Thức đạo đức, tập quán, truyền thống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức pháp luật tiêu cực ở việt nam từ truyền thống đến hiện đại (Trang 30 - 33)

1.4. Các yếu tố tác động đến ý thức pháp luật tiêu cực

1.4.3. thức đạo đức, tập quán, truyền thống

+ Ý thức đạo đức

Ý thức pháp luật và ý thức đạo đức mặc dù có phạm vi và hình thức tác động khác nhau, nhưng hai hình thái ý thức này có mối liên hệ rất mật thiết, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.

Có thể hình dung dưới dạng phổ quát nhất ý thức đạo đức là: "Toàn bộ những quan niệm về thiện, ác, tốt, xấu, lương tâm, trách nhiệm, hạnh phúc, công bằng... và về những quy tắc đánh giá, điều chỉnh hành vi ứng xử giữa cá nhân với xã hội, giữa các nhân với cá nhân trong xã hội" [18, tr.547].

Các chuẩn mực đạo đức cũng không có tính đồng nhất, có những chuẩn mực được thừa nhận chung là đạo đức, truyền thống của cả một dân tộc, nó được khẳng định qua thời gian và giữ nguyên giá trị thực tiễn cho đến sau này. Cũng có những chuẩn mực riêng cho những tầng lớp và nhóm dân cư nhất định.Tiêu chuẩn đầu tiên đánh giá hành vi đạo đức là ở tính tự giác của nó và pháp luật nhiều khi không thể điều chỉnh được mọi quan hệ xã hội. Vì vậy, các chuẩn mực đạo đức điều chỉnh các quan hệ xã hội một cách nhanh nhạy hơn, rộng khắp hơn, song cũng phức tạp hơn. Đạo đức không thể thiếu trong đời sống xã hội; không có đạo đức, con người sẽ mất nhân tính - cái bản chất để được gọi là người; thiếu nó, trật tự kỷ cương xã hội sẽ nhiễu loạn. Vì thế, pháp luật và đạo đức không thể tách rời nhau.

Như vậy, trong quan hệ với ý thức đạo đức, ý thức pháp luật luôn là sự thể hiện một chuẩn mực đạo đức nào đó, và như thế, nếu phối hợp được những ưu thế của ý thức đạo đức và ý thức pháp luật sẽ tạo ra được hiệu quả điều chỉnh rất hữu hiệu của pháp luật trong đời sống xã hội. Đây cũng là một trong những điều kiện đảm bảo hiệu quả thực tế của pháp luật. Pháp luật phải phù hợp với đạo đức hoặc ít nhất thì cũng không được trái với đạo đức. Nếu pháp luật đi ngược lại với các quy chuẩn đạo đức của xã hội sẽ dễ dẫn đến tình trạng các quy định pháp luật thiếu đi

tính thực tế. Pháp luật không còn là công cụ để bảo vệ những giá trị tốt đẹp, nhân văn của con người, không còn hợp tình và hợp lý dẫn đến tình trạng người dân không thừa nhận giá trị của pháp luật, hay cố tình làm trái pháp luật… gây nên tiền đề ý thức pháp luật tiêu cực.

Có những quy chuẩn đạo đức không còn có giá trị với điều kiện thực tế ngày nay, nhưng nó lại ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân từ đời này sang đời khác khiến họ có những hành vi trái pháp luật. Chẳng hạn như: tư tưởng đạo đức truyền thống của cha ông ta là có hiếu với ông bà, cha mẹ, đùm bọc, che chở cho người thân trong gia đình. Tuy nhiên,theo quy định của pháp luật, trong một số trường hợp, việc bao che hành vi phạm tội của người thân xuất phát từ tư tưởng đạo đức lại trở thành hành vi trái pháp luật. Bộ luật Hình sự 2015 quy định về việc không tố giác tội phạm của bố, mẹ người phạm tội như sau: Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì sẽ không phải chịu trách nhiệm về việc không tố giác. Tuy nhiên, trong trường hợp không tố giác các tội liên quan xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng khác thì các đối tượng nêu trên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

+ Tập quán, truyền thống

Nói đến tập quán, truyền thống là nói đến những giá trị nhân tính đã được đúc kết, chắt lọc và lưu tồn qua các thế hệ, thể hiện thành những thói quen, những quan niệm, những giá trị tinh thần của xã hội. Tập quán, truyền thống phản ánh cách ứng xử trong quan hệ của người với người, cá nhân với xã hội, con người với tự nhiên và trong quan hệ với mình.

