kịp sự biến đổi nhanh chóng, sâu sắc và khó lường của thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế
Những thành tựu phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ những năm gần đây đã tạo ra những biến đổi căn bản trong xã hội. Sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại với tính chất chuyên môn hóa sản xuất và phân công lao động mang tính toàn cầu đã thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế khu vực và quốc tế; tạo xung lực cho cải cách cơ cấu kinh tế, thị trường từng quốc gia, dân tộc, lôi cuốn các nước tham gia ngày càng nhiều vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, … Điều này dẫn đến sự biến đổi nhanh chóng của thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế.
Quá trình phát triển sẽ năng động hơn, cơ cấu kinh tế sẽ phải điều chỉnh theo tín hiệu thị trường, kéo theo chuyển dịch về lao động, đào tạo. Về mặt nào đó, sự phát triển sôi động, với nhịp điệu mạnh sẽ đem lại những cơ hội và cả những yếu tố bất định cao hơn; rủi ro trong kinh doanh, trong đầu tư sẽ nhiều hơn. Bên cạnh đó, những thách thức ngày càng to lớn, luôn thường trực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng GDP 3 năm liền từ 2011 - 2013 của Việt Nam đã chững lại, không đạt được chỉ tiêu mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra; một phần nguyên nhân do năng suất lao động thấp, tái cơ cấu diễn ra chậm chạp, lại chịu sự tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái kinh tế, cộng với yếu tố nội tại có nhiều bất cập nên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu là do sự đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Điều đó cũng phản ánh doanh nghiệp trong nước một mặt đang gặp khó khăn, tỷ trọng đóng góp của họ cũng ngày một giảm dần, ảnh hưởng gián tiếp đến tính tự chủ của nền kinh
tế nước nhà. Đây thực sự là vấn đề Việt Nam cần tập trung nghiên cứu tổng thể, dài hạn để có những bước đi phù hợp.
Hơn nữa, các quốc gia nhỏ, yếu khi hội nhập kinh tế quốc tế phải mở cửa thị trường trong nước. Đồng thời, phải chấp nhận những định chế có sẵn mà những định chế này thường do những nước lớn chi phối. Trong thời gian tới, xu hướng cạnh tranh cũng ngày càng quyết liệt ở cả ba cấp độ: Hàng hóa - dịch vụ; doanh nghiệp và Nhà nước kéo theo nhiều nguy cơ bất ổn về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, … Chúng ta phải đối mặt với những rủi ro trong kinh doanh, trong cạnh tranh và những nhân tố gây bất ổn về kinh tế - xã hội. Những biến động của kinh tế thế giới và ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế trong nước sẽ nhanh chóng và nặng nề hơn.
Cơ hội không thể tự đến, còn thách thức thì thường xuyên, nếu như chúng ta không chủ động nắm bắt cơ hội, tạo ra những cơ hội cho mình và lường trước những khó khăn, thách thức thì không thể hội nhập thành công. Sự biến đổi nhanh chóng của thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi Nhà nước cần có năng lực phân tích, dự báo, xử lý về chính sách và tình huống một cách nhanh nhạy, quyết đoán.
Năng lực của Nhà nước ta thể hiện ở hiệu quả công tác tham mưu, tư vấn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực hội nhập quốc tế nói chung, giải quyết cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng; ở việc nhận thức quy luật vận động của hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời nắm bắt cơ hội, thách thức trong sự vận động, phát triển của hội nhập kinh tế quốc tế. Năng lực dự báo là “vũ khí sắc bén” để giải quyết tốt cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế. Năng lực dự báo là sự tổng hợp của tư chất trí tuệ, khả năng nhận thức, vận dụng lý luận, đường lối chủ trương, chính sách pháp luật và tìm ra những vấn đề mới, những mối quan hệ mang tính quy luật của sự vận động và phát triển.
Vai trò dự báo của Nhà nước nói chung, của đội ngũ cán bộ, công chức, đội ngũ chuyên gia trong giải quyết cơ hội và thách thức rất quan trọng. Năng lực dự báo tốt giúp Nhà nước có cách nhìn nhận, đánh giá toàn diện, sâu sắc những cơ hội và thách thức. Từ đó, đề ra được những chủ trương, chính sách phù hợp với các quy luật vận động khách quan. Năng lực dự báo tốt cũng sẽ tăng cường khả năng thu nhận và xử lý thông tin để đưa ra được những quyết sách chính xác, kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm để giải quyết các tình huống một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Công tác dự báo có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực dự báo của Nhà nước ta trong việc nhận thức và giải quyết cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế vẫn còn nhiều bất cập. Những bất cập này bắt nguồn từ: Sự phối hợp thiếu chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan, đơn vị làm công tác dự báo. Vai trò của công tác dự báo chưa được các cấp quản lý nhận thức còn chưa đầy đủ, vì vậy nó chưa được thực sự đầu tư đúng mức. Sự phân cấp, giao nhiệm vụ dự báo cho các cơ quan, đơn vị chưa khoa học, chặt chẽ và chưa có tính tổng thể; thiếu cơ chế kiểm chứng, đánh giá kết quả dự báo cũng như cơ chế phổ biến thông tin dự báo. Đội ngũ làm công tác dự báo còn thiếu và yếu so với yêu cầu về trình độ và họ cũng bị phân tán rời rạc trong các cơ quan nhà nước; phần lớn chưa được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng phân tích, xử lý thông tin, dữ liệu trước khi tiến hành dự báo. Đặc biệt là, các công cụ, phương pháp dự báo của nước ta còn đơn giản, chưa theo kịp với trình độ chung của khu vực và thế giới.
Bởi vậy, trong thời gian tới Nhà nước ta phải chú trọng khắc phục tình trạng năng lực dự báo của Nhà nước chưa theo kịp sự biến đổi nhanh chóng, sâu sắc và khó lường của thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế