Cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Vai trò của nhà nước trong việc giải quyết cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay (Trang 39 - 63)

2.1.2.1. Cơ hội và thách thức tồn tại đan xen trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Với tư cách là một thành tố, một bộ phận trong hệ thống chính trị quốc tế, các quốc gia tham gia hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ tùy thuộc vào dân tộc mình mà còn phụ thuộc vào các quốc gia khác. Để tham gia có hiệu quả, bền vững và để bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia, mỗi nước phải có sự nhận thức đầy đủ những cơ hội quý giá; đồng thời cũng phải thấy rõ cả những thách thức to lớn đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và tích cực, chúng ta sẽ tận dụng được những thời cơ, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Những cơ hội và thách thức diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặt ra nhiều vấn đề mới trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Có nhiều phương pháp tiếp cận cơ hội và thách thức trong hội nhập quốc tế về kinh tế. Song dù với phương pháp tiếp cận nào thì vấn đề cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế đều tồn tại khách quan, con người không thể phủ nhận hay “né tránh”, mà phải chủ động tìm ra cơ hội và thách thức để có những biện pháp hữu hiệu “tận dụng cơ hội” và “vượt qua thách thức”. Mối quan hệ và tác động qua lại giữa cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế tạo thành mâu thuẫn biện chứng, được thể hiện ở các khía cạnh sau đây:

Cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế là những hoàn cảnh và điều kiện thuận lợi do hội nhập kinh tế quốc tế đưa lại, nếu tận dụng được chúng trong thực tế thì sự phát triển kinh tế - xã hội sẽ đạt được những kết quả cao, thậm chí tạo nên những bước ngoặt căn bản.

Thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế là những khó khăn, cản trở do hội nhập kinh tế quốc tế đem lại, có tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia, dân tộc.

Mỗi bước tiến của hội nhập kinh tế quốc tế luôn có cả cơ hội và thách thức; chúng tồn tại đan xen nhau, trong cơ hội có thách thức và trong thách thức có cơ hội. Nhận thức rõ và giải quyết tốt mâu thuẫn biện chứng giữa cơ hội và thách thức sẽ tạo chuyển biến về chất của sự phát triển kinh tế - xã hội. Đó là một quy luật biện chứng của tự nhiên, xã hội và tư duy, trong đó có tư duy hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới của Đảng và Nhà nước ta.

Ngay cả các nước công nghiệp phát triển có nhiều lợi thế về vốn đầu tư và công nghệ, nhưng không phải chỉ có toàn cơ hội, mà còn bao hàm cả thách thức. Đối với những nước chậm phát triển cũng không chỉ có thách thức, mà

vẫn có không ít cơ hội. Cơ hội và thách thức đều là các yếu tố bên ngoài, mang tính ngoại nhập có tác dụng thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi, hoặc là kìm hãm, gây khó khăn cản trở cho sự vận động bình thường và phát triển của một đối tượng (thường là đối tượng xã hội) nhất định. Chúng là hai mặt đối lập trong một thể thống nhất; nội hàm của từng mặt không chỉ có sự khác biệt, có xu hướng bài trừ lẫn nhau mà còn có thể tác động qua lại, chuyển hóa lẫn nhau tuỳ thuộc vào năng lực chủ động, tự giác của chủ thể có nhận rõ, có chớp được thời cơ do cơ hội mang lại hay không; hoặc để tuột mất khiến cho cơ hội trở thành thách thức, gây bất lợi cho sự phát triển. Vì vậy, phải tìm cơ hội ngay trong những thách thức để có thể tự vượt lên chính mình, như thế khó khăn đã trở thành cơ hội thôi thúc con người ta giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn đọng hay vướng mắc.

Cơ hội và thách thức tồn tại một cách tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, chúng không được chia đều, lần lượt cho các quốc gia, càng không thể có những cơ hội mang tính chung chung, trừu tượng, mà nó hết sức cụ thể, đa dạng và phong phú. Đặc biệt, cơ hội và thách thức luôn tồn tại đan xen nhau, là hai mặt đối lập không tách rời của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Biện chứng của quá trình giữa cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế được biểu hiện trên một số vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, trong quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, các quốc gia tùy thuộc vào nhau, ràng buộc lẫn nhau để cùng hợp tác và phát triển. Quá trình đó tạo cho các nước có được vị thế bình đẳng như nhau trong cộng đồng quốc tế, có điều kiện đấu tranh nhằm thiết lập một trật tự kinh tế mới công bằng hơn, hợp lý hơn, bảo đảm lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc. Việc bảo đảm lợi ích của đất nước về mặt kinh tế sẽ tạo điều kiện bảo đảm lợi ích của đất nước trên các mặt khác. Sự độc lập về kinh tế không chỉ là điều kiện bảo đảm cho sự độc lập về chính trị, xét trong mối quan hệ kinh tế với chính trị, mà còn tạo thế cho hoạt động đối ngoại, kể cả đối ngoại

