Thể hiện niềm khao khát giao cảm giữa thiên nhiên và con ngƣờ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xuân diệu trong dòng truyện ngắn trữ tình 1930 1945 (Trang 46 - 51)

Người xưa có câu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” để thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa cảnh vật thiên nhiên và con người. Trong dòng truyện ngắn trữ tình 1930-1945, chúng ta có thể thấy thiên nhiên chiếm một vị trí quan trọng để thể hiện sự hòa điệu giữa tình và cảnh, giữa thiên nhiên và con người. Thiên nhiên nhiều khi đã trở thành một không gian nghệ thuật giúp cho nhân vật trong các tác phẩm truyện ngắn trữ tình bộc lộ, tâm trạng

cảm xúc. Thậm chí nó còn tham dự vào câu chuyện giống như “một nhân vật” không thể thiếu.

Cùng trong mạch chảy của dòng truyện ngắn trữ tình 1930-1945, song có thể thấy mỗi nhà văn có mối liên hệ với thiên nhiên theo những hướng khác nhau:

Trong các truyện ngắn của Thạch Lam, thiên nhiên thường gắn bó hài hòa với tâm trạng và cảm xúc của nhân vật. Tâm hồn rất mực nhạy cảm với cái đẹp của Thạch Lam đã phát hiện ra thiên nhiên như một đối tượng để gửi gắm cảm hứng khách quan của chủ thể thẩm mỹ. Trong tư cách này, thiên nhiên cũng là một nhân vật trữ tình và dâng hiến vẻ đẹp của mình cho con người, an ủi, giúp con người bớt cực nhọc hay làm cho tâm hồn thêm thư thái, nhẹ nhõm hơn. Hãy thử cùng bước vào Dưới bóng hoàng lan” để thấy hết và cảm nhận được cái không gian nên thơ đầy tình tứ trong trẻo thanh khiết và sự ngọt ngào trong chút duyên tình đôi lứa “Giàn thiên lý pha xanh một bên tà áo trắng của Nga. Những búp hoa lý non và thơm rủ liền trong giàn, lẫn vào đám lá…Thanh dắt nàng đi thăm vườn, cây hoàng lan cao vút cành lá như chào đón hai người. Có lúc gần nhau, Thanh thấy mái tóc Nga thoang thoảng thơm như có giắt hoàng lan [87, 498-499].

Hay vẻ đẹp tươi mới của người thiếu nữ trong vườn: “Người cô nổi trên nền lá xanh như một bông hoa trong sáng sớm. Tà áo trắng của cô theo chiều gió bay phấp phới với tất cả ánh nắng lá cây, bóng cây mắt cũng như đang tưng bừng dồn múa chung quanh người thiếu nữ ấy (Nắng trong vườn).

Đối với Thanh Tịnh, con người gắn bó với làng quê, thiên nhiên được Thanh Tịnh sử dụng như một phương tiện để truyền đạt sự thay đổi ý thức, tình cảm và tạo nên môi trường giao tiếp cho nhân vật. Chẳng hạn như dưới ánh trăng bao dung, hiền dịu, người ta nói với nhau những điều không thể nói vào lúc khác. Cô Thảo mượn cây thanh trà và ánh trăng để nhắc và xin phép chồng về ăn giỗ bên nhà ngoại (Quê mẹ), chị Sương giãi bày về mối tình thầm kín của mình, cô Hoa bàn với chồng về nơi sinh con (Con so về nhà mẹ).

Nhà văn Hồ Dzếnh lại dùng thiên nhiên để tạo nên tình huống khởi thủy để làm nảy sinh xúc cảm, đánh động những kí ức, khơi sâu tâm trạng hồi ở nhân vật. Trong hoài niệm của mình, Hồ Dzếnh thấy hình ảnh làng quê “với lũy tri vây kín xã Hòa Trường êm ái” (Sáng trăng suông), nhớ về người cha, ông lại hồi tưởng “Nói đến rừng, tôi quên sao được lớp nhà lá đẹp đẽ của ba tôi dựng trên một cánh đồng lớn” (trong Chân trời cũ).

