Các quyền và lợi ích của ngân hàng thương mại trong xử lý nợ xấu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của chủ nợ trong xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại bằng biện pháp bảo lãnh ở việt nam (Trang 28 - 31)

1.2. Các quyền và lợi ích của chủ nợ trong xử lý nợ xấu của ngân

1.2.2. Các quyền và lợi ích của ngân hàng thương mại trong xử lý nợ xấu

Trong nền kinh tế thị trường, lĩnh vực kinh doanh nào cũng có rủi ro, nhưng có lẽ kinh doanh tiền tệ là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi do nhất bởi tính linh hoạt, khó kiểm soát việc sử dụng đồng tiền của người vay. Nhiều học giả, nhà quản lý ngân hàng lớn trên thế giới cũng đã khẳng định:

Rủi ro nợ xấu là những người đồng hành bất đắc dĩ trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể xóa bỏ hoàn toàn rủi ro, xóa bỏ nợ xấu trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Nhưng chúng ta có thể phòng ngừa, kiểm soát được rủi ro, nợ xấu ở mức độ có thể chấp nhận [1].

Rõ ràng, khi là chủ nợ thì ngân hàng có đầy đủ các quyền được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích và áp dụng các biện pháp hợp pháp nhằm bảo toàn vốn cho vay. Ngân hàng có quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo nội dung đã thỏa thuận khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay. Trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, thì tổ chức tín dụng có quyền áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nhưng vẫn không đủ để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng, thì khách hàng có trách nhiệm tiếp tục trả đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay cho ngân hàng. Ngân hàng cũng có quyền quyết định cơ cấu lại khoản nợ, miễn, giảm lãi tiền vay, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của mình hoặc bán khoản nợ đó cho đơn vị khác xử lý...

Quyền của chủ nợ và các phương thức để thực hiện quyền chủ nợ của các ngân hàng thương mại không được quy định tập trung vào một văn bản quy phạm cụ thể nào mà nó là tổng hợp của nhiều quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, bao gồm cả quy phạm pháp luật dân sự, quy

phạm pháp luật hành chính và thậm chí cả quy phạm pháp luật hình sự. Đó là các quy định trong điều chỉnh các mặt trong mối quan hệ tín dụng và giải quyết, xử lý nợ xấu. Một số phương thức tương ứng với các quyền mà các ngân hàng thương mại áp dụng để thực hiện quyền chủ nợ của mình, đó là:

- Quyền đòi nợ: trong xử lý nợ xấu, đối với chủ nợ thì quyền trước tiên và căn bản nhất chính là quyền đòi nợ. Chủ nợ bằng các phương thức được pháp luật cho phép thực hiện truy đòi khoản tiền đã cho khách hàng vay và các khoản lợi chính đáng đáng lẽ ngân hàng được hưởng theo các thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng mà các bên giao kết.

- Quyền xử lý khoản nợ bằng trích lập dự phòng rủi ro: có thể nói việc trích lập dự phòng rủi ro chính là bảo hiểm cho an toàn tín dụng. Việc trích lập dự phòng rủi ro để bù đắp rủi ro có ý nghĩa to lớn đối với ngân hàng có thể ổn định và phát triển được hoạt động kinh doanh trong trường hợp có rủi ro xảy ra. Chính vì vậy, dự phòng rủi ro đang là chiến thuật phòng thủ hữu hiệu của nhiều ngân hàng thương mại trong giai đoạn kinh tế đang có nhiều biến động. Dự phòng rủi ro là khoản tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra do khách hàng của tổ chức tín dụng không thực hiện đúng nghĩa vụ như đã cam kết. Dự phòng rủi ro được tính theo dư nợ gốc và hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức tín dụng. Việc trích lập dự phòng được thực hiện trên cơ sở phân loại nợ theo các nhóm nợ phụ thuộc mức rủi ro để trích lập như đã nói ở phần trước.

