nghèo, tủi nhục
Văn học giai đoạn 1930-1945 thường đề cập đến hai vấn đề của những người dân Việt Nam thời kì đó nói chung và những người nông dân nghèo
khổ thời bấy giờ, về chuyện cái ăn cái mặc, về cái đói và cái nghèo mà như nhiều người gọi là “Cái đói” và “Miếng ăn”. Trong nền văn học giai đoạn này, ta bắt gặp hình ảnh và số phận của những con người bế tắc, thậm chí đi vào đường cùng như số phận của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám ; bi kịch tha hóa của họ trong Chí Phèo của Nam Cao hay bi kịch sống mòn của những tiểu tư sản trí thức như Thứ trong Sống mòn, Hộ trong
Đời thừa của Nam Cao. Tất cả họ đều có số phận tăm tối, mịt mù và bế tắc.
Cái đói và miếng ăn khiến các nhà văn hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945 nhìn người nông dân Việt Nam bằng những cái nhìn bi quan, chán nản. Dường như trong sáng tác của họ (Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng…), cái đói cái nghèo như một sợi dây trói vô hình thít chặt lấy số phận những người nông dân lam lũ. Vì cái đói, miếng ăn họ buộc phải gắn số phận mình vào hai ngã rẽ: một là cái chết đau đớn vật vã để bảo toàn danh dự, nhân phẩm và cái nhân tính còn sót lại, hai là bị phá sản và đi vào con đường bần cùng hóa, lưu manh hóa. Và như lời Vũ Ngọc Phan cũng đã nói khi đọc tác phẩm của Nguyên Hồng: “Ông đã tả những cảnh nghèo, cảnh khổ của mấy hạng người sống ngoài rìa xã hội một cách bình tĩnh không xen lấy một lời bình phẩm để mặc cho những việc ông tả tự gây lấy cho người đọc những cảm tưởng vui buồn, vì riêng những việc ấy đã hùng hồn rồi.”
Cùng phản ánh thế giới hiện thực khách quan những năm 1930-1945 ấy, song khác với những nhà văn hiện thực, luôn đề cập những vấn đề nóng bỏng và bức xúc của xã hội một cách trực tiếp, sinh động những áp bức bất công cùng những thối nát, mục ruỗng trong xã hội, các nhà văn lãng mạn lại đi vào những vấn đề nhỏ nhặt rất thường nhật của cuộc sống. Và trong dòng chảy ấy, Xuân Diệu cũng hướng ngòi bút của mình phản ánh những con người bình dân, những người nghèo trong xã hội. Dù được biết đến nhiều với tâm hồn trẻ trung của nhà thơ “tình yêu và tuổi trẻ”, song trái tim rộng mở yêu thương và tâm hồn nhạy cảm của Xuân Diệu còn hướng tới những kiếp người, những mảnh đời và cuộc đời của những con người bất hạnh, nghèo đói.
Nếu các nhà văn hiện thực nhìn nhận và đánh giá và miêu tả cuộc sống qua lăng kính chủ quan của mình bằng con mắt “tả chân”, “tả thực” thì các nhà văn lãng mạn lại lấy cảm hứng trữ tình làm cảm hứng bao trùm mà cốt lõi của nó là sự cảm thông, sẻ chia, lòng thương cảm. Có lẽ thế mà Xuân Diệu đã nói: “Bao giờ lòng thương cũng có duyên cơ ở trên đời cùng cực, đau đớn, khốn khổ, rách rưới, cô đơn này …”(Thương vay).
Tình thương của nhà văn được thể hiện một cách gián tiếp thông qua hình ảnh một bà lão nghèo trong một buổi chiều muộn “cả mình đen, chỉ cái nón xám. Tuy nhiên tôi cũng đoán được những miếng vải vá nơi cổ áo dài lỗ đổ không toàn màu”. “ Một bà già. Lưng khòm chân chậm. Mắt bà lão mở lim dim, mà bóng thì mờ thế này, thế có khác gì nhắm? Tay xách một cái rổ, không thấy được những thức gì trong ấy. Có chỉ là rổ không. Còm. Dáng đi run. Lặng thinh, lẽ lặng thinh, không có một tiếng. Như ngủ. Lặng thinh”
(Thương vay).
Lúc này Xuân Diệu đã hóa vào nhân vật trữ tình “tôi” để xót xa thay cho thân kiếp già nua, tàn tạ, nghèo khổ của bà cụ già. Cái bóng của bà trong buổi chiều gợi lên trong lòng tác giả nỗi buồn về nhân tình thế thái. Phải chăng nhà thơ của những xúc cảm “thức nhọn giác quan” và sống cho hiện tại bỗng thấy cái vệt tối trong đời sống của con người: Đó là cái buổi chiều tà buồn bã mang trong nó cũng là những con người có số phận khổ cực, tăm tối.
