Nói đến dòng truyện ngắn trữ tình lãng mạn 1930-1945, chúng ta thường nghĩ ngay đến lối văn mượt mà, đằm thắm, nhẹ nhàng mà khi nhìn vào tổng thể thấu suốt cả dòng truyện ngắn trữ tình, chúng ta thấy giọng điệu tâm tình, thiết tha và lay động đến tận sâu tâm hồn người đọc đã trở thành yếu tố bao trùm lên các tác phẩm của các nhà văn trong dòng văn học này. Chất giọng đặc trưng của các nhà văn trong dòng truyện ngắn trữ tình là sự kết hợp hài hòa của cảm xúc và giọng điệu để từ đó những số phận những con người và sâu hơn nữa là thế giới của cảm giác, tâm trạng, cảm xúc. Song mỗi nhà văn của dòng truyện ngắn trữ tình 1930-1945 lại sử dụng giọng điệu riêng để thể hiện những thế mạnh của mình.
Giọng văn Thạch Lam là “giọng văn đầy ám ảnh” bao giờ cũng thủ thỉ, nhẹ nhàng, đôi khi gần như thì thầm…”. Giọng điệu của Thạch Lam “đó là giọng điệu nhẹ nhàng, tâm tình, gợi mở, khơi sâu và nội dung cảm giác”. Còn Thanh Tịnh- nhà văn của “làng” lại là “một giọng điệu trần thuật xen lối trào phúng nhẹ nhàng với trữ tình sâu lắng”[84,98] Đó là“một giọng điệu trữ tình chân chất, dân giã, mộc mạc, đằm thắm tình người”. Nhà văn Hồ Dzếnh lại khiến bạn đọc phải ám ảnh bởi “giọng điệu tự thuật cùng dòng cảm xúc dạt dào, đượm buồn trong mặc cảm, day dứt”[84,114]. Đỗ Tốn, tác
giả của tập Hoa vông vang chỉ gồm tám tác phẩm song cũng đóng góp vào cho dòng truyện ngắn trữ tình 1930-1945 “ giọng hoài niệm về kí ức tuổi thơ, một dĩ vãng đẹp với những mối tình không kết thành đôi, được phô diễn qua những trang văn đầy cảm giác”[84,115]
Tìm hiểu giọng điệu truyện ngắn trữ tình của Xuân Diệu có thể thấy nổi bật lên là giọng điệu tâm tình tinh tế, mượt mà, sâu sắc. Với những sắc thái khác nhau, giọng điệu tâm tình giúp Xuân Diệu có thể nói được những điều thầm kín lòng người. Đồng thời, giọng tâm tình cũng là đặc điểm riêng biệt tạo nên sự độc đáo của văn Xuân Diệu, nhất là trong việc tạo chất thơ.
Giọng điệu tâm tình trong văn xuôi Xuân Diệu có các sắc thái chính sau đây:
Thứ nhất là giọng điệu nồng nàn, sôi nổi, thiết tha. Đây có thể được
coi là giọng cơ bản của văn xuôi Xuân Diệu.
Ý thức được quy luật của tạo hóa, sự trôi chảy của thời gian, ông giục giã mọi người hãy tận hưởng hết hương sắc ở đời, đừng hoài phí những gì mà cuộc đời ban tặng với giọng vừa như dỗ dành, vừa như thuyết phục song vẫn thật tha thiết, nồng nàn:
“Gấp đi em, mau đi em, hoa ở tuổi em mới thật là hoa, để nâng niu hôn hít, thêm dăm tuổi nữa hoa chỉ trông cho đẹp nhà...Gấp đi em, mau đi em, cái vốn ngây thơ trời cho chỉ mấy năm trời, cái suối mộng mơ chẳng mấy lúc mà nguồn khô cạn...Gấp đi em chuyện trò cùng tạo hóa, mau đi em vơ vẩn cho nhiều”(Giao lại).
