luật cho dân biết, nên khi xét xử chẳng ai biết đó là đúng luật hay không đúng luật, tất cả đều phụ thuộc vào ý chí của quan tòa, và cao hơn là Vua….
Những minh chứng trên cho thấy, hệ tư tưởng là một nhân tố rất quan trọng, có ảnh hưởng to lớn đến quá trình hình thành và phát triển của ý thức pháp luật nói
chung và ý thức pháp luật tiêu cực nói riêng. Những ảnh hưởng này được thể hiện rõ nét nhất vào thời kỳ của các cuộc đảo lộn xã hội: cách mạng xã hội, cải cách pháp luật, cải cách thể chế chính trị, kinh tế, xã hội…