Bản chất của nghệ thuật và đặc trưng của tư duy nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) một số vấn đề triết học về tư duy sáng tạo (Trang 91 - 97)

CHƢƠNG 3 : MỘT SỐ LOẠI HÌNH TƢ DUY SÁNG TẠO CHỦ YẾU

3.2. Tƣ duy sáng tạotrong nghệ thuật

3.2.1. Bản chất của nghệ thuật và đặc trưng của tư duy nghệ thuật

Mặc dù khoa học có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người nhưng khoa học không thể thay thế được nghệ thuật. Trong lịch sử phát triển của mỹ học tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về nghệ thuật. Câu hỏi nghệ thuật xuất phát từ đâu, bản chất và mục đích của nó là gì tiếp diễn trong suốt chiều dài của lịch sử tư tưởng mỹ học. Ở thời cổ đại Hi Lạp, Plato cho rằng nghệ thuật là sự biểu hiện của tình cảm thần thánh, sáng tạo nghệ thuật là do “thần nhập”, do linh cảm, “các nhà thơ không phải cái gì khác hơn là người phát ngôn cho thần thánh” [58; 9]. Ông phê phán “thuyết bắt chước” trong nghệ thuật và cho rằng thế giới tự nhiên chỉ là “cái bóng” của ý niệm, nghệ thuật bắt chước tự nhiên thì nghệ thuật chỉ là cái bóng của cái bóng. Đối lập với quan điểm của Plato, học trò của ông là Aristoteles lại cho rằng nghệ thuật là sự “bắt chước” sự tinh xảo, khéo léo của giới tự nhiên để tạo ra những sản phẩm mới. Nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống hiện thực của con người. Đến thời kì Phục hưng và Khai sáng, các nhà tư tưởng đã khẳng định tính nhân bản và tính chất hiện thực sống động của nghệ thuật.

Trong triết học cổ điển Đức, Kant coi nghệ thuật năng lực phản tư của cái tôi nhằm vươn tới cái đẹp và sự hoàn thiện. Hêghen cho rằng nghệ thuật là một

hình thức thể hiện của tinh thần tuyệt đối. Ông phân biệt cái đẹp tự nhiên và cái đẹp nghệ thuật. Cái đẹp tự nhiên là chân lý được thực hiện trong các chất liệu cảm tính, trong các sự vật cụ thể, riêng lẻ như hình dạng biểu hiện trong bầu trời, cánh đồng, sông suối. Còn cái đẹp nghệ thuật là cái đẹp có sự sắp xếp, xử lý bằng tinh thần, là tinh thần được thể hiện bằng hình ảnh.

Các nhà dân chủ cách mạng Nga thế kỉ XIX đã đưa nghệ thuật trở về cội nguồn của nó là cuộc sống con người. Nghệ thuật phản ánh mối quan hệ giữa con người với thế giới, giữa con người với con người. Theo Chernyshevsky, nghệ thuật không phải chỉ là vương quốc của cái đẹp mà là sự phản ánh đời sống sinh động, đa dạng. Cái đẹp tự nhiên chính là nguồn gốc của cái đẹp trong nghệ thuật. Tuy nhiên, do quan niệm máy móc, họ đã coi “giá trị cao nhất của nghệ thuật là bản sao cuộc sống - nghệ thuật chính là cuộc sống” [58; 233].

Mỹ học phương Tây hiện đại thế kỉ XX có nhiều cách tiếp cận mới, đa dạng về bản chất của nghệ thuật. Họ đã khám phá ra nhiều yếu tố trong sáng tạo nghệ thuật như trực giác, vô thức, linh cảm. Nghệ thuật khám phá những vùng bí ẩn, sâu kín trong đời sống tinh thần, tâm linh của con người, về những điều bí ẩn chưa từng được biết đến trước đây. Sự phát triển, đổi mới không ngừng các quan niệm về nghệ thuật xuất phát từ sự phát triển của nghệ thuật, thể hiện “nhu cầu bất tận trong sự khám phá thế giới cũng như trong sự tự thể hiện bản chất của con người” [58; 235].

Mỹ học Mác - Lênin trên cơ sở cách tiếp cận duy vật biện chứng coi nghệ thuật là phương thức phản ánh hiện thực và vận động theo quy luật của hiện thực. Nghệ thuật bắt nguồn từ lao động và từ nhu cầu tinh thần bậc cao của con người, là sự biểu hiện của bản chất người.

