Kết cấu trong truyện ngắn trữ tình của Xuân Diệu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xuân diệu trong dòng truyện ngắn trữ tình 1930 1945 (Trang 86 - 91)

Trong các loại kết cấu, khảo sát trong truyện ngắn của Xuân Diệu có thể nhận thấy: Hầu hết truyện ngắn Xuân Diệu đều được cấu từ từ hình thái của truyện ý tưởng có kết cấu tâm lý; kết cấu theo dòng tâm trạng của nhân vật trữ tình. Đây là sự sáng tạo độc đáo của Xuân Diệu. Nói là sáng tạo bởi thời bấy giờ đã mấy ai viết loại truyện ngắn này. Ông không đi theo kiểu truyện mà các nhà văn thường thể hiện. Truyện theo một ý nghĩa thông thường là loại “tác phẩm tự sự phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó – qua con người, hành vi, sự kiện được kể lại bởi một người kể truyện nào đó”. Các truyện của Xuân Diệu viết “không theo phép cũ” tức là không theo những quy định nghiêm ngặt của tác phẩm tự sự truyền thống. Và ông gọi đó là “lối tiểu thuyết ý tưởng (roman á idées)”. Xuân Diệu có chủ kiến khi sáng tác loại truyện này. Ông viết “Ở lối truyện ý tưởng, truyện là một cái cớ để cởi mở tấm lòng” [2,8]. Và với hình thái truyện ý tưởng, với kết cấu tâm lý, Xuân Diệu đã dễ dàng hơn trong việc trình bày các quan điểm, tư tưởng của mình.Trong tất cả các truyện của mình, điều mà Xuân Diệu quan tâm không phải là câu chuyện diễn ra như thế nào mà là ông đã nghĩ về nó ra sao. Các sự kiện, nhân vật, tình tiết đều được xây dựng, khắc họa sao cho có thể phô diễn một trạng huống nhân thế nhất định. Ông luôn luôn chọn một cách đi, một điểm nhìn phù hợp để dẫn dắt người đọc vào niềm cảm xúc mà ông gửi gắm trong tác phẩm.

Tác phẩm của Xuân Diệu được thể hiện dưới nhiều dạng thức: hoặc là trực tiếp đề cập tới trạng huống tinh thần nhân thế, hoặc là gián tiếp thông qua một câu chuyện hết sức đơn sơ. Các trạng huống nhân thế ở đây cũng hết sức đa dạng: nỗi buồn, tình thương, sự cô đơn, sự thất vọng và hy vọng, sự vùng vẫy hướng tới một cách sống mạnh mẽ; sự khao khát được chia sẻ với đời và được đón nhận: sự hướng tới cái đẹp và đặc biệt là sự phân tích mổ xẻ, lí giải, phát hiện các trạng thái của tình yêu.

Liên kết tất cả những trạng huống ấy trong tác phẩm Xuân Diệu là dòng tâm trạng, là mạch cảm xúc mãnh liệt của cái “tôi” Xuân Diệu mà chúng tôi gọi là kết cấu theo dòng tâm trạng của nhân vật. Dòng tâm trạng đỡ nâng, gắn kết những mảnh đời những trạng huống tinh thần lại với nhau, tạo nên tính mạch lạc, tính chỉnh thể của văn Xuân Diệu. Một “ít chuyện đời” nếu có thì chỉ như “cái giá”, “cái giàu” được bố trí trước sau sao cho phù hợp để dòng tâm trạng được tuôn chảy dễ dàng, tạo nên chất thơ trong văn xuôi Xuân Diệu.

