9. Kết cấu của Luận văn
2.2. Nguyên nhân hạn chế của việc thực hiện chính sách an sinh
2.2.1. Sự nhận thức xã hội về hệ thống an sinh xã hội chưa đầy đủ
Về phía Nhà nước
Chưa có sự đầu tư, khảo sát về nhu cầu ASXH của nông dân, để từ đó xây dựng và ban hành các chính sách ASXH toàn diện hơn, kịp thời và phù hợp với thực tế. Các cơ quan hoạch định chính sách trong thời gian qua mới chỉ tập trung vào khu vực làm công ăn lương, có quan hệ lao động chính thức mà chưa quan tâm thực sự đúng mức tới tình hình tham gia BHYTTN và BHXHTN của nông dân và các đối tượng lao động thuộc lĩnh vực phi chính thức khác nên sự tham gia của các đối tượng này còn rất hạn chế.
Chưa quan tâm thỏa đáng đến công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động trong nông dân và nông thôn. Nhận thức về vai trò của những người làm công tác xã hội chưa được Nhà nước đánh giá đúng mức nên chưa có sự quan tâm đào tạo và chế độ đãi ngộ thỏa đáng với nhóm cán bộ này. Do đó mà đội ngũ những người làm công tác xã hội còn thiếu sự chuyên nghiệp và sự tận tâm trong công việc khiến cho hiệu quả của các chính sách ASXH còn kém hiệu quả.
Việc nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm của thế giới là cần thiết, song bên cạnh đó việc ứng dụng, vận dụng cần phải phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của đất nước ta trong từng giai đoạn. Cụ thể là chúng ta đang trong quá trình đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, mặt khác cũng phải tính đến các yếu tố truyền thống, những nét văn hóa đặc thù của dân tộc và điều quan trọng hơn là phù hợp với mức sống còn đang rất thấp của nông dân Việt Nam.
Việc xây dựng và hoàn thiện chính sách ASXH là một quá trình lâu dài và khó khăn. Nó đòi hỏi phải có sự nỗ lực, sự tương trợ của nhiều cấp, nhiều ngành và cần có sự kiểm nghiệm thực tế.
Để hoàn thiện bất kỳ một chính sách nào, ngoài việc cần đánh giá quá trình thực hiện cần phải nghiên cứu kỹ những thay đổi trong điều kiện kinh tế các hội và điều kiện áp dụng ở mỗi giai đoạn phát triển mới. Cần dự báo xu hướng và mức độ tác động của các nhân tố chủ quan cũng như khách quan có ảnh hướng tới việc thực thi chính sách.
Về phía nông dân
Nhìn chung, nông dân chưa hiểu hết những kiến thức phổ thông về BHXHTN, vẫn còn tâm lý theo kiểu truyền thống con cái có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ hoặc tự mình tiết kiệm và lo cho cuộc sống khi về già. Hầu như chỉ những người đã tham gia BHXHBB được vài năm nhưng chưa đủ 20 năm thì mới tham gia tiếp để khi về già được hưởng chế độ lương hưu.
Còn đối với hình thức BHYTTN, nông dân chưa quen với việc trả tiền trước, chưa thực sự tin tưởng vào chế độ khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT và một phần cũng do thu nhập còn thấp nên còn tính toán thiệt hơn. Hầu như tại các địa phương đều xảy ra một tình trạng phổ biến đó là những người hay có nhu cầu khám chữa bệnh thì mới tham gia BHYTTN còn những người trẻ, khỏe thì tham gia rất ít. Hoặc những người tới khi ốm đau, bệnh tật thì mới tham gia BHYTTN, do đó mà quỹ BHYT của chúng ta có sự mất cân đối. Khi những người thường xuyên có nhu cầu khám chữa bệnh chỉ cần đóng vài trăm nghìn đồng tiền BHYTTN trên một năm và được bảo hiểm chi trả tới vài triệu thậm chí là vài chục triệu hay vài trăm triệu đồng tiền khám chữa bệnh một năm.