Con người trong quá trình lao động không chỉ có nhu cầu tạo ra đối tượng vật chất trực tiếp phục vụ cuộc sống của mình mà còn có nhu cầu “tinh thần hóa” đối tượng vật chất hiện thực. Như C.Mác nói con người còn nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp. Con người có nhu cầu lưu giữ, tái hiện hình ảnh và nhịp sống của hiện thực với những nhịp điệu, đường nét, âm thanh vào trong kinh nghiệm, kí ức và cải biến chúng thành những biểu tượng tinh thần. Những

biểu tượng này ban đầu còn mang tính chất “mô phỏng” quá trình lao động, dần dần nó được biến đổi. Lao động không chỉ giúp mài sắc, “đào luyện” các giác quan giúp con người cảm nhận cái đẹp, lao động còn cung cấp các chất liệu cho sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật là sự phản ánh hiện thực.

Nhưng con người không chỉ có nhu cầu tái hiện, nhận thức cuộc sống sinh động, “vĩnh cửu hóa” những cái đã qua mà còn mong muốn “vượt thoát khỏi thế giới hiện thực”, hướng đến tương lai và sự bất tử. Nghệ thuật còn là sự hướng vào thế giới tinh thần bên trong của con người, khám phá nhu cầu, khát vọng sâu xa trong nội tâm. Chính sự cảm nhận về tính hữu hạn của sinh tồn mà con người sáng tạo nghệ thuật để vươn tới cái vô hạn, bất diệt. Nghệ thuật “thâu thái bản chất tinh thần nhân bản”. Những câu hỏi căn bản về cuộc sống con người không chỉ liên quan đến ăn, mặc, ở mà còn liên quan đến mục đích, ý nghĩa cuộc sống: sống để làm gì, sống như thế nào khi phía sau sự sống là cái chết. Chính trong nghệ thuật, bằng hư cấu, tưởng tượng, con người thực hiện khát vọng về sự bất tử, vượt thoát khỏi không gian và thời gian hữu hạn của kiếp sinh tồn. Như Kant từng nhận định: cũng như các hình thái nhận thức dựa trên khả năng phán đoán, nghệ thuật cũng là khả năng con người tự nhận thức mình, tìm thấy mình và biết được mình. Do đó, mục đích của nghệ thuật là hướng con người đến cái đẹp và sự hoàn thiện nhân cách, bản chất người. “Cái đẹp là đất sống và là bản chất của nghệ thuật vì nó dưỡng sinh nòi giống, dưỡng sinh dân tộc, dưỡng sinh đời sống đã tạo ra cái đẹp đa dạng, phong phú” [58; 241].

Ngay từ thời cổ đại, các nhà triết học Hi Lạp đã chỉ ra ý nghĩa của nghệ thuật là ở sự thanh lọc tâm hồn (Katharsis). Ở thế kỉ VI, Pitago nói đến Katharsis như sự thanh lọc tâm lý con người khỏi dục vọng. Plato gắn thanh lọc với ý niệm về cái đẹp, tất cả các thiếu sót đều được sửa chữa bằng con đường thanh lọc. Aristoteles thì cho rằng dùng bi kịch thông qua sự khủng khiếp và xót thương để giáo dục đạo đức cho con người, làm trong sạch tâm hồn của họ. Đến thời cận đại, Kant cho rằng: mục đích của nghệ thuật là giúp con người vươn ra khỏi trạng thái tự nhiên, chuyển vào trạng thái đạo đức, đạo đức nâng con người lên trên tính tất yếu tự nhiên.

Mục đích của nghệ thuật là hướng con người đến sự hoàn thiện chính bản thân mình, đến các giá trị cơ bản và cốt lõi của cuộc sống là Chân - Thiện - Mỹ. Nếu khoa học thông qua sự tìm kiếm chân lý để khai sáng về tri thức và trí tuệ thì nghệ thuật hướng đến sự thức tỉnh nội tâm bên trong con người thông qua việc khẳng định những giá trị cốt lõi của đời sống người. Nghệ thuật phản ánh thế giới ở cấp độ con người, thông qua sự soi chiếu thế giới từ bên trong con người, do đó, thế giới nghệ thuật là thế giới con người theo hệ quy chiếu của cái đẹp. Sản phẩm nghệ thuật không phục vụ nhu cầu vật chất mà phục vụ nhu cầu tinh thần, nhu cầu tự ý thức về tâm hồn mình. Nghệ thuật phản ánh cuộc sống nhưng không phải là bản sao của cuộc sống mà thông qua cuộc sống được diễn tả để nói lên lý tưởng sống, hướng con người đến cái tốt đẹp. Nghệ thuật có thể mô tả về cái ác, xấu, cái giả dối nhưng mục đích là để thức tỉnh lương tâm con người về cái thiện, cái đúng, cái đẹp.

