đồng kinh tế - thương mại quốc tế và khu vực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
Trong gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế. Đó là kết quả của quá trình Nhà nước ta triển khai, thực hiện nhất quán đường lối, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng, với tinh thần chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Qua đó đã củng cố niềm tin vững chắc để Đảng ta lãnh đạo toàn dân vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tận dụng tốt nhất những thời cơ và vận hội hội mới do hội nhập quốc tế đem lại.
Những thành tựu về thực thi vai trò chủ thể của Nhà nước ta trong tiến trình đưa đất nước hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là trong đàm phán, ký kết và thực hiện các hiệp định, hợp đồng kinh tế - thương mại quốc tế và khu vực, được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, phát huy vai trò chủ thể đàm phán, ký kết các hiệp định, hợp đồng kinh tế - thương mại cả song phương và đa phương.
Đường lối phát triển các hoạt động hội nhập quốc tế của Đảng đã được Nhà nước ta quán triệt sâu sắc và những quan điểm đó được thể hiện xuyên suốt qua các nghị định của Chính Phủ, qua công tác điều hành trong thực tế của các cấp uỷ đảng và chính quyền từ trung ương tới địa phương. Tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta trong những năm qua có các chủ thể khác nhau với nhiều hình thức, phương thức, bao gồm cả cấp trung ương, cấp bộ, ngành, cấp địa phương… song chỉ duy nhất Nhà nước ta được giao nhiệm vụ tiến
hành đàm phán, ký kết và thực hiện các hiệp định, hợp đồng kinh tế - thương mại quốc tế và khu vực và đã đạt được những thành tựu quan trọng, đó là:
Về quan hệ hợp tác song phương. Tính đến năm 2013, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước và thiết lập quan hệ ngoại giao
với hơn 180 quốc gia ở nhiều cấp độ khác nhau (xem: Báo điện tử Chính phủ
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 01/01/2013, trang 1). Việt Nam đã mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hoá song phương với các nước và các tổ chức quốc tế; đã thiết lập quan hệ với tất cả các nước lớn, trong đó có 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước trong nhóm G8; nâng quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc lên thành đối tác chiến lược toàn diện, gia tăng nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược với Nga, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Tây Ban Nha. Số lượng các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tăng lên 91 cơ quan với 65 đại sứ quán, 20 tổng lãnh sự quán, 4 phái đoàn thường trực bên cạnh các tổ chức quốc tế,...
Về hợp tác đa phương và khu vực: Việt Nam đã có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như: Ngân hàng phát triển Á Châu, Quỹ tiền tệ thế giới, Ngân hàng thế giới. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đẩy mạnh và đưa lên một tầm cao hơn bằng việc tham gia các tổ chức kinh tế, thương mại khu vực và thế giới, ký kết các hiệp định hợp tác kinh tế đa phương. Tháng 7/1995, Việt Nam đã gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và chính thức tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) từ 1/1/1996. Đây được coi là bước đột phá về hành động trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tiếp đó, năm 1996, Việt Nam tham gia sáng lập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM);
đến năm 1998, Việt Nam được kết nạp vào Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Ngày 11/01/2007, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới; hiện nay Việt Nam đang tham gia vào đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Những thành công nổi bật của vai trò Nhà nước ta trong đàm phán, ký kết các hiệp định, hợp đồng kinh tế - thương mại cả song phương và đa phương đã góp phần truyền tải mạnh mẽ thông điệp đối ngoại của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định sự tự tin, chủ động của nhân dân trong quá trình đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Hai là, phát huy vai trò chủ thể trong ban hành các văn bản pháp luật, nâng cao tính hiệu quả thực hiện của các hiệp định, hợp đồng kinh tế - thương mại đã ký kết với các nước, các tổ chức quốc tế.
Để thực hiện đường lối phát triển kinh tế đất nước, xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì vai trò Nhà nước ta và mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường càng cao, nhất là việc nắm bắt cơ hội phát triển trong hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, Nhà nước ta đã chủ động đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao tính hiệu quả của
các hiệp định, hợp đồng kinh tế - thương mại đã ký kết với các nước, các tổ
chức quốc tế. Đây là một trong những thành tựu nổi bật về vai trò điều hành vĩ mô của Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp các địa phương tiếp cận các đối tác có nền khoa học công nghệ tiên tiến ở các nước phát triển và ở nhiều nước công nghiệp mới nổi trên thế giới.