Đỗ Tốn coi thiên nhiên như cái cớ để bộc lộ tình cảm sâu kín của những đôi lứa. “Giao vui cười hớn hở bảo Tuyền: Đẹp quá, ta chạy lên đồi xem trăng đi. Giao vừa nói vừa bước lên…đưa tay nắm một bên quai nón Tuyền đang cầm kéo nàng chầm chậm chạy ngược lên đồi gió - Nhìn trăng cười e thẹn” (Duyên số).

Còn Xuân Diệu đã tìm đến với thiên nhiên như một đối tượng thẩm mỹ nhằm thể hiện sự hoà điệu giữa tâm hồn con người với ngoại giới. Thiên nhiên thường được nhìn qua cảm xúc, qua tâm trạng theo hướng cảnh và tình giao hoà, quyện chặt vào nhau. Để có sự giao hoà, giao cảm giữa thiên nhiên và con người, Xuân Diệu thường lấy thiên nhiên đặt trong bối cảnh tâm lý thích hợp, hoà đồng với những sắc thái tình cảm và tâm trạng nhân vật; miêu tả các biến thái của tâm hồn, trạng thái tinh thần được gợi mở từ những thay đổi của thiên nhiên. Và quan trọng hơn, thiên nhiên dù đẹp đến đâu vẫn gắn bó, vẫn luôn là đối tượng xuất phát từ chính vẻ đẹp của con người.

Ông phát hiện ra một thứ hoa- thứ hoa nở vào mùa hè gắn với tiếng ve và đặc biệt gần gũi với các bạn học sinh mỗi khi kết thúc năm học. Ấy là Hoa

học trò. Đó là hoa phượng “Phượng không thơm, phựơng không hẳn đã đẹp

nhưng phượng đỏ và nhiều, phựơng có linh hồn sắc sảo mênh mang” (Hoa học trò).

Phải chăng cái linh hồn sắc sảo, mênh mang của phượng chính là ẩn chứa những nghịch ngợm, sắc thắm, tươi xanh của những cô cậu học trò và những tình cảm lưu luyến mỗi khi năm học kết thúc. Cho nên Xuân Diệu đã nhìn ra hoa phượng đi về giữa niềm vui và nỗi buồn. Vui vì một năm học vất

vả đã trôi qua và thế là học trò lại được thoải mái nghỉ ngơi, chơi vui vẻ, còn buồn vì phải chia xa bạn bè, thầy cô, mái trường.

Thế chăng mà hoa phượng đầy nỗi niềm và tâm trạng như vậy :

“ Ai dạy cho hoa phượng cái màu xa xăm? Phượng vui cái vui tươi như là làm cho thái quá để che dấu cái sầu uất…Phượng xui ta nhớ…người sắp xa còn đứng trước mặt…nhớ một bãi biển sóng chấp chóa… Hoa học trò thả những cánh son xuống cỏ đếm từng giây phút xa bọn học sinh. Hoa phượng rơi…hoa phượng khóc… hoa phượng mơ, hoa phượng nhớ…Hoa phượng đẹp với ai khi học sinh đã đi cả rồi” (Hoa học trò).

Cái độc đáo là Xuân Diệu thấy phượng có hồn như một sinh thể, một người bạn tâm tình thật sự của con người để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của lòng người. Hẳn những ai đã một thời cắp sách tới trường, đọc những trang văn này của Xuân Diệu mà lòng không bồi hồi, xao xuyến, không có chút nhớ nhung về “tuổi học trò” của mình và cả sắc đỏ đến cháy lòng của hoa phượng - hoa học trò.