Thật ra “thương vay” là tình cảm của rất nhiều nhà văn lãng mạn lúc bấy giờ. Tự thương cảm về thân phận số kiếp con người là tâm trạng chung của nhiều nhà văn trong dòng truyện ngắn trữ tình 1930-1945. Nếu đối với các nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa, ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người thường nằm ở các phạm trù đạo đức. Cái nhìn về số phận con người của các nhà văn hiện thực thường đặt con người ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, giữa lương thiện và bất lương (Chí Phèo của Nam Cao), những vấn đề phản ánh mâu thuẫn giai cấp giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, giữa mong muốn khát khao lớn lao và thực tế cuộc sống tầm thường (Sống mòn của Nam Cao) thì đối với nhiều nhà văn lãng mạn, mâu thuẫn đó được phản ánh thông qua
những chuyện thường ngày, những mâu thuẫn trong cuộc sống thường nhật. Có thể không nói quá rằng, các tác phẩm của dòng truyện ngắn trữ tình đã tạo ra trong nó một xã hội đông đúc của những con người là nạn nhân của đói nghèo; từ những người nông dân, chị đi ở, anh phu xe, bà lão già, đứa trẻ nhỏ đến những nhà nho thất thế và cả những trí thức. Cái vòng luẩn quẩn mang tên hành trình số phận của họ nhiều khi được sắp xếp với chuỗi: Không việc làm – Nghèo đói - rồi Chết. Các nhà văn lãng mạn ít khắc họa hiện thực một cách khắc nghiệt, gai góc, xù xì như các nhà văn hiên thực song lại có sức gợi và ám ảnh người đọc đến kì lạ.
Hai đối tượng được nhiều nhà văn trong dòng truyện ngắn trữ tình 1930-1945 (Thạch Lam, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh…) hướng tới đó chính là phụ nữ và trẻ em, những người phụ nữ với duyên phận lỡ làng, bất hạnh hoặc nghèo khó và những đứa trẻ thì đã sớm chịu sự nghèo khổ, vất vả và bị tước đi quyền được yêu thương (trong Đói, Nhà mẹ Lê, Gió lạnh đầu mùa, Cô hàng xén, Một đời người, Tình trong câu hát, Tình thư, Bên con đường sắt,
Sáng trăng suông, Người chị dâu tôi, Em Dìn..).
Cũng chính từ trái tim ấm nóng yêu thương và xót xa trước những cảnh đời bất hạnh, Xuân Diệu thấy thương những cảnh đời, những số phận của những con người ấy. Đó là sự vất vưởng của thằng Miêng trong Đứa ăn mày, đó là thân phận nghèo đói, ăn nhờ ở đậu của mẹ con Siêu trong Cái hỏa lò, đó là cái đáng thương của bà lão ăn mày trong Thương vay, đó là sự tội nghiệp của Quỳnh và Giao trong Tỏa nhị Kiều, đó là sự bơ vơ của những linh hồn tội nghiệp; bọn chó mèo hoang .
Khi nói về những người phụ nữ, Xuân Diệu đã phác họa hình dáng bà cụ nghèo đi trên con đường Nam Giao vào buổi trời chiều để từ “cái cớ” đó, cài vào lòng thương xót và bộc lộ những suy nghĩ và tình cảm dành cho bà: “…Cả mình đen, chỉ cái nón xám. Tuy thế, tôi cũng đoán được những miếng vải vá nơi áo dài lổ đổ không toàn màu. Phải rồi, một bà già. Lưng khòng chân chậm…một người bằng thịt, bằng xương - thịt khô và xương gầy - với
một lịch sử chắc chắn khổ sở hết chín phần mười, với chút sống còn sót giữa lòng, như hòn lửa nhỏ còn lấp dưới tro.
Bà lão về đâu? Một ổ rơm nép bên đường, hay một cái chòi lạc giữa những bụi cây? Về một túp lều xa hay không về túp lều nào cả? Trên vùng hẻo lánh kia, còn nhà cửa nào nữa! Ai sẽ nấu cơm cho bà ăn? Diêm ở đâu để bà nhóm lửa? Về đâu? Ngừng lại nơi đâu?” (Thương vay.)
Những câu hỏi dồn dập được cất lên, hỏi chính mình, hỏi mọi người và chất chứa lòng xót thương vô hạn của Xuân Diệu trước bà cụ - con người đại diện của những người dân quê lam lũ, cơ cực, nghèo hèn, đưa cuộc đời chìm dần trong bóng tối, trong màn đêm dày đặc u uất.
Xót thương bà lão, Xuân Diệu cũng khiến người đọc cảm thông với người phụ nữ nghèo khổ phải rời chồng về ở nhà nhà mẹ đẻ trong truyện Cái
hỏa lò. Người phụ nữ ấy đã phải chịu thiệt thòi trong hôn nhân, hạnh phúc.
