Tình yêu vốn là điều thầm kín vẫn âm thầm tồn tại trong ước muốn và tâm linh của bao thế hệ Á Đông như một “cái bánh” được Xuân Diệu “bẻ đôi” bằng những phát hiện tinh vi.
Theo ông, tình yêu là một tình cảm đặc biệt. Có lẽ ông quan niệm lòng người là những tình cảm thông thường ngoài tình yêu, giúp đỡ cho người ta sống cân bằng cho nên ông đã phân biệt lòng người và ái tình.
“Sự thực của ái tình nó khác với sự thực của lòng người. Lòng chúng ta muốn yên, nhưng ái tình thì hiếu sự. Tình yêu không thèm ở lại trong một tấm lòng mệt mỏi, tình yêu bỏ mà đi. Lòng người và tình yêu là hai sự thực khác nhau và đối nhau, một đằng chỉ riêng ưa chuyện lì lợm, sự bình yên, một đằng muốn lay chuyển, sôi nổi cử động. Lòng người như vật chất luôn sắt đá...Ái tình như sự sống làm việc luôn, nồng cháy luôn và xây dựng cho vật chất. Lòng người như đất chỉ cốt nằm ỳ, ái tình là ý xuân, bắt sự lười biếng phải hăng hái, bồng bột lên để sinh hương sắc” (Cái dây không đứt).
Truyện Cái giây là bức thư của một cô gái tên Thu gửi người yêu tên
là Hứa. Người con gái viết: “anh muốn tình yêu là một sợi thừng buộc những chiếc thuyền to hơn là những giây tơ treo vài đóa hoa mảnh khảnh”. Triết lý về tình yêu: “Một trái tim chín muồi phải rời, cái giây giằng lâu phải đứt”.
Tình yêu cũng vậy, như cái giây, giằng lâu tất sẽ đứt. Đáp lại bức thư này, Xuân Diệu xây dựng câu chuyện khác. Như tiêu đề câu truyện Cái giây không đứt Xuân Diệu trình bày qua một bức thư của một chang trai tên là Hứa gửi cho người yêu tên Thu. Một bức thư tình của chàng trai muốn cứu vãn sự rạn nứt của tình yêu. Nhưng chính những lời lẽ có tình, có lý đã thuyết phục kết cho những ai bước vào con đường yêu đương: “Hai người đều vui lòng chịu sự trói buộc của tình ái, để được cái thoát ly, thoát ly khỏi mọi điều cặn bã thấp kém của đời thường”. Để khẳng định một tình yêu với đầy đủ cung bậc của nó, Xuân Diệu viết: “Luôn luôn thắc mắc, toan không ngớt, xôn xao không ngừng, yêu như thế tức là đổ dầu cho đến sáng mai. Thêm củi cho lửa không tàn, là giữ màu tươi thắm, thêm bao thú vị cho tình yêu, yêu như thế quả là sẽ thêm tơ chỉ cho sợi giây thêm bền, chứ đâu có phải giằng kéo sợi dây cho mình?”.
Một phát hiện khác tình yêu là sự lệ thuộc là sự trói buộc tự nguyện và đầy thú vị. Những người yêu nhau cất đi sự tự do và tự nguyện trở thành nô lệ của nhau – nô lệ trong hạnh phúc. Vì vậy bao giờ tình yêu cũng là sự đòi hỏi, là nỗi phiền hà.
“Chúng ta muốn êm đềm, chẳng phải nhọc nhằn gì. Nhưng khi yêu tình yêu có ngủ đâu. Đó là nỗi kiếm tìm ngờ vực, đòi hỏi van xin, là sự ghen tuông, là cách chinh phục...Em thấy yêu anh thì nói yêu anh, nhưng một lời nói không phải một cái gối người ta cứ dựa đầu mãi. Tình em cho hôm nay ngày mai chắc đâu như cũ: Bảo anh không phiền hà em sao được. Tình yêu mạnh mẽ hơn lễ độ, đã yêu thì hóa làm rầy nhau. Em mất tự do nhưng kẻ lấy không phải là anh, mà chính là tình yêu của chúng ta. Và anh cũng mất tự do và cũng không phải em lấy”. Tuy nhiên đây là sự trói buộc để cùng dìu nhau bay lên cõi cao cả của tâm hồn. Xuân Diệu gọi thế là một cuộc thoát ly. “Hai người đều chịu sự trói buộc của tình ái để được thoát li, thoát li khỏi mọi điều cặn bã trong đời thường” (Cái dây không đứt).