Có lẽ vậy, mà bức tranh thiên nhiên trong truyện ngắn trữ tình Xuân Diệu thường giàu màu sắc, hương thơm, ánh sáng và mang đầy đủ tâm trạng. Thiên nhiên như có linh hồn, có sự sống, có sức khơi gợi và đánh thức trong tâm hồn những kỷ niệmcủa tuổi học trò, tuổi yêu đương và đặc biệt gắn kết với vẻ đẹp của con người.

Nếu các nhà văn xưa nói đến Thu là nói đến sự phai tàn, úa rụng, là sầu thương, li biệt thì vẻ Thu mà Xuân Diệu phát hiện hoàn toàn khác. Thu là một dấu hiệu của sự sống và quan trọng hơn nó còn mang vẻ đẹp của hình tượng người thiếu nữ tươi trẻ :

“ Mùa thu đến với cõi đời như cô gái xưa đi về nhà chồng. Nàng bước rất khoan thai, tà áo thướt tha chân không có tiếng. Thân hình nàng uốn éo, thanh quý, mặt ngọc của nàng che sau cánh quạt mở, thỉnh thoảng cánh quạt khẽ chếch để lộ đôi mắt êm như màu xanh buổi chiều” (Thu).

Thu cũng không phải là sự héo úa, cũ nát mà”…lá lại thêm xanh, ấy là mùa thu đã về (Thu).

Thu cũng không còn là mùa ly biệt, cách xa mà là mùa của tình yêu dịu dàng: “Thu không phải là mùa sầu. Ấy là mùa yêu…Sắc trời xanh xuống ôm lấy lứa đôi như một tấm áo che sương” (Thu).

Bên cạnh đó, cùng trong mạch nguồn sáng tác của các nhà văn trong dòng truyện ngắn trữ tình nên Xuân Diêu cũng có sự đồng điệu với họ khi coi thiên nhiên cũng như người bạn tâm tình có vai trò làm dịu nhẹ nỗi đau, nỗi buồn của con người. Có lẽ vậy mà Xuân Diệu và các nhà văn trong dòng truyện ngắn trữ tình 1930-1945 đều quan tâm đến một thời khắc của thiên nhiên là “Chiều”:

Nếu Thạch Lam thấy khung cảnh bình yên êm ả của phố huyện “Chiều. Chiều rồi. Một chiều êm ả như ru. Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ như nhung và thoảng qua gió mát” (Hai đứa trẻ), Hồ Dzếnh thấy “Trời chiều sàng từng giọt hoàng hôn xuống tóc” người chị dâu Trung Hoa (Người chị dâu tôi) và se lòng “dưới nắng vàng vọt của chiều hè, tôi nhận thấy mẹ tôi vui mừng một cách đau khổ” thì Xuân Diệu lại thương xót và chia sẻ với bà cụ trong “Chiều lên dần dần, chiều không xuống…hoàng hôn..buổi chiều len vào tâm tư, theo ngõ của hai mắt” (Thương vay).

Cũng vì thế mà chàng họa sĩ trong Phấn thông vàng đã được thiên nhiên làm dịu đi vết thương lòng đang âm ỉ đau nhức. Khi nhìn phấn thông lan tỏa khắp khu rừng, sự hồi sinh dường như trở lại trong trái tim chàng họa sĩ trẻ:

“Lòng chàng đã nguội lạnh, tưởng chừng không thể phục sinh nữa.. nhưng “ rừng thông vừa chín” và đứng giữa ngàn thông reo vi vút và đứng giữa “một trận mưa phấn thông vàng”, lòng họa sĩ mới thơi thới trở lại.(Phấn thông vàng.)

Như vậy, thiên nhiên trong truyện ngắn trữ tình Xuân Diệu không chỉ còn là bức tranh huyền diệu tràn đầy sức sống mà còn giao hòa, giao cảm, sẻ chia cùng con người như những người bạn tâm tình, qua đó, thể hiện khát khao gắn bó hòa hợp giữa thiên nhiên cảnh vật và cảm xúc trong thế giới nội tâm của con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xuân diệu trong dòng truyện ngắn trữ tình 1930 1945 (Trang 46 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)