Với Xuân Diệu, “sự sống chẳng bao giờ chán nản” từ thơ đến văn xuôi, ông luôn thể hiện cái tôi trữ tình, khao khát được giao hòa, giao cảm, gắn kết với cuộc đời, đồng thời phải sống hết mình với nó.
Luôn bám riết lấy sự sống nên cuộc sống trong sáng tác của Xuân Diệu phải là cuộc sống mạnh mẽ của một con tim tràn đầy, nóng bỏng, căng phồng niềm khao khát sống, thèm sống, được sống: “con người ấy uống cạn một cách vồ vậy cái ly tràn đầy sự sống”. Yêu đời ham sống, ông luôn tìm kiếm và phát hiện cho được cái đẹp và niềm vui trong cuộc sống.
Những quan niệm về thời gian, tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc như trên là những biểu hiện cụ thể, thiết yếu của cuộc sống con người. Nói đến sự sống, Xuân Diệu không nói đến một sự sống chung chung mà là sự sống của một cá thể con người. Không những thế, sự sống còn được thể hiện trong cái cõi sống
của con người. Và bao trùm lên tất cả, đó là sự sống trên thế giới này.
Toàn bộ sự nghiệp văn học của Xuân Diệu có một tư tưởng chi phối, đó là niềm khát khao, giao cảm với cuộc đời, và đó cũng là triết lý sống của ông. Cho nên, nếu thơ là nguồn cảm hứng tất bật giúp ông làm chiếc cầu nối giao cảm trực tiếp với cuộc đời trần thế, Xuân Diệu muốn thả tâm hồn sôi nổi và tinh tế của mình để tìm đến với những tâm hồn bè bạn, ở mọi chân trời góc bể, ở mọi thế hệ, ở mọi thời khắc thì các sáng tác văn xuôi lại giúp Xuân Diệu có được mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ để cắm rễ sự sống được thiết tha hơn, tận hưởng hơn. Có lẽ, trong các nhà Thơ mới chưa có ai bộc lộ lòng ham sống đến mức thiết tha, cuồng nhiệt như Xuân Diệu:
Hai tay chín móng bám vào đời” (Hư vô)
Với ông, cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi người ta biết sống mạnh mẽ, “Sống toàn tim! Toàn trí! Sống toàn hồn! sống toàn thân! Và thực sự nhọn giác quan”. Không phải ngẫu nhiên mà trong thơ Xuân Diệu đầy ắp những từ “sống”, “sự sống”, “sống, tất cả sống, chẳng bao giờ đủ chất chen kho mộng chắc với tình bền”. Vì thế, trong văn xuôi, Xuân Diệu không chịu sống bình thường, tầm thường. Con người Xuân Diệu gắn bó mật thiết sâu nặng với đời, bám riết vào sự sống. Một trái tim đa cảm, khát sống và yêu quý sự sống, song với Xuân Diệu, cái tôi cá nhân phải được tồn tại một cách đầy ý nghĩa trong cuộc sống. Đó là ý tưởng mà Xuân Diệu kiên định theo đuổi suốt cả đời mình, Ông khẳng định sự sống của cái “tôi” ấy trong quan hệ hòa hợp với đời. Có thể nói, suốt cuộc đời Xuân Diệu là một cuộc hành trình đi tìm sự đồng điệu trong tâm hồn người với đời, nhưng hành trình ấy không phải là đứng đợi mà là cuộc tìm kiếm say mê và không ít đau đớn.
Trong cuộc tìm kiếm đó Xuân Diệu đã rút ra cho mình một quan niệm sống đẹp, sống hết mình cho cuộc sống, thể hiện khát vọng sống nhiệt thành, mãnh liệt cao độ, không chấp nhận cuộc sống lạnh lùng, hờ hững, mờ mịt, đơn điệu.
Xuân Diệu tìm thấy mạch nguồn của sự sống ngay trong chính hiện tại, trong từng giây phút ta thở và trong từng thời khắc ta sống. Cái đẹp của cuộc đời chính là được sống và sống sao cho có ý nghĩa ở đời. Vì thế ông đưa tư tưởng và triết lý về cuộc sống của mình thông qua hình tượng các nhân vật trong Tỏa nhị kiều. Hai nàng Quỳnh và Giao là hai con người. Họ sống nhưng lại không phải là sống bởi họ “là hai cái cây, họ ngây ngây, thơ thơ” (chứ không được ngây thơ), họ lặng lẽ và ngơ ngác, “ấy là hai hột cơm”.
Nếu hiểu một cách nào đó thì cuộc đời của họ cũng có bi kịch. Bi kịch ở chỗ không sao thoát khỏi cuộc sống đơn điệu, tẻ nhạt tù túng của chính mình. Hay có thể nói họ chết chìm trong chính cuộc sống mà chính họ tạo ra. Một cuộc sống chẳng có điều gì để đau buồn, chẳng có điều gì để mơ ước để
hy vọng. Họ không thay đổi, không buồn thay đổi mà cũng chẳng thể thay đổi cái nhịp điệu tẻ ngắt đến phát sầu như thế.
Mà bản thân trái tim luôn khao khát yêu đương, luôn đập nhịp đập đến cháy bỏng với cuộc đời như Xuân Diệu thì không thể chấp nhận điều đó. Cuộc sống đơn điệu tù đọng của hai cô gái, hai nàng Kiều là cuộc sống không có linh hồn. Xuân Diệu muốn, Xuân Diệu ước, Xuân Diệu thầm mong “giá họ đàng điếm, hung dữ, trơ trẽn, lẳng lơ thì tôi sẽ vui khi thấy họ có việc” đằng này họ “ngồi trong một buổi chiều rất đỗi ngẩn ngơ, một buổi chiều triền miên của sự vật và linh hồn. Một buổi chiều trong nhà và trong tâm lý” (Tỏa nhị kiều).
