Hợp tác khai thác chung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hợp tác giữa các quốc gia ASEAN trong vấn đề biển đông (2002 2017) (Trang 54 - 59)

5. Cấu trúc của luận văn

2.3. Hợp tác khai thác chung

Khai thác chung không phải là ý tưởng mới trong giải quyết các tranh chấp biển trên thế giới4. Về đại thể, hợp tác khai thác chung là một thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan, nhằm chia sẻ tài nguyên trên các vùng biển chồng lấn. Cơ sở của các thỏa thuận này chính là chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của quốc gia theo quy định của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, thỏa thuận về khai thác chung phải được coi là giải pháp tạm thời nhằm giảm xung đột giữa các bên tranh chấp và chỉ nhằm mục đích phát triển nguồn tài nguyên, tuyệt đối không được làm ảnh hưởng tới yêu sách về chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển. Biển Đông là vùng biển mang giá trị lợi ích chung toàn cầu, đồng thời cũng liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nhiều quốc gia trong khu vực. Do đó, đây được xem là cơ sở hình thành quan điểm hợp tác khai thác chung Biển Đông trên cơ sở thịnh vượng cho các quốc gia có liên quan ở vùng biển này [45, tr. 59 - 60]. Đã có nhiều đề nghị cho phương án hợp tác khai thác chung trên vùng biển tranh chấp, cụ thể:

4 Mô hình khai thác chung trên thế giới đã được thực hiện từ lâu, điển hình là Hiệp ước Svalbard ngày 19/12/1920, theo đó các bên tranh chấp công nhận chủ quyền của Na Uy đối với quần đảo Svalbard, trong khi duy trì quyền tiếp cận hiện hữu của các quốc gia khác đối với quần đảo này nhằm mục đích thực hiện việc khai thác, săn bắt và các hoạt động kinh tế khác. Kể từ khi Hiệp ước này ra đời, trên thế giới đã có khoảng 20 điều ước quốc tế về mô hình hợp tác khai thác chung được ký kết, ví dụ như Thỏa thuận khai thác chung giữa Papua New Guinea - Australia, Na Uy - Anh ở Biển Bắc, Thái Lan - Malaysia, Australia - Indonesia, Việt Nam - Malaysia…

2.3.1. Mô hình chia sẻ tài nguyên biển

Năm 1997, nhóm Mark J.Valencia, Van Dyke và Noel Ludwig của Đại học Hawaii, Mỹ đã đưa ra ý tưởng chia sẻ tài nguyên Biển Đông, thực chất là việc chia sẻ tài nguyên ở khu vực quần đảo Trường Sa. Theo đó, nhóm này đưa ra nguyên tắc: các tuyên bố về chủ quyền đều được công nhận và giải pháp tạm thời không ảnh hưởng đến giải pháp cuối cùng, không có các hoạt động quân sự; tài nguyên thiên nhiên được khai thác và chia sẻ theo nguyên tắc bình đẳng và công bằng. Các bên có tuyên bố chủ quyền thiết lập một thể chế quản lý tài nguyên biển chung, tổ chức nghiên cứu, khảo sát đánh giá về tiềm năng dầu khí, xác định khu vực và phương thức hợp tác để điều hành hoạt động khai thác chung và phân chia các nguồn lợi [53, tr. 92]. Trên cơ sở đó, nhóm Mark J. Valencia đưa ra các cách chia sẻ khai thác tài nguyên tại Biển Đông, cụ thể là: (i) Toàn bộ Biển Đông được chia dựa trên đường cách đều từ các đường cơ sở của các bên, bỏ qua sự hiện diện của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. (ii) Phân chia Biển Đông dựa trên đường cách đều tính từ các đường cơ sở, bỏ qua sự hiện diện của Trường Sa, trong khi cho rằng

Trung Quốc có chủ quyền toàn bộ ở Hoàng Sa. (iii) Phân chia Biển Đông dựa trên

sự công bằng tương đối, nói cách khác là sự phân chia dựa trên sức nặng của các tuyên bố chủ quyền, vị trí chiếm đóng các đảo và yêu sách về các thềm lục địa của các quốc gia. (iv) Các quốc gia tự xác định ranh giới 200 hải lý tính từ đường cơ sở (với các đường cơ sở phải được xây dựng một cách hợp lý), ở những nơi có vùng chồng lấn thì sẽ chia theo đường cách đều các ranh giới 200 hải lý đó [67].

