Vào thế giới truyện ngắn của Xuân Diệu trước cách mạng, người ta thấy mỗi tác phẩm thường có một nhân vật trung tâm, thể hiện tư tưởng của tác phẩm. Thông qua nhân vật này, tác giả trực tiếp phát biểu quan điểm của mình về thế giới, thể hiện tâm trạng của mình trước những cảnh đời. Có thể xem đây là nhân vật trữ tình duy nhất thể hiện tính chất độc thoại đầy chất thơ của tác phẩm. Các nhân vật khác chỉ là những cái cớ, những cái bóng, nếu không giữ vai trò làm nền cảnh thì cũng chỉ là nguyên nhân để nhân vật trữ tình phát biểu những suy tưởng của mình.
Chính vì thế nhân vật nhiều khi là sự hóa thân của tác giả để trình bày những quan niệm, quan điểm nhân sinh...Nhà văn thường gửi gắm vào nhân vật của mình những suy tư, trải nghiệm, những đúc kết, nhận xét khái quát thiên về lý tính, đậm màu sắc của một triết nhân.Nhân vật trong văn xuôi Xuân Diệu không được xây dựng theo những nguyên tắc nghiêm ngặt như trong tác phẩm tự sự truyền thống. Truyện của Xuân Diệu vì thế thiên về thể hiện cảm giác, cảm xúc, tâm trạng con người cái tôi chủ thể trữ tình hơn là miêu tả bức tranh xã hội...Cho nên, thế giới nhân vật trong truyện ý tưởng ít hành động mà thường đi sâu suy nghĩ, hồi tưởng, liên tưởng...
Trong 24 truyện (17 truyện trong tập Phấn thông vàng và 7 truyện trong tập Trường ca) Xuân Diệu đã tạo ra một thế giới nhân vật. Nét chung của nhân vật trong văn xuôi Xuân Diệu là không giống nhân vật trong tác phẩm tự sự “được khắc họa đầy đặn, nhiều mặt”. Song ở truyện ý tưởng, nhà văn có nhiều lợi thế hơn khi không những làm nhiệm vụ của một nhà văn mà còn cất lên tiếng nói của một triết nhân. Dòng cảm xúc, dòng ý tưởng là sợi dây để nhà văn giăng mắc vào đó những “cảm niệm triết học” của mình khi dẫn dắt nhân vật qua những sự kiện, biến cố...
Nhân vật trữ tình của Xuân Diệu xuất hiện dưới nhiều dạng thức. Có khi là sự hóa thân của một nhân vật cụ thể, trong cuộc như Siêu trong Cái hỏa lò, Hứa trong Cái dây không đứt, Sơn trong Đứa ăn mày... Có khi lại xuất hiện gián tiếp trong vai người kể truyện như ở Chú Lái Khờ, Người lệ ngọc,
như ở Giã từ tuổi nhỏ, Thư tình, mùa thu Thương vay, Tỏa nhị Kiều...Có khi được nội hóa vào những đồ vật, hoặc thiên nhiên như ở Hoa học trò, Truyện
cái giường. Có khi tác giả trực tiếp mở lòng mình cho dòng cảm xúc tuôn trào
liên tục, sôi nổi như ở Lệnh, Trong vườn mơn trớn, Đẹp trai.
Chẳng hạn như chàng họa sĩ trong truyện Phấn thông vàng. Đó quả là
hình bóng của cái “tôi” Xuân Diệu. Chàng đã dâng hiến lòng mình cho ba mối tình: “ba lần chở, ba lần mất, dốc cạn hết cả nhụy lòng”... “chàng thất tình như một người triệu phú bỗng dưng chỉ còn hai bàn tay không” (Phấn thông vàng).
Đau khổ, thất bại đó dẫn đến những tác phẩm do chàng tạo ra cũng như vô hồn, vô nghĩa. “Những tranh chàng vẽ, dẫu rằng đẹp, song không có tinh thần sự sống, sắc màu không hồi hộp niềm yêu”. Và rồi sự tình cờ, ngẫu nhiên đưa chàng đến với rừng thông. Chàng chứng kiến vẻ đẹp của rừng thông xa lạ kia, chàng cảm nhận sâu sắc hơn điều này: “Tình yêu của loài cây xa xôi, viễn vọng như thế, không tính toán gần gũi như của loài người”. Từ đó, chàng họa sĩ “đã mở lòng nhận lấy bài học ngụ trong bài thơ của phấn thông vàng”. Bài học này chính là của Xuân Diệu, mang tính chất triết lý, nhưng được nhân vật phát ngôn. Chính bài học đó đã đem lại cho chàng họa sĩ cảm hứng sáng tạo. Chàng “vội vàng chạy về quán trọ để rồi đi tìm lại cuộc đời, lăn vào sự sống mà yêu, yêu mà cho, cho tất cả lòng tươi thắm của chàng, ba năm ròng chàng tưởng đã cạn rồi, nhưng kỳ thực vẫn là một nguồn vô tận”.
