Những yếu tố thuộc về tư chất, năng khiếu

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) một số vấn đề triết học về tư duy sáng tạo (Trang 112 - 115)

CHƢƠNG 3 : MỘT SỐ LOẠI HÌNH TƢ DUY SÁNG TẠO CHỦ YẾU

4.1. Những yếu tốchủ quan thúc đẩy tƣ duy sáng tạo

4.1.1. Những yếu tố thuộc về tư chất, năng khiếu

Nhiều nghiên cứu về tư duy trong các lĩnh vực triết học, sinh lý thần kinh, tâm lý học đều khẳng định sự tham gia của yếu tố sinh học trong quá trình hình thành năng lực tư duy của con người. Từ góc độ triết học, C. Mác và Ph. Ăghghen khẳng định con người là một thực thể sinh học - xã hội, chịu sự chi phối của cả các quy luật tự nhiên lẫn quy luật xã hội trong quá trình phát triển. Sự hình thành và phát triển của tư duy, ý thức dựa trên tiền đề vật chất là bộ não người.

Cách tiếp cận sinh học - thần kinh tới quá trình tư duy sáng tạo cũng chỉ ra quá trình tư duy dựa vào cơ sở sự truyền dẫn, liên kết của các tế bào não, não càng mở rộng vùng liên kết, mang lưới liên kết càng lớn thì càng có nhiều ý tưởng sáng tạo: “Các đường dẫn thần kinh càng phức tạp, sự tư duy càng phức tạp. Những cá nhân nào có hệ thống liên kết phức tạp có thể tạo ra nhiều ý tưởng sáng tạo bởi vì họ có nhiều liên kết” [trích theo 95; 150]. Các nghiên cứu còn đi sâu phân tích hoạt động của hai bán cầu đại não và có một số dẫn chứng về năng lực tư duy sáng tạo liên quan nhiều hơn đến hoạt động của bán cầu não phải. Tuy nhiên, tính tất yếu của hoạt động của bán cầu não phải với tư duy sáng tạo còn chưa có những dẫn chứng xác thực, đầy đủ. Quan điểm thống nhất trong các nghiên cứu là não bộ hoạt động thống nhất, cả hai bán cầu não đều phối hợp, tương tác và tham gia hầu hết vào các hoạt động và hành vi của con người, trong đó có hoạt động sáng tạo.

Tâm lý học nhân cách dựa trên kết quả nghiên cứu của sinh lý học khẳng định sự phát triển năng lực, nhân cách của con người có sự tham gia của yếu tố tự nhiên, sinh học được gọi là tư chất. Từ tư chất mới hình thành năng khiếu và các dạng năng lực khác nhau của con người.

Tư chất là một bộ phận cấu thành năng lực của con người. Năng lực tư duy sáng tạo, đặc biệt năng lực tư duy sáng tạo trong một lĩnh vực cụ thể luôn có tiền đề là tư chất cá nhân.

Năng lực là tổng hợp những thuộc tính độc đáo riêng biệt về thể chất, tinh thần, tâm lý của cá nhân giúp cho cá nhân có thể thực hiện một hoạt động nhất định nhằm đạt mục đích, kết quả đặt ra. Cá nhân cần có tiền đề sinh học là tư chất và thông qua sự học tập, lao động trong môi trường văn hóa - xã hội nhất định mới hình thành năng lực. Như vậy, tư chất là bộ phận của năng lực, là điều kiện tự nhiên của năng lực. Tư chất là những đặc điểm về mặt giải phẫu, sinh lý và các chức năng của cơ thể và bộ não tạo nên sự khác biệt giữa con người với nhau. Tư chất là cơ sở tự nhiên cần thiết để hình thành và phát triển năng lực và ảnh hưởng đến sự khác biệt năng lực giữa người này và người khác.

Tư chất sẽ quy định năng khiếu của cá nhân có thiên hướng về một lĩnh vực nào đó. Năng khiếu là năng lực còn tiềm tàng về một hoạt động nào đó nhưng chưa được bộc lộ ở thành tích cao, chưa thành thạo trong lĩnh vực hoạt động đó vì chưa qua rèn luyện. Năng khiếu là những dấu hiệu phát triển sớm về một khả năng nổi trội, là những nhân tố tiềm ẩn trong con người có thiên hướng ưu trội về khả năng nhận thức và hoạt động đối với một lĩnh vực khi cá nhân chưa tiếp xúc một cách có hệ thống và chưa được tập dượt với những lĩnh vực đó. Năng khiếu có khả năng trở thành năng lực, tài năng, thiên tài trong lĩnh vực đó nếu được rèn luyện phù hợp và đúng cách.