Có thể thấy, tất cả các kịch bản phân chia nói trên đều giành nhiều lợi thế cho Trung Quốc. Theo mô hình này thì các bên tranh chấp đều phải tôn trọng và công nhận yêu sách của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông và có thể cùng khai thác chung các khu vực thềm lục địa của các nước khác. Điều này khiến cho mô hình này trở nên bất khả thi vì trên thực tế không một quốc gia tranh chấp nào chấp nhận từ bỏ chủ quyền của mình. Ngoài ra, việc phân chia này cũng rất phức tạp, trên thực tế cũng chẳng khác gì việc xác định chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Việc phân chia này phụ thuộc vào sức nặng chính trị hay tính hợp lý của các yêu sách về chủ quyền [53, tr. 93; 67].

2.3.2. Mô hình gác tranh chấp, cùng khai thác của Trung Quốc

Biển Đông từ lâu đã có tầm quan trọng hết sức to lớn đối với Trung Quốc, đặc biệt ở thời điểm hiện nay, khi Trung Quốc trở thành một siêu cường kinh tế. Không phải ngẫu nhiên mà các học giả Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng Biển Đông là trục hai đại dương, là hòn đá tảng về sức mạnh biển, là đồng tiền sinh mệnh trên biển của Trung Quốc [45, tr. 64-65]. Nhu cầu bổ sung về dầu mỏ và sự phong phú về tài nguyên ở Biển Đông khiến Trung Quốc tìm mọi cách để một mặt khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, mặt khác hối thúc các quốc gia khác hợp tác để khai thác tài nguyên ở trong phạm vi lãnh thổ của các quốc gia đó.

Ý tưởng gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác, được Đặng Tiểu Bình đưa ra lần đầu tại Nhật Bản vào tháng 10/1982. Sau đó, Quốc hội Trung Quốc khóa VII

(tháng 2/1992) đã chính thức đưa ra chủ trương 16 chữ chủ quyền thuộc ta, gác lại

tranh chấp, cùng nhau khai thác, phân chia lợi ích. Tuy nhiên, ý tưởng này không

được các quốc gia có yêu sách hưởng ứng do quan ngại hàm ý của 4 chữ chủ quyền

thuộc ta. Sau đó, Trung Quốc rút ngắn 16 chữ lại thành 8 chữ là gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác. Về mặt hình thức, đề nghị này của Trung Quốc dường như là hợp lý, vì nó phù hợp với thực tiễn của luật pháp quốc tế, đặc biệt là xu hướng toàn cầu về hợp tác trên biển. Về mặt pháp lý, với yêu sách phi lý chiếm gần 80% vùng Biển Đông khiến Trung Quốc hiểu rằng nước này khó có thể giành được lợi thế

trong đấu tranh pháp lý với các quốc gia khác. Do đó, đề nghị gác lại tranh chấp,

cùng nhau khai thác của Trung Quốc làm cho dư luận dễ bị lầm tưởng là phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Về mặt chính trị, nếu đề nghị gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác được thực hiện, Trung Quốc sẽ đạt được nhiều mục tiêu, nhất là việc biến khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp, qua đó thừa nhận yêu sách chủ quyền đường chín đoạn của nước này [45, tr. 64-65].

Trong thực tế, mặc dù đề nghị hợp tác khai thác chung, nhưng Trung Quốc vẫn duy trì yêu sách lãnh thổ phi lý của mình. Quan trọng hơn, phần lớn các khu vực mà Trung Quốc đề nghị khai thác chung đều nằm trong thềm lục địa hiển nhiên thuộc chủ quyền quốc gia khác. Thông qua ý đồ khai thác chung của mình, Trung Quốc cố tình buộc các quốc gia khác tham gia khai thác hiểu là họ đang khai thác

trên lãnh thổ tranh chấp với Trung Quốc. Đánh giá về mô hình gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác của Trung Quốc, nhóm Marl J. Valencia nhận xét một bài học khác có thể thu được từ phương pháp của Bắc Kinh trong các tranh chấp lãnh thổ khác đó là họ có thể sẵn sàng đàm phán và thậm chí tham gia vào một thỏa thuận khai thác chung khi họ không nắm được quyền kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ đang tranh chấp, ví dụ quần đảo Trường Sa hay Điếu Ngư, ở Biển Hoa Đông. Mặt khác, nếu họ nắm quyền kiểm soát chắc chắn hoàn toàn khu vực, ví dụ quần đảo Hoàng Sa, họ sẽ không muốn đàm phán, chứ đừng nói tới việc tham gia vào bất kỳ một chương trình hợp tác nào. Bên cạnh đó, chủ trương đàm phán song phương với từng nước có tranh chấp mà Trung Quốc đưa ra vốn không phù hợp với thực tiễn đan xen lợi ích và yêu sách của nhiều bên và cộng đồng quốc tế tại Biển Đông đã làm đề xuất của Trung Quốc khó có tính khả thi trong thực tiễn.