Phát hiện tinh vi của Xuân Diệu còn ở cách chỉ ra tình yêu như một phép nhiệm mầu, nó chiếm lòng ta tự lúc nào chẳng biết, chỉ thấy một cảm giác thực ấm và sự tuân thủ. Đọc văn ông, người con gái thấy lại cái đỏ mặt của sự lưu luyến còn e ấp, người con trai thấy lại cái hồi hộp chờ đợi, ước mong:
“Gió thu lẻn vào lòng ta rất giỏi, che kín áo ai chẳng ăn thua gì. Nhưng tình yêu lẻn vào lòng người còn giỏi hơn gió thu. Và bây giờ thực ấm. Mà lắm khi tình yêu chẳng thèm lẻn đâu, nàng công chúa ấy đi vào trong cung của lòng ta theo cửa Ngọ Môn, đi rất thẳng mà cửa nào cũng không dám cưỡng lại”. (Thư tình, mùa thu). Chính vì vậy mà: “Giấu sự giàu có tiền tài, việc ấy còn dễ. Chứ giấu sự giàu có của lòng ta, sự ấy làm sao được, nhất là khi ta thấy luyến ái một người, tự nhiên tràn đầy hân hoan và tối tăm lo ngại” (Thư tình mùa thu).
Tình yêu bao giờ cũng đòi hỏi cao độ. Đối với nó, cái gì cũng có thể trở thành vô cùng to tát. Đấy cũng là một phát hiện thú vị của Xuân Diệu:
“Tình yêu có mực thước bao giờ. Lúc nào người ta cũng quá đáng. Người ta thẩn thơ một cách dễ dãi, và không hiểu vì sao nhưng điều cỏn con, những ý vụn vặt lại bỗng dưng hệ trọng lên, có thể làm ngạt được người viết thư cũng như người xem thư” (Sợ).
Và điều này, có lẽ sẽ bổ ích cho những chàng trai nào lần đầu hò hẹn. Khi yêu phải tỏ tình từ từ, đột ngột quá, mãnh liệt quá có thể khiến cho người yêu hoảng sợ:
“Tình yêu to lớn mênh mông khác gì một con sông to, một biển cả. Người ta ngợp bởi thấy tình nhiều, bởi cái nhiều bao giờ cũng làm cho ta tự thấy mình ít, ta không kịp ngó, ta cảm xúc không hết, ta thấy cái nhiều tràn ngập ta, lụt đến quá cổ ta. Ta sợ nhiều nước hay nhiều trời...huống chi nhiều tình ái, một thứ không gian vô hình ảnh. Nếu gió mát quá làm người ta ngợp sợ thì sự êm đềm, quá thiết tha, quá yêu mến lại xui người ta sợ sệt đến bao nhiêu. Đó là một sự thực, tình yêu nhiều làm cho người ta sợ” (Sợ). Mà cứ chi các chàng trai lần đầu ngỏ ý, ai cũng thế thôi, cái “sợ” khi đón nhận tình yêu bao giờ cũng đi kèm với sự thất bại trong cách chinh phục.
Yêu theo ái tình và phải biết vun đắp cho ái tình bởi Xuân Diệu thấy trong tình yêu được sự nồng nàn là điều khó:
“Sự dịu dàng là mảnh khảnh hơn hay sự nồng nàn mảnh khảnh hơn. Giữ sự dịu dàng là trò chơi chứ giữ sự nồng nàn là một điều khó” (Cái dây
không đứt). Một nhận xét tưởng như là một nghịch lý, thực ra thì rất chính
xác và sâu sắc: Tình yêu đòi hỏi cao độ. Nhưng phải chăng đó cũng là lý do chóng tàn của tình yêu?
