Vai trò giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái trong hội nhập kinh tế quốc tế

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Vai trò của nhà nước trong việc giải quyết cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay (Trang 101 - 104)

sinh thái trong hội nhập kinh tế quốc tế

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế không chỉ làm cho biên giới quốc gia “bị lu mờ” không gian kinh tế bị thu hẹp mà còn thúc đẩy sự giao thoa văn hóa. Nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, mạng Internet mở ra cơ hội để người dân ở các quốc gia khác nhau có thể hiểu và tiếp cận với những nền văn hóa, lối sống, phong tục tập quán, đời sống vật chất, tinh thần khác nhau; từ đó có thể chia sẻ hợp tác, mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nghệ thuật của các nước, làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc.

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo cơ hội để truyền bá văn hóa và tạo điều kiện cho người dân các nước thụ hưởng tốt hơn những thành tựu văn hóa chung của nhân loại. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, những thách thức đối với việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà văn hóa dân tộc là không thể xem thường. Do đó, chủ động tiếp thu những giá trị văn hóa tiến bộ của thế giới một cách có chọn lọc, đấu tranh chống mọi sự “xâm lăng” của văn hóa được Nhà nước Việt Nam rất quan tâm. Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 25 (11/2006), ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế được xác định là 3 trụ cột của ngoại giao Việt Nam. Trên cơ sở những kinh nghiệm đạt được, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020”, xác định ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung của cả nước. Đây là một sự thay đổi trong tư duy ngoại giao và văn hóa. Tính đến năm 2010, Việt Nam đã ký kết 242 điều ước quốc tế cả song phương, đa phương về văn hóa với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực; ký kết gia nhập 13 điều ước quốc tế về văn hóa. Đây là cơ sở quan trọng để Đảng, Nhà nước ta tiến tới sự chuyển biến từ hội nhập kinh tế quốc tế sang hội nhập quốc tế (năm 2011) trên 3 phương diện cơ bản là kinh tế; chính trị, an ninh, quốc phòng; văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo.

Bên cạnh đó, Nhà nước ta đã tận dụng sự bùng nổ của các nguồn thông tin đại chúng để đưa ra các chính sách và chương trình nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Đó là tổ chức ngày Việt Nam ở các nước, tổ chức Festival ở những địa phương có hoạt động du lịch phát triển mạnh như Festival hoa Đà Lạt, pháo hoa ở Đà Nẵng, chương trình “Duyên dáng Việt Nam” tại Châu Âu, … Đồng thời, hội nhập quốc tế tạo cơ hội cho nhân dân các dân tộc giao lưu, xích lại gần nhau, từ đó nâng cao dân trí, làm giàu nền văn hóa của mình và tự khẳng định mình trước cộng đồng quốc tế.

Cuộc đấu tranh giữ gìn, khẳng định giá trị bản sắc truyền thống của dân tộc đang biểu hiện dưới những nội dung và hình thức hoàn toàn mới mẻ, đa dạng và phong phú. Từ sau Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (1998), nền văn hóa Việt Nam không ngừng khởi sắc với nguồn lực văn hoá ngày càng được phát huy, phát triển; quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa ngày càng được mở rộng, qua đó quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên phạm vi toàn thế giới.

Cùng với cuộc đấu tranh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường sinh thái cũng diễn ra rất quyết liệt. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, môi trường bị huỷ hoại… đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu. Khoảng cách giữa các nước phát triển và kém phát triển ngày càng rộng. Các nước phát triển đang triệt để khai thác nhân công và tài nguyên của các nước kém phát triển với giá rẻ mạt. Đồng thời, cũng gây ra ô nhiễm môi trường trầm trọng với nhiều thủ đoạn tinh vi như bỏ qua hoặc xem nhẹ đầu tư cho bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư.

Quán triệt quan điểm: Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, Việt Nam đã thông qua Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững 1991 - 2000. Trong đó nhấn mạnh, phát triển bền vững chính là sự phát triển dựa trên sự kết hợp hài hoà ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Nhờ sự

nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta trong những năm gần đây đã có chuyển biến tích cực, thể hiện trên các mặt xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; thay đổi nhận thức và hành vi về bảo vệ môi trường; hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường; bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học. Những thành tựu đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, chất lượng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thế kỷ XXI.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo môi trường sinh thái vẫn là vấn đề “nóng” của toàn xã hội. Việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về văn hóa, môi trường sinh thái vẫn chưa bảo đảm phù hợp với tính thống nhất của môi trường về không gian cũng như về mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố. Thẩm quyền quản lý nhà nước về môi trường hiện nay chủ yếu được xác định theo địa giới hành chính, thiếu thể chế mang tính liên vùng, vai trò của các cơ quan chức năng Nhà nước trong điều phối sự phối hợp giữa các địa phương còn mờ nhạt.

Mặc dù công tác bảo vệ môi trường là vấn đề cấp bách nhưng các qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ. Kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều dự án về bảo vệ môi trường triển khai chậm, việc quản lý khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa hợp lý. Bên cạnh đó, việc đầu tư nguồn nhân lực, phương tiện, thiết bị cho công tác bảo vệ môi trường còn thiếu và yếu, chưa kể chế tài xử phạt liên quan đến vi phạm về môi trường chưa đủ mạnh dẫn đến nhiều cá nhân, đơn vị tái vi phạm nhiều... Công tác quản lý, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, rác thải sinh hoạt, xử lý nước thải còn bất cập

Nguyên nhân hạn chế của thực trạng này là do sự quan tâm của Nhà nước, các cấp, các ngành đối với đấu tranh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc,

đảm bảo môi trường sinh thái chưa tương xứng. Trong thời gian qua, Nhà nước ta vẫn chưa xây dựng được những chính sách phù hợp để quản lý Nhà nước về các lĩnh vực này. Công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực văn hóa, bảo vệ môi trường chưa thật tốt, chưa phát huy hết trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Các văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật, quy định và chế tài xử lý các hành vi làm tổn hại đến các giá trị văn hóa, vi phạm pháp luật về môi trường chưa rõ ràng và chưa được phổ biến sâu rộng trong nhân dân cũng như trong các doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Vai trò của nhà nước trong việc giải quyết cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay (Trang 101 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)