2.1.2 .Bản chất của sáng tạo
2.2. Tƣ duy sáng tạo
2.2.3. Các cấp độ, loại hình của tư duy sáng tạo
Tư duy sáng tạo tồn tại trong mọi loại hình, lĩnh vực của hoạt động sáng tạo. Phân loại tư duy sáng tạo có thể dựa vào sản phẩm của tư duy sáng tạo, dựa vào trình độ, và các lĩnh vực hoạt động sáng tạo.
Dưới góc độ sản phẩm, tư duy sáng tạo được chia thành phát minh và sáng chế.
Phát minh, theo nghĩa rộng: “là hoạt động phát hiện của con người ra đối tượng (bất kì cái gì) tồn tại có sẵn trong hiện thực khách quan, độc lập với con người…không phải do con người chế tạo ra mà được con người phát hiện ra”[15; 48]. Đó có thể là sự phát hiện ra vùng đất mới, giống loài mới, cấu trúc mới của vật chất và những quy luật ẩn giấu của tự nhiên mà trước đó chưa ai biết. Sau này, khi khoa học phát triển, phát minh được hiểu là những phát minh khoa học lớn trong các ngành khoa học cơ bản: “là sự xác lập các quy luật, tính chất và hiện tượng của thế giới vật chất tồn tại khách quan mà trước đó chưa ai biết, nhờ đó làm thay đổi căn bản nhận thức của con người”[15; 48]. Các phát minh làm thay đổi cách nhìn và quan niệm của con người về thế giới xung quanh. “Thuyết nhật tâm” của Copecnicus là một phát minh lớn trong lịch sử phát triển của khoa học đã làm thay đổi cơ bản cách nhìn của con người về vũ trụ tuần hoàn, từ đó thay đổi cách nhìn về chính bản thân, vị trí của mình trong thế giới.
Sáng chế, hiểu theo nghĩa rộng: “là hoạt động của con người tạo ra đối tượng không tồn tại sẵn có trong hiện thực khách quan” [15; 52]. Sáng chế có trong các lĩnh vực đa dạng như kĩ thuật, văn học, nghệ thuật... Ngày nay, nội dung của khái niệm sáng chế chỉ dùng cho lĩnh vực kĩ thuật và được luật hóa chặt chẽ, liên quan đến nhu cầu sở hữu, độc quyền của người sáng chế, đến kinh tế, xã hội, luật pháp. Phát minh khoa học là cơ sở của sáng chế, sáng chế thúc đẩy phát minh. Ở đây, luận án sử dụng khái niệm sáng chế và phát minh theo nghĩa rộng.
Dựa vào trình độ, tư duy sáng tạo được chia thành tư duy sáng tạo thông
thường và tư duy sáng tạo bậc cao.
Khi phân biệt các trình độ sáng tạo, tác giả Edgar Morin cho rằng có nhiều trình độ khác nhau về sáng tạo: có sáng tạo thông thường (phát hiện ra cái đã có) và sáng tạo bậc cao (vượt qua các quy tắc thông thường), trong đó sáng tạo bậc cao là những sáng tạo “đưa ra một khái niệm mới, tạo nên một hệ thống ý tưởng (lý thuyết) mới, mang lại một nguyên lý dễ hiểu làm thay đổi những nguyên lý và quy tắc chi phối các lý thuyết. Những sáng tạo về tư duy ấy đồng thời cũng làm thay đổi cách nhìn sự vật của chúng ta, thế giới quan của chúng ta và ngay cả tính hiện thực của thế giới này” [90; 355].
Tư duy sáng tạo thông thường là hoạt động tư duy sáng tạo ra các tri thức, tư tưởng, các mô hình tri thức không khác về mặt nguyên lý so với các tri thức, tư tưởng đã có. Tuy nhiên, kết quả của nó sẽ tác động và làm thay đổi quan niệm, lối nghĩ hay cách thức hoạt động của con người trong những phạm vi nhất định của đời sống. Cũng như C. Mác nói con người phải thực hiện sản xuất từng giờ để duy trì đời sống, tư duy sáng tạo thông thường cũng là hoạt động con người cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục trong cuộc sống để những cái mới tiến bộ không ngừng sinh sôi, nảy nở. Tư duy sáng tạo thông thường giúp con người đưa ra những giải pháp mới trong cuộc sống để cải tiến công việc, mối quan hệ (cải tiến công nghệ, sáng chế kĩ thuật, sáng kiến nghề nghiệp...); những quan niệm sống, cách sống giúp con người thay đổi lối nghĩ, thói quen để hạnh phúc hơn.
Tư duy sáng tạo bậc cao sản xuất ra các tư tưởng làm thay đổi nền tảng quan niệm của con người, hay các mô hình tri thức khác về nguyên lý với những mô hình đã có; ở mức cao nhất thậm chí thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan của con người xã hội. Loại tư duy sáng tạo bậc cao thuộc về các tài năng, thiên tài, vĩ nhân trong lịch sử. Sản phẩm của tư duy sáng tạo bậc cao mang ý nghĩa xã hội to lớn, có thể làm thay đổi theo chiều hướng tiến bộ phương thức tồn tại, ý nghĩa của một lĩnh vực xã hội hoặc toàn xã hội, tạo ra những bước ngoặt lịch sử quan trọng thúc đẩy xã hội tiến bộ, phát triển. Những phát minh khoa học (thuyết nhật tâm, thuyết tương đối), những sáng chế kĩ thuật có ý nghĩa lớn, những tác phẩm nghệ thuật có ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội...đều thuộc về tư duy sáng tạo bậc cao.
Để đánh giá được trình độ của tư duy sáng tạo cần căn cứ vào đối tượng mà tư duy cải biến; cách thức tạo ra sản phẩm sáng tạo và quan trọng hơn cả là giá trị xã hội mà kết quả của tư duy sáng tạo đem lại. Giá trị xã hội của sản phẩm sáng tạo càng lớn, càng có ích cho nhân loại thì trình độ sáng tạo càng cao. Vấn đề có tính quy luật là: trình độ tư duy sáng tạo càng cao đem lại giá trị cho nhân loại càng lớn, đòi hỏi nền kiến thức rộng, thời gian sáng tạo kéo dài và việc thẩm định càng chậm. Vì vậy, tư duy sáng tạo bậc cao nhiều khi là cuộc chạy tiếp sức của nhiều người, nhiều thế hệ.
Dựa vào các lĩnh vực hoạt động sáng tạo, có thể phân loại tư duy sáng tạo
thành một số loại hình cơ bản: tư duy sáng tạo khoa học, tư duy sáng tạo nghệ
thuật, tư duy sáng tạo kĩ thuật và tư duy sáng tạo trong cuộc sống đời thường
Ngoài ra, còn có nhiều loại hình tư duy sáng tạo trong các lĩnh vực đa dạng của đời sống như kinh tế, chính trị, giáo dục, pháp luật...Trong các hoạt động sáng tạo đó, tư duy sáng tạo thể hiện tính phong phú, đa dạng, độc đáo của mình trong phương thức sáng tạo ra tri thức và tư tưởng, cũng như hình thức biểu hiện của tri thức, tư tưởng. Trong các lĩnh vực khác nhau, tư duy sáng tạo có những đặc điểm khác nhau về đối tượng phản ánh, phương thức phản ánh sáng tạo và sản phẩm. Nghiên cứu những biểu hiện đặc thù của tư duy sáng tạo trong các lĩnh vực sẽ
giúp ta hiểu hiểu rõ hơn bản chất của tư duy sáng tạo thông qua những thể hiện đa dạng, nhiều vẻ, nhiều sắc thái của nó.
Chính vì lý do đó, chương tiếp theo của luận án sẽ tiếp tục đi sâu phân tích và làm rõ tính đặc thù của tư duy sáng tạo trong những lĩnh vực cụ thể. Cho nên, trong cách phân loại tư duy sáng tạo ở đây, luận án không trình bày cụ thể biểu hiện riêng của tư duy sáng tạo trong các lĩnh vực đó. Tuy nhiên do tính đa dạng, phức tạp của các lĩnh vực trong đời sống mà việc chỉ ra những biểu hiện đặc trưng của tư duy sáng tạo trong các lĩnh vực này là công việc rất khó. Luận án ở đây chỉ lựa chọn ba loại hình tư duy sáng tạo cơ bản để nghiên cứu là: tư duy sáng tạo trong khoa học, tư duy sáng tạo trong nghệ thuật và tư duy sáng tạo trong cuộc sống đời thường.
Kết luận chƣơng 2
Tư duy là quá trình con người phản ánh bản chất của thế giới khách quan vào bộ óc con người trên cơ sở thực tiễn để tạo ra tri thức, tư tưởng. Cùng với sự vận động của thực tiễn, sự đạt tới chân lý và giá trị của tư duy là một quá trình biện chứng. Nhờ năng lực tư duy, hoạt động của con người trở thành hoạt động sáng tạo. Quá trình sáng tạo cũng đồng thời là quá trình tạo ra giá trị mới trong cuộc sống của con người, làm thay đổi phương diện tồn tại vật chất lẫn tinh thần của đời sống loài người.
Tư duy sáng tạo là khía cạnh không thể thiếu trong hoạt động sáng tạo, là
phương diện tinh thần của hoạt động sáng tạo. Tư duy sáng tạo là tư duy hoạt
động sản sinh ra những quan niệm, tư tưởng mới và có giá trị. Tư duy sáng tạo không phải là một tài năng thiên bẩm hay món quà của sự may mắn, tình cờ mà là quá trình có tính quy luật.Tư duy sáng tạo có vai trò định hướng, mô hình hóa sản phẩm sáng tạo. Tư duy sáng tạo đóng vai trò như một động lực cơ bản cho sự phát triển, tiến bộ của xã hội loài người.