Đặc điểm của loại truyện ý tưởng là không có cốt truyện rõ ràng. Xuân Diệu tự bộc lộXin đừng tìm trong Phấn thông vàng” những truyện có đầu đuôi, có công việc, có sáng hôm trước và chiều hôm sau. Ở đây chỉ có một ít đời và rất nhiều tâm hồn, hợp lại thành bao nhiêu nghĩ ngợi bâng khuâng, không cốt để giải trí người ta, mà trái lại, để xui trí người thêm bận vẩn vơ, lưởng vưởng[2,7]. Như vậy, truyện của Xuân Diệu không có cốt truyện rõ ràng và cả nhân vật cũng được xây dựng nhằm để thể hiện cho một “ý tưởng” chủ quan nào đó của tác giả. Chính bởi đặc điểm này mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đặng Mạnh, khi đánh giá Phấn thông vàng Trường ca, cho rằng:

Cả hai tác phẩm đều mang đậm một đặc tính chung: tính trữ tình [76,98]. Đọc những truyện ngắn của Xuân Diệu, ta sẽ không tìm được những xung đột, mâu thuẫn gay cấn có tính chất xã hội. Ở đây chỉ có một ít cảnh đời nhưng lại có nhiều tâm hồn quây tụ lại. Nó thuộc về những nỗi niềm thầm kín trong lòng, khiến ta thấy vẩn vơ, ta chỉ cảm nhậm mà không thể nhìn thấy được. Thường trong các câu chuyện, Xuân Diệu chú trọng đến việc mình nghĩ

về nó ra sao chứ không để ý đến việc nó diễn ra như thế nào. Nghệ thuật là ở chỗ ông rất khéo chọn cho mình một hướng mở, một điểm nhìn phù hợp để dẫn dắt người đọc hòa vào cảm xúc, vào cái điều mà ông muốn tự bạch trong tác phẩm.

Trong các truyện Thương vay, Tỏa nhị Kiều, dòng cảm xúc của tác giả nhập vào nhân vật “Tôi” để được thương cảm cho tình cảnh của nhân vật. Đứng trước cuộc đời hai cô gái Quỳnh, Giao, hai sự “như không”, tác giả mở rộng liên tưởng họ như những vật vô tri, vô giác...Và cuộc sống thật đáng buồn, đáng thương của hai cô gái được tác giả liên tưởng đến các cụ già yếu ớt, đến cái nhạt nhẽo của ngày này tiếp ngày nọ. Đó là chi tiết làm cái cớ để tác giả đan cài vào đó tấm lòng thương cảm vô hạn mà chính tác giả cũng thú nhận: tôi không thấy rõ duyên cớ, tôi chỉ thương mà thôi”. Qua những mảnh đời nhạt nhẽo, mù tối và vô nghĩa ấy, Xuân Diệu muốn bày tỏ niềm xót thương với những kiếp đời không biết sống mà đánh mất ý nghĩa của sự sống, đồng thời bộc lộ một thái độ sống tích cực: dứt khoát không chấp nhận lối sống tẻ nhạt, mù tối, vô nghĩa.

Ở trường hợp khác, người viết lại hóa thân vào nhân vật, đóng vai như một người trong cuộc. Đó là nhân vật Siêu (Cái hỏa lò), là Hứa (Cái giây

không đứt), Sơn (Đứa ăn mày)... Chính nhờ nấp bóng dưới các nhân vật này,

tác giả có dịp bộc lộ được những tâm tư, suy nghĩ của mình, từ những việc nhỏ nhặt, bình thường... đến những hoài niệm xa xăm, những nuối tiếc, day dứt. Cũng có khi tác giả lại bộc lộ cảm xúc của mình một cách gián tiếp trong vai người kể chuyện. Chẳng hạn như trong các truyện: Chú Lái Khờ, Người lệ ngọc, Người học trò tốt... Và đáng lưu ý là truyện Phấn thông vàng. Câu chuyện là những cảm xúc của một chàng trai trẻ triền miên trong nỗi buồn của một kẻ luôn đơn phương trong tình yêu, một kẻ chẳng gặp may trong tình duyên. “Nhưng chính tình yêu của loài cây xa xôi viễn vọng... không tính toán đã như một phép lạ nhiệm mầu giúp chàng vượt qua được chính mình, tìm lại cái khát khao tình ái, cái sung sướng, hạnh phúc được sống trong tình yêu đích thực. Qua hình tượng nhân vật chàng họa sĩ, tác giả đem đến cho

người đọc một quan niệm đẹp về một tình yêu chân chính của con người. Yêu là đem hạnh phúc đến cho người, là không toan tính và không cần đền đáp... như “tình yêu của loài cây xa xôi viễn vọng” kia.

