DƯƠNG TRONG THỜI GIAN TỚI
3.1.1. Thuận lợi
Công tác thu thuế nội địa qua hệ thống NHTM đem lại nhiều lợi ích to lớn, do đó trong thời gian tới trên phạm vi cả nước và địa bàn thành phố Hải Dương công tác này vẫn sẽ được các ban ngành chức năng quan tâm, sát sao chỉ đạo, các bên liên quan liên kết phối hợp chặt chẽ và sẽ ngày càng được người nộp thuế nhận thức rõ, tham gia đông đảo hơn nữa. Đặc biệt việc sử dụng các dịch vụ có tích hợp các ứng dụng công nghệ hiện đại như nộp thuế qua Internet banking, qua máy ATM hoặc nộp thuế điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế sẽ có tiềm năng phát triển lớn nhờ những yếu tố thuận lợi sau:
- Dân số trẻ và đông: Với số lượng dân số đông, tỷ lệ người trẻ tuổi lớn; cùng trình độ dân trí, học vấn của người dân thành phố Hải Dương ngày càng được cải thiện và nâng cao, giúp người dân có sự hiểu biết tốt hơn về vai trò và các hoạt động NH, làm tăng khả năng đón nhận các sản phẩm dịch vụ mới của NH, đồng thời nhu cầu về dịch vụ NH của người dân cũng ngày càng phức tạp hơn. Nhất là trong thời đại công nghệ hiện nay thì người dân đặc biệt là các tầng lớp trẻ ngày càng ưa chuộng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tích hợp công nghệ hiện đại nhằm giảm thiểu sức lực, tăng độ an toàn và tiết kiệm thời gian;
- Số lượng người dùng Internet và điện thoại thông minh gia tăng nhanh chóng: Việt Nam nằm trong top 10 nước châu Á có tốc độ tăng trưởng người dùng Internet nhanh nhất, xếp thứ ba Đông Nam Á, thứ 7 châu Á và thứ 18 thế giới về số người dùng Internet (theo Sách Trắng về Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt
Nam 2014 do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành). Và tính đến hết năm 2013, Việt Nam có hơn 33 triệu người dùng Internet, chiếm 37% tổng số dân. Không chỉ vậy, thời gian bỏ ra để người Việt Nam sử dụng Internet ngày càng lớn, nhằm tăng khả năng tiếp cận nhiều nguồn thông tin hơn. Còn theo thống kê của website “We are social” (một trang mạng của công ty “We are social” - công ty toàn cầu có văn phòng tại nhiều nước trên thế giới) thì tính đến ngày 01/01/2015 trung bình mỗi người Việt Nam sở hữu 1,4 thuê bao di động. Đồng thời, Việt Nam là một thị trường tiêu thụ smartphone (điện thoại thông minh) lớn, có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á vào quý I năm 2014. Thị phần smartphone tại Việt Nam đã vượt qua so với điện thoại cơ bản, tỷ lệ người dùng smartphone chiếm 52% tổng số người dùng di động. Tương tự như tình hình chung của Việt Nam, trên địa bàn thành phố Hải Dương với sự phát triển nhanh của kinh tế xã hội và tỷ lệ dân số trẻ cao trong những năm gần đây, số lượng người dùng Internet và điện thoại thông minh cũng gia tăng nhanh chóng. Người dân thành phố cũng đang dần tiếp cận với việc thanh toán qua mạng di động, thanh toán qua mạng Internet bằng việc sử dụng máy tính (bao gồm cả máy tính bảng), điện thoại di động mà hiện nay đang trở thành xu hướng trên thế giới. Các sản phẩm thanh toán này dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại đem lại tiện ích và thuận lợi cho khách hàng đặc biệt thu hút đối với giới trẻ thích trải nghiệm về công nghệ.