Nhưng có lẽ đây mới thực là Xuân Diệu, sục sôi đến mãnh liệt:
“Anh yêu em đứt ruột, yêu quặn lòng, điên dại, ghê gớm yêu tưởng giết được người, yêu tưởng chết. Em có thấy máu của hồn anh trên trang giấy chăng? (Sợ).
Cái nuối tiếc cho việc tận hưởng đôi môi xinh cũng được Xuân Diệu thể hiện bằng giọng thật khao khát, nồng nàn:
tiếng uốn éo thanh tao, tiếc cho những môi xưa chết đi mà chưa được dùng... Ta muốn có một đạo bùa phục sinh những đóa môi xưa, sống lại đây với màu tươi sắc ướt vẻ ngọt, mùi thơm, cho con trai đời xúm lại mà hôn, rồi bấy giờ cũng tan tành, như thế cho khỏi ân hận...”(Vườn mơn trớn).
Không chỉ vậy, ở trong thơ cũng như văn xuôi, ta đều thấy một Xuân Diệu với trái tim phập phồng ấm nóng của tình yêu, của khát khao yêu đương. Nên giọng văn có nhiều khi trở nên tha thiết đến sôi sục:
“Ta khát. Xin cho ta uống trong đôi tay hồng của nàng, cái nước hồng có ánh vàng kia: trong đôi tay hồng của nàng, đẹp quí như vàng.”
Ta khát, khát chết vì nàng.”
“― Anh khát, khát chết vì tình em, khát giết người vì em.” “― Ta khát, khát giết được người vì nàng.” ( Suối cá vàng)
Với tư cách là một cây bút trữ tình văn xuôi, mỗ i truyện ngắn, tản văn của Xuân Diệu là cả một thế giới hình tượng đan dệt, mở rộng, giao hòa với nhau. Nhưng đặc điểm này cũng tồn tại trong văn xuôi của Xuân Diệu. Là một nhà thơ viết văn xuôi, Xuân Diệu đã có một cách nhìn và cảm riêng với tác phẩm đi liền với một phong cách riêng. Đó là sự gắn kết tự nhiên giữa tư duy luận lý và tư duy hình tượng. Nói cách khác, tư tưởng được diễn đạt, được hiện thực hóa thông qua những hình tượng sinh động và biến ảo.
Thứ hai là giọng xót thương. Chính tình thương mến nhiều khi làm
cho Xuân Diệu không giấu nổi sự xót xa bằng cái giọng dồn dập như có hơi thở nhịp đập của tim “Thôi thế là nghĩ vẫn vơ nghĩ mờ nghĩ mịt. Bà già hay hiện hình của sự khổ đau. Nghèo như vậy sao lại làm thinh mà đi gặp khách dám nói xin tiền? Cũng không nói, cũng không rên, cũng không ngừng. Dưới nón chỉ thấy đen. Mà gặp tôi, sao không ngướng nón lên một chút? Bà lão về đâu? Một ở rơm nép bên đường, hay một cái chòi lạc giữa những bụi cây. Về một túp lều xa hay không về túp lều nào cả? Trên vùng hẻo lánh kia còn nhà cửa nào nữa? Ai sẽ nấu cơm cho bà ăn? Diêm ở đâu để bà nhóm lửa? Về đâu, ngừng lại nơi đâu?
Đêm dày thêm, chỉ còn mực xạ. Không kẻ dẫn đường, không một chiếc gậy, bà lão mất trong u uất, lặng im, trong giấu che, bí mật. Lòng tôi thắc mắc lẫn kinh dị trong nỗi xót thương” (Thương vay).
Đối với những kiếp sống mờ mờ nhân ảnh, ông biểu lộ lòng xót thương thấm thía và đầy sầu muộn:
“Tôi thương hai cô như hai con vật ngẩn ngơ trong rừng lạnh, khi chiều giăng lưới qua gốc cây. Buổi chiều của hai cô mờ nhạt và kéo dài, hai cô lẫn trong mù sương... Đáng tội nghiệp nhất là hai cô chỉ biết buồn lặng nhưng buồn lâu... Tôi không thấy rõ nguyên cớ, tôi chỉ thương mà thôi, thương một cách thành thực và dễ dàng. Tôi đã cảm giùm cho hai kẻ ngơ ngác, và lặng thinh ngắm một cảnh tà dương” (Tỏa nhị Kiều).