Thế nào là hạnh phúc trong tình yêu? Xuân Diệu đã diễn tả rất tinh vi niềm sung sướng lớn lao của những người yêu nhau trong cuộc tiếp xúc ban đầu, dù chỉ là sự gặp gỡ của hai bàn tay yêu:
“Những cơn điên dại của hình vóc chưa chắc chắn đã ban hạnh phúc thấm thía cho người ta bằng hai bàn tay nắm nhau lần đầu. Cái bánh con con nên ta hưởng tận cùng cả mùi vị. Niềm vui ái tình thật mênh mông. Ta nghe cái ấm nóng hay cái mát mẻ ta cân cái sức nặng nhẹ, một chút nhíu dạ, một làn ép nhỏ cũng cho ta bồi hồi đo độ tình yêu”.
Ngay cả sự giận dỗi của tình yêu cũng là một hạnh phúc. Xuân Diệu cho rằng giận nhau cũng có cái thú của nó, còn giận nhau nữa” và “nếu động
bất thường với nhau mà rẽ hết với nhau ngay thì ở trên đời chẳng có cặp đôi nào cả” (Cái dây không đứt).
Ở khía cạnh ngược lại, khi tình yêu có cơ may tồn tại, Xuân Diệu cũng tỏ một thái độ dứt khoát: “Hai người rất muốn chung hợp song đã không ăn ý nhau thì thà rời nhau đến còn có thể nhớ mà thương nhau. Nếu cố gắng, cố gần, e rồi đến ghét nhau mất” (Phấn thông vàng) bởi: “Sự cố nhiên của lòng mình không cố nhiên chút nào cả đối với đời” (Phấn thồng vàng).
Xuân Diệu còn có một phát hiện độc đáo về thời gian trong tình yêu. Đó là một thời gian tâm lí rất đặc biệt – tâm lí của những người yêu nhau, quĩ thời gian tạo hóa dường như vô nghĩa: “Hơn nửa tháng trời có phải là ít đâu. Ngần ấy thời gian cũng đủ cho người ta đi vòng quanh thế giới” (Thư tình
mùa thu). Tất nhiên mọi thứ tình cảm, mọi sự chờ mong đều khiến cho thời
gian kéo dài. Nhưng trong tình yêu thì sự kéo dài thật là khủng khiếp, dường như không chịu nổi.
Truyện Người học trò tốt là câu chuyện về một con người say mê, không hề biết mệt mỏi, suốt đời phấn đấu cho “sự học hành, trong sự chinh phục ngôi thứ, bằng cấp, và chỗ làm”. Và chàng đã đạt được tất cả, quyền cao chức trọng, giàu sang, vinh hiển. Để có những cái đó, chàng Tư phải đánh đổi bằng tuổi xuân của chính mình. Trong câu chuyện này, Xuân Diệu cũng có dịp đan gài vài câu mang tính trữ tình triết lý: “Con gái! Họ bóp trái tim ta… trong lòng bàn tay của họ...”. Để nhấn mạnh sự “vô lý”, sự lãnh cảm của loại người chỉ biết lấy cái danh làm mục đích, Xuân Diệu viết: “...ái tình đã ngoan ngoãn vâng theo chịu nén một bề, đã tàn rồi, không nở lại nữa...”
Với Xuân Diệu, thành thực là nguồn gốc của mọi phát hiện, mọi sáng tạo. Bằng chứng tiêu biểu nhất về sự thành thực này, có lẽ là phát hiện như một tình cảm lý tưởng, nghĩa là chỉ có sự hòa hợp thuần túy trong tâm hồn. Sự thành thực đã khiến Xuân Diệu không ngần ngại nói đến cơ sở nhục thể của tình yêu. Tất nhiên có những quan hệ nhục thể mà không có tình yêu, nhưng tình yêu đích thực coi quan hệ nhục thể là một khát khao chính đáng. Khát khao đó được cực tả trong “đóa hôn” thiêng liêng: “Nhưng đóa hoa của
hai mặt xứng nhau thì đến được tầm nhau, gắn thành đóa hoa cảm giác. Thời gian đương đi qua, đôi cặp môi người đóng triện vào nhau để lây một phút giây cực lực, cùng gắn ép một quãng nhỏ không gian, và từ ấy, trong kỷ niệm trăm năm còn giữ mãi một điểm hông” (Đóa hồng nhung).