- Quyền cơ cấu lại khoản nợ: Trong quá trình khách hàng vay nợ, không phải lúc nào khách hàng cũng có thể thanh toán cho ngân hàng theo đúng kế hoạch, kỳ vọng đã đặt ra trước khi vay vốn. Những biến động khiến cho khách hàng không thanh toán được nợ không có sự bất biến, có thể thời điểm này họ khó khăn nhưng thời điểm khác thì họ hoàn toàn có đầy đủ khả năng trả nợ. Ngân hàng chấp thuận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và/hoặc gia hạn nợ cho

khách hàng khi khách hàng không có khả năng trả nợ gốc và/hoặc lãi đúng thời hạn ghi trong hợp đồng nhưng được ngân hàng đánh giá có khả năng trả được đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn cơ cấu lại. Điều này có ý nghĩa rất lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho người vay vốn vượt qua được các khó khăn tạm thời, thể hiện ngân hàng cùng đồng hành cùng khách hàng, tạo sự uy tín bền vững, cùng phát triển.

- Quyền thu hồi nợ bằng biện pháp xử lý tài sản bảo đảm: Điều 299, Bộ luật dân sự 2015 quy định các trường hợp mà bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm. Các trường hợp này bao gồm: (i) Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. (ii) Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật. (iii) Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định. Như vậy, khi khách hàng không trả được nợ vay đến hạn mà không được cơ cấu nợ và không còn nguồn trả nợ, thì bên cho vay có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của pháp luật. Quyền xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng mang tính nguyên tắc mặc định. Thông thường, ngân hàng và chủ sở hữu phối hợp thỏa thuận bán tài sản bảo đảm hoặc ngân hàng tự bán tài sản hoặc xử lý tài sản bảo đảm thông qua khởi kiện và thi hành án. Lúc này, các biện pháp bảo đảm (cầm cố, thế chấp, bảo lãnh) phát huy tác dụng.

- Quyền bán các khoản nợ cho các đơn vị: DATC, VAMC và các tổ chức, cá nhân mua nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Như đã đề cập ở phần trước, quyền đòi nợ của các ngân hàng thương mại cho vay chính là quyền tài sản và là tài sản. Theo đó, các ngân hàng có khoản nợ xấu sẽ thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ

cho bên nua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ. Bên mua khoản nợ kế thừa đầy đủ các quyền của bên bán nợ đối với khoản nợ theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật. Hiện nay, các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường mua, bán nợ đã từng bước được hoàn thiện, góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ.

Lợi ích của ngân hàng từ việc xử lý nợ xấu đó chính là bảo đảm được vốn cho vay và thu được nhiều lợi nhuận nhất có thể trong giới hạn kỳ vọng ban đầu khi các bên xác lập quan hệ vay. Với quyền đòi nợ của chủ nợ, thông qua các cách thức nêu trên, các ngân hàng xử lý được các khoản nợ xấu, làm giảm thiểu các tác động tiêu cực mà nợ xấu mang lại. Giải quyết tốt vấn đề xử lý nợ xấu sẽ tạo điều kiện cho việc tái quay vòng đầu tư cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, đồng thời cải thiện, nâng cao sự an toàn, lành mạnh của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ. Từ đó, ngân hàng thu hồi được các lợi ích từ việc cho vay, bảo vệ được các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình.

Xử lý nợ xấu là quá trình giải quyết các khoản nợ xấu, trong đó có các biện pháp, phương pháp, cách thức được đặt ra để giải quyết các khoản nợ không thu hồi được đúng hạn và có thể bao gồm các biện pháp ngăn chặn khoản nợ xấu phát sinh trong tương lai. Quá trình xử lý nợ xấu là quá trình lâu dài và luôn song hành với hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại. Trong bất kỳ một hệ thống tài chính nào, việc xử lý nợ xấu và ngăn chặn nợ xấu phải được làm song song đồng thời nhau mới đạt được mục tiêu và mang lại hiệu quả cao nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của chủ nợ trong xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại bằng biện pháp bảo lãnh ở việt nam (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)