Các nghiên cứu khoa học hiện đại, trong đó có thuyết trí thông minh đa dạng của Howard Gardner, đã chứng minh con người có nhiều loại năng khiếu khác nhau. Phát hiện này đã đem lại nhận thức mới về phát hiện và bồi dưỡng tài năng thiên bẩm, cũng đem lại những khám phá mới về khả năng phong phú của con người, về tiềm năng của mỗi cá nhân. Nó ảnh hưởng rất lớn đến cách con người đánh giá, nhìn nhận về chính bản thân mình: “một khoa học toàn diện về sự sống phải giải thích bản chất cũng như tính đa dạng của các khả năng trí tuệ con người” [32; 87].

Năng khiếu của con người có thiên hướng về một lĩnh vực cụ thể đã đượctác giả Howard Gardner phân chia dựa vào các đặc trưng cụ thể bao gồm các loại trí thông minh: trí thông minh về ngôn ngữ (khả năng sử dụng và biểu đạt bằng ngôn ngữ), trí thông minh âm nhạc (khả năng cảm nhận, thưởng thức,

sáng tạo các tiết tấu, nhịp điệu), trí thông minh lôgic - toán (khả năng suy luận lôgic, sáng tạo mô hình số học, giả thuyết, khái niệm mới); trí thông minh không gian (khả năng suy nghĩ bằng hình ảnh, hình tượng, khả năng cảm nhận, chuyển đổi, tái tạo lại những góc độ của không gian trực quan); trí thông minh về vận động (khả năng điều khiển các chuyển động của cơ thể); trí thông minh về tương tác cá nhân (khả năng thấu cảm, giao tiếp với người khác); trí thông minh nội tâm (khả năng nhận thức bản thân, ý thức về bản ngã) và trí thông minh mới: trí thông minh thiên nhiên và hiện sinh. Mỗi người có thể có nhiều loại năng khiếu khác nhau hoặc nổi trội về năng khiếu nào đó và sẽ dễ thành công hơn nếu hoạt động trong những lĩnh vực phù hợp với tư chất, năng khiếu cá nhân [Xem: 32].

Dựa trên tiền đề sinh học là tư chất, năng khiếu cùng với sự tác động, qui định của những điều kiện lịch sử - xã hội nhất định, năng lực cá nhân sẽ có những khác biệt. Ở mức năng lực thông thường: cá nhân có thể hoàn thành kết quả một hoạt động đạt mục đích đề ra. Đây là năng lực hoạt động có ở tất cả mọi người có sự phát triển bình thường về thể chất và tâm - sinh lý; là loại năng lực liên quan tới sự sống còn, sinh tồn và phát triển của mỗi người trong đời sống xã hội. Ở mức tài năng: là năng lực cá nhân hoàn thành sáng tạo một hoạt động, đem lại sự tiến bộ, phát triển trong lĩnh vực hoạt động ấy. Ở mức thiên tài là mức năng lực kiệt xuất của một vĩ nhân, đem lại những khám phá, sáng tạo lớn tạo ra bước ngoặt trong quá trình phát triển của một lĩnh vực, từ đó có ảnh hưởng quan trọng tới toàn bộ đời sống xã hội. Tuy nhiên, con đường từ chỗ có tư chất bẩm sinh đến phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, rồi tới hình thành tài năng rất quanh co, phức tạp, lâu dài thậm chí có trường hợp năng khiếu bị mai một và không phát triển được. Bồi dưỡng nhân tài cần bắt đầu từ việc phát hiện, nhận diện sớm những dấu hiệu của tư chất, năng khiếu, tạo những điều kiện thích hợp về môi trường xã hội để năng khiếu được nảy nở, rèn luyện phát triển trở thành tài năng. Nhưng tài năng, sức sáng tạo có được phát triển hay không không chỉ phụ thuộc vào tư chất có sẵn hay hoàn cảnh kinh tế, văn hóa - xã hội mà còn phụ thuộc vào năng lực, sức mạnh tinh thần - tâm lý của chính chủ thể ấy.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) một số vấn đề triết học về tư duy sáng tạo (Trang 112 - 115)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)