2.1.1. Ý thức pháp luật tiêu cực ở Việt Nam từ giai đoạn dựng nước đến trước thời kỳ đổi mới trước thời kỳ đổi mới
2.1.1.1. Thời kỳ dựng nước đến thế kỷ X
Thứ nhất, vào thời kỳ này, người dân chưa có nhận thức và ý thức về pháp luật
Nhà nước Việt Nam ra đời do những nhu cầu chung của toàn xã hội đòi hỏi. Đó là các nhu cầu về trị thủy, khắc phục các thiệt hại về thiên nhiên và nhu cầu đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Vào thời đó, điều kiện kinh tế còn kém phát triển, thô sơ nên các quan hệ xã hội cũng vì thế mà mang tính chất phác, “Thời cổ làm việc chỉ có quy chế, không dùng hình luật, vì đời thuần phép giản, có thể châm trước tùy nghi được” [3, tr.157]. Pháp luật thời này cũng rất đơn giản, người dân chủ yếu xử sự theo các tập quán, thói quen.
Thông tin pháp luật đến người dân chủ yếu qua hình thức truyền khẩu. Trong dân gian có những câu: Vua truyền rằng…, vua ban rằng… Những mệnh lệnh đó được đảm bảo thực hiện bằng cả sự cưỡng chế nên đó là luật pháp. Các phong tục, tập quán trong cư dân, trong cộng đồng làng xã được thực hiện như những quy định của pháp luật.Xuất phát từ tình hình thực tiễn đó, có thể nhận định rằng, người dân nước ta vào thời đó chỉ thực hiện theo các phong tục, tập quán, theo lời Vua…mà chưa thực sự có một hiểu biết, nhận thức rõ ràng về pháp luật. Đây cũng là một hạn chế của thời đại.
Thứ hai, các tư tưởng pháp luật, học thuyết pháp lý phát triển từ mặt tiêu
cực của Nho giáo
Có thể nói rằng mục tiêu dùng Nho giáo để đồng hoá người Việt của vương triều phương Bắc tuy không thành công nhưng lại để lại những tiêu cực trong tư
tưởng pháp luật, học thuyết pháp lý. Ví dụ như thuyết tôn quân quyền của Nho giáo được tầng lớp thống trị lợi dụng để cổ suý cho sự thượng tôn quyền lực của hoàng đế Trung Hoa, thuyết tôn nam quyền của Hán Nho được tầng lớp thống trị lợi dụng để loại bỏ một nửa dân số người Việt khỏi đời sống chính trị, văn hoá, đã mâu thuẫn với nguyên lý mẹ, nguyên lý trọng nữ quyền, của người Việt được tạo dựng từ thời khởi nguyên dân tộc.
Thứ ba, người dân có tâm lý bất tuân pháp luật, chống đối lại pháp luật của
nhà nước phong kiến đô hộ
Sau khi Nhà nước Âu Lạc bị phong kiến phương Bắc tiêu diệt (năm 179 Tr.cn), thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc đã bắt đầu và kéo dài suốt 10 thế kỷ. Trong thời kỳ này, hệ thống pháp luật tồn tại ở Việt Nam có hai loại khác nhau: pháp luật của chính quyền đô hộ và pháp luật của cư dân bản địa (gọi là luật Việt).
Trong chính sách đồng hóa của các triều đại Trung Quốc còn có cả việc bắt người Việt phải tuân theo tục lệ Hán, phải tuân thủ luật Hán. Đây là một trong những nghịch lý lớn nhất của lịch sử Việt Nam: luật pháp – một sản phẩm của xã hội văn minh mà người Việt lần đầu tiên biết đến là một công cụ nô dịch, áp bức và đồng hóa của ngoại bang. Do đó, ý thức chống đối lại pháp luật xuất hiện ngay trong những buổi đầu tiên của thời kỳ Bắc thuộc. Trong những cuốn sử biên niên của các triều đại Trung Quốc ghi chép về cư dân Gia Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thường có nhận xét là “hay phản loạn”, “bất tuân” [38, tr.14].
Có thể nói, nếu người Việt nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp của các chính quyền đô hộ Trung Hoa thì đó sẽ là con đường dẫn tới sự diệt vong của dân tộc. Cho nên, tìm mọi cách để chống lại pháp luật đô hộ đã trở thành một phản ứng hết sức tự nhiên của người Việt. Do lòng yêu nước, tính tự cường của dân tộc mà người Việt đã tìm mọi cách chống lại pháp luật của chính quyền đô hộ và đó là một thứ vũ khí hiệu quả giúp nhân dân ta chống lại sự đồng hóa của phong kiến Trung Quốc. Vì thế, những hành động đối lập, đả kích, tẩy chay pháp luật của chính quyền đô hộ được dư luận đồng tình, cổ vũ.