Bên cạnh đó, nhận thức của nông dân về chương trình xóa đói giảm nghèo, TGXH, cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản của Nhà nước chưa thực sự đầy đủ và chưa đồng đều, đặc biệt là giữa những người nghèo và người không nghèo, người kinh và người dân tộc thiểu số tại khu vực nông thôn.
2.2.2. Điều kiện kinh tế, tài chính để tham gia các chương trình an sinh xã hội đối với nông dân còn hạn hẹp
Trong thời gian gần đây, việc thu ngân sách nhà nước tăng tạo điều kiện cho Chính phủ tăng chi tiêu, đặc biệt là cho các chương trình ASXH đối với nông dân. Tuy nhiên, nếu xét thực tế về tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho các chương trình ASXH ở khu vực nông thôn thì nó còn rất hạn chế khoảng dưới 5% tổng chi hàng năm.
So với các nước phát triển, thường thì dân số thuộc lĩnh vực nông nghiệp là rất ít (dưới 10%) nhưng họ rất quan tâm tới việc chi ngân sách cho nhóm dân cư này. Còn ở Việt Nam, một quốc gia có tới gần 60% dân số làm nông nghiệp mà mức chi ngân sách cho nhóm đối tượng này chỉ chiếm chưa quá 5% ngân sách cho việc thực hiện các chính sách ASXH. Một phần cũng là do sự eo hẹp về tài chính của đất nước nên nông dân còn gặp nhiều khó khăn để tiếp cận với hệ thống ASXH quốc gia.
Nền tài chính để thực hiện ASXH thiếu bền vững, thể hiện ở nguy cơ mất an toàn trong cân đối thu chi quỹ BHXH, BHYT và thiếu nguồn lực trong TGXH.
Về phía nông dân
Do nền kinh tế của đất nước đang trong giai đoạn phát triển, nên Nhà nước không thể hỗ trợ hoàn toàn chi phí cho nông dân. Ngoài sự hỗ trợ một phần của Nhà nước thì nông dân cũng phải đóng góp một phần chi phí tham gia thông qua hình thức BHXHTN ( đối với những nông dân từ 15 tuổi trở lên) và BHYTTN đối với công dân Việt Nam.
Như vậy, để có thể tham gia vào hệ thống ASXH thì nông dân không những phải có khả năng trang trải cuộc sống hàng ngày mà phải có sự dư dật trong tài chính để tích lũy, tham gia đóng góp BHXHTN và BHYTTN. Đó là một điều còn khó thực hiện đối với nông dân Việt Nam hiện nay, khi mà thực thu nền nông nghiệp còn thấp.
Một thực tế chung là thu nhập của nông dân Việt Nam còn thấp. Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thực trạng đó là:
o Một là thiên tai, dịch bệnh còn nhiều, gây ra những tổn thất lớn về người và tài sản, bên cạnh đó việc làm của nông dân bấp bênh, thời gian nhàn rỗi còn nhiều do đó mà nguồn thu nhập của nông dân là không ổn định.
o Hai là giá cả các mặt hàng như giống cây trồng, vật nuôi, các loại phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, xăng dầu, điện nước, chi phí sinh hoạt cho cuộc sống hàng ngày liên tục tăng giá thì ngược lại với giá sản phẩm đầu ra của nông dân đó là được mùa thì mất giá mà mất mùa thì giá không tăng.
Như vậy, với nguồn thu nhập như trên thì nông dân chỉ đủ chi phí cho cuộc sống eo hẹp hàng ngày mà khó có thể có tiền dư mà tiết kiệm và tham gia vào BHXHTN và BHYTTN. Hơn thế nữa, mức phí đóng BHXHTN còn khá cao từ 15% tăng dần tới 22%, do đó mà số lượng nông dân có khả năng tham gia là rất ít.