Như vậy, bản chất của nghệ thuật là phản ánh thế giới, là sự thăng hoa của bản chất người, là phương thức con người tìm kiếm ý nghĩa, mục đích cuộc sống. Giá trị nghệ thuật đồng thời bao hàm tính chân lý, nhưng “không thể tách bạch cái gọi là chân lý khoa học hay chân lý nghệ thuật” [58; 276]. Một tác phẩm nghệ thuật chân chính phản ánh chân thực cuộc sống, khám phá sâu sắc thực chất cuộc sống và con người, do đó, đều chứa đựng chân lý khách quan. Nó không chỉ phản ánh thời đại mà nó sinh ra mà còn có ích cho tương lai. Cả chân lý khoa học lẫn chân lý nghệ thuật đều không tách rời cái thiện, cái đẹp. Nhưng chân lý nghệ thuật còn là: “sự hiệu triệu có tính mục đích. Sự đúng đắn của tính mục đích còn gọi là chân lý mục đích” [58; 281]. Đó là sự khác biệt của sự thật nghệ thuật với chân lý khoa học. Khoa học mong muốn thể hiện bản chất thế giới khách quan như chính nó. Còn nghệ thuật thông quan phản ánh cái đúng, cái chân xác còn “kêu gọi” con người theo đuổi và hành động theo chân lý, thức tỉnh “sứ mệnh của chính con người đối với toàn bộ cái tồn tại và cái mong muốn trong thế giới” [58; 282].

Nguồn gốc, bản chất của nghệ thuật quy định những đặc trưng của tư duy nghệ thuật. Tư duy nghệ thuật phản ánh thế giới một cách đặc thù. Tư duy nghệ

thuật không đối lập tuyệt đối với các loại hình tư duy khác. Sáng tạo nghệ thuật cần đến cả tư duy lôgic và tư duy hình tượng, tư duy trực quan và các yếu tố tinh thần khác như trực giác, tưởng tượng, vô thức, linh cảm. Tuy nhiên, đặc trưng của tư duy nghệ thuật là tư duy hình tượng. Như Hegel khẳng định, khác với khoa học và tôn giáo, cái đẹp nghệ thuật là ý niệm được thể hiện trong hình tượng, nghệ thuật là sự cụ thể hóa ý niệm bằng hình tượng. Thế giới nghệ thuật là thế giới của những hình tượng muôn màu, muôn vẻ: “phản ánh thế giới bằng hình tượng là đặc trưng bản chất của nghệ thuật” [58; 256].

Hình tượng nghệ thuật là sự thống nhất giữa cái chủ quan và cái khách quan, giữa tính cụ thể và tính khái quát, cảm tính và lý tính, tính phổ biến và tính đặc thù. Cái khách quan thể hiện ở chỗ hình tượng nghệ thuật chính là chân lý của đời sống được tái hiện một cách sinh động. Tiêu chuẩn đánh giá tính khách quan nằm ở tính hợp lý của hình tượng nghệ thuật với lí tưởng xã hội, với bản chất của đời sống và con người, với những giá trị cốt lõi mà con người hằng theo đuổi. Tuy nhiên, trong nghệ thuật chủ thể đồng hóa thế giới bằng cả lý trí, tài năng và tình cảm. Hình tượng nghệ thuật không chỉ thể hiện sự phát hiện và đánh giá của chủ thể mà còn thể hiện tình cảm, thái độ, niềm tin của chủ thể trước cuộc sống và số phận con người. Chủ thể cấu thành yếu tố quan trọng của sáng tạo nghệ thuật. Sáng tạo hình tượng nghệ thuật phụ thuộc vào kinh nghiệm sống, năng lực phán đoán, tình cảm, khả năng biểu hiện và phương pháp sáng tác của người nghệ sĩ.