Tập quán là một loại quy phạm xã hội tồn tại song hành cùng nhiều loại quy phạm xã hội khác như pháp luật, đạo đức, tín điều tôn giáo… nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử của con người trong các quan hệ xã hội. Tùy vào điều kiện lịch sử xã hội riêng mà mỗi dân tộc đều có tập quán, truyền thống riêng. Trong xã hội, pháp luật chỉ đáp ứng việc điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản và quan trọng nhất, có liên quan đến lợi ích của toàn bộ quốc gia, còn trên thực tế còn những quan hệ xã hội khác mà pháp luật chưa (hoặc không thể) điều chỉnh tới. Một hệ thống chuẩn mực

khác sẽ làm nhiệm vụ điều tiết các hành vi xã hội, trong đó có tập quán, truyền thống. Trong "Khế ước xã hội", Rousseau (1712 – 1778) cho rằng phong tục, tập quán và truyền thống đạo đức, nói chung, dư luận nhân dân là một loại pháp luật

quan trọng hơn cả. Ông viết: “Luật này mỗi ngày lại có thêm sức mới, khi các thứ

luật khác đã già cỗi hoặc tắt ngấm thì luật này thắp cho nó lại sáng lên, hoặc bổ sung, thay thế nó, duy trì cả dân tộc trong tinh thần thể chế, lẳng lặng đưa sức

mạnh của thói quen thay vào sức mạnh của quyền uy” [19, tr.194].

Tập quán, truyền thống tác động rộng rãi trong xã hội và có ảnh hưởng lên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực pháp luật và ý thức pháp luật. Nó có tính bền vững và ít bị thay đổi. Chức năng của tập quán, truyền thống là để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính khu vực, mang tính tộc người. Các thành viên của cộng đồng thường rất có niềm tin vào tính hợp lý, sự sáng suốt, công bằng của những quy tắc xử sự chung này. Chúng càng có hiệu lực tuyệt đối nếu như được cụ thể hóa thành hương ước hoặc lệ làng. Thực tế, các quy tắc này thường ra đời sớm hơn cả luật pháp và đã trở thành nếp suy nghĩ và hành động bền vững trong nhân dân.

Ví dụ, truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất đấu tranh chống giặc ngoại xâm là nền tảng làm cho người dân Việt Nam có ý thức chống đối lại nhà nước và hệ thống pháp luật của giặc ngoại xâm ngay từ buổi đầu bị xâm lược, làm cho người Việt không bị đồng hóa trong suốt một nghìn năm Bắc thuộc của phong kiến phương Bắc. Tuy nhiên, chính yếu tố này lại tạo nên tập quán chống đối lại pháp luật ở người dân, khiến cho khi đất nước độc lập, tư tưởng này trở thành lối sống của người dân, tạo nên ý thức pháp luật tiêu cực

Như vậy, trước tiên chúng ta phải nhận thức được rằng, sự tồn tại và vai trò của yếu tố tập quán, truyền thống là không thể phủ nhận trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Chúng ta không thể loại trừ nó hoàn toàn. Tập quán và truyền thống sẽ càng được phát huy và không phản tác dụng, khi mà nội dung của nó được lọc bỏ đi những yếu tố lỗi thời, không tích cực và đưa vào đó những yếu tố mới phù hợp với trình độ phát triển của thời đại; tránh tình trạng tạo nên ý thức pháp luật tiêu cực trong người dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ý thức pháp luật tiêu cực ở việt nam từ truyền thống đến hiện đại (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)