Cũng có khi cảm xúc của Xuân Diệu lại được nhân hóa lên, nội tâm hóa vào những đồ vật thiên nhiên. Đó là trường hợp truyện Hoa học trò. Xuân Diệu mượn tình cảm và con mắt của lũ học trò mà miêu tả hoa phượng. Hoa phượng vẫn như cảm nhận thông thường là biểu tượng cho mùa hè, mùa thi cử, phượng thấu hiểu những tình cảm vui, buồn của tuổi học trò. Đến kì nghỉ hè, lũ học trò phải tạm xa trường, phượng ở lại một mình. Phượng buồn, phượng lim dim ngủ. Gió thổi qua, hoa phượng giật mình, một cơn mưa hoa rụng. Hoa tàn theo tháng ngày, lần lượt lìa cành. Màu đỏ sẫm, mục nát trên thảm cỏ, nhưng vẫn lưu luyến giành lại một chút vui vẻ bằng mấy bông phượng cuối mùa để nói lời chia ly đầy cảm động: “Anh em học cho hay, hoa phượng sẽ gặp lại các anh lúc cuối năm trong lời chia ly rẽ rời, và lại nói cùng các anh cái tâm sự thiết tha của mùa hạ (Hoa học trò). Trong trang viết của Xuân Diệu, hoa phượng là thứ hoa “không thơm”, “chưa hẳn là đẹp”, nhưng lại có “một linh hồn sắc sảo mênh mang”. Nó gắn với những vui buồn, vương vấn của tuổi học trò và gợi biết bao hoài niệm về một thời cắp sách.

Tất cả những truyện ý tưởng của Xuân Diệu đều không có truyện mà thường chất chứa những suy tư, cảm xúc của tác giả về một cảnh đời, một mảnh đời hay những xao xuyến của lòng người...để từ đó khơi gợi lên trong người đọc những trăn trở, nghĩ suy về sự sống, về tuổi trẻ cũng như nghệ thuật. Truyện vì thế luôn được người đọc tiếp nhận như những thông điệp giàu ý nghĩa triết lý nhân sinh.

Truyện ngắn của Xuân Diệu thiên về thể hiện cảm xúc, cảm giác tâm trạng con người hơn là sự miêu tả thế giới khách quan. Để khai thác triệt để thế giới cảm xúc, cảm giác tâm trạng, Xuân Diệu có tài đặt nhân vật vào các tình huống truyện để khêu gợi tâm lý. Ở đây, nhà văn có vẻ khách quan khi tạo cái cớ cho nhân vật giãi bày nỗi niềm tâm sự. Vì thế, tình huống truyện góp phần thể hiện những cung bậc tình cảm khác nhau của con người. Dĩ

nhiên, tình huống truyện còn góp phần làm nổi bật tính cách và bộc lộ cảm xúc tâm trạng nhân vật. Điều này, ta có thể lấy bất cứ truyện nào cũng có thể thấy rõ nghệ thuật tạo tình huống truyện của Xuân Diệu.

Trong truyện Giao lại, Xuân Diệu tạo ra tình huống tâm trạng cho nhân vật “Anh” đứng trước cảnh phải chia tay với “Giang sơn tuổi nhỏ” đầy thơ mộng, lưu luyến và bịn rịn. Xuân Diệu viết: “Giang sơn tuổi nhỏ, tôi buông ra mà không muốn buông hẳn, lòng băn khoăn không biết những vưu vật của tạo hóa, bạn sau tôi có biết giữ gìn chăng?”.

Tâm trạng nhân vật có sự giằng co, vui buồn, luyến tiếc, xót xa vì phải rời xa cái thiên đường tuổi nhỏ - một thứ vườn trời đầy sự quyến rũ khi “mỗi sáng mai, tung chăn đã nghe rạo rực tiếng mùa; chim hót trên cành gần cửa, máu reo khắp cả tứ chi. Bừng mắt dậy, mà cả trời đất cũng bừng mắt dậy...

