học Nôm phát triển
Từ giữa thế kỷ XVI, họ Nguyễn vào trấn thủ và bắt đầu chiếm lĩnh đất Thuận Quảng, nhưng mãi đến năm 1632, Chúa Hy tông Nguyễn Phước Nguyên mới mở kỳ thi Chính đồ và Hoa văn đầu tiên, mục đích nhằm cung ứng người giúp việc giấy tờ ở các sở. Năm 1674, đời Nguyễn Phước Tần, tổ chức thêm kỳ thi đặc biệt gọi là khoa Thám phỏng. Cuối thế kỷ XVII, Nguyễn Phước Châu mở rộng việc thi cử, và sang thế kỷ XVIII mới định lệ ưu đãi đối với các nho sinh trúng tuyển. Về căn bản, “Ở hai trấn Thuận Quảng và vùng chúa Nguyễn kiểm soát việc học tập và thi cử không phát triển bằng ở khu vực do chúa Trịnh kiểm soát” [18, tr. 78]. Trong hai thế kỷ cát cứ, các chúa Nguyễn chưa thể tổ chức bất kỳ kỳ thi Tiến sĩ nào như ở Đàng Ngoài. Cũng theo ghi chép của Nguyễn Tiến Cường, mấy đời chúa Nguyễn đầu tiên có tổ chức thi “quận thí” ở cấp dinh (như cấp phủ ở Đàng Ngoài) 5 năm một lần và cho toàn bộ khu vực Đàng Trong (gọi là hội thí) 9 năm một lần, chia người đỗ làm ba loại cao thấp khác nhau là: loại giáp (hương cống), bổ làm Tri phủ, Tri huyện; loại ất (sinh đồ), bổ làm nho học Huấn đạo; loại bính (loại thứ ba), cũng gọi là sinh đồ nhưng bổ làm Lễ sinh hoặc Nhiêu học suốt đời. Từ đời Chúa Nguyễn Phước Tần, 40 năm không lấy một người Nhiêu học nào. Đời Nguyễn Phước Thái, cầm quyền 4 năm, tổ chức thi được một lần. Chúa Nguyễn Phước Châu cầm quyền 34 năm cũng ít thi, có một lần đã để học sinh bất bình, chúa cho phúc thí lại thì học sinh bỏ ra về không vào thi, chúa tức giận đánh hỏng hết không lấy đỗ người nào. Từ đời Nguyễn Phước Khoát đến Nguyễn Phước Thuần, gần bốn chục năm, cũng chỉ thi cử mấy khoa. Việc thi cử chểnh mảng nên học sinh cũng không chăm lo học để thi… [18, tr. 78]. Tuy nhiên, văn học Đàng Trong không vì thế mà kém thịnh đạt. Bởi việc ít tổ chức thi cử, khiến cho giới sĩ phu không miệt mài học theo lối từ chương cử nghiệp – một trong những “chướng ngại vật”, từ một số phương diện, đối với việc giải phóng năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ. Ở một khía cạnh nào đó, đây có thể được xem như lợi thế để văn học Đàng Trong phát triển theo con đường riêng của mình, mà hiện tượng dễ dàng quan sát nhất chính là sự phong phú, giàu có của văn quốc âm, như lời nhận xét sau đây của học giả Hoàng Xuân Hãn:
“Dân gian và nho sĩ vẫn chuộng hay sáng tác văn phẩm bằng quốc âm. Sự ít có khoa thi cử đã không thúc đẩy sĩ phu chuyên học từ chương cử nghiệp. Đó cũng làm thuận lợi cho quốc văn” [50, tr. 8]. Nói như vậy bởi văn chương cử nghiệp quy định rất chặt chẽ về thể chế văn bài, buộc thí sinh phải tuân thủ, nếu muốn đỗ đạt, do vậy, đã bao đời thủ tiêu tinh thần sáng tạo của sĩ tử, đẩy ngàn vạn sĩ tử vào cái học hư văn, phù phiếm. Học vấn Nho giáo, vì là kiến thức thi cử, nên vừa chính thống lại vừa bị cắt xén. Sách của Nho gia đã ít nếu so với kinh sách Phật giáo, đến khi đi thi, giới hạn bớt, lại còn ít hơn nữa. Lê Quý Đôn từng tổng kết rằng người ta chỉ cần học thuộc một ngàn bài thơ, một trăm bài phú, 50 bài văn sách là có thể đủ kiến thức để đi thi. Văn chương cử tử, tuy khô khan, dùng theo khuôn phép định sẵn, viết về những nội dung kinh điển nhưng lại là văn chương chính đạo, được xã hội coi là tác phẩm nghệ thuật cao quý. Vì vậy, những thể loại phi chính thống như truyền kỳ, tiểu thuyết, từ khúc, ca kịch… (ở Trung Quốc) và truyện Nôm, ngâm khúc, hát nói (ở Việt Nam) thậm chí có thời từng không được coi là văn học. Nói vậy để thấy cái học phong không chuộng từ chương