Thời gian là một phạm trù mà nhiều nhà văn, thơ đã đề cập đến trong tác phẩm của mình. Trong số các nhà văn lãng mạn Xuân Diệu là một người luôn ý thức về thời gian.
Đối với nhiều nhà văn, nhà thơ, thời gian là một phương tiện nghệ thuật góp phần thể hiện nội dung tư tưởng và chủ đề của tác phẩm. Theo quan điểm này thì thời gian cùng với không gian chính là một những yếu tố của phương diện đề tài và là một trong những nguyên tắc cơ bản để tổ chức tác
phẩm. “Thời gian nghệ thuật gắn liền với tổ chức bên trong của hình tượng nghệ thuật”[24,322]. Đây chính là thời gian nghệ thuật.
Đến với Thơ mới và thơ Xuân Diệu, thời gian không còn được tính theo chiều vĩ mô mà được tính bằng thời gian tâm trạng, đời tư. Không chỉ những trang thơ của ông thấm đẫm nỗi đau về thời gian mà trong những trang văn xuôi của ông, thời gian đã trở thành “nỗi ám ảnh” (Đỗ Lai Thúy). Thời gian là “đại lượng tiêu cực, là thù địch với tuổi xuân” (Trần Đình Sử).
Trong đội ngũ các nhà Thơ Mới, có lẽ Xuân Diệu là người duy nhất đã dành một bộ phận không nhỏ những sáng tác của mình để đàm đạo trực tiếp về thời gian, qua đó, ông đã khái quát chúng thành những tư tưởng mang ý nghĩa triết học. Chắc hẳn nếu bạn đọc đã từng biết những bài như Thời gian,
Đi thuyền, Giờ tàn, Giã từ thân thể, Hết ngày hết tháng, Chiếc lá…sẽ không
xa lạ với quan niệm thời gian mà Xuân Diệu đã gửi gắm: Thời gian luôn luôn chuyển động và thay đổi không ngừng. Vì thế Xuân Diệu không ngừng tiếc nuôi thời gian và nhắc nhở chúng ta hãy biết nâng niu, quý trọng thời gian và làm cho nó trở nên có ý nghĩa hơn.
Nhạy bén với từng bước đi, từng thời khắc của thời gian nên Xuân Diệu đã đưa ra một quan niệm về thời gian thật độc đáo :
“ Thời gian chỉ là sự cử động. Nếu tôi đứng, nếu máu tôi ngừng, nếu tôi không biết đời bên trong và không hay đời bên ngoài thời gian của tôi không còn nữa… nhúc nhích là thời gian, cử động thay đổi là thời gian”. Rõ ràng, Xuân Diệu đã ý thức được thời gian là vận động không ngừng. (Thương vay).
Như vậy về thời gian, không gian, Xuân Diệu cũng có những ý nghĩ độc đáo. Theo ông, thời gian, không gian chỉ có ý nghĩa khi là thời gian, không gian sống thật sự với đời. Có nghĩa là con người không sống thì không có thời gian.
Cũng chính bởi ý thức về thời gian và luôn gắn thời gian với tình yêu và tuổi trẻ nên Xuân Diệu đã đưa ra một phát hiện rất thú vị về thời gian tâm lý của đôi lứa yêu nhau.
Đối với những đôi lứa ấy, “Hơn nửa tháng trời có phải ít đâu. Ngần ấy thời gian cũng đủ cho người ta đi vòng quanh thế giới” (Thư tình mùa thu). Quả thật đối với những người đang yêu nhau, chờ đợi là một việc tưởng chừng như là thiên thu và thời gian của tạo hóa bỗng bị giãn nở đến mức cực đại hoặc bị thu ngắn lại đến mức không ngờ.
Cũng chính vì ý thức thời gian trôi chảy, nên Xuân Diệu mới bần thần
“giã từ tuổi nhỏ”. Ông ý thức được thời gian “một đi không trở lại” nên mới
thiết tha, nài nỉ mong “Em Tuổi Nhỏ”- chính là tuổi thơ quay về.
“Không biết anh em tôi bỏ đi lúc nào, nhưng bây giờ thì em đã đi rồi. Tội nghiệp cho em tôi! Thỉnh thoảng em còn về thăm, nhưng chúng tôi không dám ở lâu cùng nhau; và dường như tôi có đôi ý xua đuổi. Bây giờ thì em còn thương tình mà trở lại thăm viếng, chứ mười năm, hai mươi năm nữa! Tôi có gọi có van rát cổ, vỡ tiếng, em tôi cũng chẳng trở về”
“…Thế là em đi, còn ta thui thủi về một mình, con đường thơ mộng đã trở thành con đường đời, ta bước đau thương, vì lòng ta trống cả em! Ta không muốn quay đầu lại nhìn; em đi rồi, ta phải thành một người lớn, phải siêng năng chứ, nào là công việc, nào là cuộc sống, nào là cái đời...”(Giã từ tuổi nhỏ).