Cuộc sống đẹp đẽ làm sao, nhưng người ta không thể ở mãi cái tuổi mười lăm, mười sáu ấy được. Phải “Giao lại”, phải “nhường chỗ cho em đi đến” một cách vui vẻ, tự nguyện: “thôi anh bước qua, giao lại cho các em, giao lại cho các em; chúc các em muôn nghìn tươi đẹp!”. Tình huống “giao lại” được Xuân Diệu dẫn dắt trong thế giằng co nhưng không thể “cưỡng lại”. Sự dẫn dắt đó giúp người đọc nhận rõ hơn tâm tư của nhân vật, tâm trạng đó được diễn giải vừa tự nhiên, vừa hợp logic.

Cũng tương tự, trong truyện Tỏa nhị Kiều, tác giả đặt nhân vật “Tôi” vào tình huống là người hàng ngày chứng kiến cảnh sống nhạt nhẽo như không của các nhân vật Quỳnh, Giao và Phan rồi để nhân vật bộc lộ những thương cảm của mình trước cuộc sống của họ. Từ đó, người đọc nhận ra triết lý về một cuộc sống nhạt nhẽo, bằng phẳng như cái ao đời tù đọng, một cuộc sống không ra sống mà tác giả gửi trong tình huống truyện.

Cho nên, nhìn từ đặc điểm kết cấu tạo tình huống truyện, ta thấy trong truyện của Xuân Diệu không xuất hiện những tình huống gay cấn, ly kỳ. Truyện thường giản đơn, thưa thoáng, gọn nhẹ, ít sự kiện, nhưng lại giàu cảm

xúc, cảm nghĩ, tạo những tình huống để nhân vật có cơ hội bộc lộ suy nghĩ cùa mình.

Chúng ta có thể tìm thấy ở văn xuôi Xuân Diệu nhiều trạng huống tâm trạng; có khi chỉ đơn thuần là sự tả, có khi lại là sự lí giải, thậm chí là những triết lý, có khi đi từ thất bại đến chiến thắng hoặc chỉ là sự chấp nhận tuân thủ qui luật... để từ đó Xuân Diệu gửi đi những thông điệp khẳng định, ngợi ca hay xót thương hoặc phủ định...Tất cả được cuốn vào mạch chảy của dòng tâm trạng thường tuôn trào một hơi, một mạch suốt chiều dài tác phẩm

Như vậy, với cách tạo tình huống truyện đặt trong kết cấu theo kiểu tâm lí; kết cấu theo dòng tâm trạng, nhân vật không được dựng nên bởi chuỗi các sự việc chính xoay quanh nhân vật, biến cố, sự việc hay hành động mà chủ yếu bằng diễn biến tâm lý, cảm xúc. Với Xuân Diệu, “truyện đời chỉ là cái cớ để cởi mở những chuyện lòng. Đúng như ông đã nói, ở văn xuôi của ông, dù là truyện cũng có rất “ít đời” nhưng bù vào đó là “rất nhiều tâm hồn” hợp lại. Hầu như không có dấu ấn của thế sự, cái mà Xuân Diệu mang đến cho ta là thế giới của niềm cảm xúc. Nó thuộc về tâm linh, nơi mà người ta dường như chỉ cảm thấy mà không nhìn thấy

Qua kết cấu tâm lý; kết cấu theo dòng tâm trạng của nhân vật trong các truyện ngắn của Xuân Diệu, chúng tôi thấy đây cũng là kết cấu được nhiều tác giả trong dòng truyện ngắn trữ tình 1930-1945 (Thạch Lam, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh, Thanh Châu) sử dụng trong các sáng tác của mình. Nhờ kiểu kết cấu này mà các truyện ngắn của họ thường có cốt truyện cơ bản, ít nhân vật, hành động, số lượng nhân vật cũng không nhiều. Vậy mà chính những truyện tưởng chừng đơn giản ấy lại làm rung động và ưu tư biết bao thế hệ bạn đọc. Nhờ vào cách chọn được một kết cấu phù hợp đã tạo nên những sức hấp dẫn lớn lao cho những truyện ngắn của Xuân Diệu nói riêng và dòng truyện ngắn trữ tình 1930-1945 nói chung.

3.2 Nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xuân diệu trong dòng truyện ngắn trữ tình 1930 1945 (Trang 86 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)