Thứ tư, người dân có tư tưởng pháp luật xem trọng tục lệ làng xã hơn pháp luật của nhà nước
Để khẳng định sự khác biệt về lối sống, nhằm thể hiện chủ quyền độc lập, người Việt đã lấy tục lệ làng xã làm chế định riêng của mình. Nếu như trên bình diện văn hóa – chính trị, Bắc thuộc là thời kỳ làng đối lập với nước (với ý nghĩa là Nhà nước cai trị ngoại bang), thì trên bình diện chế định, đây là thời kỳ luật đối lập với tục lệ.
Sau khi thôn tính được Âu Lạc, các triều đại phong kiến Trung Quốc kế tiếp nhau đô hộ nước ta: Triệu, Tây Hán, Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường... Mọi chính sách của chúng đều nhằm thủ tiêu chủ quyền quốc gia, xóa bỏ lãnh thổ Âu Lạc, đồng hóa dân tộc ta thành một bộ phận cư dân Hán.Tuy nhà Hán đã áp đặt được một bộ máy đô hộ cấp châu, cấp quận, song chính giới thống trị Hán tộc cũng phải thừa nhận rằng chúng chỉ có thể dùng tục cũ để cai trị; chúng không nắm được các huyện vì ở huyện vẫn phải theo chế độ Lạc tướng cha truyền con nối của người Việt. Điều đó có nghĩa là đẳng cấp quý tộc Việt cổ truyền vẫn giữ được thế mạnh và quyền uy để cai quản dân Việt [21, tr.150]. Qua đó cho thấy, dân Lạc Việt đã chống lại một cách có hiệu quả chính sách đồng hóa của phong kiến Trung Quốc.
Mặt khác, trong quá trình đô hộ của mình, chính quyền đô hộ ngoại bang do áp lực từ phía giai cấp bị thống trị phải liên tục thay đổi phương thức cai trị để thích nghi và tồn tại lâu dài. Điều này đã dẫn đến kết quả là, cùng với thời gian, người Việt chẳng những không bị đồng hóa bởi văn hóa Trung Hoa, mà sức ly tâm chính trị của các chính quyền đô hộ với triều đình Trung ương ở Trung Nguyên ngày càng lớn. "Cố kết cộng đồng làng xã, nhân dân Âu Lạc vừa giữ gìn bản sắc dân tộc mình, vừa đấu tranh lật đổ chính quyền đô hộ phương Bắc, xây dựng chính quyền tự chủ. Do đó, trong hơn mười thế kỷ, sự tồn tại của chính quyền đô hộ xen lẫn với sự tồn tại của chính quyền tự chủ" [21, tr.235].
Dưới thời Hán thuộc, nhất là từ sau Công nguyên cho đến thời nhà Đường, chính sách pháp luật có mềm dẻo hơn, có chú ý đến tục lệ của dân địa phương. Sử sách Trung Quốc còn ghi lại việc Dân Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam họ hay nổi
loạn... nên Mã Viện lại có điều trần tấu lên vua Hán rằng: luật của người Việt khác so với luật nhà Hán hơn mười điều và Mã Viện xin vua Hán áp dụng luật Hán có chiếu cố tập quán pháp của người Việt để xoa dịu phần nào sự phản kháng của dân Âu Lạc [7, tr.146]. Chính vì được sự hậu thuẫn như thế làng, xã vẫn độc lập và luôn luôn có xu hướng chống lại pháp luật của ngoại bang, sống theo phong tục và các quy ước làng xã. Điều đó giải thích vì sao dân tộc ta vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình trước sự đồng hóa của kẻ thù suốt 10 thế kỷ.
Thời kỳ lịch sử đặc biệt như vậy kéo dài tới hơn một nghìn năm, đó là khoảng thời gian đủ dài để truyền thống có thể hình thành. "Đó là truyền thống coi tục là luật, coi luật pháp của nhà nước là cái đối lập với mình, tìm mọi cách lẩn trốn hoặc chống đối lại" [38, tr.15]. Cho nên có thể nói thời kỳ Bắc thuộc với những hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo và khắc nghiệt đã tạo nên trong người Việt một lối sống không theo pháp luật. Chính ý thức, lối sống này đã "góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc, nhờ đó người Việt trải qua được thử thách cực kỳ nguy hiểm, dân tộc tránh được họa diệt vong" [38, tr.15]. Nhưng, khi điều kiện lịch sử thay đổi thì những hệ quả của truyền thống này còn tồn tại rất dai dẳng trong lịch sử gây ra những hạn chế khi điều kiện xã hội mới đòi hỏi phải xây dựng ý thức, lối sống theo pháp luật.
