Công tác đào tạo cán bộ thực hiện chính sách an sinh xã hộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách an sinh xã hội đối với nông dân trong quá trình đô thị hóa (nghiên cứu trường hợp huyện ba vì, thành phố hà nội) (Trang 82 - 88)

2.3.1 .Quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước

2.3.3. Công tác đào tạo cán bộ thực hiện chính sách an sinh xã hộ

Ngày nay, việc giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội không thể mò mẫm, theo chủ nghĩa kinh nghiệm thuần túy hoặc theo chủ nghĩa duy ý chí. Quá trình thực hiện CTXH cần phải mang tính chuyên nghiệp, những người làm CTXH cần phải được đào tạo một cách chính quy, có bài bản. Cùng với việc mở rộng nội dung của CTXH, việc gia tăng mạnh mẽ các tổ chức CTXH và các nhân viên làm công tác xã hội, cũng như yêu cầu về tính

khoa học của các công việc này, thì nhu cầu về giáo dục, đào tạo CTXH ngày càng trở thành một sự nghiệp quan trọng.

Các lớp huấn luyện, các trường đào tạo về CTXH lần lượt xuất hiện và gia tăng nhanh chóng. Vì từ trước tới nay, hầu hết đội ngũ cán bộ làm CTXH tại các địa phương đều chưa được đào tạo một cách bài bản về trình độ chuyên môn nên vẫn còn thiếu kiến thức và chưa đầy đủ về kỹ năng để có thể thực hiện tốt CTXH trong thời kỳ kinh tế xã hội đất nước đang trên đà phát triển như hiện nay.

Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Quyết định số 32/2010/QĐ – TTg về đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010- 2020, chính thức công nhận công tác xã hội là một nghề. Tiếp đó, ngày 25/8/2010, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 08 ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức Công tác Xã hội. Cho đến nay, đã có hơn 40 trường đại học, cao đẳng trên cả nước có đào tạo ngành CTXH. Theo quyết định của Thủ tưởng Chính Phủ thì các địa phương có nhiệm vụ đào tạo, đào tạo lại, tập huấn kỹ năng và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại cấp xã, các cơ sở bảo trợ xã hội, các trung tâm chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội, các tổ chức đoàn thể và các cơ sở trợ giúp xã hội khác liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, quyết định sự phát triển của nghề công tác xã hội.

Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Sở phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề cấp tỉnh xây dựng bộ môn hoặc mở chuyên ngành đào tạo nghề công tác xã hội. Cùng với đó, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo nghề có đủ điều kiện tổ chức việc đào tạo, đào tạo lại, tập huấn kỹ năng và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nghề công tác xã hội cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của địa phương. Như vậy, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ làm CTXH đang được Đảng và Nhà nước rất quan tâm và đầu tư.

2.3.4. Chính sách tài chính trong việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội đối với nông dân

BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có nhiệm vụ thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho người lao động và nhân dân trên phạm vi cả nước. Quỹ BHXH từ chỗ chủ yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm, thì nay theo cơ chế mới, quỹ độc lập với ngân sách, tự hạch toán bằng sự đóng góp của chủ sử dụng lao động, người lao động, được Nhà nước bảo trợ…

Với nguyên tắc mức hưởng trên cơ sở mức đóng, việc quản lý, hạch toán quỹ BHXH độc lập và chia sẻ giữa những người tham gia BHXH, BHYT với mục tiêu góp phần thực hiện ASXH, bảo đảm mối tương quan hợp lý giữa các đối tượng tham gia và ở các thời kỳ khác nhau, bên cạnh đó hài hòa các chính sách kinh tế với chính sách xã hội.

Năm 2005 cả nước có gần 6,3 triệu người tham gia BHXH; 23,2 triệu người tham gia BHYT. Đến năm 2011 số người tham gia BHXH là 10 triệu người và BHYT là 57 triệu người chiếm gần 65% dân số cả nước. Doanh thu BHXH năm 2005 đạt 14.491 tỷ đồng, BHYT là 3.065 tỷ đồng. Năm 2011, doanh thu BHXH là trên 67 nghìn tỷ đồng và BHYT là gần 30 nghìn tỷ đồng.

Số tiền chi từ nguồn ngân sách giảm dần và số tiền chi từ nguồn quỹ BHXH tăng dần. Nếu năm 2005 chi từ nguồn ngân sách chiếm tới 63% tổng chi thì tới năm 2011 giảm xuống còn 43% so với tổng chi. BHTN được thực hiện từ 01/01/2009 đối với đối tượng đang tham gia BHXHBB có giao kết hợp đồng lao động. Năm 2011, đã có hàng trăm ngàn người tham gia BHXHTN và gần 8 triệu người tham gia BHTN [81].

Chính sách BHYT đã và đang góp phần quan trọng trong việc bảo đảm ASXH, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho hàng chục triệu người thoát khỏi khó khăn khi ốm đau, bệnh tật để ổn định cuộc sống. Quỹ BHYT cung cấp nguồn tài chính đáng kể cho hoạt động khám chữa bệnh, đóng góp tích cực vào thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và công bằng xã hội, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh, tăng cường

và phát triển hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, thực hiện công bằng trong chăm sóc y tế.