Ngay cả trong cách phản ứng gay gắt, phủ nhận kiếp sống mờ lặng một cách dứt khoát, ông cũng nói bằng những giả định, khiến nó nhẹ nhàng hơn, dễ chấp nhận hơn: “Giá họ đừng hiền lành như thế thì hơn, giá họ đàng điếm hung dữ trơ trẽn, lẳng lơ tôi sẽ được vui vì thấy họ có chuyện. Tôi sẽ được cười nếu thấy họ đua xe đạp; tôi sẽ được thản nhiên nếu thấy họ đỏm dáng, chòng ghẹo bất cứ người nào.
Tôi ước gặp họ chửi mắng người ở, đánh đập con sen. Tôi mong họ ngoa mồm lên, lay động hai cặp môi son đỏ choét. Tôi muốn mặt họ bự phấn, tôi cầu cho họ làm bộ làm tịch lố lăng bao nhiêu cũng được, thà họ làm cho tôi ghét, còn hơn làm cho tôi thương” (Tỏa nhị Kiều).
Vốn là con người yêu cuộc sống, ham cuộc sống và luôn muốn tận hưởng cuộc sống cho đúng nghĩa sống. Vì thế mà giọng văn ông có chút gì tiếc nuối đến thiết tha cho những ai không sống đúng nghĩa:
“ Thế đấy anh Tư ạ! Anh đã không vui trong lúc học. Anh hiện đang buồn trong khi yêu. Nhưng anh bắt đầu sống đi! Hãy thử đốt lòng anh; nó khô từ khi nhỏ đến giờ, cố nhiên nó dễ cháy lắm.
Chàng đã theo danh hay theo lợi? Theo tiếng gọi mãnh liệt của sách hay tiếng kêu gấp rút của...của cái gì đây? Chàng làm việc để làm chi?
Chàng không biết vui sướng hay sao? Bí mật! Người ta kinh hãi trước sự khó hiểu. Sao Tư chẳng sống đi, tiêu tiền đi, chơi bời đi! Người ta không tin rằng có thể có linh hồn vô lý ấy.
Trời ơi, chủ nhật xuân hát ngoài kia, sao ông hậu Tư năm nay mới hăm ba tuổi đầu, không chạy ra đuổi vài con bướm? (Người học trò tốt)
Thứ ba là giọng vỗ về êm ái, rất thiết tha, như ru lòng người trong tình thương mến:
“Có phải em tôi đêm nay về đó không? Ngày nghỉ, đêm thanh, chiếc hoa sao tạt bay qua cửa, trăng lành, gió dịu, ta soi trộm vào gương thoáng thấy hình ta thoáng thấy hình em. Tuổi Nhỏ đấy ư? Hai ta còn một đêm dài. Ngồi đây em, nằm đây em, dựa đậy em, em ở lại đây em đừng đi nữa nhé...Nằm trên ngực anh đây con chim êm ái, đưa tôi bồng ru chút nào, cậu con trai măng tơ, em của tôi đây, tôi đấy thực là yêu quá...”(Giã từ tuổi nhỏ). Lời dỗ dành có khi thật là ngọt ngào “Thôi, Thu của Hứa chịu thua rồi nhé! Em Thu của Hứa đương nhức đầu chứ gì...” (Cái dây không đứt).