Những dòng tự thuật của cậu bé nhỏ sáu tuổi (Siêu - nhân vật trong câu chuyện) cho ta biết tình cảnh đó: “ Má tôi đã lấy thầy tôi, xuất giá sao chẳng tòng phu?”- Đó là người phụ nữ đó lấy chồng song lại không được ở cùng chồng, “về bên ngoại ở”, bữa ăn hàng ngày khi “ăn riêng” chỉ có “chén muối vừng mặn, nhiều màu trắng, ít màu vàng” mặn chát. Đó là người phụ nữ mà khi sinh con phải chịu cảnh nghèo đói, hai tháng trời chỉ “ăn cơm với muối rang” “ lại đau mê man”, bệnh tật mà chỉ chữa bằng “ nước tiểu của thằng nhỏ bên láng giềng, bỏ thêm chút tiêu sọ”. Đó là người phụ nữ phải chịu ảnh thân ăn đậu, ở nhờ thật bấp bênh, tủi hổ:
“- Thế đấy, mẹ con mình ở nhờ ở cậy, ăn chực ăn xin. Mẹ con nghèo xác xơ, chẳng có gì hết. Ai muốn đuổi mà chả được. Bơ vơ... bơ vơ...” (Cái hỏa lò).
Xuân Diệu cũng thương những người phụ nữ, mặc dù không phải nạn nhân của cái đói nghèo, song họ lại phải chịu cái bế tắc, bất hạnh trong cuộc đời và chịu nỗi đau khổ về tinh thần. Đó là cuộc đời của Quỳnh và Giao trong
Tỏa nhị kiều. Hai cô chỉ” như hai cái cây- họ lại còn thua hai cái cây, bởi cây
còn ra hoa, ra trái, chứ đời con gái của họ, họ biết làm gì ?…không sắc không duyên và cũng không có tiền, chỉ có hiền lành”. Ta thấy họ với cuộc đời mờ
nhạt, không có lối thoát. Dù không bắt gặp họ với những lo toan hàng ngày vì miếng cơm manh áo nhưng họ lại chịu nỗi buồn, một nỗi buồn không ngớt và sự day dứt về tâm hồn.
Bên cạnh số phận của những người phụ nữ bất hạnh, Xuân Diệu cũng dành nhiều tình cảm khi viết về những đứa trẻ nhỏ.
Thằng Miêng - thằng em xấu số của Sơn bỏ nhà đi hoang, phải sống kiếp của một đứa ăn mày “một đứa nhỏ, một thằng ăn mày nằm ngủ. Tay nó co lại dưới đầu làm gối. Chân nó vì lạnh gió nên cũng co lại; mặt nó khuất vì cả mình nó rút cong như con tôm. Áo quần nó bằng vải đen, nhưng cái dơ bẩn lộ trắng hẳn ra cùng những vệt mồ hôi khô, thứ mồ hôi người ta gọi “mồ hôi muối”, vì mặn lắm và đọng trắng như nước biển. Thằng nhỏ nằm xây lưng ra ngoài đường. Cổ đầy ghét. Tóc dài phủ tai, xuống ót, làm thành một cái đuôi nhọn” (Đứa ăn mày).
Vì thế mượn tâm sự của cậu bé Sơn, Xuân Diệu cũng kín đáo bộc lộ lòng xót thương với đứa em tội nghiệp “Cặp mắt lạ quá, thảm quá…vừa ngủ, vừa trắng vì đói, vừa xanh vì sợ, vừa bàng hoàng trông thấy Sơn nên lác đi”. Nó khiến lòng Sơn đau điếng, nghẹn ngào òa khóc vì thương em “có nước mắt, và những cơn quặn lòng, ruột gan xoáy lại” song chỉ biết thở dài vì “không có một xu mà cho em” và đành nhường cho em cái áo cụt của mình- vật duy nhất mà Sơn có thể dành cho nó.
Còn trong Cái hỏa lò, tình thương của Xuân Diệu lại được bộc lộ khi ông khắc họa hình ảnh cậu bé Siêu sáu tuổi- và cũng là hình bóng của tuổi thơ của chính ông phải chịu nhiều thiệt thòi, đau buồn. Siêu sống thiếu thốn tình yêu thương của cha và mẹ bởi “mẹ Siêu xa thầy Siêu”, Siêu sống với thầy nên “trời dun dủi thế nào” Siêu được” rời nhà thầy tôi trong hai tháng” “được về với má trong ít lâu” “tại nhà bà ngoại”. Sự thiếu thốn đói nghèo đã khiến cậu bé sớm nhận ra “muối vừng sao ngon bằng thịt cá” nên Siêu “chẳng ăn” với mẹ mà ăn cùng bà vì cơm bà “có cá chiên, có tôm kho, có rau, canh, có cả thịt nướng” khiến Siêu “ăn bằng mắt đến hai lần rồi”. Vì thế, cậu bé còn non nớt ý nghĩ ấy dành tình cảm để oán hận “cái hỏa lò”. Chỉ vì cái hỏa lò dùng cho bữa
cơm chiều mà chị Bốn giận mẹ, mẹ tức chị, khiến dì cháu “kình nhau”, bà giận, Siêu buồn, tủi thầm cho má, còn bữa cơm chiều thì” còn gì nữa đâu, nồi niêu vỡ cả, thịt cá đổ rồi”. Cái hỏa lò là nguyên nhân của sự rạn nứt tình cảm “người ta rủ nhau đau khổ vì một ít đất nặn” (Cái hoả lò).