Đọc những dòng văn này, chúng ta bỗng thấy đồng điệu đến kì lạ với Xuân Diệu. Dường như dòng thời gian của tuổi thơ đang chầm chậm quay về, với những trò chơi con trẻ, những nghịch ngợm rất đỗi đáng yêu của tuổi nhỏ, cái thời vụng dại, bé con không bao giờ quay trở lại, nhưng lại ở sâu trong kí ức mỗi người. Xuân Diệu đã làm cho mỗi người đều tìm thấy mình trong những trang viết của ông. Và có lẽ vì thế, thời gian mà ông cảm nhận càng trở nên tinh tế và sâu lắng.
Thời gian trong văn xuôi Xuân Diệu còn là phản ánh sự vận động hàng ngày của con người. Nhiều khi người ta lặp đi lặp lại những việc, những hành động ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác mà không ý thức được thời gian phũ phàng đang trôi qua. Vì thế Xuân Diệu nuối tiếc cho những con người “sống hoài, sống phí, sống không ra sống”. Về điều này, Xuân Diệu
dường như sự gần gũi với Thạch Lam khi cảm nhận được sự lặp lại đơn điệu, buồn tẻ của nhịp thời gian lên số phận và cuộc đời các nhân vật của mình.
Chúng ta thử nhìn vào cuộc sống của hai nàng Quỳnh và Giao trong
Tỏa nhị kiều
“ Tôi biết hai cô không có việc gì làm. Họ chẳng mấy lúc đi chơi. Họ để cho ngày tháng qua. Họ là hai cái cây - họ lại còn thua hai cái cây, bởi vì còn ra hoa, ra trái, chứ đời con gái của họ, họ biết làm gì? Không sắc, không duyên, và cũng không tiền; chỉ có hiền lành…” (Tỏa nhị kiều).
Thời gian trong nhịp điệu cuộc sống đến mức tẻ ngắt của hai nàng Quỳnh và Giao trong Tỏa nhị kiều có sự đồng điệu thời gian trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam trong buổi chiều, đêm nào cũng thấy bằng ấy hoạt động, bằng ấy con người, bằng ấy tâm trạng giống hệt nhau…Cũng giống như nhân vật Liên trong Một đời người sẽ sống cho đến hết cuộc đời với những ngày đi làm nhà máy và có thể bị đối xử tàn tệ, bị chửi rủa, đánh đập không có chút ánh sáng. Cô chấp nhận cuộc sống ấy mà không dám vượt ra ngoài nó và coi như đó là số phận của mình. Tâm trong Cô hàng xén là cuộc đời của con người nhẫn nại với chuỗi ngày bất di bất dịch. Cái nhịp điệu cũ mòn nhẫn nại ấy đan xen vào cuộc đời cô. Ngay đến cái sự kiện xáo trộn nhất là Tâm đi lấy chồng cũng không làm thay đổi lắm những nhịp điệu, những tháng ngày rong ruổi với đôi đòn gánh trên vai với những gánh hàng xén “cả cuộc đời nàng…toàn khó nhọc và lo sợ, ngày nọ dệt ngày kia như tấm vải thô sơ.”
Chúng ta đã biết thời gian tuyến tính thì không thay đổi. Thời gian trong vũ trụ thì muôn đời vẫn cứ thế. Chỉ có con người là cảm nhận về thời gian khác nhau mà thôi. Là một nghệ sĩ, thời gian vũ trụ càng bị đồng hóa và khúc xạ qua cái nhìn chủ quan của Xuân Diệu. Có thể nhìn nhận một điều, Xuân Diệu là con người của thời gian hiện tại. Hiếm khi ông cho nhân vật của mình ru ngủ, tiếc thương quá khứ hay mịt mù hướng đi của tương lai. Cuộc sống của ông là ở hiện tại với những cuộc đời con người cũng rất thực tại. Đó là thời gian, là cái chu trình, cái nhịp sinh học tác động lên tất cả mọi người
dù muốn hay không. Vì thế nó đến và trôi qua trong sự nuối tiếc. Và Xuân Diệu là người thấy nuối tiếc nhất, xót xa nhất khi thời gian trôi qua:
“ Dậy, dậy, tôi ơi! Kỷ niệm chực biến! Hình bóng em nhỏ sắp tan! Thôi, em đi, ta ở, ta dậy, em về; thà xa nhau trong chút bóng trăng tàn, để phút ly biệt còn đượm phấn xanh, chứ không chịu chia phôi giữa bụi bặm ồn ào, làm mất cả thiêng liêng của nỗi luyến tiếc. Hỡi em Tuổi Nhỏ, giã từ, từ giã! Ly biệt, biệt ly! Níu em nói chưa dứt lời, em đã đi mất!
