Thuật ngữ “toàn cầu hóa” lần đầu tiên xuất hiện trong từ điển của Anh vào năm 1961 và được sử dụng phổ biến từ khoảng giữa thập niên 80, thế kỷ XX trở lại đây. Toàn cầu hóa là một xu hướng phát triển tất yếu không thể đảo ngược của thời đại. Đó là kết quả của sự phát triển cao độ lực lượng sản xuất, của phân công lao động quốc tế, gắn liền với sự phát triển của thị trường thế giới và các công ty xuyên quốc gia. Trong quá trình ấy, các hoạt động kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, khoa học, … đã không còn bị bó hẹp ở ranh giới của mỗi nước, mà vượt ra khỏi phạm vi mỗi quốc gia hay khu vực, trở thành hoạt động chung của tất cả các dân tộc trên thế giới.
Toàn cầu hóa không phải là hiện tượng ngẫu nhiên, phi quy luật mà là sự vận động mang tính khách quan, hợp lôgic phát triển của thời đại. Nó giống như một “dòng chảy” vô cùng mạnh mẽ lan tràn qua khắp các châu lục và
không một quốc gia nào có thể “né tránh”, nếu không muốn đất nước mình bị
tụt hậu, chậm phát triển. Để phát triển trong bối cảnh như vậy, hội nhập quốc tế trở thành một đòi hỏi cần thiết và quan trọng đối với các nước. Đây là con đường đi phù hợp và là phản ứng tất yếu trước sự vận động mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa; nó thể hiện sự chủ động của các quốc gia; nó cho phép các nước tận dụng được những cơ hội và điều kiện thuận lợi mà quá trình toàn cầu hóa tạo ra để phát triển.
Đến nay đã có nhiều ý kiến khác nhau của các học giả trong và ngoài
nước về “hội nhập quốc tế”. Hiểu một cách đơn giản thì hội nhập là hòa mình
vào trong một cộng đồng lớn, tuân theo những quy ước, quy định của cộng đồng đó. Với ý nghĩa như vậy PGS,TS. Đặng Đình Quý cho rằng, hội nhập quốc tế là quá trình một quốc gia tham gia các hoạt động chung của cộng đồng quốc tế theo các nguyên tắc, chuẩn mực mà cộng đồng quốc tế thừa nhận. Hội nhập quốc tế là yêu cầu có tính khách quan, theo đó, các quốc gia tham gia các hoạt động của đời sống quốc tế trên hầu hết các lĩnh vực và ở các mức độ khác nhau do tác động của quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Nhưng việc lựa chọn lĩnh vực, mức độ và lộ trình hội nhập lại là quyết định chủ quan của từng quốc gia phù hợp với lợi ích và hoàn cảnh cụ thể của mình [xem: 102].
Cũng có cách nhìn tương đồng TS. Phạm Quốc Trụ xem xét “hội nhập quốc tế” là quá trình các nước tiến hành mọi hoạt động tăng cường sự gắn kết với nhau dựa trên sự chia sẻ về lợi ích, mục tiêu, giá trị, nguồn lực, quyền lực (thẩm quyền định đoạt chính sách) và tuân thủ các luật chơi chung trong khuôn khổ các định chế hoặc tổ chức quốc tế. Khác với hợp tác quốc tế (hành vi các chủ thể quốc tế đáp ứng lợi ích hay nguyện vọng của nhau, không chống đối nhau), hội nhập quốc tế vượt lên trên sự hợp tác quốc tế thông thường: Nó đòi hỏi sự chia sẻ và tính kỷ luật cao của các chủ thể tham gia [xem: 83].
Như vậy, hội nhập quốc tế là quá trình chủ động nắm bắt cơ hội, vượt
qua thách thức tham gia vào đời sống quốc tế nhằm khai thác hiệu quả những lợi thế quốc tế cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc; là việc thực hiện các nghĩa vụ quốc gia đối với các cam kết quốc tế, luật pháp quốc tế mà quốc gia, dân tộc đã ký kết hoặc tham gia. Theo đó, các quốc gia tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế được hưởng lợi từ quốc tế, được bảo vệ từ các chế định luật pháp quốc tế và phải thực hiện các nghĩa vụ đối với quốc tế. Đặc biệt,
trong hội nhập quốc tế thì hội nhập kinh tế quốc tế vừa là trung tâm, vừa là cơ sở và động lực, thúc đẩy, các lĩnh vực hội nhập khác của đời sống xã hội.
Hội nhập kinh tế quốc tế theo quan niệm đơn giản nhất và tương đối phổ biến trên thế giới hiện nay là việc các nền kinh tế gắn kết lại với nhau. Với cách hiểu như vậy thì hội nhập kinh tế giữa các quốc gia đã diễn ra từ rất sớm và hội nhập kinh tế với quy mô quốc tế đã diễn ra ngay từ khi đế quốc La Mã xâm chiếm và làm chủ những vùng đất đai rộng lớn. Từ đó, họ mở mang mạng lưới giao thông, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và áp đặt sử dụng đồng tiền của họ trong toàn bộ lãnh địa chiếm đóng.
