Chính sách pháp luật và hệ thống pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức pháp luật tiêu cực ở việt nam từ truyền thống đến hiện đại (Trang 33 - 34)

1.4. Các yếu tố tác động đến ý thức pháp luật tiêu cực

1.4.4. Chính sách pháp luật và hệ thống pháp luật

Chính sách pháp luật là: "bộ phận trong chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước. Nó được hiểu là sự thể hiện quan điểm của nhà nước trong việc sử dụng pháp luật với tính cách là công cụ quan trọng để quản lý nhà nước, quản lý xã hội; là những nguyên tắc và khuynh hướng cơ bản mang tính chất chỉ đạo trong việc xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật; là những phương pháp và biện pháp giúp cho việc hình thành ý thức pháp luật và lối sống theo pháp luật của nhân dân cũng như các chủ thể khác" [38, tr. 146]. Mục đích cuối cùng và quan trọng nhất của chính sách pháp luật là tác động lên suy nghĩ và hành vi của con người thông qua lăng kính pháp luật.

Hệ thống pháp luật là sự biểu hiện và sự phản ánh tập trung nhất của chính sách pháp luật ở mỗi quốc gia - nó là sự phản ánh những nội dung của chính sách pháp luật; thậm chí, bản thân nó chính là hình thức thể hiện của chính sách pháp luật. “Hệ thống pháp luật là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau, được phân định thành các ngành pháp luật, các chế định pháp luật và được thể hiện trong hệ thống các văn bản quy phạm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự và hình thức luật định (hình thức bên trong và bên ngoài của pháp luật)” [38, tr.147]

Từ các khái niệm đã nêu trên có thể hình dung chính sách pháp luật và hệ thống pháp luật suy cho cùng là nhằm tác động vào ý thức của con người. Ý thức đó chi phối hành vi của con người, trong đó có hành vi pháp lý - biểu hiện cụ thể là tuân theo pháp luật hay vi phạm pháp luật. Xuất phát từ những lợi ích và vị trí khác nhau, mỗi người hay một nhóm người có những yêu cầu và nhu cầu khác nhau đối với pháp luật. Một chính sách pháp luật và tương ứng với nó, là một hệ thống pháp luật nếu bỏ qua yếu tố dân trí và "chất lượng" của nền văn minh xã hội thì sẽ không đảm bảo được lợi ích của người dân, dẫn đến tình trạng họ sẽ không thừa nhận những giá trị của pháp luật. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, xuất phát từ tình hình thực tế - mà quan trọng là những biến động về kinh tế, chính sách pháp luật và hệ thống pháp luật nếu không thay đổi thì sẽ không thích ứng được và không thể phát huy được hiệu quả điều chỉnh của nó.

Xuất phát từ giá trị xã hội của pháp luật phải thấy rằng một chính sách và hệ thống pháp luật tồn tại để chống lại lợi ích và hạnh phúc của con người, chỉ bảo vệ lợi ích của một nhóm người hoặc một giai cấp chắc chắn sẽ bị con người căm ghét, xa lánh, không tôn trọng và luôn tìm cách vi phạm. Một chính sách và hệ thống pháp luật phản khoa học, đi ngược lại với văn minh nhân loại sẽ dẫn tới hậu quả bất lợi về ý thức hệ, tạo nên tình trạng tiêu cực trong ý thức pháp luật.

Tuy nhiên, đến lượt mình, ý thức pháp luật và lối sống theo pháp luật sẽ tác động trở lại đối với quá trình phát triển và hoàn thiện chính sách và hệ thống pháp

luật. Nó sẽ tác động ở hai phương diện: thứ nhất, quá trình xây dựng chính sách và

hệ thống pháp luật; thứ hai, quá trình đưa chính sách và hệ thống pháp luật trở

thành hiện thực.

Như thế, hiệu quả xã hội của mọi chính sách và hệ thống pháp luật đều thể hiện qua ý thức pháp luật của người dân. Chính sách và hệ thống pháp luật thiếu khoa học, không phù hợp với thực tiễn đời sống, không bảo đảm được quyền và lợi ích của người dân sẽ dẫn đến các biểu hiện tiêu cực trong ý thức pháp luật. Mọi hoạt động thể hiện ý thức pháp luật của con người tích cực hay tiêu cực sẽ là thực tiễn sinh động nhất để xác định thang giá trị và chất lượng của chính sách cũng như của hệ thống pháp luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức pháp luật tiêu cực ở việt nam từ truyền thống đến hiện đại (Trang 33 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)