Đặc điểm nổi bật của hình tượng nghệ thuật là sự thống nhất giữ tính cụ thể và tính khái quát, điển hình. Tính cụ thể thể hiện ở tính chi tiết, sống động, tính cá biệt, đơn nhất, độc đáo, không lặp lại của hình tượng nghệ thuật. Tuy nhiên, nghệ thuật không phải bản sao cuộc sống, nghệ sĩ bao giờ cũng phải chọn lọc chi tiết chứa đựng tính phổ biển, bản chất để sáng tạo nên những hình tượng điển hình. Tính cụ thể của hình tượng nghệ thuật đồng thời biểu hiện tính tính phổ biến ở mức độ sâu sắc. Nếu khoa học lấy cái chung, phổ biến để giải thích cái phong phú muôn màu, muôn vẻ thì nghệ thuật lấy cái độc đáo để biểu hiện cái phổ biến. Khoa học dùng cái tất yếu để giải thích cái ngẫu nhiên thì hình tượng

nghệ thuật lấy cái ngẫu nhiên để biểu hiện cái tất yếu. Nghệ thuật “nói hiện tượng để bộc lộ bản chất, dùng cảm xúc để biểu hiện lý tưởng” [58; 258].

Hình tượng nghệ thuật có tính chỉnh thể - toàn vẹn. Cấu trúc của hình tượng nghệ thuật bao gồm ba cấp độ: cấp độ vật chất (ngôn từ, âm thanh, màu sắc, ánh sáng, hình ảnh), cấp độ tâm lý (tình cảm, cảm xúc) và cấp độ tư tưởng - trừu tượng (tư tưởng nghệ thuật) tạo nên tính toàn vẹn, sinh động của hình tượng nghệ thuật như “một đơn vị cuộc sống lý tưởng”.

Đặc trưng của tư duy nghệ thuật còn thể hiện thông qua ngôn ngữ nghệ thuật mang tính ước lệ - tượng trưng và đa nghĩa, trong khi đó ngôn ngữ của khoa học mang tính chính xác, đơn nghĩa, chuyên môn hóa. Ngôn ngữ nghệ thuật không chỉ là lời nói hay chữ viết mà bao gồm nhiều chất liệu thuộc loại hình nghệ thuật. Ngôn ngữ của âm nhạc là âm thanh, giai điệu. Ngôn ngữ của tranh vẽ là màu sắc, đường nét. Ngôn ngữ của điêu khắc là hình khối. Ngôn ngữ của văn học là ngôn từ. Tính ước lệ - tượng trưng trong ngôn ngữ nghệ thuật chứa đựng tín hiệu bản chất của sự vật, hiện tượng được mô tả, mang thông điệp chứa đựng nội dung khái quát, giúp cho phản ánh nghệ thuật vừa đạt đến chiều sâu của sự khái quát vừa phong phú, uyển chuyển, hiệu quả hơn. Ngôn ngữ nghệ thuật còn mang nhiều tầng nghĩa, mang tính gợi mở, liên tưởng rộng, “ý tại ngôn ngoại”, do đó, ý nghĩa của văn bản nghệ thuật còn phụ thuộc vào người thưởng thức. Nghệ thuật phản ánh cuộc sống một cách đa diện, hình tượng nghệ thuật toàn vẹn được thể hiện qua cái nhìn của tác giả, nhưng nhiều chiều cạnh còn để ngỏ, gợi ra những liên tưởng, sáng tạo nơi người cảm thụ. Trong tác phẩm nghệ thuật, người nghệ sĩ không phô bày mọi thứ mà để “hiện thực tự nó nói lên” nên tác phẩm nghệ thuật luôn chứa đựng những suy tư mới mẻ. Ở các thời đại khác nhau, người cảm thụ đều có thể tìm thấy những hạt nhân hợp lý, phù hợp của một tác phẩm nghệ thuật chân chính.

Như vậy, tư duy nghệ thuật là tư duy hình tượng, ngôn ngữ của tư duy ấy mang tính tượng trưng, ước lệ, nhiều tầng nghĩa. Giá trị của tác phẩm nghệ thuật thể hiện thông qua cách nhìn nhận, thái độ của người nghệ sĩ trước cuộc sống, ở khả năng xây dựng những hình tượng độc đáo, điển hình. Nghệ thuật đồng hóa

thế giới bằng lý trí và tình cảm. Do đó, giá trị của tác phẩm nghệ thuật được đánh giá thông qua quá trình cảm nghiệm. Nó cũng luôn hàm chứa những sản phẩm phụ ngoài chủ ý của tác giả tạo ra.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) một số vấn đề triết học về tư duy sáng tạo (Trang 91 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)