Qua nhân vật họa sĩ, tác giả muốn bày tỏ một nguyên lý cơ bản của sáng tạo nghệ thuật. Đó là chừng nào anh đánh mất tình yêu với cuộc sống, với cuộc đời này thì chừng ấy anh chẳng có thể sáng tác được gì, nếu có thì tác phẩm của anh cũng chỉ là sự lắp khép những câu chữ mà thôi. Phải thực sự yêu, thực sự dâng hiến cho cuộc đời, không xin, không đòi lại, thoát ra khỏi tính toán, vụ lợi, lúc đó tác phẩm của người nghệ sĩ mới như gió kia đưa hương về muôn nơi, cho cuộc đời, như hoa thông kia đem tình yêu cho mọi chốn, mọi nẻo, không hề toan tính vị kỷ. Ý nghĩa triết lý nhân sinh và ý nghĩa nghệ thuật từ nhân vật họa sĩ là như vậy.
Theo Xuân Diệu, đã sinh ra trên đời mang lấy nghiệp “đa đoan” nghệ sĩ thì phải “sống toàn thân và thức nhọn giác quan”. Người nghệ sĩ cũng như phấn thông vàng, như Chú lái khờ. Chú là người giàu có nhưng không hề ham hố, giữ gìn, không tiếc gì. Chú đã cho đời tất cả của cải. Từ hình tượng chú lái khờ, Xuân Diệu muốn nói lên cái thiên chức nghệ sĩ của mình. Người nghệ sĩ không thể đóng kín tâm hồn mà phải mở rộng để đón nhận và ban phát những tình cảm tốt đẹp cho cuộc đời, cho mọi người, như chú lái khờ, hào phóng ban phát ngọc vàng châu báu cho bốn phương.
Mến yêu cuộc sống, Xuân Diệu muốn thổi bùng lên khát vọng sống, khát vọng hưởng thụ trong mỗi con người. Ông lên án cuộc đời buồn tẻ, nhịp sống lê thê, lay lắt kéo dài trong những khuôn thước, quy định luân lý xưa cũ. Cho nên, khi viết Tỏa Nhị Kiều và Người học trò tốt, Xuân Diệu muốn đem đến cho người đọc một thứ triết lý nhân sinh là cách sống. Sống là cống hiến
và hưởng thụ. Hai phạm trù đó phải hài hòa. Cậu học trò Nguyễn Trung Tư
(Người học trò tốt) suốt đời học, lúc nào cũng đứng nhất, lúc nào cũng thủ khoa. Cậu có một ý chí học đến kỳ lạ: “Chàng học trong ngày và trong đêm, cả trưa và cả khuya”. Nhân vật này đối lập với hai nàng Quỳnh và Giao Tỏa
nhị Kiều. Hai cô là kiểu nhân vật chẳng có gì nổi bật, chẳng có niềm say mê
nào. “Hai cô không có việc gì làm”, “Không sắc, không duyên, và cũng không có tiền, chỉ có hiền lành”. “Hai cô cũng hết vào lại ra”. Đối với hai cô, cái gì đang đợi ở phía trước? Kết cục của câu chuyện Người học trò tốt cũng không sáng sủa hơn. Đó cũng là một cái chết khi đang sống. Một cuộc sống chỉ tồn tại sinh học, không biết tận hưởng niềm vui của cuộc đời. “Chàng tự đẩy mình vào sự học hành, trong sự chinh phục ngôi thứ, bằng cấp, và chỗ làm; và khi chàng thành công là lúc chàng thất bại hẳn”. Hai truyện ngắn, hai kiểu nhân vật nhưng đều đi đến cùng một quan điểm triết lý nhân sinh của Xuân Diệu. Đó là khẳng định giá trị đích thực ở đời này. Trong cuộc sống, con người phải biết cách sống, biết cách tận hưởng những lạc thú tự nhiên vốn dĩ của con người và rất người.
Ở Truyện cái giường, nhân vật nấp dưới số phận một cái giường, một hình ảnh ẩn dụ về số phận của cuộc đời con người. Cái giường cũng bước những thăng trầm của cuộc sống. “Xưa kia, tôi đẹp, tôi mới. Tôi lại đẹp nhất, mới nhất, không một kẻ nào cùng loại có thể sánh được”...Cái giường trở thành người bạn chí thiết của con người và chứng kiến hết thảy niềm vui, nỗi buồn của con người. Ở đây, Xuân Diệu muốn ca ngợi ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa sự sống. Ông muốn nhấn mạnh như một triết lý gửi vào nhân vật tượng trưng này là lòng thương cảm cho cái giường. Chính cái giường, làm sân khấu cho sự đổi thay. Cái giường như một chủ thể trữ tình, một nhân vật ý thức được về ý nghĩa cuộc sống và cả sự đổi thay của lòng người. Mượn lời cái giường. Xuân Diệu viết: “Mười bốn năm trời, đời của tôi chẳng mấy chốc mà già với đời của người. Mọi vật đều thay bậc đổi ngôi, sự dâu bể của cuộc đời, cho đến gỗ cũng phải chịu”. Đi tìm lời an ủi cho những số phận như cái giường, kết thúc câu chuyện, Xuân Diệu bộc lộ một quan điểm của thuyết luân hồi. Cái giường có khát khao được biến thành khói để bay về xứ sở rừng xanh, nơi đã sinh ra nó: “Lửa hồng đâu? Ta nhớ rừng xanh! Ta nhớ đời cây! Ta muốn về quê hương, quê hương chung của muôn vật muôn loài, ở đó tất cả đều như nhau, không phân biệt gì nữa”...
Ở tác phẩm Đứa ăn mày, số phận của thằng Miêng được gợi ra qua ký ức của anh trai nó. Và thực chất câu chuyện về đứa em xấu số bị nhà bỏ và cũng bỏ nhà đi hoang là cách để Xuân Diệu đặc tả tâm trạng của Sơn, là tình cảm của Sơn đối với đứa em mình.
Trong truyện Sợ, Xuân Diệu xây dựng một mối tình của hai nhân vật Phi và Châu. Đây là hai cá tính nhưng có nét chung là lớp thanh niên lớn lên trong nề nếp, chưa bị cái nhơ bẩn của cuộc đời làm hoen ố. Buổi đầu từ biết đến yêu, “Châu và Phi đồng một niềm dịu dàng êm ái”. Nhưng rồi họ dần dần xa nhau bởi đi vào ái tình, những quan niệm về tình yêu của Châu “Ái tình
như một sự tiến tới: Cho thêm, đòi mãi, yêu dấu thêm luôn” khiến cho Phi
“sợ”. Vì thế, Xuân Diệu viết “Tình yêu có mực thước bao giờ! Lúc nào người
tình yêu quá mãnh liệt của Châu. Bởi vì chỉ một nguyên nhân: “Nàng sợ, nàng sợ...” Đối với Châu, “Chỉ biết rằng Châu đã được một bài học khôn, giá bằng
nước mắt”. Bài học đó là: Tình yêu chỉ có thể được duy trì, bền vững khi có
sự đồng cảm của hai trái tim và có được hay không là do quan niệm về tình yêu của mỗi người. Câu chuyện vì thế không những hàm chứa một triết lý mà còn ánh lên vẻ đẹp của một tứ thơ. Cho nên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh có tổng kết: “...Văn xuôi Xuân Diệu là văn xuôi của một người làm thơ, của một thi sĩ đầy kinh nghiệm. Đọc những áng văn của ông, thấy rất nhiều kỹ thuật thơ được vận dụng”[72,104].
Cái dây không đứt là một bức thư tình thú vị, là tâm sự của một chàng trai đang yêu, là cách chinh phục làm hòa sự giận hờn, tìm lại sự nồng nàn trong tình yêu.
Tám bức thư tình, mùa thu “lại là cả một lớp tâm trạng của một chàng trai đang yêu”. Từ cái thư lần đầu “sợ sệt và ngại ngùng như sẽ có điều không hay xảy tới” cái ước mong được chấp nhận và cả sự không dấu được lòng ta khi quyến luyến một người, có cả cái cảm giác “dài ghê gớm quá” của sự chờ đợi... Có thể nói Thư tình, mùa thu mang theo chín bậc tình yêu” đầy lo âu, hồi hộp, nhớ nhung, cả nỗi khát thèm được ngắm nhìn người yêu “một chút” để thấy “nhiều chút đê mê”.
Thân thể cũng là tác phẩm chứa đầy khát khao đến với tình yêu bảy chàng trai trẻ khi người ta có tuổi hai mươi.
Sợ lại một sắc thái riêng. Đó là đối lập giữa cái ào ạt, mạnh mẽ trong tình yêu của Châu và sự sợ hãi không kịp, không thể đón nhận tình yêu của Phi – một tâm hồn á Đông “chỉ có sự bình yên nghỉ ngơi...”