Và cách miêu tả của ông về cuộc sống của Quỳnh, Dao, Phan và những con người ấy chính là cách mà Xuân Diệu đã đứng lên tuyên chiến môt cách quyết liệt với lối sống “mòn” và cái cảm giác “đìu hiu của cái ao đời bằng phẳng”.
Vì thế, Xuân Diệu thương, thương thay cho hai cô, cho cái ao đời bằng phẳng vô vọng vô nghĩa lý của hai cô. Chỉ qua hình mẫu hai nàng Kiều ấy thôi nhưng ý nghĩa nhân văn thì vô cùng sâu xa mà triết lý nhân sinh về cuộc đời về con người mới thật sâu sắc. Chúng tôi đánh giá cao Xuân Diệu ở chỗ, chính ông chứ không phải ai khác đã cất lên một tiếng nói về cách sống về “phương pháp” sống trên đời. Cuộc sống bên ngoài thật sôi động và rộn ràng sẽ không thể có những con người thờ ơ, sống hoài sống phí đến như vậy.
Ông khao khát trái tim luôn được đốt cháy lên bằng ngọn lửa tình yêu cuộc sống. Vì thế, ngay từ khi còn rất trẻ, chàng trai Xuân Diệu đã tuyên chiến một cách quyết liệt với lối sống “mòn” mà ông đã hình ảnh hóa là “Nỗi
đìu hiu của cái Ao đời bằng phẳng” (Tỏa nhị Kiều). Xuân Diệu lớn tiếng bộc
lộ triết lý sống của mình:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”
Đây quả là một thái độ nhân sinh tích cực. Thái độ dứt khoát không chấp nhận lối sống tẻ nhạt, đơn điệu, mù tối, vô danh vô nghĩa, một cuộc sống
kéo dài lê thê, trì trệ. Đó không phải sống mà là sự tồn tại sinh học! “Một phút huy hoàng” đó không phải chỉ để thỏa mãn cái “tôi” khép kín, chỉ biết cho mình. Nó toát lên một khát vọng sống mãnh liệt, khát vọng được giao hòa, cảm thông. Bởi không thì cuộc đời sẽ “buồn le lói” biết bao nhiêu! Cho nên, nhà thơ trải đi những hạt “Phấn thông vàng”, “gửi hương” của lòng mình “cho gió” bốn phương với mong mỏi đến được với những tâm hồn đồng điệu, đồng cảm...
Như một tất yếu, con người khát vọng, khát yêu, khát khao giao cảm ấy đã trở thành một nhà thơ tình, một nhà thơ tình mà cho đến nay, sau cả thế kỷ nào ai đã vượt qua! Bởi một sự thật là trên đời này có gì khiến cho con người cảm thấy được sống đầy đủ, ý nghĩa và mãnh liệt bằng tình yêu! Hơn nữa, có gì tuyệt vời, có niềm giao cảm nào làm ngây ngất chính con người bằng tình yêu! Xuân Diệu không bằng lòng với thứ tình yêu mờ nhạt bằng cách huy động cả tâm hồn lẫn thể xác, mọi giác quan để tận hưởng nó, đến mức độ ham hố, vồ vập luôn “thèm muốn vô biên tuyệt đích”. Có thể nói, đây là lần đầu tiên ở Việt nam, tình yêu được quan niệm một cách táo bạo nhưng chân thành và mới mẻ đến thế. Tình yêu đó vừa trần tục nhưng cũng lại vừa lý tưởng, bởi nó đòi hỏi sự giao hòa một cách tuyệt đối giữa hai tâm hồn, hai cá thể con người bằng xương bằng thịt.
Trong quan điểm sống của Xuân Diệu thời kỳ trước cách mạng bộc lộ rõ triết lý hưởng thụ. Trong các sáng tác văn xuôi, Xuân Diệu cũng gửi gắm khát vọng hưởng thụ này. Ở truyện Người học trò tốt (trong tập Phấn thông vàng), Xuân Diệu đã sáng tạo nên hình tượng một cậu học trò chăm chỉ - ông Huyện Tư. Tư đã “bóp nghẹt thương nhớ”, “bóp nghẹt thanh xuân”, trước mọi thú vui. Và rồi, ngày trở thành ông huyện Tư cũng là ngày anh “hết muốn mọi thứ”, “ái tình đã ngoan ngoãn vâng theo chịu nén bề, đã tàn rồi, không
nở lại nữa”. Trước hiện thực ấy, Xuân Diệu buông những lời ngán ngẩm:
“Thanh xuân đã qua bên cạnh chàng... và khi chàng thành công là lúc chàng thất bại hẳn”. Bởi cuộc đời này buồn chán hơn, vô nghĩa hơn khi người ta không có tình yêu, không biết yêu...
Như vậy, trong quan điểm về lẽ sống và cách hưởng thụ cuộc sống của Xuân Diệu, chúng ta còn nhìn thấy khao khát của bản thân Xuân Diệu và những người thanh niên tri thức “thế hệ 1930” ấy. Họ có một sự thức tỉnh về ý thức cá nhân lớn hơn với nhu cầu tự khẳng định mình, tìm lấy chỗ đứng trong xã hội.
Chƣơng 3