Quán triệt đường lối “chủ động và tích cực” hội nhập quốc tế

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Vai trò của nhà nước trong việc giải quyết cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay (Trang 129 - 131)

Đường lối “chủ động và tích cực” hội nhập quốc tế của Đảng ta là kết quả sự phân tích khách quan, khoa học về hội nhập kinh tế quốc tế, những cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn gần 30 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là đường lối nhất quán của Đảng ta, chi phối toàn bộ quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng.

Chủ động, tích cực trong hội nhập kinh tế quốc tế giúp Nhà nước ta phát huy vai trò dự báo và phát hịện các vấn đề, các khó khăn đang hiện hữu hoặc có thể xảy ra trong tương lai, nắm bắt nhanh chóng những cơ hội và thách thức. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch giải quyết vấn đề, lựa chọn được những bước đi

phù hợp (bao gồm cả việc xác định các rào cản, nguyên nhân, ... và giải pháp thực thi).

Chủ động, tích cực trong hội nhập kinh tế quốc tế giúp Nhà nước ta định hướng rõ ràng trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải quyết hiệu quả những vấn đề, đặc biệt là những vấn đề phát sinh trong hội nhập quốc tế, chỉ đạo và kịp thời điều chỉnh chính sách để có thể đem lại nhiều lợi ích cho các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cho quốc gia dân tộc. Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp có điều kiện tận dụng các cơ hội ngày một nhiều hơn, giảm thiểu các nguy cơ và rủi ro thất bại.

Chủ động, tích cực trong hội nhập kinh tế quốc tế thể hiện trước hết và chủ yếu ở chỗ Nhà nước Việt Nam tự quyết định hành động và đề ra đường lối, chủ trương, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế dựa trên những quy luật khách quan và năng lực thực tiễn, không bị lệ thuộc hay bị chi phối bởi quan điểm và hành động của các tổ chức kinh tế hay các quốc gia khác hoặc điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài.

Để chủ động, tích cực trong hội nhập quốc tế, Nhà nước cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung:

Một là, trong tiến trình hội nhập quốc tế, Nhà nước cần nhận thức và vận dụng đúng đắn những quy luật xã hội nói chung, quy luật kinh tế nói riêng. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách cho phù hợp với các quy luật khách quan của thực tiễn hội nhập quốc tế.

Hai là, nền kinh tế độc lập, tự chủ là điều kiện vật chất căn bản quyết định tính chủ động, tích cực trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, là nền tảng vật chất để củng cố nền chính trị độc lập, tự chủ của Việt Nam. Do vậy, Nhà nước cần coi trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, kết hợp chặt chẽ hội nhập kinh tế quốc tế với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Ba là, gắn kết chiến lược hội nhập quốc tế về kinh tế với hội nhập quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh; gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc

phòng, an ninh, thực hiện tốt phương châm “thêm bạn, bớt thù”, tận dụng tốt những cơ hội dù là nhỏ nhất và vượt qua những thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua ... Trong đó, lấy cái “bất biến” là độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc, để ứng phó với cái “vạn biến” của hội nhập quốc tế. Chỉ khi chúng ta đảm bảo được chủ quyền quốc gia dân tộc, giữ vững quốc phòng, an ninh thì mới có điều kiện phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam.

Bốn là, đối với đội ngũ cán bộ, công chức, Nhà nước cần coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ khoa học, nhận thức đầy đủ về những cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức nghề nghiệp, xây dựng lòng tin, lòng say mê đối với công việc, sẵn sàng nắm bắt những cơ hội và vượt qua mọi thách thức.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Vai trò của nhà nước trong việc giải quyết cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay (Trang 129 - 131)