Từ thập niên 1960, nhà kinh tế học người Hunggari, Béla Balassa (1928 - 1991) đã đề xuất khái niệm về hội nhập kinh tế quốc tế. Theo Ông, hội nhập
kinh tế quốc tế là việc gắn kết mang tính thể chế giữa các nền kinh tế với nhau.
Có thể nói, hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình chủ động thực hiện đồng thời
hai việc: Một là, gắn nền kinh tế và thị trường từng nước với thị trường khu
vực và thế giới thông qua các nỗ lực thực hiện mở cửa và thúc đẩy tự do hóa
nền kinh tế quốc dân. Hai là, gia nhập và góp phần xây dựng các thể chế kinh
tế khu vực và toàn cầu.
Các lý thuyết kinh tế hiện nay thường chia hội nhập kinh tế quốc tế thành sáu cấp độ cơ bản: (1) khu vực/hiệp định thương mại ưu đãi, (2) khu vực/hiệp định thương mại tự do, (3) liên minh thuế quan, (4) thị trường chung, (5) liên minh kinh tế tiền tệ, (6) hội nhập toàn diện. Tuy nhiên, trong thực tế, các cấp độ hội nhập có thể nhiều hơn và đa dạng hơn. Hội nhập kinh tế quốc tế có thể là song phương - tức là giữa hai nền kinh tế, hoặc khu vực - tức là giữa một nhóm nền kinh tế, hoặc đa phương - tức là có quy mô toàn cầu.
Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình chủ động nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức gắn kết nền kinh tế quốc gia với nền kinh tế khu vực và thế giới,
từng bước tự do hóa các hoạt động kinh tế và tham gia vào phân công lao động quốc tế của mỗi quốc gia, dân tộc.
Dù biểu hiện như thế nào, mức độ ra sao ở mỗi quốc gia, dân tộc thì chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng, hội nhập kinh tế quốc tế là một xu hướng phát triển hợp quy luật của thời đại; nó làm cho trái đất dường như nhỏ hẹp lại, người gần với người hơn. Trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, các quốc gia không chỉ đón nhận những cơ hội mà còn phải đối mặt với những thách thức to lớn. Bởi lẽ, mặc dù trái đất đã trở thành một “mái nhà chung” nhưng thế giới chưa phải là một cộng đồng thuần nhất, cho nên khả năng tận dụng các cơ hội của toàn cầu hóa đối với từng nước là khác nhau. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, cơ hội mà toàn cầu hóa mang lại chỉ đến và tồn tại trong một thời gian ngắn, nếu không biết tận dụng nó sẽ nhanh chóng vụt qua. Chính vì lẽ đó, tất cả các nước từ những cường quốc kinh tế hùng mạnh như Canada, Mỹ, Trung Quốc … đến các nước nghèo đều đang phải thực hiện một cuộc cạnh tranh, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để thừa hưởng những cơ hội và đương đầu với những thách thức mà toàn cầu hóa tạo ra.
Hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam thực chất là quá trình xây dựng một nền kinh tế mở gắn kết với thị trường khu vực và thế giới, nhằm phát huy nội lực, tranh thủ tối đa ngoại lực, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, các bên cùng có lợi, nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược chung của đất nước.
Với ý nghĩa đó, có thể thấy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt
Nam gắn liền với sự nghiệp đổi mới đất nước. Bởi vậy, khi nói đến cụm từ “hội
nhập kinh tế quốc tế hiện nay” chính là muốn nói tới giai đoạn Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới từ năm 1986 cho đến nay và quá trình đó vẫn tiếp diễn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự điều hành của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đây là quá trình từng bước tiến hành tự do hoá các hoạt động kinh tế, mở cửa thị trường và tham gia vào các tổ chức thể chế kinh tế khu vực và thế giới. Điều này có nghĩa là chúng ta từng bước tháo gỡ những trói buộc và cản trở đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ chế kinh tế mới dựa trên những nguyên tắc của thị trường có định hướng XHCN, mở cửa và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn, giảm và đi đến xoá bỏ các hàng rào thuế quan, phi quan thuế và các rào cản khác để việc trao đổi hàng hoá, dịch vụ, vốn, công nghệ, nhân công… giữa Việt Nam và các nước được dễ dàng, phù hợp với những quy định của các tổ chức thể chế kinh tế khu vực và thế giới mà Việt Nam tham gia.
Sau gần 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế và đổi mới đất nước, Việt Nam đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu to lớn, đáng khích lệ; song cũng đang phải đối mặt với không ít những trở ngại, khó khăn và thách thức to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, chủ quyền, an ninh quốc gia. Thực tế đó đòi hỏi tiếp tục có sự lãnh đạo kiên định, sáng suốt của Đảng Cộng sản, sự tài tình, sáng tạo và năng lực điều hành của Nhà nước cùng với một khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có như vậy, Việt Nam mới vững vàng tiến nhanh, tiến vững chắc, tận dụng tốt mọi cơ hội, đẩy lùi và vượt qua thách thức, không ngừng khẳng định vị thế của nước ta trên trường quốc tế.