Khái quát về thông tin kinh tế chính trị xã hội, văn hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Công tác xã hội trong việc hỗ trợ kiến thức cho phụ nữ về Luật phòng chống bạo lực gia đình (Nghiên cứu trường hợp tại thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) (Trang 44 - 48)

CHƢƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

1.4. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu

1.4.1. Khái quát về thông tin kinh tế chính trị xã hội, văn hóa

Thị trấn Kỳ Sơn rộng 210,76 km, phía Tây giáp Thành phố Hòa Bình, phía Đông giáp huyện Kim Bôi và huyện Lương Sơn, đều thuộc tỉnh Hòa Bình. Phía Bắc giáp huyện Ba Vì và huyện Thạch Thất của thành phố Hà Nội. Thị trấn Kỳ Sơn là một huyện miền núi, nằm bên bờ hữu ngạn sông Đà, một con sông lớn của hệ thống sông Hồng, ở về phía hạ du của thủy điện Hòa Bình. Nửa phía bắc huyện là phần Nam của dãy núi Ba Vì, trên đó có một phần của vườn quốc gia Ba Vì. Điểm cực tây bắc của huyện, nằm trên bờ sông Đà, thuộc xã Hợp Thịnh, là ngã ba ranh giới của huyện (và của cả tỉnh) với thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ. Sông Đà ở đây, chảy ngược từ Nam lên Bắc tạo thành ranh giới tự nhiên phía Tây của huyện với tỉnh Phú Thọ và một phần với thành phố Hòa Bình. Địa hình chủ yếu đồi núi thấp, ít núi cao nhưng độ dốc lớn, theo hướng thấp dần từ đông nam đến tây bắc, độ cao trung bình so với mực nước biển từ 200 – 300 m. Huyện Kỳ Sơn có nguồn tài nguyên nước dồi dào với 20 km sông Đà chảy qua thị trấn Kỳ Sơn và các xã Dân Hạ, Hợp Thành, Hợp Thịnh, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Trên địa bàn huyện còn có nhiều con suối lớn nhỏ có khả năng cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Trước kia, do quá trình điều tiết dòng chảy, sông Đà thường gây ra lũ lụt làm hai bên bờ bị xói lở mạnh. Đập của nhà máy thủy điện Hòa Bình hoàn thành đã chủ động được trong việc điều tiết dòng chảy, hạn chế được lũ lụt và hạn hán.

Trong những năm qua, nền kinh tế huyện Kỳ Sơn và toàn tỉnh Hòa Bình đã có những thay đổi theo hướng sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, kinh doanh hộ cá thể và buôn bán nhỏ hơn là phát trển nông nghiệp. Trong năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế huyện Kỳ Sơn đạt 12,4%, trong đó: Nông - lâm nghiệp chiếm 28,5%; công nghiệp - xây dựng 36,9%, Dịch vụ 34,6%; thu nhập bình quân 25,1 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,27% theo tiêu chuẩn mới. Khu công nghiệp Mông Hóa đã được xây dựng, tạo cơ hội việc làm cho người lao động tại địa bàn huyện [4].

Nắm bắt lợi thế vị trí địa lý thuận lợi, huyện chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong sản xuất nông nghiệp bước đầu hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa. Nhiều mô hình mới được đưa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi từng bước mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường. Kinh tế đồi rừng dần hình thành vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp – xây dựng tiếp tục có bước phát triển, huyện đã hình thành một số khu, cụm, điểm công nghiệp như Mông Hóa, Yên Quang, Phú Minh, Dân Hòa. Các dự án đã triển khai đi vào hoạt động góp phần tích cực giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng thu ngân sách cho địa phương. Trong 5 năm (2010 - 2015) huyện đã đầu tư cho phát triển với tổng nguồn vốn 510 tỉ đồng, tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng cơ bản, kiên cố hoá kênh mương, kiên cố hoá trường, lớp học, Chương trình 134, 135, giảm nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng NTM. Các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh, phát triển KT-XH được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây mới đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hệ thống trường, lớp học được xây dựng theo hướng đạt chuẩn quốc gia, toàn huyện không còn phòng học tạm. 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia. Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hoạt động SX-KD cho các doanh nghiệp trên địa

bàn. Đến nay, toàn huyện có 97 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 1.252,7 tỉ đồng. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực tại địa phương.

Từ sự đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tích cực, tốc độ kinh tế tăng trưởng khá, bình quân đạt 12,6%, trong đó, lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản chiếm 28,82%, CN-XD 36,84%, dịch vụ 33,34%. Thu nông sản nông nghiệp bình quân hàng năm đạt trên 32 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 32 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,3%, hộ cận nghèo còn 4,5%. Diện mạo nông thôn có sự đổi thay rõ rệt, nhân dân tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hoá. Toàn huyện có 2 xã đạt 19 tiêu chí Nông thôn mới là Hợp Thịnh, Mông Hóa; 2 xã Hợp Thành, Dân Hạ đạt từ 15-18 tiêu chí; 4 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 1 xã đạt từ 5-9 tiêu chí [5].

Nhằm khai thác, tận dụng hiệu quả lợi thế vùng động lực, huyện xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phấn đấu phát triển nhanh và bền vững. Thực hiện 5 khâu đột phá: Phát triển đồng bộ hạ tầng KT-XH, trọng tâm là hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, chợ, trung tâm thương mại; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với sản xuất công nghiệp, dịch vụ; phát triển dịch vụ, du lịch chất lượng cao, sớm hình thành một số khu du lịch lớn; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập kinh tế; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến nông - lâm sản, khai thác khoáng sản. Xác định các vùng trọng điểm: vùng Phú Cường tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; vùng thị trấn Kỳ Sơn - Dân Hạ - Mông Hóa - Dân Hòa phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch, công nghiệp.

Văn hóa xã hội cũng có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, công tác xóa đói giảm nghèo đạt kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm từ 46% năm 2006 xuống còn 25% năm 2010 và 20% năm 2014. Tại thị trấn Kỳ Sơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15% tính đến cuối

2014. Giáo dục đào tạo tại địa phương cũng được củng cố, toàn huyện có một bệnh viện đa khoa tuyến huyện và hệ thống trạm y tế tại các xã, thị trấn.

Ngoài ra, tình hình an ninh chính trị tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế. Ở địa phương không xảy ra các vụ bạo động, tranh chấp lớn. Như vậy có thể thấy, Kỳ Sơn là một huyện có nền kinh tế phát triển vào mức khá so với 5 năm trước do những yếu tố vật chất tạo điều kiện cho sự phát triển phần lớn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của ngân sách địa phương và các chương trình của chính phủ. Gần đây với sự phát triển của khu công nghiệp trên địa bàn huyện và trên địa bàn huyện Lương Sơn cũng góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Công tác xã hội trong việc hỗ trợ kiến thức cho phụ nữ về Luật phòng chống bạo lực gia đình (Nghiên cứu trường hợp tại thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) (Trang 44 - 48)