Tiến triển trong đàm phán COC

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hợp tác giữa các quốc gia ASEAN trong vấn đề biển đông (2002 2017) (Trang 75 - 78)

5. Cấu trúc của luận văn

3.2. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tác động đến hợp tác giữa các quốc gia

3.2.5. Tiến triển trong đàm phán COC

Sau khi DOC được ký, ASEAN và Trung Quốc thiết lập cơ chế họp SOM về thực hiện DOC (SOM - DOC) từ năm 2004; đến tháng 5/2018, ASEAN và Trung Quốc tiến hành 14 cuộc họp SOM - DOC và 23 cuộc họp Nhóm công tác chung (JWG - DOC). Với việc tham gia DOC, Trung Quốc đã trù liệu tiến trình, mức độ và các bước đi cùng ASEAN ứng xử, thực hiện theo những nguyên tắc và quy định của văn kiện này, trong đó có việc xây dựng COC. Xuất phát từ lý do này, tiến trình đàm phán COC trải qua hơn 10 năm mà không đạt được tiến bộ thực chất nào. Phải cho tới sau khi PCA ra phán quyết vào ngày 12/7/2016 thì Trung Quốc mới đồng ý thúc đẩy đàm phán. Trong nửa đầu năm 2017, ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức 03 cuộc họp để thảo luận COC. Tại cuộc họp JWG - DOC lần thứ 19 ngày 27/02/2017 ở Bali, Indonesia, hai bên đã cơ bản nhất trí dự thảo Khung COC. Sau các cuộc họp JWG - DOC lần thứ 20 ở Siem Reap, Campuchia ngày 30/3/2017 và SOM - DOC ở Quý Dương, Trung Quốc vào tháng 5, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí về dự thảo Khung COC và trình Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 8/2017 và Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc tháng 11/2017 chính thức thông qua. Tiếp đó, trong năm 2018, ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất về văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo COC và nhất trí tổ chức Vòng rà soát đầu tiên dự thảo COC vào tháng 8/2019.

Tiến trình xây dựng COC hiện nay có một số thuận lợi gồm: Tất cả các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đều coi đàm phán COC có ý nghĩa quan trọng, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở khu vực và đều khẳng định muốn sớm đạt được COC có giá trị cao hơn DOC. Riêng Trung Quốc và Philippines (nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc) đều nhấn mạnh sẽ đạt được đồng thuận về COC trước thời hạn ba năm tới (trước năm 2022). Các nước bên ngoài khu vực, đặc biệt là các đối tác chính của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ ủng hộ việc xây dựng một COC toàn diện, hiệu quả và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm quản lý tranh chấp, ngăn ngừa xung đột. Các quốc gia ASEAN chia sẻ nhu cầu duy trì lập trường chung và các kết quả đạt được của ASEAN trong vấn đề Biể Đông, đồng thời vẫn nhất quán trong việc duy trì quy trình làm việc của ASEAN, đặc biệt là tham vấn nội bộ và xây dựng đồng thuận trong ASEAN [50].

Mặc dù vậy, nhìn tổng thể quá trình đàm phán COC suốt nhiều năm qua cho thấy thấy tiến trình đàm phán và triển vọng sớm hoàn thành COC trong những năm tới cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, cụ thể như lợi ích trong vấn đề Biển Đông của các nước khác nhau, gây khó khăn trong việc đạt được đồng thuận khi thảo luận về các điều khoản COC, thậm chí có thể gây bế tắc đàm phán, nhất là liên quan đến các điều khoản về bản chất pháp lý; chủ thể, đối tượng điều chỉnh; nguyên tắc và căn cứ pháp lý; phạm vi áp dụng; cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật; cơ chế tài phán và thi hành án… Dư luận quốc tế một mặt coi trọng, ủng hộ ASEAN và Trung Quốc sớm đạt COC, mặt khác tỏ nghi ngại về tính khả thi của COC. Các nước ngoài khu vực thể hiện quan tâm và muốn can dự vào tiến trình đàm phán do lo ngại quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình tại khu vực bị ảnh hưởng. Điều này cũng gây sức ép đối với tiến trình, làm phức tạp cho nội bộ ASEAN và có thể tạo cớ để Trung Quốc phản đối mạnh hơn sự tham gia của các nước bên ngoài khu vực. Đặc biệt, Trung Quốc là nhân tố chính, chủ chốt chi phối, quyết định tiến triển của tiến trình đàm phán. Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng ảnh hưởng kinh tế để phân hóa, chia rẽ nội bộ ASEAN nhằm dẫn dắt tiến trình đàm phán COC theo hướng có lợi và phục vụ ý đồ của nước này. Chừng nào yêu sách đường chín đoạn chưa được hợp thức hóa trong