Đất nước ta đang tiếp tục triển khai quá trình nâng cấp quan hệ với một số đối tác ưu tiên, quan trọng khác. Nhà nước tập trung ban hành các văn bản pháp quy phù hợp với thực tế, đã đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn nước ta giai đoạn hiện nay. Theo thống kê, từ năm 2005-2008, Nhà nước ta đã ban hành 17.169 văn bản pháp luật, lớn hơn cả số văn bản pháp luật được ban hành
trong 18 năm trước đó (14.641). Chỉ tính riêng cấp trung ương, số văn bản pháp luật tăng đột biến lên 8.520 vào năm 2009. Số lượng văn bản quy phạm tiếp tục tăng lên trong những năm gần đây (xem: Báo nhân dân điện tử ngày
24/5/2011, RIA - Công cụ hiệu quả trong xây dựng pháp luật, tr.2).
Những kết quả việc ban hành các văn bản pháp luật của Nhà nước ta đã đem đến những thành công nhất định trong thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thêm nhiều việc làm cho nền kinh tế, tăng thu nhập cho các tầng lớp dân cư, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam và nhìn chung góp phần giúp kinh tế của Việt Nam tăng trưởng trong thời gian qua.
Ba là, phát huy vai trò điều hành vĩ mô trong mở rộng không gian hợp tác và thị trường cho các nền kinh tế thành viên tham gia các hiệp định, hợp đồng kinh tế - thương mại đã ký kết với Việt Nam.
Nhà nước ta luôn chủ động tạo hành lang pháp lý để mở rộng không gian hợp tác và thị trường cho các nền kinh tế thành viên là một thành tựu quan trọng về vai trò điều hành vĩ mô của Nhà nước đối với thực thi các hiệp định, hợp đồng kinh tế - thương mại mà Việt Nam đã ký kết với các nước, các tổ chức quốc tế những năm qua. Chính thông qua quá trình điều hành vĩ mô một cách chủ động, sát tình hình thực tế đất nước và bối cảnh thế giới đã giúp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Điều đó thể hiện qua việc Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế tầm khu vực cũng như tầm thế giới như: ASEAN, APEC, ASEM, WTO, sắp tới là TPP….
Kết quả thành tựu này cho thấy, Nhà nước ta đã phát huy tốt vai trò điều hành vĩ mô trong việc thực hiện đầy đủ các cam kết về dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, giải quyết tranh chấp... đều được thống nhất trên cơ sở các quy định của WTO, bảo đảm cân bằng lợi ích, phù hợp quy định pháp luật trong nước và không ảnh hưởng các cuộc đàm phán khác của Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, Nhà nước ta
đã dành cho các nước đối tác ưu đãi thuế quan, tạo thêm cơ hội xuất khẩu đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản, tất cả các mặt hàng thủy sản, dệt may, da giày và đồ gỗ. Nhà nước ta cũng đã đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho các nước tham gia ký kết các hợp đồng, hiệp định thương mại kinh tế với Việt Nam ở một số sản phẩm chăn nuôi, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.
Như vậy, những thành tựu về quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư… đã cho thấy sự trưởng thành về điều hành vĩ mô của Nhà nước ta trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng được đẩy mạnh, đã góp phần quan trọng mở rộng không gian hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho các nền kinh tế thành viên tham gia ký kết các hiệp định về kinh tế - thương mại với Việt Nam; qua đó thúc đẩy quá trình liên kết và hội nhập của Việt Nam với các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Thành tựu này cũng tạo điều kiện để hình thành các dự án đầu tư mới trong nhiều năm trở lại đây (xem: Phụ lục 3).
Tuy đã đạt được những thành công nhất định, song trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nhà nước ta với vai trò là chủ thể thực thi đàm phán, ký kết và thực hiện các hiệp định, hợp đồng kinh tế - thương mại quốc tế và khu vực cũng còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Biểu hiện cụ thể như sau:
Một là, điều hành vĩ mô của Nhà nước trong thực hiện các cam kết đã ký về hiệp định, hợp đồng kinh tế - thương mại quốc tế và khu vực có lúc chưa
phù hợp thực tế, chưa vững chắc. Những hạn chế về điều hành vĩ mô của Nhà
nước đã làm cho các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam không ổn định, đôi lúc, đôi nơi có dấu hiệu chững lại. Trong mấy năm gần đây thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm sút so với trước đây. Đồng thời, những hạn chế đó làm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có lúc bị giảm sút. Các cân đối vĩ mô còn chưa vững chắc, ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng kinh tế
còn dựa chủ yếu vào chiều rộng, chưa đi vào chiều sâu; tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm chưa hợp lý, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn diễn ra chậm chạp.
Hai là, quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và quá trình sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách của Nhà nước diễn ra lẻ tẻ, khiến môi trường kinh doanh và đầu tư của nước ta còn nhiều bất cập. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo nên sự thông thoáng, thuận lợi của môi trường kinh doanh, song công tác này diễn ra còn chậm, thiếu tính hệ thống, chưa tạo được bước đột phá và còn tồn tại những hạn chế nhất định. Hệ thống pháp luật còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đủ rõ ràng và nhất quán; hạ tầng cơ sở kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế và dân sinh, nhất là phát triển các hoạt động kinh tế đối ngoại. Hệ thống giao thông, vận tải, thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước, xử lý chất thải các loại, kho hàng…, thường xuyên biểu hiện quá tải; bộ máy hành chính còn cồng kềnh, nhũng nhiễu, quan liêu; tệ tham
nhũng có phần tinh vi, phức tạp hơn; những biểu hiện khoa trương, tự “đánh
bóng hình ảnh doanh nghiệp” còn diễn ra ở một bộ phận không ít các doanh
nghiệp nhà nước chưa đủ độ “cứng, vững” để chịu đựng sự va đập của thị
trường. Chính thực tế này đã làm cho thị trường Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn các nhà kinh doanh, đầu tư lớn trong và ngoài nước, nhất là các tập đoàn kinh doanh quốc tế.
Ba là, sự điều hành vĩ mô của Nhà nước ta về đầu tư nước ngoài chưa
cân đối. Những năm gần đây, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có phần chững
lại và vẫn còn nhiều bất cập. Các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô vừa và nhỏ, trong đó quy mô nhỏ chiếm tỷ trọng lớn, chủ yếu đầu tư vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt, may, da giày, cơ khí lắp ráp. Đầu tư nước ngoài vào các ngành thâm dụng vốn và công nghệ chưa nhiều, như các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo máy, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm, vật liệu mới, công nghệ sinh học, di
truyền; đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn rất thấp và có xu hướng ngày càng giảm. Vẫn còn tình trạng đầu tư nước ngoài tập trung lớn ở những vùng, miền có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội dẫn đến mất cân đối giữa các vùng miền. Khu vực FDI chưa giải quyết nhiều việc làm cho lao động trong nước, nhất là lao động có trình độ, đã qua đào tạo và việc gây ô nhiễm môi trường, cũng như trốn thuế qua việc chuyển giá,…là những mặt tiêu cực của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn chưa được khắc phục. Thực trạng đó cho thấy vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập nhất định về vai trò Nhà nước trong điều hành vĩ mô để thực hiện các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam thời gian qua.
Những hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, công tác phổ biến,tuyên truyền các văn bản pháp lý trong hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều hạn chế, bất cập. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho vai trò của Nhà nước trong thực thi các cam kết ký kết kinh tế, hợp đồng thương mại quốc tế còn những tồn tại chưa được giải quyết. Thực tế đó đã dẫn đến không ít cá nhân và doanh nghiệp của Việt Nam bị “phạm luật” hay đã chịu những thiệt thòi trong làm ăn kinh tế.
Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật mới tập trung vào các bộ luật, luật, pháp lệnh, chưa chú trọng tuyên truyền các văn bản dưới luật; chưa quan tâm phổ biến văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành; hình thức, biện pháp phổ biến giáo dục pháp luật còn chưa phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Thực tế đó đã làm cho chúng ta “bị động” nhiều hơn là “chủ động”, người dân còn hết sức mơ hồ về cơ hội và thách thức khi tham gia hội nhập. Bên cạnh đó, chúng ta còn phải đối mặt với những âm mưu, thủ đoạn