Luật Người khuyết tật: Luật Người khuyết tật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Luật quy định tương đối đầy đủ, toàn diện về người khuyết tật, về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật. Điều 13 quy định rõ về truyền thông, thông tin, giáo dục về vấn đề khuyết tật: mục đích của truyền thông về vấn đề người khuyết tật, các nội dung thông tin – truyền thông – giáo dục với người khuyết tật, yêu cầu về thông tin – truyền thông – giáo dục với người khuyết tật, trách nhiệm thông tin - truyền thông – giáo dục về vấn đề khuyết tật.
Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020: Đề án được chính phủ phê duyêt và ban hành với mục đích hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội. Để thực hiện mục đích trên, đề án có đưa ra các hoạt động chủ yếu là: Phát hiện, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật; trợ giúp tiếp
cận giáo dục; dạy nghề, tạo việc làm; trợ giúp tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng; trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông; trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; trợ giúp pháp lý; nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật và giám sát đánh giá.
Các văn bản trong và ngoài nước hiện nay về dạy nghề và tạo việc làm cho NKT nói chung và NKT vận động nói riêng đã thể hiện được sự quan tâm đặc biệt cho NKT là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, giúp họ có được công việc để khẳng định vị trí, vai trò của mình, thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội.