Nhà nước xây dựng chiến lược và lộ trình hội nhập trên cơ sở nhận thức và dự báo chính xác cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Vai trò của nhà nước trong việc giải quyết cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay (Trang 78 - 84)

nhận thức và dự báo chính xác cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế

Từ kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế của các quốc gia trên thế giới cho thấy, để hội nhập thành công, tranh thủ được cơ hội, hạn chế thách thức, thì vấn đề xây dựng chiến lược, xác định lộ trình hội nhập trên cơ sở dự báo chính xác cơ hội và thách thức có ý nghĩa rất quan trọng. Nhận thức rõ điều đó, ở nước ta, công tác dự báo luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm từ những ngày thành lập nước và được chú trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Gần đây, ngày 10/5/2011, nhằm tăng cường và nâng cao chất lượng công tác dự báo ở tầm vĩ mô trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại để phục vụ cho việc hoạch định và thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng chiến lược và tham mưu cho công tác chỉ đạo, điều hành ở cấp quốc gia và cấp Bộ, ngành; đồng thời cung cấp thông tin định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 674/QĐ-TTg phê duyệt Để án “Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác dự báo vĩ mô”.

Đề án này thể hiện sự nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của công tác dự báo, để công tác này theo kịp sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và phục vụ tốt quá trình hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Cho đến nay, công tác dự báo ngày càng có vai

trò quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Nhờ vậy, trong những năm qua, công tác dự báo đã và đang góp phần to lớn đối với việc xác định quan điểm, xây dựng chiến lược, lộ trình cụ thể, phù hợp với xu thế chung của hội nhập kinh tế quốc tế cũng như trong công tác điều hành, ổn định vĩ mô của Chính phủ và các ban, bộ ngành, trung ương, địa phương.

Trên cơ sở dự báo đặc điểm, tình hình, các cơ hội, thách thức mà toàn cầu hóa mang lại và cụ thể hóa đường lối của Đại hội Đảng lần thứ VI, Nhà

nước ta đã xác định, đổi mới là một tất yếu khách quan; đổi mới gắn với mở

cửa thị trường, tháo gỡ những trói buộc và cản trở đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ chế kinh tế mới dựa trên những nguyên tắc của thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh, buôn bán; giảm dần và đi đến xoá bỏ các hàng rào thuế quan cũng như các rào cản khác để việc trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước được thuận lợi hơn, phù hợp với những quy định của các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới. Trọng tâm là thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn: Lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Trong bối cảnh đường lối đổi mới ngày càng phát huy hiệu quả, Nhà nước Việt Nam ta đã bổ sung, sửa đổi và ban hành Hiến pháp 1992. Trong đó xác định, mục đích chính sách kinh tế của Nhà nước là làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân trên cơ sở giải phóng sức sản xuất, phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế, thúc đẩy xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, mở rộng hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật và giao lưu với thị trường thế giới (Điều 16).

Bước sang thế kỷ XXI, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, Nhà nước ta đã đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là mở rộng

quan hệ kinh tế đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình phù hợp với điều kiện của nước ta và bảo đảm thực hiện những cam kết trong quan hệ song phương và đa phương như AFTA, APEC, Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, tiến tới gia nhập WTO. Với mục tiêu đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng tốt những cơ hội và vượt qua được khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập, Nghị quyết số 07-NG/TW, ngày 27/11/2001 “Về hội nhập kinh tế quốc tế” của Bộ Chính trị nêu rõ:

- Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực nhằm phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc; an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường.

- Hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân.Trong quá trình hội nhập, cần phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế và toàn xã hội, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

- Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh và cạnh tranh, vừa có nhiều cơ hội, vừa không ít thách thức, do đó cần tỉnh táo, khôn khéo và linh hoạt trong việc xử lý tính hai mặt của hội nhập tuỳ theo đối tượng, vấn đề, trường hợp, thời điểm cụ thể; vừa chủ động đề phòng tư tưởng trì trệ, thụ động, vừa chống tư tưởng giản đơn, nôn nóng.

- Nhận thức đầy đủ đặc điểm nền kinh tế nước ta, từ đó đề ra kế hoạch và lộ trình hợp lý, vừa phù hợp với trình độ phát triển của đất nước, vừa đáp ứng các quy định của các tổ chức kinh tế quốc tế mà nước ta tham gia; tranh thủ những ưu đãi dành cho nước ta để chuyển đổi từ kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Kết hợp chặt chẽ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững an ninh, quốc phòng, thông qua hội nhập để góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia, giữ vững chủ quyền và an ninh đất nước, cảnh

giác với những mưu toan thông qua hội nhập để thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” ở Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Số 37/2002/QĐ-TTg về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày27 tháng 11 năm 2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương chủ động, tích cực triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực trong giai đoạn 2001 - 2010 và đã đạt những kết quả quan trọng. Cũng nhờ đó mà những năm gần đây, một trong những thành tựu quan trọng mà chúng ta thu được chính là năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng hơn so với các năm về trước (xem: Phụ lục 1).

