1.2.1 Đôi nét về tiểu sử của Xuân Diệu
Nói đến Xuân Diệu (1916-1985), trước hết phải nói đến cuộc đời của ông. Xuân Diệu là bút danh, tên thật là Ngô Xuân Diệu. Cha ông là Ngô Xuân Thọ, vốn quê ở xã Trảo Nha, nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đỗ tú tài kép Hán học, vào Bình Định dạy học, lấy vợ là Nguyễn Thị Hiệp, sinh ra Xuân Diệu tại Gò Bồi, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Xuân Diệu thuở nhỏ sống ở quê mẹ, đến năm mười tuổi sống với cha.
Xuân Diệu trải qua quá trình đào tạo quy củ. Thuở nhỏ học chữ Nho và chữ Quốc ngữ với cha. Năm 1927, ông học trường Cao đẳng tiểu học Quy Nhơn, được cấp học bổng và nội trú tại trường. Năm 1934, Xuân Diệu đỗ Thành chung tại trường Quy Nhơn sau đó học ở trường Bưởi (Hà Nội) (1936- 1937) và trường trung học Khải Định (Huế) vào năm 1938-1939.
Năm 1940, Xuân Diệu đỗ tham tá nha Thương chính, được bổ vào Sở Đoan Mỹ Tho và vào làm ở ti Thương chính Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Sau 4 năm làm công chức, ông thôi việc, ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn. Xuân Diệu là người thứ hai sau Tản Đà, một con người dám sống hết mình với nghiệp văn chương cao đẹp.
Bên cạnh sáng tác thơ, ông còn tham gia viết báo cho các tờ Ngày Nay
và Tiền Phong. Ông là một trong những người sáng lập Đoàn báo chí Việt
Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, “ông hoàng của thơ tình”.
Xuân Diệu là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn (1938-1940) và cũng đã là một trong những chủ soái của phong trào Thơ Mới. Tác phẩm tiêu biểu
của ông ở giai đoạn này: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), tập truyện ngắn Phấn thông vàng (1939).
Hai tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió được giới văn học xem như là hai kiệt tác của ông ca ngợi tình yêu và qua các chủ đề của tình yêu là ca ngợi sự sống, niềm vui và đam mê sống. Và ca ngợi tình yêu thì làm sao mà không ca ngợi tuổi trẻ, mùa xuân, ca ngợi thiên nhiên là tổ ấm và cái nôi của tình yêu. Và Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc đến đau đớn nỗi thời gian trôi chảy, sự mong manh của đời người cũng như lòng khát khao vĩnh cửu, tất cả đã được diễn tả bằng những câu thơ xúc động, có khi đậm đà triết lý nhân sinh.
Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh. Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Xuân Diệu hăng hái hoạt động văn nghệ phục vụ hai cuộc kháng chiến. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc, làm thư ký tạp chí Tiền phong của Hội. Sau đó ông công tác trong Hội văn nghệ Việt Nam, làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ ở Việt Bắc.
Năm 1948, Xuân Diệu được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam. Sau đó, ông là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III (1957-1985). Xuân Diệu đã tham gia Ban chấp hành và nhiều năm là ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam. Từ đó, Xuân Diệu trở thành một trong những nhà thơ hàng đầu ca ngợi cách mạng, một “dòng thơ công dân”. Bút pháp của ông chuyển biến phong phú về giọng vẻ: có giọng trầm hùng, tráng ca, có giọng chính luận, giọng thơ tự sự trữ tình. Tiêu biểu là: Ngọn Quốc Kỳ (1945), Một Khối Hồng (1964), Thanh Ca (1982), Tuyển Tập Xuân Diệu (1983)…
Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Ông còn được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức năm 1983. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996). Tên của ông được đặt cho một đường phố ở Hà Nội