Về điều kiện đối với chủ thể bảo lãnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của chủ nợ trong xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại bằng biện pháp bảo lãnh ở việt nam (Trang 79 - 81)

3.2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo lãnh nhằm bảo

3.2.2. Về điều kiện đối với chủ thể bảo lãnh

Như đã đánh giá tại phần trước về thực trạng của các quy định pháp luật, điều kiện của chủ thể bảo lãnh đóng vai trò hết sức quan trọng và thậm chí là có tính chất trọng yếu trong quan hệ bảo lãnh để bảo vệ được các quyền, lợi ích của các ngân hàng cho vay. Đặc biệt, với một biện pháp bảo đảm mang tính chất đối nhân khi mà các bên vì đặc điểm nhân thân của người bảo lãnh để xác lập quan hệ. Theo đó, ngoài các điều kiện của một chủ thể thông thường tham gia giao dịch dân sự nói chung thì người bảo lãnh cần có những điều kiện đặc biệt khác để bảo đảm cho năng lực bảo lãnh của mình.

Bộ luật dân sự năm 2015 và các quy phạm pháp luật khác có liên quan chưa có quy định cụ thể nào đối với chủ thể bảo lãnh, đặc biệt là đối với bên bảo lãnh. Theo đó, về mặt quy định, bất kỳ chủ thể thường nào có đủ năng lực

hành vi dân sự đều có thể ký kết hợp đồng bảo lãnh với tư cách bên bảo lãnh. Rõ ràng với một chủ thể thông thường như vậy dường như chưa đạt được mục đích của việc bảo lãnh, thậm chí đây là kẽ hở cho sự gian dối trong hoạt động cho vay, khiến cho việc thu hồi và xử lý các khoản nợ xấu kém hiệu quả. Ở đây việc bảo lãnh là nghĩa vụ của người đi vay sẽ được bù đắp hoặc thay thế bởi nghĩa vụ của người bảo lãnh, nghĩa là khi giao kết bên nhận bảo lãnh đã nhắm tới khả năng thực hiện được nghĩa vụ của bên bảo lãnh. Nếu bên bảo lãnh chỉ đáp ứng về điều kiện giao kết hợp đồng mà thực tế không có đủ năng lực, khả năng để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì rủi ro xấu hoàn toàn ngân hàng cho vay phải gánh chịu. Có thể quy định một số điều kiện đối với chủ thể là bên bảo lãnh bao gồm như: (i) có uy tín hoặc (ii) có tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh hoặc (iii) vừa có uy tín vừa có năng lực tài chính để bảo đảm cho việc trả nợ thay cho bên được bảo lãnh khi đến hạn theo thỏa thuận.

Mặc dù biện pháp bảo lãnh mang tính chất đối nhân, nhưng để bảo vệ được quyền và lợi ích của chủ nợ khi xử lý nợ xấu thì các ngân hàng thương mại phải hướng đến các giá trị vật chất. Điều này là phù hợp với việc ngân hàng đã cho vay một giá trị vật chất nên việc thu hồi phải là lợi ích vật chất và cũng phù hợp với mục đích kinh doanh của các ngân hàng thương mại là lợi nhuận. Khi xử lý nợ xấu, lợi ích vật chất này có khả năng thu hồi được hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện tài sản, khả năng tài chính của chính chủ thể bảo lãnh. Khả năng, điều kiện này phải được lượng hóa bằng giá trị thì khi xử lý nợ xấu, rủi ro cho chủ nợ mới được giảm thiểu hay quyền lợi của chủ nợ mới được đảm bảo. Bởi lẽ, khi đứng ra cam kết bảo lãnh cho bên đi vay tại ngân hàng thì về lý lẽ thông thường, bên bảo lãnh phải là người có đủ điều kiện tài sản, năng lực tài chính và giá trị này phải lớn hơn hoặc ít nhất ngang bằng nghĩa vụ được bảo đảm.

Như vậy, ngân hàng cho vay rõ ràng cần định giá uy tín, điều kiện tài sản, năng lực tài chính của bên bảo lãnh trước khi quyết định nhận bảo lãnh. Ngân hàng cho vay nên quy định hoạt động thẩm định bên bảo lãnh như chính bên vay, xác định giá trị các tài sản chưa chịu bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào của bên bảo lãnh phải có giá trị lớn hơn hoặc ít nhất bằng giá trị cho vay và các nghĩa vụ khác phát sinh từ khoản vay nếu có. Hoạt động thẩm định này của ngân hàng phải định lượng được càng cụ thể, chi tiết uy tín, năng lực tài sản của bên bảo lãnh giá trị thành tiền thì sau này hoạt động xử lý nợ xấu của ngân hàng mới mang lại được hiệu quả cao. Trong quá trình duy trì quan hệ vay, ngân hàng cũng cần thường xuyên định kỳ theo dõi, thẩm định lại tình trạng tài sản, khả năng tài chính và năng lực chủ thể của bên bảo lãnh để có những ứng xử kịp thời, phù hợp. Trong trường hợp đánh giá có rủi ro, ngân hàng cho vay có thể yêu cầu thay thế biện pháp bảo đảm khác hoặc thậm chí yêu cầu thu hồi khoản nợ trước hạn và xử lý biện pháp bảo đảm bằng bảo lãnh ngay tránh phát sinh nợ xấu.

Việc đưa các quy định về điều kiện chủ thể bảo lãnh nêu trên được luật hóa chính là làm minh bạch thông tin chủ thể tham giao vào quan hệ bảo lãnh, xác định rõ trách nhiệm chủ thể và đảm bảo tính tuân thủ pháp luật của các bên tham gia giao kết. Chỉ khi các quy định được luật hóa thì mới bảo đảm tính thống nhất và thượng tôn pháp luật của các chủ thể trong xã hội, tránh sự tùy tiện trong áp dụng và thi hành. Các bên tự đánh giá khả năng của mình trước khi giao kết bảo lãnh. Ngân hàng thương mại có cơ sở căn bản để đòi hỏi năng lực bảo lãnh, đồng thời chủ động đưa ra các quy định nội bộ phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của chủ nợ trong xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại bằng biện pháp bảo lãnh ở việt nam (Trang 79 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)