Ta ở lại một mình. Thời gian đẩy sau lưng, cuộc đời kéo trước mặt, chân trái rời xa thời nhỏ, chân trước bước vào thời nào đây? Ta nuốt đắng cay, cười gượng mà để cho hoa tàn, mà mong có trái đậu; hôm nay ta xua tuổi nhỏ để khỏi chậm chân trong cuộc thế; một mai sự dời dẫu dãi, lúa gặt, việc xong, chạy đi tìm em, em tan mất rồi!
Thời gian lạnh lắm, cái gì vào đó mà còn được đâu! Hôm nay còn gặp tuổi nhỏ năm ngoái, năm sau tuổi nhỏ chắc đã mờ bóng; vài năm sau nữa, ôi thôi, em chết thực rồ! Nhớ mà thỉnh thoảng về thăm anh, em nghe; chớ vội tan trong thời giờ, mà để anh già cỗi. Giã từ.
Em Tuổi Nhỏ! Xa nhau rồi, giờ lại gặp nhau; gặp nhau thêm lần này, lần sau có gặp nhau chăng nữa? Bao giờ mới đến lần sau? Em chịu về thăm anh chăng? Ngày mai soi gương, có tình cờ thấy hai ta chung một bóng?” (Giã từ tuổi nhỏ).
Đối với ông, đã là thời gian sống, sống mãnh liệt, sống hưởng thụ thật sự cuộc đời này thì tất nhiên phải là thời gian gắn với mùa xuân và tuổi trẻ, gắn với cái hiện tại, cái hữu hiệu, cái nhỡn tiền nhưng làm sao có thể kéo dài được tuổi trẻ và những giây phút hiện tại. Quan niệm sống của Xuân Diệu tất nhiên mâu thuẫn với sự trôi chảy của thời gian, lời văn của ông vì thế mà “vội vàng”, “giục giã”:
“Gấp đi em, mau đi em, hoa ở tuổi em mới thật là hoa, để nâng niu hôn hít, thêm dăm tuổi nữa đi hoa chỉ trồng cho đẹp nhà, hãnh diện với khách qua đường...Mau đi em, gấp đi em cái vốn ngây thơ khô cạn. Thế nào
rồi việc đời cũng đến. Gấp đi em, hãy chuyện trò cũng tạo hóa, mau đi em vơ vẩn cho nhiều” (Giao lại).
Càng thấy được bước thời gian tồn tại và chi phối vạn vật, biến tất cả từ thời tươi sang thời phai. Xuân Diệu càng cố níu kéo thời gian. Lý giải quan niệm của Xuân Diệu về thời gian, chúng ta có thể thấy sở dĩ ông lại luôn níu kéo, nuối tiếc thời gian đến như vậy là vì:
Đối với Xuân Diệu, điều đó đã trở nên ám ảnh nhà thơ với những trăn trở từ thuở thiếu niên, thôi thúc tác giả sáng tạo bền bỉ để giành trọn cuộc đời cho sáng tạo chân chính. Cuộc đời lao động nghệ thuật chăm chỉ của Xuân Diệu để lại một di sản nghệ thuật đồ sộ. Động lực thôi thúc ông làm được điều to lớn ấy có phải chăng xuất phát từ nỗi trăn trở mà ông có từ thuở thiếu niên; Xuân Diệu sợ chết. Cái chết là nỗi ám ảnh lớn trong tâm khảm của nhà thơ khiến ông luôn lo sợ về sự thay đổi trôi chảy của thời gian .
Mặt khác, Xuân Diệu luôn khao khát giao hòa, giao cảm với cuộc đời nên ông rất nhạy cảm với những chuyển biến của đất trời và sự di chuyển của thời gian bằng những cảm nhận rất tinh tế. Tác giả ý thức được sự trôi chảy, một đi không trở lại của thời gian.
Bên cạnh đó, Xuân Diệu một mặt vừa tiếp thu tư tưởng của cổ nhân, mặt khác, bằng những liên tưởng độc đáo, bằng tâm hồn nhạy cảm, Xuân Diệu lại ý thức “dòng thời gian” kéo theo sự lụi tàn của thiên nhiên và cuộc sống. Xuân Diệu không hề nuôi giấc mộng lên tiên, không than khóc với quá khứ, chạy trốn lên chốn bồng lai tiên cảnh hay vũ trụ siêu thoát cùng thăm thẳm hư vô. Con người ấy “chân hóa rễ để hút màu dưới đất”. Ông sống với thực tại và coi thực tại là cõi duy nhất xứng đáng để thưởng thức mọi khát vọng và lạc thú ở đời. Với cái tôi tiểu tư sản và mang trong mình sức trẻ, Xuân Diệu đòi hỏi được có tình cảm, tình yêu và cuộc sống vật chất. Vì thế Xuân Diệu lo sợ cái quy luật tàn tạ của đời sống và lo sợ nhịp thời gian chảy trôi, luôn luôn “ vội vàng”, cuống quýt”.