quân sự, quốc phòng. Nhờ đó, sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh mới trong xây dựng tiềm lực kinh tế đất nước, nhất là việc gắn kết chặt chẽ hơn giữa các mặt kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Trong điều kiện các nước trong cộng đồng quốc tế có lợi ích kinh tế đan cài nhau, kéo theo sự ràng buộc nhau trên nhiều lĩnh vực xã hội. Biểu hiện là chúng ta được tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ ở tất cả các nước, nhất là các nước trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Qua đó, có thể mở rộng thị trường xuất khẩu - một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế. Xét theo mối quan hệ giữa kinh tế và phát triển thì có thể thấy, sự tăng trưởng kinh tế sẽ tạo điều kiện để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là cơ hội tích cực để xây dựng một môi trường quốc tế công bằng, bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc; tạo điều kiện thuận lợi để loại bỏ mọi biểu hiện của ý đồ thiết lập mối quan hệ một chiều chứa đựng sự áp đặt, chi phối, thống trị của các siêu cường đối với đông đảo các quốc gia dân tộc khác trên thế giới.

Tuy nhiên, từ thực tiễn từ khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2005) đến nay cho thấy, sự “công bằng, bình đẳng” trong quá trình hội nhập toàn cầu hóa kinh tế vẫn còn mang tính hình thức, do trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia rất khác nhau, thậm chí cách xa nhau. Để đảm bảo cho tất cả các thành viên đều có được lợi ích khi mở cửa hội nhập, đòi hỏi các bên tham gia phải nhất trí với nhau trong việc định ra và thực hiện “luật chơi chung”, đó là những điều khoản ràng buộc các thành viên phải cam kết thực hiện. Song, do có ưu thế về vốn, công nghệ, thị trường, kinh nghiệm quản lý… các nước phát triển luôn nắm quyền đề ra và khống chế “luật chơi chung” theo hướng có lợi cho họ. Mặc dù về hình thức những thỏa thuận có vẻ “công bằng” nhưng thực chất luôn đem lại lợi thế cho chính là các nước tư bản phát triển, cùng với những công ty siêu quốc gia. Hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé” vẫn còn tồn tại,

các nước đang phát triển thường phải gánh chịu những điều bất lợi, thiệt thòi trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, trước sự vận động mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa, trái đất giống như một mái nhà chung; những vấn đề vốn dĩ trước đây mang tính riêng lẻ của mỗi nước như bệnh dịch, dân số, đói nghèo, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội… thì nay đã trở thành những vấn đề chung mang tính toàn cầu. Bởi vậy, Các quốc gia dân tộc nói chung và Việt Nam nói riêng, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đều có cơ hội nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm dần khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảng đã khẳng định: “Toàn cầu hóa kinh tế tạo ra cơ hội phát triển…” [37;73].

Mặc dù vây, nhưng trong quá trình “giúp đỡ” các dân tộc yếu, các dân tộc đang phát triển, một số nước lớn, đặc biệt là các nước tư bản phát triển, các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia đã dùng mọi thủ đoạn vừa thô bạo, vừa tinh vi để can thiệp sâu vào công việc nội bộ của các nước nhằm thôn tính chủ quyền quốc gia, dần làm cho vị trí, chức năng, tính độc lập của nhà nước - dân tộc vốn tồn tại từ nhiều thế kỷ nay trở nên bị lung lay và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính phủ một số nước không còn giữ được độc lập, tự chủ trong việc hoạch định chính sách vì có nhiều vấn đề vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà nước như các luồng di chuyển vốn, công nghệ, thông tin…

Thứ ba, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với sự lan tỏa của các nguồn lực kinh tế thì văn hóa cũng có cơ hội để giao thoa, tiếp biến. Thông qua hệ thống thông tin hiện đại, nền văn hóa của mỗi quốc gia sẽ có điều kiện thuận lợi để tiếp xúc nhiều hơn với những tinh hoa văn hóa tiến bộ trên thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa nước nhà.

Song, cũng cần nhận thức được một thực tế hiển nhiên rằng, khi mở cửa hội nhập, các quốc gia (nhất là các nước đang phát triển) không chỉ đón nhận những “luồng gió mát” mà còn phải đối mặt với những luồng khí độc ô nhiễm

nặng nề. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta tham gia vào môi trường thông tin rộng lớn, với sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại, các phương tiện công nghệ cao như máy tính, mạng in-tơ-nét, thư điện tử… Theo đó, quan niệm về “an ninh văn hóa”, “an ninh phi truyền thống” đã xuất hiện và vấn đề “bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng - văn hóa và an ninh xã hội” phải được đặt ra. Vấn đề kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn những cuộc xâm nhập, “tiến công mềm” từ bên ngoài bằng các thủ đoạn thông tin trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa được đặt ra một cách gay gắt hơn và gặp rất nhiều khó khăn. Biểu hiện thách thức đó là nhiều giá trị văn hóa bản địa của quốc gia đang bị tấn công, bị đồng hóa, bị xói mòn, thay vào đó là sự chấp nhận văn hóa ngoại lai, lối sống xa hoa, thực dụng, xa rời bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc. Đây thực sự được xem là một cuộc “xâm lăng văn hóa” được phương Tây gián tiếp tiến hành ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, là một thách thức lớn và khó lường.