3.1.2. Khó khăn
- Thói quen thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam cũng như thành phố Hải Dương còn chưa phổ biến: thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới với giá trị chi tiêu của người dân chiếm tới 90% tổng số giao dịch hàng ngày. Ngay cả việc thực hiện nộp thuế cho NSNN thì người dân các nước này cũng thường xuyên sử dụng các hình thức thẻ thanh toán, séc, NH điện tử, ghi nợ trực tiếp hoặc thanh toán qua điện thoại để hoàn thành nghĩa vụ thuế của mình. Trong khi đó tại Việt Nam thanh toán không dùng tiền mặt mới còn đang phát triển. Tỷ trọng giao dịch không dùng tiền mặt trong tổng số giao dịch chỉ đạt ở mức 3%; các
thanh toán trong khu vực dân cư phần lớn vẫn sử dụng tiền mặt, ngay cả ở thành thị - nơi có điều kiện thuận lợi cho phát triển các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay chỉ có 22% trong số 90 triệu dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, tuy nhiên có tới 72,1 triệu thẻ ATM được phát hành trên toàn quốc và khoảng 16.000 máy ATM được lắp đặt (tính đến tháng 6/2014). Số lượng thẻ được mở rất lớn, nhiều cá nhân có tới 3 đến 4 thẻ thanh toán nhưng nhiều thẻ không được sử dụng, trong khi ở các vùng nông thôn thì thẻ ATM vẫn còn là thứ xa lạ; cùng với thực tế phần đông khách hàng sử dụng máy ATM chỉ để rút tiền mà rất hiếm khi sử dụng các dịch vụ khác mà ATM cung cấp. Những yếu tố này chính là những khó khăn, gây cản trở việc thu hút người dân tham gia nộp thuế qua hệ thống NHTM, nhất là những cá nhân, hộ kinh doanh và người nộp thuế tại các vùng nông thôn.
- Hạ tầng kỹ thuật công nghệ của các cơ quan tham gia phối hợp thu chưa được hoàn thiện, cũng như sự khác biệt về công nghệ giữa các đơn vị này gây khó khăn cho việc kết nối giữa các hệ thống và khó khăn khi cung cấp dịch vụ nộp thuế cho người nộp thuế một cách thông suốt và nhanh chóng.
Hạ tầng kỹ thuật công nghệ đóng vai trò rất quan trọng nhất là trong giai đoạn ngành Thuế đang triển khai cung cấp các dịch vụ thuế điện tử trong đó có nộp thuế điện tử. Việc nâng cấp và hoàn thiện cơ sở kỹ thuật hạ tầng và công nghệ thông tin không chỉ đòi hỏi thời gian, nguồn vốn tài chính lớn mà còn cần có nguồn nhân lực có trình độ cao để có thể vận hành, bảo trì và phát triển trong tương lai.
- Trình độ công nghệ thông tin tại một số doanh nghiệp còn chưa cao, việc sử dụng các dịch vụ thuế (trong đó có nộp thuế điện tử) do cơ quan thuế cung cấp còn nhiều lúng túng, đồng thời tâm lý một số doanh nghiệp chưa sẵn sàng đón nhận và sử dụng các dịch vụ thuế điện tử này do chi phí hạ tầng (chi phí cho việc mua chứng thư số, chi phí cho dịch vụ khai thuế qua mạng...) còn cao.
- Số lượng các NHTM trong nước tham gia phối hợp triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử chưa nhiều và chưa có NHTM liên doanh, chi nhánh NHTM nước ngoài nào tham gia công tác phối hợp thu với KBNN và cơ quan thuế; trong khi đó có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện giao dịch tại các NH
nước ngoài này. (Tính đến hết năm 2014, Tổng cục Thuế mới ký văn bản phối hợp thu thuế điện tử với 5 NHTM và sang đến 03/2015 tăng lên 20 NHTM trong tổng số hơn 100 NHTM trong nước, liên doanh, NHTM 100% vốn nước ngoài và chi nhánh NH nước ngoài tại nước ta).