việc xác lập phạm vi điều chỉnh COC thì chừng đó không thể có được COC. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải thực hiện bằng được chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông để vươn lên tranh giành vị trí siêu cường số một thế giới với Mỹ. Theo đó có thể thấy rằng cái gọi là “đã đạt được bản thảo đầu tiên của COC” do Trung Quốc chủ động đưa ra là cố ý thổi phồng, nhằm mục đích tạo một bầu không khí giả tạo về sự kiềm chế và hợp tác ở Biển Đông, mê hoặc dư luận, tuyên truyền vì động cơ chính trị [50].

Trong trao đổi ngày 12/12/2018, đồng chí Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cho biết: Những tuyên bố về tiến triển đạt được trong xây dựng COC mà Trung Quốc rêu rao chỉ là cái bẫy mà Trung Quốc đưa ra nhằm đánh bóng hình ảnh có trách nhiệm của Trung Quốc, lôi kéo sự ủng hộ của Philippines và loại bỏ sự can dự của các nước ngoài khu vực vào quá trình đàm phán COC. Trên thực tế, Trung Quốc không đưa ra một mốc thời gian cụ thể thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc đàm phán COC; đồng thời đang tìm mọi cách loại bỏ các nội hàm bất lợi cho Trung Quốc trong quá trình xây dựng COC. Điều này khiến triển vọng đàm phán xây dựng COC

thực chất, hiệu quả và có tính ràng buộc pháp lý sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Đáng

chú ý, đồng chí Vụ trưởng Vụ ASEAN cho rằng nhiều khả năng ASEAN và Trung

Quốc sẽ đạt được COC vào năm 2022 vì 03 lý do sau: Thứ nhất, Trung Quốc sẽ tổ

chức Đại hội Đảng vào cuối năm 2022, do đó sẽ chủ động phối hợp cùng ASEAN hoàn tất COC trong năm này, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Chủ tịch Tập Cận

Bình ngay trước thềm Đại hội. Thứ hai, Campuchia sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch

ASEAN 2022. Việc thông qua COC năm 2022 là cách Trung Quốc đánh bóng hình ảnh cho đồng minh trung thành nhất của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, qua đó tiếp tục lôi kéo, hướng lái Campuchia phục vụ các toan tính chiến lược của Trung

Quốc ở khu vực. Thứ ba, năm 2022 sẽ đánh dấu 20 năm ra đời DOC, là thời điểm

thích hợp để ASEAN và Trung Quốc thông qua COC, thay thế DOC.

Không thể phủ nhận, quá trình đàm phán COC là một cuộc trường trinh thực sự khó khăn với nhiều vật cản. Thời gian tới, tiến trình này có khả năng bị kéo dài và gây nản lòng, đặc biệt đối với những quốc gia ASEAN muốn có một COC mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, toàn diện và hiệu quả được thực thi nhanh nhất có thể.

Toàn bộ quá trình này sẽ tác động không nhỏ đến tiến trình hợp tác ASEAN trong các vấn đề khác liên quan Biển Đông, nhất là việc giải quyết tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông cũng như hợp tác tuần tra, diễn tập chung, đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hợp tác giữa các quốc gia ASEAN trong vấn đề biển đông (2002 2017) (Trang 75 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)