Trước sự vận động mạnh mẽ của thời đại và của xu thế toàn cầu hóa, năm 2011, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có bước phát triển tư duy chuyển từ “hội nhập kinh tế quốc tế” sang “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, nhằm khai thác tối đa các nguồn lực bên ngoài để phục vụ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh và bền vững. Triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng,

ngày09/01/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 01/CT-TTg “Về một số

biện pháp triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”.Chỉ thị

nêu rõ, tất các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo quán triệt sâu rộng, thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về cơ hội, thách thức đặt ra đối với tiến trình hội nhập trong giai đoạn mới của đất nước; tổng kết, đánh giá 10 năm (2001 - 2011) hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng hợp tác quốc tế; rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, cơ chế, thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược phát triển trong nước phù hợp với lộ trình và cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam; thực hiện phần lớn các thỏa thuận đã

ký kết; kiến nghị đàm phán và gia nhập các điều ước quốc tế; hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, điều phối, phối hợp, thực thi, giám sát thực hiện các hoạt động hội nhập quốc tế; xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam, ...

Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng thu được những

thắng lợi quan trọng, đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ

Chính trị về hội nhập quốc tế; nhờ đó, đã chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để đất nước rơi vào thế bị động, đối đầu. Ngày 23/4/2014, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 596 QĐ/Ttg về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế. Ban Chỉ đạo đã giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra các định hướng, chiến lược, giải pháp lớn; đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần tập trung chỉ đạo trong từng giai đoạn; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, triển khai các chủ trương, chính sách lớn về hội nhập quốc tế; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phối hợp, đôn đốc các bộ, ban ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách về hội nhập quốc tế...

Có thể khẳng định, qua thực tiễn gần 30 năm đổi mới đất nước và 7 năm gia nhập WTO, Nhà nước ta đã cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng khá đồng bộ hệ thống luật pháp, … thể hiện rõ vai trò định hướng, xây dựng chiến lược cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong định hướng, xây dựng chiến lược, xác định lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, xác định cơ hội và thách thức, vai trò Nhà nước còn biểu hiện một số hạn chế:

Một là, chưa xây dựng được chiến lược hội nhập mang tính tổng thể, dài hạn để giúp các ngành, các cấp, các doanh nghiệp có được định hướng đúng đắn trong việc tiến hành chương trình hành động qua từng giai đoạn, bước đi

cụ thể. Bàn về vấn đề này, Thạc sỹ Đỗ Hoài Nam, giảng viên cao cấp của Trung tâm Đào tạo Quản trị Kinh doanh Inpro cho rằng, lý do của việc doanh nghiệp Việt Nam liên tiếp “thua trên sân nhà” là bởi chúng ta chưa có tư duy chiến lược không bị giới hạn như các doanh nghiệp nước ngoài; bên cạnh đó, “thói quen” của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu dựa quá nhiều vào các chiến thuật tức thời, chưa đưa ra được chiến lược về lâu dài.

Hai là, chưa thực sự chủ động nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, thậm chí lúng túng trước những biến động nhanh của thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế.

Ba là, kế hoạch, chương trình, đề án hội nhập kinh tế quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước còn chậm trễ, thiếu toàn diện, bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển. Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, sau nhiều năm hội nhập, Việt Nam chỉ mới tiến hành 3 vụ phòng vệ thương mại nhưng lại bị kiện phá giá, chống trợ cấp hàng chục vụ và thường bị chịu sự lép vế, thua thiệt. Điều đó cho thấy chúng ta chưa chuẩn bị kỹ cho các lộ trình hội nhập.

Bốn là, những chính sách về hội nhập của nước ta chưa chú trọng khai thác đến chiều sâu; lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế chưa hợp lý, đòi hỏi cần có sự đổi mới, sáng tạo, mạnh mẽ hơn nữa, nỗ lực hơn nữa trong việc phát huy vai trò của Đảng, Nhà nước và của sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam trong tình hình mới.

Những hạn chế trên đây làm cho vai trò Nhà nước trong việc giải quyết cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế chưa được phát huy đầy đủ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên nhưng nguyên nhân chủ yếu là do: Công tác dự báo của Nhà nước ta tuy đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng cũng còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết vai trò quan trọng của mình trong việc phục vụ quá trình hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô của các cơ quan Nhà nước. Cụ thể như sau:

- Nội dung vấn đề được dự báo chưa có hệ thống và chưa bao quát đủ rộng để theo kịp diễn biến mau lẹ, phức tạp của thực tiễn khách quan, chưa sát với yêu cầu của công tác hoạch định chính sách vĩ mô của Nhà nước.

- Chất lượng dự báo chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác tham mưu trong quá trình xây dựng chiến lược và lộ trình hội nhập. Các phân tích, dự báo chưa kịp thời, thiếu độ sâu để có thể đề xuất được giải pháp thiết thực nhằm nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế. Độ xác thực của kết quả dự báo và cảnh báo các rủi ro bất thường còn nhiều hạn chế, bất cập.

- Công tác triển khai sử dụng các kết quả dự báo chưa đạt hiệu quả cao; chưa có cơ chế đánh giá độ tin cậy của các dự báo một cách thường xuyên. Đặc biệt là chưa có sự gắn kết giữa các cơ quan đơn vị tham gia công tác chỉ đạo, điều hành, khiến cho xuất hiện tình trạng kết quả dự báo chuyển đến các cơ quan xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách một cách chậm trễ, thiếu kịp thời, gây hậu quả nghiêm trọng.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Vai trò của nhà nước trong việc giải quyết cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay (Trang 78 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)