Như vậy, có thể nói những tư tưởng về pháp luật của người Việt Nam đã có từ thời nhà nước sơ khai; nhưng bị chi phối bởi điều kiện kinh tế chưa phát triển nên nó mới chỉ dừng ở sự nhận thức về việc phải có những quy định chung để điều tiết các quan hệ trong xã hội. Những nhận thức, hiểu biết về pháp luật chính thức ra đời vào thời kỳ đất nước bị giai cấp phong kiến Trung Quốc xâm lược đô hộ. Điều này làm hình thành nên ý thức pháp luật tiêu cực: tư tưởng chống đối lại pháp luật của nhà nước. Đề cao luật tục địa phương và chống đối quyết liệt luật pháp của nhà nước đô hộ chính là con đường phát triển tất yếu của ý thức pháp luật Việt Nam trong giai đoạn này nhưng cũng manh nha hình thành nên ý thức pháp luật tiêu cực trong người dân khi nó trở thành thói quen và truyền thống nhất là trong điều kiện xã hội mới đòi hỏi phải xây dựng ý thức, lối sống theo pháp luật.
2.1.1.2. Thời kỳ từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX
Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938 là cột mốc ghi nhận sự độc lập của nhà nước phong kiến Việt Nam. Trải qua các triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần - Hậu Lê - Quang Trung, Nguyễn, đặc biệt là sau đời Lý, công việc xây dựng đất nước bắt đầu bước vào quy mô lớn, đặt nền tảng vững chắc và toàn diện cho sự phát triển của quốc gia phong kiến độc lập. Con đường vận động của ý thức pháp luật nói chung và ý thức pháp luật tiêu cực nói riêng của Việt Nam ở giai đoạn này được thể hiện như sau:
Thứ nhất, người dân thời kỳ này vẫn tồn tại tư tưởng pháp luật tiêu cực, chỉ
đề cao luật tục địa phương mà xem nhẹ, coi thường pháp luật, nếu ở giai đoạn trước, việc đề cao, tuân thủ tích cực luật tục của địa phương là một hành động ngăn chặn một cách có hiệu quả sự tác động của luật nước vào các đơn vị tự trị là làng - xã thì đến giai đoạn này, đặc điểm đó lại phát triển một cách cực đoan, tạo ra những điểm hạn chế trong quá trình phát triển của ý thức pháp luật.
Nhà nước thời Lý Trần coi trọng phong tục làng xã và giành cho làng xã một quyền tự trị rất lớn. Nhiều chuẩn mực của làng được chính quyền nâng thành chuẩn mực của nước. Xuất phát từ đặc điểm của hệ thống pháp luật thời Lý - Trần như vậy nên trên thực tế các chế định quan phương thời kỳ này không khác các tục lệ làng xã ở nhiều điểm. Chẳng quan đó là những phong tục chung cho nhiều làng xã mà thôi. Lối sống theo tập tục địa phương chính vì vậy mà tiếp tục được củng cố. Sự can thiệp quá sâu vào làng xã dẫn đến một cơ cấu quyền lực kép ở từng làng bắt đầu hình thành. Một mặt, làng vẫn tiếp nhận bộ máy hành chính của nhà nước (lý trưởng và các lý dịch) điều hành làng xã theo phép vua (luật nước). Bộ máy tự trị làng xã không mất đi, mà biến tướng thành một Hội đồng (quan viên, hương lão). Đây mới là bộ máy thực sự điều hành mọi công việc trong làng xã. Sức mạnh của nó là tục lệ làng và cơ sở kinh tế của nó là sự hậu thuẫn của các thế lực địa chủ, cường hào trong làng [28, tr.124]. Cơ cấu quyền lực kép đó một mặt vừa phản ánh sức sống dai dẳng của quan hệ làng xã, mặt khác, vừa là sự phát triển tiếp theo của đặc điểm ý thức coi trọng luật tục của địa phương hơn luật pháp nhà nước đã từng
được hình thành ở giai đoạn trước. Phương châm xử thế của người nông dân làng xã thời bấy giờ là "phép Vua thua lệ làng".