Tình trạng chậm đóng, nợ đọng, tham gia không đầy đủ, hoặc không tham gia BHXH, BHYT cho những đối tượng bắt buộc vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương. Theo số liệu thống kê: năm 2005 số tiền nợ BHXH là 1.064 tỷ đồng tương đương với 6.9% tổng phải thu của năm; năm 2008 là 2.286 tỷ đồng và năm 2011 con số này lên tới 3.922 tỷ đồng tương đượng với 4.2% tổng phải thu của năm. Vẫn còn những đơn vị chưa tham gia hoặc tham gia không đầy đủ làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.

Thực tế cho thấy tình trạng mất công bằng trong đóng góp và hưởng thụ chế độ BHYT, bình quân mức đóng khoảng 500.000 đồng/người/năm, trong khi đó quỹ BHYT thanh toán trong điều trị có khi lên tới hàng trăm triệu đồng/người/năm.

Việc thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế chưa được quản lý chặt chẽ dẫn tới sự lạm dụng thông qua việc chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ kỹ thuật ở một số địa phương. Tình trạng lạm dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT xảy ra ở nhiều cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện tuyến trên. Quy định về đấu thầu, thanh toán thuốc BHYT còn thiếu hợp lý. Cơ quan BHXH được giao quản lý quỹ BHYT để thanh toán thuốc chữa bệnh nhưng không phải là thành viên của Hồi đồng đấu thầu thuốc, do đó không kiểm soát được giá thuốc thanh toán và thường cao hơn giá thị trường.

Kết luận chƣơng 2

Ba Vì đang có những bước chuyển mình đi lên trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội theo hướng hiện đại hóa. Cơ cấu cây trồng vật nuôi được chuyển đổi theo hướng tích cực, gắn với quy hoạch phân vùng sản xuất, sử dụng đất và quy hoạch Chương trình xây dựng nông thôn mới. Có thể nói, tình hình thực hiện các chính sách ASXH đối với nông dân trên địa bàn huyện Ba Vì trong những năm qua đã có những thành tích đáng ghi nhận. Nông nghiệp đã có sự phát triển, nông thôn có nhiều khởi sắc và đời sống của nông

dân được nâng lên. Huyện đã xây dựng được các chương trình lớn như: Xây dựng cánh đồng trị giá 50 triệu đồng/ha/năm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, toàn huyện có 71 trang trại với quy mô lớn, huyện cũng đổi mới và duy trì phát triển 91 hợp tác xã, thu hút 50.451 xã viên; Có 14 làng nghề được công nhận và nhiều nghề phụ ở các địa phương phát triển, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp hằng năm đạt trên 2.400 tỷ đồng …Vì vậy thu nhập bình quân đầu người năm 2003 là 4,5 triệu đồng/người/năm đến năm 2013 là 24,7 triệu đồng. Công tác hỗ trợ xóa nhà dột nát, nhà xuống cấp, hỗ trợ nông dân vay vốn xây dựng mô hình phát triển sản xuất được thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26% xuống còn 8,1% [22, tr.4]. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, Huyện còn đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Người dân Ba Vì được quan tâm phát triển cả đời sống vật chất và tinh thần.

Trong quá tình thực hiện các chương trình ASXH, công tác vận động thực hiện phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, công tác tôn giáo, hệ thống chính trị từ huyện và cơ sở đã có bước chuyển biến tích cực, thường xuyên đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động. Các phong trào của Mặt trận, đoàn thể hướng mạnh về cơ sở, sát dân hơn, có nhiều nội dung thiết thực, phù hợp với lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, thu hút được nhiều người tham gia vào các phong trào như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đởi sống văn hóa ở khu dân cư, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, từ đó đã phần nào nâng cao hiệu quả của các chương trình.

Trên đây là những thành tự nổi bật đã đạt được, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những vướng mắc và khó khăn trong quá trình đưa những chính sách ASXH đến với nông dân. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế đó, trong đó bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, hạn chế từ phía Nhà nước và hạn chế từ phía người dân.

Để khắc phục những khó khăn trong quá trình thực thi chính sách, chúng ta cần có sự nghiên cứu cụ thể và rõ ràng, sự đầu tư thỏa đáng để sớm đưa ra những giải pháp tối ưu để khắc phục những hạn chế hiện tại, biến những điểm yếu thành điểm mạnh và biến những thách thức thành cơ hội. Làm được điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đã thành công, xây dựng được một hệ thống ASXH hoàn thiện và phù hợp để những nông dân có cuộc sống tốt hơn và có điều kiện phát triển toàn diện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách an sinh xã hội đối với nông dân trong quá trình đô thị hóa (nghiên cứu trường hợp huyện ba vì, thành phố hà nội) (Trang 82 - 88)