2.3.3. Mô hình hợp tác cùng phát triển của Việt Nam

Với tư cách là một nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam cũng đưa ra một sáng kiến cho việc hợp tác khai thác chung trên Biển Đông, đó là

đề xuất hợp tác cùng phát triển. Đề xuất này được nêu ra bởi cố Tổng Bí thư Đỗ

Mười trong chuyến thăm Thái Lan vào tháng 10/1993. Chủ trương này đã và đang được Việt Nam triển khai trên thực tế.

Cơ sở pháp lý cho hợp tác cùng phát triển khi chưa phân định được vùng biển chồng lấn chính là khoản 3 Điều 74 (áp dụng đối với EEZ) và khoản 3 Điều 83 (áp dụng đối với thềm lục địa) của UNCLOS. Theo đó, trong giai đoạn chưa phân định biển các quốc gia phải nỗ lực đạt được một dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn và không làm phương hại hay cản trở việc đạt được thoả thuận phân định cuối cùng. Nói cách khác, các dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn là giải pháp tối ưu mà Công ước yêu cầu các quốc gia phải nỗ lực đạt được trong khi chưa thể thoả thuận về một đường phân định phân chia vùng chồng lấn. Lưu ý rằng, đây là nghĩa vụ nỗ lực, do đó không bắt buộc phải thực sự đạt được bất kỳ dàn xếp tạm thời nào [67].

Khác với mô hình gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác của Trung Quốc,

mô hình do Việt Nam đề xuất cần được triển khai trong các khu vực tranh chấp - là những khu vực chồng lấn bởi những đòi hỏi chủ quyền của các bên liên quan, có

căn cứ pháp lý và lịch sử phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và được các bên thừa nhận là vùng có tranh chấp. Theo quan điểm này, trên Biển Đông có các vùng đang có tranh chấp cơ bản là khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài ra, còn có thể kể đến các vùng thềm lục địa ở phía Nam và Tây Nam Việt Nam giữa Việt Nam với Malaysia, giữa Việt Nam, Thái Lan và Malaysia và vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia. Mục tiêu của Việt Nam là thông qua quá trình hợp tác cùng phát triển trong khu vực Biển Đông hướng tới đảm bảo và phục vụ lợi ích của các bên liên quan, góp phần xây dựng Biển Đông thành một khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Về cơ bản, chủ trương này của Việt Nam phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, phù hợp với lợi ích của hòa bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới so với các mô hình trên.

Trong thời gian qua, việc triển khai mô hình hợp tác cùng phát triển của Việt Nam đề ra được tiến hành khá thuận lợi do đã đáp ứng được các tiêu chí về việc xác định vùng thực sự có tranh chấp và được nhiều quốc gia ủng hộ. Hiện Việt Nam

đang phối hợp với Malaysia tiến hành hoạt động hợp tác cùng phát triển. Như đã

trình bày ở trên, Việt Nam và Malaysia tồn tại một vùng biển chồng lấn trên thềm lục địa của hai nước rộng khoảng 2.800 km2. Trước yêu cầu của thực tế, hai bên đã tuần tự đàm phán, thu hẹp những bất đồng, đưa ra giải pháp công bằng mà hai bên có thể chấp nhận. Sau quá trình đàm phán, hai nước đã chính thức ký Bản ghi nhớ quy định phạm vi vùng xác định vào ngày 05/6/1992, theo đó Việt Nam giao cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (Petro Việt Nam) và Malaysia cử Tổng công ty Dầu khí quốc gia Malaysia (Petronas) thay mặt hai Chính phủ ký kết và thực hiện thoả thuận thương mại hợp tác khai thác, lập uỷ ban điều phối chung. Ngày 29/7/1997, tấn dầu đầu tiên đã được khai thác tại mỏ Bunga Kekwa, đánh dấu thành công lớn cho cả hai bên trong quản lý, hợp tác khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như đóng góp kinh nghiệm quý báu để giải quyết các tranh chấp khác. Tại những cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông gần đây, có nhiều đề nghị áp dụng mô hình hợp tác cùng phát triển của Việt Nam, tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai mô hình này không phải lúc nào cũng dễ dàng [45, tr. 72; 53, tr. 94; 67].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hợp tác giữa các quốc gia ASEAN trong vấn đề biển đông (2002 2017) (Trang 54 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)