Chủ thể thực hiện bảo lãnh để bảo vệ quyền, lợi ích của chủ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của chủ nợ trong xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại bằng biện pháp bảo lãnh ở việt nam (Trang 53 - 56)

MẠI BẰNG BIỆN PHÁP BẢO LÃNH Ở VIỆT NAM

2.1. Chủ thể thực hiện bảo lãnh để bảo vệ quyền, lợi ích của chủ nợ trong xử lý nợ xấu trong xử lý nợ xấu

Pháp luật về bảo lãnh hiện hành không có quy định riêng về điều kiện đặc biệt nào đối với chủ thể bảo lãnh, không hạn chế chủ thể bảo lãnh. Điều này đã gây không ít hệ lụy trong quá trình xử lý quan hệ bảo lãnh trong trường hợp người bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ bảo lãnh.

Tại Bản án số 05/2018/KDTM-PT ngày 11/9/2018 của TAND tỉnh Bạc Liêu giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng T và Công ty C được bảo lãnh thực hiện hợp đồng bởi Cam kết bảo lãnh của Công ty P, thì Công ty P đã đưa ra ý kiến để phủ nhận cam kết bảo lãnh như sau: “Người cho vay phải xem xét người bảo lãnh có đủ điều kiện không, đồng thời bắt

buộc người bảo lãnh phải được tham gia ký kết hợp đồng tín dụng”.

Mặc dù quyết định trong Bản án phúc thẩm số 05/2018/KDTM-PT nêu trên đã không chấp nhận ý kiến của Công ty P nhưng với việc kháng cáo của Công ty P khiến việc giải quyết vụ án bị kéo dài, trở nên phức tạp.

Theo quy định tại Nghị định hợp nhất số 8019/VBHN-BTP ngày 10/12/2013 của Bộ tư pháp, hợp nhất các quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm chỉ quy định chung về chủ thể bảo đảm như sau:

Bên bảo đảm là bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình, dùng quyền sử dụng đất của mình, dùng uy tín hoặc cam kết thực hiện công việc đối với bên nhận bảo đảm để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự của chính mình hoặc của người khác, bao gồm bên cầm cố, bên thế chấp, bên đặt cọc, bên ký cược, bên ký quỹ, bên bảo lãnh và tổ chức chính trị – xã hội tại cơ sở trong trường hợp tín chấp.

Việc quy định cụ thể điều kiện của người bảo lãnh là rất cần thiết, bởi lẽ, người bảo lãnh chính là người đứng ra bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ, là người đứng ra chịu trách nhiệm thay trong trường hợp người vay tiền không thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho ngân hàng. Rõ ràng, khi người được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ trả tiền của mình thì việc thu hồi tiền của ngân hàng hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng, năng lực của bên bảo lãnh. Xét tới cùng thì các bên xác lập quan hệ bảo lãnh nhằm đảm bảo bù đắp lợi ích vật chất trong trường hợp có khả năng tổn thất lợi ích vật chất do bên vay không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ. Như vậy, người bảo lãnh phải có năng lực đặc biệt nào đó mới đảm bảo được mục đích khi xác lập quan hệ bảo đảm này. Theo cách hiểu đơn giản thì người bảo lãnh phải có đủ hoặc hơn khả năng trả nợ của người được bảo lãnh tương ứng với phần được bảo lãnh.

Quan hệ bảo lãnh được xác lập trên cơ sở thỏa thuận bảo lãnh. Do không có quy định riêng về điều kiện chủ thể bảo lãnh nên chủ thể tham gia thỏa thuận bảo lãnh này được hiểu trước hết phải đáp ứng các điều kiện là chủ thể thường theo quy định của BLDS. Chủ thể này là cá nhân hoặc pháp nhân được pháp luật dân sự quy định có năng lực hành vi dân sự thỏa thuận với nhau dưới hình thức hợp đồng dân sự về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự về bảo lãnh.

Đối với cá nhân: Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự [21, Điều 16]. Năng lực pháp luật dân sự bao gồm: Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản; Quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản; Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Thông thường, người từ đủ 18 tuổi là người có năng lực hành vi dân sụ đầy đủ, trừ một số trường hợp: Người mất năng lực hành vi dân sự; Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, Người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Như vậy, thông thường thì người từ đủ 18 tuổi trở lên là có thể tham gia giao kết hợp đồng bảo lãnh. Người dưới 18 tuổi tham gia giao kết hợp đồng trực tiếp thường phải có người đại diện hợp pháp hoặc người giám hộ đồng ý hoặc gián tiếp thực hiện trên sự đồng ý của người dưới 18 tuổi. Thực tế các ngân hàng thường quy định việc giao kết hợp đồng bảo lãnh chỉ với người từ đủ 18 tuổi trở lên và thông qua công tác thẩm định, đánh giá khách hàng thì khách hàng có độ tuổi càng trẻ càng bị chấm thấp điểm đánh giá dẫn đến khả năng giao kết hợp đồng bảo lãnh cũng thấp hơn.

Đối với pháp nhân: Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự [21, Điều 86]. Một tổ chức được coi là pháp nhân khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015:

Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này; Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Khi pháp nhân tham gia giao kết hợp đồng phải thông qua người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó. Do đó, chủ thể giao kết hợp đồng của pháp nhân vừa phải đáp ứng điều kiện đối với cá nhân tham gia giao kết vừa phải là người đại diện hợp pháp của pháp nhân (hoặc người đại diện theo ủy quyền).

Thực tế hiện nay các ngân hàng bằng các quy định nội bộ đã cụ thể hóa điều kiện của chủ thể bảo lãnh. Tuy nhiên, theo đánh giá rủi ro mà mỗi ngân hàng lại có những quy định khác nhau. Một số ngân hàng thương mại quy định các điều kiện đối với Bên bảo lãnh như sau: (i) Có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định pháp luật; (ii) Bên bảo lãnh phải được thẩm định bảo đảm có đủ khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ trả thay cho khách hàng nếu đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; (iii) Căn cứ uy tín và năng lực của bên bảo lãnh, ngân hàng thỏa thuận với bên bảo lãnh sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; (iv) Đối với bên bảo lãnh là doanh nghiệp (trừ định chế tài chính) thì phải được doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm độc lập xếp hạng từ A trở lên hoặc được ngân hàng xếp hạng tín dụng từ hạng A trở lên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của chủ nợ trong xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại bằng biện pháp bảo lãnh ở việt nam (Trang 53 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)