Cái òa khóc của Siêu, khóc như gió như mưa” và ghét “cái hỏa lò khốn nạn, cái hỏa lò ác nghiệt” cũng chính là sự tủi thân cho tình cảnh nghèo túng và những thua thiệt trong cuộc đời đứa con của người mẹ chịu cảnh lẽ mọn mà tuổi thơ Xuân Diệu đã phải trải qua. Đây cũng chính là điều khiến ông dễ đồng cảm với những kiếp người bất hạnh, thiếu tình yêu thương trong cuộc đời.
Xuân Diệu còn mở rộng trái tim của mình để hướng tới những linh hồn tội nghiệp, đáng thương. Đó là bọn chó mèo hoang “ Không ai nuôi, bọn nó đi hoang; chúng bơ vơ, cực khổ, chúng đói khát, dơ nhớp, chúng thất nghiệp. Những chó mèo hoang không thể lại thành chó sói hay mèo rừng. Chúng đành phải thất thơ thất thểu, rách rưới, lang thang…”. Cuộc đời của chúng thật tội nghiệp, bởi chúng là những kiếp bơ vơ, bị vứt bỏ và không được quan tâm đến.
“Bọn nó trung thành quá nên cứ luẩn quẩn chung quanh người. Bọn nó hiền quá, thật thà quá để người ta đánh một cách dễ dàng, rồi kêu những tiếng đau đớn như bị gãy xương và vỡ trái tim”
Và vì thế, Xuân Diệu cảm thấy ám ảnh, vì không thương xót và quan tâm đến hết được chúng : “Sơn bước đi, như người ta đau đớn ngoảnh mặt tránh một cách thê thảm. Cũng như lòng Sơn, chân Sơn không thể nào nhẹ được, tuy chàng nhất định không ngoảnh lại, sợ gặp đôi mắt thảm thiết của cái linh hồn đầu đường xó chợ kia. Sơn rùng mình, vì chàng thấy mình đương dẫm lên tình của một con chó rách, dẫm lên trái tim tội nghiệp của một con vật tồi tàn. Và Sơn hoa mắt đi, tưởng chân mình dính xương, máu nát tan như xương máu của một con chó chết chẹt ô tô” (Chó mèo hoang).
Nỗi niềm ấy của tác giả lúc này, không chỉ là niềm xúc cảm với bọn chó mèo hoang mà rộng hơn là sự rung động, thương cảm cho những kiếp người không nơi nương tựa, phải bơ vơ sống vất vưởng và bị xã hội bỏ mặc.
Và cũng như Thạch Lam, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh…; Xuân Diệu không chỉ tả những cảnh nghèo, đói, rách của họ để thương mà còn phát hiện ra sự thanh cao, đẹp đẽ trong thế giới nội tâm của nhân vật.
Với bà cụ già ăn xin trong Thương vay là hiện thân của sự đau khổ nhưng dường không phải đi ăn xin mà “nghèo như vậy sao lại làm thinh mà đi, gặp khách không đón xin tiền? Cũng không nói, không rên, cũng không ngừng...”. (Thương vay) .Điều này đã làm nhân vật tôi rất ngạc nhiên vì thái độ và nhân cách của bà cụ.
Người phụ nữ - mẹ Siêu chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh, nhưng lúc nào trong mắt đứa con cũng là người “má chịu khổ vì sinh con ra”, là người” có hay đanh đá cùng ai đâu” mà “được tiếng là hiền hậu, thiệt thà, ai ăn hiếp cũng được.” (Cái hỏa lò).
Đến bọn chó mèo hoang thì Xuân Diệu vẫn phát hiện ra bản chất chúng là mèo, dù phải lang thang đói khát, song vẫn giữ được cái sạch sẽ “Hễ thong thả là chúng liền tỷ mỷ tắm gội. Những cơn đói không bắt chúng lành tính sạch sẽ, tuy là mèo hoang, chúng vẫn còn là mèo.(Chó mèo hoang)
Nói tóm lại, có thể thấy rằng, cũng vì mở rộng tâm hồn về phía những