Thứ tư, trước sức lôi cuốn như vũ bão của xu thế toàn cầu hóa, không một quốc gia, dân tộc nào có thể đứng ngoài dòng chảy của nó dù là nước tiên tiến hay lạc hậu, dù là nước phát triển hay nước đang phát triển. Trong quá trình hội nhập toàn cầu hóa kinh tế, các nước đang phát triển do có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn so với các nước phát triển nên các nước này có cơ hội thu hút được một số lượng đáng kể vốn đầu tư nước ngoài và viện trợ phát triển chính thức quốc tế; tiếp thu những thành tựu mới về khoa học, công nghệ cũng như kinh nghiệm tổ chức và kỹ năng quản lý vào sản xuất. Đối với các nước phát triển cũng tìm thấy ở các nước đang phát triển địa bàn để khai thác, sản xuất, kinh doanh, tăng siêu lợi nhuận với nguồn nhân lực dồi dào, nhân công rẻ…

Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đối với các nước đang phát triển sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức; nhất là các doanh nghiệp cả nhà nước và tư nhân hiểu biết về thị trường thế giới, thông lệ quốc tế; luật pháp quốc tế; năng lực và kinh nghiệm quản lý, hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng

như khả năng cạnh tranh quốc tế còn yếu kém. Trước xu hướng tự do hóa và khu vực hóa gia tăng với sự hình thành các Khu vực thương mại tự do và các Thỏa thuận thương mại khu vực có mức độ ưu đãi và tự do hóa thương mại cao hơn quy chế tối huệ quốc, kéo theo những thay đổi lớn trong cục diện thương mại giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Trên thực tế, đây là hoạt động lũng đoạn của tư bản độc quyền quốc tế. Trong hoàn cảnh này, sự cạnh tranh kinh tế quốc tế và sự điều tiết vĩ mô nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục trở nên bất bình đẳng và bất hợp lý mà dĩ nhiên phần bất lợi lớn thuộc về tuyệt đại đa số các nước đang phát triển, trong đó có nước ta.

Thực tế này đã gây ảnh hưởng rất lớn cho Việt Nam, một đất nước đang hội nhập kinh tế ở mức độ thấp. Biểu hiện là áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng mạnh hơn, nhất là từ phía Trung Quốc, Ấn Độ và phần lớn các nước ASEAN, vốn là những nước sản xuất nhiều sản phẩm mang tính cạnh tranh với ta mà lại có nhiều ưu thế hơn ta, thậm chí ngay cả trong những ngành xuất khẩu chủ lực của ta hiện nay như nông sản, thuỷ sản, may mặc, giày dép. Trong thu hút FDI chúng ta cũng vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt hơn và nguy cơ sẽ suy giảm FDI vào Việt Nam nếu chúng ta không có những chính sách và biện pháp cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ làm tăng tính hấp dẫn hơn so với các quốc gia khác.

Thứ năm, trong hội nhập kinh tế quốc tế, với mục tiêu giành lợi nhuận tối đa thông qua các mối liên hệ quốc tế rộng rãi, các nước phát triển đang tìm cách đầu tư vào các nước đang phát triển. Thực tế những năm qua cho thấy, thông qua các hiệp định song phương và đa phương, dòng đầu tư nước ngoài vào nước ta ngày càng lớn, nhất là việc hình thành và mở rộng các khu kinh tế mở, các khu kinh tế trọng điểm, các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Để đưa đất nước phát triển theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển có nhu cầu thu hút ngày càng nhiều đầu tư từ nước

ngoài. Sự gặp gỡ của hai nhu cầu này đều đem đến những cơ hội to lớn, làm khơi thông dòng chảy về vốn, khoa học, công nghệ, kinh nghiệm tổ chức, quản lý từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam; qua đó, khuyến khích sự gia tăng quá trình tư nhân hóa ở khắp mọi lĩnh vực sản xuất, lưu thông.

Tuy nhiên, cũng chính thông qua con đường đầu tư, cho vay, viện trợ kinh tế này, các thế lực đế quốc mong muốn thực hiện thành công “diễn biến hòa bình” nhằm thay đổi chế độ chính trị - xã hội của các nước mà họ không ưa theo hướng “thân phương Tây”. Trên thực tế những năm qua, đã xuất hiện mưu đồ lấy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước để hạ thấp chủ quyền quốc gia của một nước; lấy khái niệm “thị trường toàn cầu” để phủ nhận tính bất khả xâm

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Vai trò của nhà nước trong việc giải quyết cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay (Trang 39 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)