cử nghiệp có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của văn quốc âm Đàng Trong. Có thể nói, đây là một trong những cơ sở khá quan trọng cho sự phát triển của văn học Nôm cũng như sự hưng khởi của phong vị dân gian (từ nội dung đến hình thức) trong nhiều tác phẩm văn chương. Có rất nhiều tác giả lớn của văn học Đàng Trong sành và yêu thích làm thơ quốc âm như: Đào Duy Từ, “rất giỏi cái học tượng vĩ thuật số”, ngoài việc là tác giả của hai thi phẩm nổi tiếng Ngọa Long cương vãn, Tư Dung vãn, tương truyền còn là tác giả của kịch bản tuồng Nôm San hậu; Nguyễn Phước Tứ, con trai thứ tám của Hiển tông Phước Châu “sở trường về thơ quốc âm”, sáng tác truyện Nôm Hoa tình; Nguyễn Phước Dục, con trưởng của Phước Tứ, “giỏi làm thơ, sành âm luật”, tương truyền là người đặt ra điệu Nam cầm [114, tr. 99]… Truyện Nôm bác học đầu tiên của Việt Nam - Song Tinh Bất Dạ - cũng được ra đời trong bối cảnh ấy. Đó là chưa nói tới mảng thơ văn chữ Nôm của các tác giả Thiên Chúa giáo mà đáng tiếc là trong điều kiện tư liệu hiện nay, chủ yếu chỉ còn là những tác giả khuyết danh.
Trong khi đó, dù không tổ chức các kỳ thi đại khoa, nhưng chính quyền Đàng Trong vẫn phải cần tới một đội ngũ quan lại và giúp việc là trí thức (và đương nhiên, với hoàn cảnh đương thời ở xã hội Việt Nam nói chung, chỉ có thể là các trí thức nho gia). Đó là lý do vì sao, từ năm 1644, chính quyền Đàng Trong đã chú
trọng đến chương trình giáo dục theo nội dung kinh sử thánh hiền và việc tuyển chọn quan lại cũng theo cách thức khai khoa tuyển sĩ. Lê Quý Đôn ghi nhận:
“Ở Thuận Quảng và Phiên Trấn, từ Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng đến Đỉnh Quốc công Nguyễn Phúc Trú trong khoảng bảy đời, cứ năm năm thì khiến học trò các huyện đến cả trấn dinh mà thi một ngày, thơ một bài, văn một bài, lấy tri phủ tri huyện làm sơ khảo, ký lục bản dinh làm phúc khảo, lấy đỗ bao nhiêu người, khai đủ họ tên, nộp tại quan cai bạ phó đoán sự, cho làm nhiêu học tuyển trường, miễn cho tiền gạo sai dư trong năm năm, gọi là quận thí mùa xuân, đó là phép đặt trường tuyển lính, thi lấy nhiêu học miễn ở đầu thời Trung Hưng. Cứ chín năm thì học trò các phủ huyện đều đến thi ở dinh Phú Xuân, thi chỉ ba ngày, ngày thứ nhất, văn tứ lục ba bài, ngày thứ hai thơ phú mỗi thể một bài, ngày thứ ba sách vấn một bài; lấy quan văn chức, tri phủ, tri huyện làm sơ khảo, ký lục, cai bạ làm phúc khảo, nha úy làm giám khảo, ngoại tả ngoại hữu làm giám thí; lấy trúng cách bao nhiêu người, khai sổ đệ nộp. Họ Nguyễn phê định ba hạng, hạng giáp là hương cống, bổ làm tri phủ, tri huyện, hạng ất là sinh đồ, bổ làm học quan huấn đạo, hạng bính cũng là sinh đồ, hoặc bổ làm lễ sinh, hoặc cho làm nhiêu học cả đời; treo bảng ở trước công đường, gọi là hội thí mùa thu, đó là phép ba năm một khoa thi hương thường làm vậy. Họ Nguyễn lại thi một bài thơ để định cao thấp mà bổ chức, người ta cũng gọi là thi đình.” [38, tr. 194 - 195].
Vì vậy, về căn bản, lực lượng sáng tác Đàng Trong vẫn chủ yếu phát triển trên cơ sở một đội ngũ trí thức có cùng mục tiêu học nghiệp và truyền thống học phong với trí thức Đàng Ngoài. Đặc điểm này góp phần giải thích vì sao, trong sáng tác của các tác giả sinh ra và lớn lên ở Đàng Trong, hoàn toàn tiếp thu và sống trong bầu sinh khí – văn hóa Đàng Trong, vẫn có những điểm gặp gỡ, tương đồng với các áng văn chương Đàng Ngoài đương thời, dù rằng khó có thể so sánh về độ bề thế với Đàng Ngoài vốn có truyền thống từ nhiều thế kỷ trước.