Thứ hai, người dân có những suy nghĩ tiêu cực về mặt tư tưởng, nhận thức
về pháp luật. Nền kinh tế tiểu nông, sản xuất nhỏ, lạc hậu, manh mún đã làm cho tư
duy của những người dân mang đậm màu sắc của kiểu tư duy trực giác, hình thức, thiển cận. Hệ quả của phương thức tư duy này là người dân chỉ quan tâm chủ yếu đến những lợi ích trước mắt, trực tiếp, có thể nhìn thấy hoặc hình dung được, mà ít thấy được những lợi ích to lớn, chung, mang tính cộng đồng, xã hội. Mà lệ làng, như trên đã phân tích, là những quy định liên quan trực tiếp, cụ thể, thiết thực hàng ngày đến nhu cầu,lợi ích của người dân cả về đời sống vật chất và đời sống tinh thần. “Rõ ràng hương ước đã hàm chứa lợi ích thiết thân, cả về vật chất và danh dự trong suốt chu trình tồn vong của từng con người...” [12, tr.67].
Trong điều kiện ấy, bằng sự quan sát và cảm nhận của mình, người dân chủ yếu chỉ thấy sự tác động của lệ làng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội của họ mà ít thấy và cũng không cần thấy vai trò của luật nước trong xã hội, phải chăng đó cũng là lý do làm cho người dân chủ yếu chỉ quan tâm biết và thực hiện theo lệ làng mà ít quan tâm đến phép nước, coi trọng lệ làng hơn phép nước. Điều đó chứng tỏ ý thức pháp luật của người dân còn ở trình độ thấp.
Thứ ba, người dân có những tình cảm tiêu cực đối với pháp luật. Những
biểu hiện của ý thức tuân thủ pháp luật đã xuất hiện nhưng đó còn là do người dân quá sợ hãi trước những hình phạt của pháp luật. Tư tưởng phong kiến bảo vệ một cách triệt để chế độ đẳng cấp đặc quyền phong kiến với những hình phạt tàn bạo đối với hành vi xâm phạm trật tự xã hội. Dưới thời kỳ nhà Nguyễn, tư tưởng bảo vệ phong kiến ngày càng chặt chẽ hơn, do bản chất của pháp luật luôn chống đối lại đại đa số lợi ích của người nông dân. Sự phản ứng, chống đối của nông dân ngày một dâng cao, hàng loạt cuộc nổi dậy ở khắp nơi. Đa số nông dân – những người thuộc tầng lớp dưới của xã hội vừa chấp nhận, vừa có động thái chống đối một cách quyết liệt ý thức hệ phong kiến, pháp luật phong kiến. Tình cảm của người dân đối với nhà Nguyễn bây giờ là sợ hãi, thiếu niềm tin. Càng về sau, pháp luật nhà Nguyễn lại
càng mang tính phản động, hà khắc, dã man, mở rộng hình sự và hình phạt, thi hành pháp luật một cách tùy tiện.
Đặc điểm chung của các hình phạt thời kỳ này là quy định cho các tội phạm thường rất hà khắc, dã man, tàn khốc (như: voi giày, ngựa xéo, chu di tam tộc, ném vạc dầu, xử trảm, thích chữ vào mặt...). Chính sự quá tàn khốc về hình phạt này làm xuất hiện trong người dân tâm lý, ý thức sợ hãi pháp luật, né tránh sự vi phạm pháp luật một cách thụ động, miễn cưỡng. Họ hình dung pháp luật chính là những hình phạt, khi mà mình phạm tội. Vì thế, họ sợ hãi và xa lánh pháp luật, cố gắng không vi phạm pháp luật.
Tâm lý sợ hãi pháp luật thực ra là một thứ tình cảm không ổn định. Người dân sợ hãi pháp luật nên không vi phạm pháp luật, còn thực chất họ không ý thức được quyền và nghĩa vụ trong việc tuân thủ pháp luật. Vì thế, sau này, khi pháp luật không còn gây cho họ sự sợ hãi (khi những hình phạt dã man không còn tồn tại), họ lại chuyển sang thái cực sẵn sàng coi thường, vi phạm pháp luật.
Như vậy, có thể thấy, tư tưởng pháp luật phong kiến Trung Quốc gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hình thành ý thức pháp luật cũng như tình cảm đối với pháp luật của nhân dân ta ở một vài khía cạnh nhất định. Đó là việc coi trọng “hình”