Thứ tư, có khi Xuân Diệu lại viết bằng giọng thủ thỉ, thân mật mà người ta vẫn đọc được cái xốn xang:
“Ngày bạn đọc! Hôm nay màu thu đã rõ rồi đây: Tôi biết lòng bạn run run lành lạnh, nho nhỏ ngân nga vì hơi heo may...Mùa thu! Ai không nghe như chàng trai kia tiếng kêu vời vợi của không khí? Ai không run nỗi hàn của tâm lí trước khi run nỗi rét thịt của da. Lạnh lùng sắp tới, lòng ai không rộng thêm, bỗng dưng có khoảng trống cứ to dần. Ai không cần góp nhiều tình, thực nhiều tình như người ta cất sẵn than củi để phòng khi mưa gió?
Bức thư tình của mùa thu, ai sẽ cho tôi, cho anh, cho bạn: Ai cũng vậy, hễ mùa thu đến là cần rất nhiều âu yếm, như trong ngực bỗng dưng có năm sáu trái tim. Ai may thêm áo, ai mặc thêm những lớp áo tình cho muôn lòng người rét mướt? Mỗi bức thư tình một khuôn nhung ấm, những cặp tình nhân đừng quên” (Thư tình mùa thu).
Thứ năm là giọng triết lý. Xuân Diệu thường viết bằng giọng triết lý khi muốn diễn đạt những phán xét về qui luật của cuộc sống. Song có lẽ, Xuân Diệu triết lý thì cũng là bộc lộ cái trữ tình đằm thắm của mình nên triết lý của ông luôn được viết trên một nền tâm trạng nhất định, triết lý mà vẫn tâm tình:
Có khi nhẹ nhàng mà thuyết phục: "Em có mười sáu tuổi chỉ một lần, em không có đến hai lần cái tuổi vui, em sẽ có một trăm năm buồn. Tất cả đều tuỳ ở em đó, xấu đẹp ở tại lòng em". (Giã từ tuổi nhỏ).
Có khi thấm thía xót xa: "Ở đời khổ xúc tích lại với nhau thành một cái vòng luẩn quẩn, sờ đến khâu này động đến khâu kia" (Thương vay).
"Bao giờ lòng thương lại chẳng có duyên cớ ở trên cái đời cùng cực đau khốn khổ này" (Thương vay).
Nhưng cũng có khi trong giọng triết lý của Xuân Diệu vẫn có chất đắm say, sôi nổi: "Tình yêu có mực thước bao giờ. Lúc nào người ta cũng quá đáng. Người ta thẩn thơ một cách dễ dãi và không hiểu vì sao những điều cỏn con, những ý vụn vặt lại bỗng dưng hệ trọng lên có thể làm ngạt được người viết thư cũng như người xem thư (Sợ)...
Ông cũng lý giải về tình yêu và cuộc đời bằng giọng thật thấm thía song nhẹ nhàng mà sâu sắc: “ Hai người rất muốn chung hợp, song đã không ăn ý, thì thà rời nhau để còn có thể nhớ lại mà thương nhau. Nếu cố gắn, cố gần, e rồi đến ghét nhau mất.” ( Phấn thông vàng).
Hay ông lý giải về cuộc đời, tình người và tình yêu:
“Trời muốn lạnh, nên người ta cần nhau hơn. Và người nào chỉ có một thân thì cần một người khác. Xuân, người ta vì ấm mà cần đôi. Cho nên không gian đầy những lời nhớ nhung, những linh hồn cô đơn thả ra những thở dài để gọi nhau...” (Thu).
Hay mượn lời cái giường, ông cũng nói : “Mười bốn năm trời, đời của tôi chẳng mấy chốc mà già với đời của người. Mọi vật đều thay bậc đổi ngôi, sự dâu bể của cuộc đời, cho đến gỗ cũng phải chịu”( Truyện cái giường).