Cái hôn của tình yêu tuy là một tiếp xúc nhục thể, nhưng nó đâu phải chỉ là quan hệ nhục thể. Nó còn là giao cảm tuyệt vời của những tâm hồn yêu nhau. Đó là sự hòa trộn cả tâm hồn lẫn thể xác: “Đóa hôn như hoa lan, thích tỏa hương nơi im lặng. Đóa hôn như hoa lan, thích tỏa hương nơi im lặng. Đóa hôn như hoa quỳnh, thích nở lúc đêm thanh. Phải cho đất ngủ dưới lời ru của muôn trời, sao xanh nhấp nhánh cẩm canh, vũ trụ mơ màng như sơ khai, bấy giờ đóa hôn đẹp nhất mới nở. Đóa hôn đẹp nở thì người lặng, máu ngừng, hồn điến vì yêu, chứ đâu phải những cái hôn nở ngày nở trưa, đầu đường xó chợ, là cái thứ hoa tạp nham vật dục” (Đóa hồng nhung).
Chính hồn người tạo nên hương sắc của “đóa hôn” cao quý:
“Hồn không đẹp đẽ thì ngửi được đóa hồng nhung sao? Hồng nhung là sắc của hồng tâm, nhung là vẻ nhung của hồn, có dễ bạ ai cũng hái được ở bất cứ đâu” (Đóa hồng nhung)
Hiểu như thế cái hôn trở thành một phần thưởng vô cùng quí giá và thiêng liêng trời đất ban cho nhân loại:
“Khi hái được đóa hôn thì đất trời cũng sá ngừng lại cho ta sung sướng, chúa trời như bà mẹ thương mến các con, hương rừng qua mũi, suốt ngọt vào lòng, tình ái muôn năm, lấy môi đóng triện”.
Mỗi một cái hôn như một điểm hồng trong trí nhớ, nó cũng thiên biến vạn hóa thể hiện đủ mọi cung bậc của tình yêu:
“Người con trai mới lớn lên, không phân biệt cặn kẽ. Có cái hôn ấm, thơm, và dòn, nhai được thành tiếng, ấm như vừa dang nắng, thơm như cây mới ra hương”.
Có cái hôn nhẹ, nhẹ quá, lâng lâng như chỉ đụng vào bóng trăng, vừa động tới tan dường tuyết đọng. Có cái hôn ngọt ngào như êm cái khát ngàn
năm, có cái hôn mê ly, như đã chết một kiếp. Có cái hôn mơ màng, để môi nghỉ tê tái trên môi, và hồn tự nhiên vớ vẩn ở đâu trong những truyện thần tiên. Có cái hôn chờ đợi lâu hàng năm đến khi được thì sức ào đến quá mạnh, tưởng hồn văng ra ngoài đầu. Có cái hôn tủi tủi nước mắt sắp rơi, môi có thể òa ra khóc được: hôn mà bận nhớ cái sầu người yêu dấu đã chất nặng vào lòng ta.
Những hồn tê điến hay quặn cong, những cái hôn khoái lạc không bao giờ bì được cái hôn yêu đương...” (Đóa hồng nhung).
Xuân Diệu cho rằng cái hôn là “của quý thất lạc, cái kho vàng chìm mất trong biển tháng ngày. Người Á Đông không biết đến cái hôn là một điều dại dột vô lí. Và tham lam, ham hố, Xuân Diệu ước “có một đạo bùa phục sinh cho những đóa môi xưa sống lại, với màu tươi, sắc ướt, vẻ ngọt, mùi thơm, cho con trai đời xúm lại mà hôn, rồi bấy giờ sẽ tan tành, như thế cho khỏi ân hận!..” (Đóa hồng nhung).