Như vậy, với những sắc thái giọng đ iệu khác nhau, Xuân Diệu đã tạo được dấu ấn cho giọng điệu văn xuôi của mình. Đó là lời thúc giục nồng nàn của tuổi trẻ, khát sống, thèm yêu. Đó cũng là lời thủ thỉ tâm tình đượm một nỗi buồn thương. Đó là sự bày tỏ nồng nàn tha thiết những mong mỏi và khát vọng của ông về người nghệ sĩ, về văn chương. Qua giọng văn của ông, ta hình dung một con người đang từ tốn nói về mình, nói cho mình và cho người khác về những ấn tượng, những trải nghiệm trong cuộc sống cũng như những tư tưởng hoặc đã được nghiền ngẫm kỹ lưỡng, hoặc như bột phát phải lên tiếng trước những vấn đề của văn chương. Bản chất của văn ông là chia sẻ, tha thiết, do vậy mà văn Xuân Diệu luôn thấm thía, luôn thân mật tự nhiên, lôi cuốn và thuyết phục người nghe. Mỗi chữ, mỗi câu văn của ông như một giọt của tâm hồn và tư tưởng chắt lọc qua ngòi bút của một con người luôn khao khát giao cảm với con người và tạo vật, vô cùng thiết tha với quốc văn, tiếng mẹ đẻ và văn chương nước nhà.
KẾT LUẬN
Khi Xuân Diệu đột ngột ra đi không chỉ có giới hoạt động văn học nghệ thuật mà còn biết bao thế hệ bạn đọc cảm thấy ngỡ ngàng bởi “một cây nằm xuống, cả khoảng trời trống vắng” [86,133]. Điều đó đã nói lên vai trò to lớn của Xuân Diệu đối với văn học giai đoạn 1930-1945 nói riêng và nền văn học dân tộc nói chung. Đọc những trang văn, trang thơ của ông, người ta luôn thấy bừng cháy “cái tôi” rạo rực, say mê, luôn hối hả gấp gáp, luôn giục giã, cuống quít, tràn đầy ham hố và ngập tràn tình yêu và nỗi cô đơn bất tận. Nhưng ẩn sâu dưới cái tôi phong phú màu sắc ấy là một tấm lòng yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống đến thiết tha cháy bỏng.
Truyện ngắn trữ tình Xuân Diệu trước Cách mạng là phần sáng tạo độc đáo của ông. Những trang văn xuôi, trang đời với những suy tư, triết lý, với những tâm sự cảm xúc của con người ấy đã thực sự trở thành một phần không thể thiếu của văn học trữ tình giai đoạn 1930-1945. Và chúng ta cũng không thể không nhắc đến hai tập Phấn thông vàng và Trường ca, hai tập truyện ngắn tiêu biểu thể hiện rõ phong cách sáng tác của Xuân Diệu và làm nổi bật cảm hứng chủ đạo trong truyện ngắn của ông; đậm tính trữ tình và giàu chất thơ.
Mặc dù tác phẩm truyện ngắn của Xuân Diệu trước Cách mạng chỉ là một con số khiêm tốn đối với những tác phẩm thơ của chính ông và so với số lượng các truyện ngắn của các nhà văn trong dòng truyện ngắn trữ tình giai đoạn 1930-1945 song những gì mà nó mang lại cho dòng truyện ngắn trữ tình 1930-1945 là điều đã được khẳng định và ghi nhận. Trong đó, tác phẩm
Tỏa nhị Kiều cùng với các sáng tác thơ khác của Xuân Diệu đã được đưa vào
giảng dạy trong chương trình phổ thông trung học và nhiều tác phẩm văn thơ khác là đối tượng của nhiều bài viết, công trình nghiên cứu ở các bậc học cao hơn là sự khẳng định tài năng và cũng là phần thưởng xứng đáng đối với Xuân Diệu.
1930-1945, chúng ta có thể thấy hiện lên những nét nổi bật về phương diện nội dung và phương diện nghệ thuật mà Xuân Diệu đã rất có ý thức sáng tạo để góp phần làm phong phú thêm những khía cạnh của cuộc sống con người, của xã hội đương thời với tư cách là một trong những nhà văn tiêu biểu của dòng truyện ngắn trữ tình 1930-1945. Đặc biệt, ông đã giúp con người có nhu cầu khám phá chính bản thân và thế giới tâm hồn bên trong qua sự tự ý